Chi tiết tin tức Truy tìm tung tích Tôn Ngộ Không có thật trong lịch sử 22:13:00 - 13/09/2014
(PGNĐ) - Một số học giả cho rằng, hình ảnh Tôn Ngộ Không thực chất được phỏng theo “thần khỉ” trong Ấn Độ giáo, có tên là Hanuman.
Bộ phim Tây Du Ký từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của rất nhiều người chúng ta. Và hình ảnh một Tôn Ngộ Không – Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung giúp Đường Tăng đi lấy kinh đã hằn sâu vào tâm thức của không biết bao nhiêu em nhỏ. Vậy Tôn Ngộ Không là ai, liệu Tôn Hành Giả đi Tây Trúc thỉnh kinh có thật trong lịch sử hay không? Nhiều người trong chúng ta thường cho rằng, Tôn Ngộ Không chỉ là một nhân vật giả tưởng do Ngô Thừa Ân sáng tạo ra. Trong tác phẩm Tây Du Ký nổi tiếng, Tôn Ngộ Không được khắc họa với hình hài của một con khỉ đá trường sinh bất tử, sở hữu những khả năng phi thường. Ảnh: Hình ảnh Tôn Ngộ Không trên bìa một cuốn truyện cổ của Trung Quốc. Cụ thể, Tôn Ngộ Không được sinh ra từ một tảng đá ma thuật hấp thụ tinh hoa của vũ trụ, trời đất. Khi sinh ra, Tôn Ngộ Không thông minh lanh lợi, sớm trở thành Mĩ Hầu Vương của Hoa Quả Sơn. Sau đó, Mĩ Hầu Vương theo học phép thuật của Bồ Đề Tổ sư, học được hầu quyền và 72 phép biến hóa, tự do bay lượn trên mây, lộn một vòng đi xa tới 10 vạn 8 ngàn dặm (khoảng 54 ngàn km). Tôn Ngộ Không sau khi có võ nghệ cao cường đã từng lên trời làm quan chăn ngựa (Bật Mã Ôn) và được phong Tề Thiên Đại Thánh. Nhưng khi không được mời tới hội bàn đào và chức quan của mình quá nhỏ đã tức giận bỏ về Hoa Quả Sơn. Mĩ Hầu Vương thậm chí sau đó còn đại náo thiên cung, ăn trộm đào tiên và linh đan trường sinh bất tử của Thái Thượng Lão Quân. Kết thúc nửa phần đầu của cuộc đời, Tôn Ngộ Không bị Phật Tổ Như Lai trừng phạt vì sự ngông cuồng của mình khi nhốt dưới núi trong 500 năm. Tề Thiên Đại Thánh được Đường Tăng giác ngộ, trở thành đại đệ tử của ông đi thỉnh kinh ở Tây Trúc. Tôn Ngộ Không từ đó dốc lòng bảo vệ sư phụ, tiễn trừ yêu quái và cuối cùng đã thành công, được phong là Đấu Chiến Thắng Phật. Tôn Ngộ Không là sáng tạo nghệ thuật của Ngô Thừa Ân song thực tế, nhân vật này có gốc gác từ đâu vẫn luôn là một dấu hỏi làm đau đầu các nhà nghiên cứu. Một số học giả cho rằng, hình ảnh Tôn Ngộ Không thực chất được phỏng theo “thần khỉ” trong Ấn Độ giáo, có tên là Hanuman. Căn cứ được đưa ra chính là những ghi chép có thật của pháp sư Huyền Trang – nhân vật lịch sử có thật của Đường Tam Tạng trong Tây Du Ký. Theo đó, Hanuman là vua khỉ, một anh hùng vô cùng trung thành với Rama và là biểu tượng của lòng dũng cảm. Ảnh: Thần khỉ Hanuman trong Ấn Độ giáo. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ Trung Quốc còn phát hiện ra dấu tích khác về nguồn gốc của Tôn Ngộ Không từ những bức bích họa có niên đại hơn 1.000 năm tuổi trong động Thiên Phật (cách Tây An, Cam Túc khoảng 90km). Trong các bức hình, người ta thấy cảnh một vị hòa thượng và “hầu hình nhân” (một sinh vật có hình hài giống khỉ) đang nghiêm trang chắp tay hành lễ, hướng mặt về phía Phật Bà Quan Âm. Bốn bức hình khác khắc họa chi tiết về chuyến thỉnh kinh của 2 thầy trò hòa thượng, khá giống với truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Ảnh: Hình ảnh pháp sư Huyền Trang trên đường đi thỉnh kinh. Theo một nghiên cứu khác, Tôn Ngộ Không có thể là một người đàn ông có thật tên Thạch Bàn Đà, quê ở Tiên Dương, Trung Quốc. Vì có hình thù xấu xí, thô kệch, kỳ quái nên Thạch Bàn Đà có biệt danh là “hầu hình nhân”. Ảnh minh họa. Thạch Bàn Đà có võ nghệ cao cường, thông minh nhanh nhẹn và hay giúp đỡ người xung quanh, diệt trừ thú dữ. Năm 629, khi Huyền Trang đi thỉnh kinh ngang qua Tiên Dương, Thạch Bàn Đà được cảm hóa, nguyện theo tháp tùng Đường Tăng tới Tây Thiên lấy kinh. Tuy vậy, có thể nói, gốc tích thực sự của Tôn Ngộ Không cho tới nay vẫn là một ẩn số chưa lời giải…(Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Pantheon, Wikipedia…) (Theo Pháp luật Xã hội)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |