Chi tiết tin tức

Nét thuần Việt ở một hệ phái Phật giáo Việt Nam

15:33:00 - 10/08/2015
(PGNĐ) -  Phật giáo Việt Nam được bắt nguồn hơn 2.000 năm từ Ấn Độ truyền vào, rồi từ phương Bắc truyền sang, theo hệ phái Bắc truyền Đại thừa. Từ đó, phát triển theo con đường mở mang bờ cõi lần xuống phương Nam. Trải qua hơn 2.000 năm ấy, đất nước mở rộng đến tận mũi Cà Mau, thì Phật giáo cũng theo bước chân những người di dân mà lan tỏa khắp chốn.

Ảnh mang tính chất minh họa

 

Bước đường di chuyển ấy, dân tộc ta hòa nhập với thổ nhưỡng, giao thoa với những sắc thái văn hóa địa phương mà tính cách, giọng nói, sinh hoạt có thay đổi theo phong thổ, nhưng ý chí, tinh thần dân tộc thì không khác nhau. Đó là điểm đặc biệt của của người Việt, cho dù họ chu du năm châu bốn biển thì bản chất Việt vẫn không bị mài mòn trong con người họ.

Phật giáo Việt Nam cũng thế, từ phương Bắc theo chân người mở cõi, Phật giáo đã lan vào đất Ngũ Quảng với một sắc thái khác hẳn Phật giáo miền Bắc. Rồi Phật giáo tiếp tục mở cõi di dân vào Nam Kỳ lục tỉnh. Khi Phật giáo miền Trung lan đến xứ này, giao thoa với người Khmer bản địa với sắc thái Phật giáo Nam truyền Theravada, thì phát sinh ra những hình thái Phật giáo mới, trong đó, nổi bật lên một hình thái giao thoa, hòa quyện tính cách của cả hai hệ phái chính Bắc tông và Nam tông, đó là Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam, một hệ phái mang hình thức Nam truyền Theravada, nhưng sự hành trì lại thuần chất Việt và mang tính chất của Đại thừa Phật giáo Bắc truyền.

Qua khảo sát, chúng ta có thể thấy được giai đoạn lịch sử ra đời của hệ phái này bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của người dân Việt thuần phác ở mảnh đất phương Nam, mong muốn độc lập tự chủ về tư tưởng, không lệ thuộc vào văn tự Hán truyền của tầng lớp phong kiến triều đình, cũng không muốn bản địa hóa bởi Phật giáo Nam truyền sử dụng văn tự Pali, hay vướng mắc vào thời thế bởi tiếng Pháp của thực dân đô hộ. Họ đã có một sáng tạo tuyệt vời dựa trên cơ sở tiếng Việt, diễn đạt bằng chữ Quốc ngữ mà phổ biến giáo lý căn bản của Phật giáo vào cộng đồng dân Việt đang có xu thế phản kháng những nền văn hóa ngoại, làm lu mờ bản chất Việt. Đó là một cuộc cách mạng tư tưởng trong trào lưu dùng chữ Quốc ngữ thuần Việt, nhằm mở đường cho một nền Văn hóa thuần Việt, thoát khỏi những ách lệ thuộc của thực dân phong kiến.

Tổ sư Minh Đăng Quang, người khai sáng ra hệ phái, đã nhìn thấy người dân Việt thuần phác bấy giờ, không thể có đủ điều kiện đến trường lớp để học tập cái chữ, mà có cái chữ, chắc gì đã học hỏi nghiên cứu được kinh Phật vốn là một nền tảng triết lý thâm diệu sâu sắc. Vả lại, triết lý ấy lại nằm trong các cổ ngữ Pali, Hán, và ngoại ngữ Pháp, Anh, còn chữ Quốc ngữ là một ngôn ngữ mới, đâu phải ai cũng có điều kiện đến trường lớp của Thực dân mà học. Mang tâm niệm hoài bão phải làm thế nào để giáo lý Đức Phật đến gần hơn với nhân dân lao động, cũng là cách mà người tu sĩ Phật giáo Khất Sĩ tiếp cận quần chúng bằng ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ của người dân lao động, ngôn ngữ mà họ đang sử dụng sinh hoạt hằng ngày. Đây là điều kiện trưởng thành của một hệ phái mới phát xuất từ tầng lớp bình dân, có sức lan tỏa mạnh mẽ thời ấy, bởi vì, ứng hợp với hoàn cảnh, điều kiện của nhân dân muốn tìm đến với một nền giáo lý dễ hiểu của đạo Phật.

Một đặc điểm nữa của hệ thống giáo lý Khất sĩ, đó là tính khế hợp dân gian về thể loại văn vần. Hầu hết giáo lý căn bản của hệ phái nằm trong bộ Chơn Lý do Tổ sư Minh Đăng Quang soạn, ngắn gọn và dễ hiểu. Nghi thức tụng niệm và các bài kệ diễn đạt các giáo lý căn bản đều sử dụng tiếng Việt thuần túy, lại gần gũi và dễ nằm lòng nhờ thể loại văn vần. Thể loại này phù hợp người dân Nam Bộ, vừa lao động, vừa ngâm nga kinh kệ nằm lòng ấy, giống như họ thường ngâm nga thơ Lục Vân Tiên, Truyện Kiều mà tự răn mình, răn đời. Thể loại văn vần này còn được sử dụng rộng rãi ở Nam Bộ trong các giáo phái khác như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài.

Chiếc áo bá nạp mà Tổ sư Minh Đăng Quang đắp trên người cũng là một đặc điểm riêng của Hệ phái Khất Sĩ. Thời ấy, ngoại trừ các vị Sư sãi Khmer tiêu biểu cho Phật giáo Nam truyền, còn lại là chùa chiền và Sư tăng đều là hệ phái Bắc truyền, đa phần thiên về cúng bái lễ nhạc với sắc phục mang tính cung đình. Bản chất người dân Nam Bộ là thật thà, đơn giản, tâm nghĩ thế nào thì bề ngoài của họ cũng thể hiện như thế ấy, nên họ mong chờ nhìn thấy hình bóng một nhà Sư dân dã hơn, gần gũi với họ hơn. Hình bóng vị Sư với chiếc y bá nạp không phải Nam tông cũng chẳng giống Bắc tông, giảng thuyết giáo lý Phật giáo bằng thi kệ văn vần tiếng Việt, hằng ngày đi bộ chân đất khất thực, đã làm xúc động tâm hồn dân dã của họ, và thế là Đạo Phật Khất Sĩ ra đời đã chiếm được cảm tình của đa số tầng lớp bình dân ở vùng đất này. Thêm vào đó, trụ xứ sinh hoạt của Hệ phái Khất Sĩ là một đặc điểm khác với chùa chiền truyền thống Việt Nam, nhưng là một nét rất Việt Nam, bởi tịnh xá không mang sắc thái thuần túy như chùa Khmer hay cổ kính phong kiến như chùa Bắc tông. Đó là điểm thu hút quần chúng đến với hệ phái mà không có một kiểu cách bắt buộc nào. Kiến trúc ngôi tịnh xá ban đầu đơn sơ tre lá mộc mạc với hình trụ tám cạnh, là chỗ để tập hợp giảng đạo tụng kinh, không chuông mõ nhạc khí, các nhà Sư giảng đạo không ở cố định một tịnh xá nào, cũng làm cho tín đồ không ràng buộc lệ thuộc vào một ai. Đó là tính chất đặc thù của chư Tăng thời Phật tại thế được thể hiện qua hình bóng các nhà Sư Khất sĩ thuần Việt đã dễ dàng đi vào lòng người và hệ phái nhanh chóng lan tỏa theo chân các nhà Sư Khất sĩ ra đến miền Trung nước Việt.

Với ba đặc điểm trên đây, Hệ phái Khất Sĩ đã tạo nên chỗ đứng vững chãi trong quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam thời cận đại. Một hệ phái dù mới phát triển thời cận đại, chưa có lịch sử dài lâu, nhưng là một hệ phái Phật giáo có xuất phát điểm từ Việt Nam, mang tính cách Việt Nam, đã hòa cùng bao thăng trầm của dân Việt trong những cuộc đấu tranh chống áp bức bất công. Bằng giáo lý văn vần thuần Việt của mình, Tổ sư Minh Đăng Quang và các đệ tử của Ngài đã đi chung con đường lịch sử với Phật giáo, góp phần mình cùng với Phật giáo Việt Nam chung tay hóa giải nỗi đau, xây dựng một xã hội nhân văn bằng từ bi và trí tuệ của người con Phật, xứng đáng là một hệ phái chính danh trong ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam vậy.

Nguồn: Hoằng pháp Hà Nội

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin