Chi tiết tin tức

Tư tưởng Bồ tát với sáu độ vô cực trong Lục độ tập kinh của Tổ Tăng Hội

08:11:00 - 17/06/2023
(PGNĐ) -  Lục độ tập kinh là những bài kinh được trình bày theo thể loại truyện tập trung thể hiện sáu pháp tu tập cao thượng vượt khổ đau thành tựu giác ngộ (chúng ta quen gọi là lục độ ba la mật).

Dẫn nhập

Hơn hai ngàn năm trước từ đầu công nguyên đạo Phật đã có mặt ở Việt Nam, tư tưởng Phật giáo Việt Nam dần dần được hình thành trong mối quan hệ khăng khít với tín ngưỡng bản địa, lan tỏa trong đời sống xã hội, có sức ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần tâm linh của người Việt ta. Nói như thế nghĩa là khi bàn đến toàn bộ tư tưởng Phật giáo Việt Nam hay tư tưởng Phật giáo Việt Nam trong một giai đoạn tức chúng ta nói đến tinh hoa tư tưởng Phật giáo được dân tộc ta tiếp thu dung hòa với tư tưởng, tín ngưỡng bản địa của người Việt và được biểu hiện ra trong đời sống xã hội.

Lục độ tập kinh là một tác phẩm kinh điển quan trọng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung, văn học Việt Nam, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng trong những năm đầu công nguyên được dân tộc ta tiếp thu, cải biên trên nền văn hóa tín ngưỡng bản địa để trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần tâm linh của người Việt ta vào đầu thế kỷ thứ III và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ xuyên suốt hai ngàn năm đối với tiến trình lịch sử tư tưởng dân tộc Việt Nam ta.

Chân dung Tổ Khương Tăng Hội (ảnh st)

1. Về Lục độ tập kinh.

Lục độ tập kinh là những bài kinh được trình bày theo thể loại truyện tập trung thể hiện sáu pháp tu tập cao thượng vượt khổ đau thành tựu giác ngộ (chúng ta quen gọi là lục độ ba la mật), đó là Bố thí độ vô cực, Trì giới độ vô cực, Nhẫn nhục độ vô cực, Tinh tấn độ vô cực, Thiền độ vô cực và Minh độ vô cực. Tập kinh này tổng cộng có tám quyển, chín mươi mốt truyện. Nếu trừ ba truyện tập trung luận về thiền và ba truyện kể về cuộc đời của đức Phật Thích Ca thì còn lại tám mươi lăm truyện.

2. Về Tổ Tăng Hội Việt Nam

Nói về ngài Khương Tăng Hội, Lịch sử Phật giáo Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Tài Thư chủ biên xác định ngài là một người ngoại quốc gốc ở Khương Cư (Sogdiane) sống và xuất gia học Phật ở Giao Châu rồi sang Trung Hoa truyền đạo, được xem như ông tổ của Thiền học Việt Nam[1].

Ở cương vị một Thiền sư, được hưởng pháp lạc từ ngài Tăng Hội, tác giả Nhất Hạnh nghiên cứu sâu hơn và trình bày về ngài Khương Tăng Hội với ngôn ngữ Thiền như sau: “Thiền sư Tăng Hội là tổ sư của Thiền tông Việt Nam. Thân phụ của thầy là người Khương Cư (Sogdiane, Bắc Ấn), mẹ thầy là người Việt. Mới hơn mười tuổi thì cả cha và mẹ đều qua đời, và thầy được nhận vào chùa làm chú tiểu.

Sa di Tăng Hội đã được học kinh Phật bằng tiếng Phạn và cũng đã được học chữ Hán. Lớn lên, thọ giới lớn[2], không những thầy tinh thông Phật học mà cũng tinh thông cả Nho học lẫn Lão học nữa. Vì tài liệu thiếu thốn, ta không biết thầy đã học đạo và hành đạo tại đạo tràng nào ở kinh đô Luy Lâu của Giao Chỉ, trước đó nội thuộc nhà Hán mà kinh đô là Lạc Dương, và sau năm 229, khi nhà Hán sụp đổ, thì nội thuộc vào nước Đông Ngô, một trong ba nước của đời Tam Quốc. Kinh đô Đông Ngô là Kiến Nghiệp, tức là Nam Kinh bây giờ”[3].

Trên cơ sở tìm hiểu kỹ về vị Sơ tổ của chính mình, ngài Nhất Hạnh đã khẳng định Thiền sư Khương Tăng Hội “đã thiết lập đạo tràng, huấn luyện đồ chúng và phiên dịch kinh điển tại Giao Chỉ. Trung tâm hành đạo của thầy có thể đã được thiết lập ở chùa Diên Ứng, còn gọi là chùa Dâu hay chùa Pháp Vân, ở thủ phủ Luy Lâu, tức phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Chùa Pháp Vân dựng gần nha môn của quan thái thú Sĩ Nhiếp, đã là một trung tâm hành đạo phồn thịnh cho đến triều nhà Lý, dù rằng sau đó Luy Lâu không còn là thủ phủ của Giao Châu nữa. Tăng sĩ người Giao Châu cư trú đông đảo ở đây và tu tập hành đạo dưới sự hướng dẫn của thiền sư Tăng Hội”…“Truyền thống của thầy Tăng Hội thành lập đã trở nên một thiền phái vững mạnh, tồn tại mãi tới đời Lý và sau đó đến đời Trần mới hòa nhập cùng các thiền phái như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường... vào thiền phái Trúc Lâm. Sách Thiền Uyển Tập Anh có cho biết là người đại diện cho thiền phái Tăng Hội ở thế kỷ thứ 12 là thiền sư Lôi Hà Trạch” [4].

Trước đây Thiền Uyển Tập Anh vẫn được coi là tập sách nói về khởi nguyên Thiền học Việt Nam, trình bày về Thiền phái Vô Ngôn Thông đầu tiên và khá chi tiết, trong khi Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi xuất hiện trước chỉ được nói đến sau và Thiền phái Thảo Điền là một Thiền phái đương thời lại chỉ được nêu ra hết sức sơ lược. Tuy vậy, khi trình bày về Thiền sư Thông Biện ở thế kỷ XII, đã dẫn lời ngài Thông Biện cho biết lúc bấy giờ Thiền sư Lôi Hà Trạch đang là người đại diện cho Thiền phái cùa ngài Khương Tăng Hội. Dựa trên những đầu mối như vậy và với sự nghiên cứu trong vòng vài chục năm trở lại đây, đến nay chúng ta đã có thể xác nhận rằng Thiền học của ngài Khương Tăng Hội chính là nguồn gốc của Thiền học Việt Nam.

 

Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

 

3. Tư tưởng Thiền học của Tổ Tăng Hội qua Lục độ tập kinh 

Ngài Khương Tăng Hội biên soạn Lục Độ Tập Kinh để trình bày lý tưởng của sáu hạnh nguyện trong việc tu hành của bậc bồ tát, được gọi là lục độ vô cực (độ là paramita theo tiếng Phạn), gồm có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Trong giai đoạn thuật ngữ Phật giáo mới bắt đầu được chế định lúc bấy giờ, ngài Khương Tăng Hội đã gọi sáu hạnh lý tưởng ấy là sáu độ vô cực. Tác phẩm này gồm tám quyển, ba quyển đầu nói về hạnh bố thí gọi là thí độ vô cực; quyển thứ tư nói về hạnh trì giới gọi là giới độ vô cực, quyển thứ năm nói về hạnh nhẫn nhục gọi là nhẫn độ vô cực, quyển thứ sáu nói về hạnh tinh tấn gọi là tinh tấn độ vô cực, quyển thứ bảy nói về hạnh thiền định gọi là thiền độ vô cực và quyển thứ tám nói về hạnh trí tuệ gọi là minh độ vô cực. Trong tài liệu này, chúng ta chỉ trình bày phần giới thuyết về Thiền độ vô cực, được tóm tắt như sau:

Thiền độ vô cực được định nghĩa là chính tâm, chuyên ý, tập trung mọi điều lành trừ khử những uế ác còn dính mắc. Thiền độ vô cực gồm có bốn cấp độ:

Nhất thiền: Trừ bỏ tham ái tà sự. Diệt năm sự ngăn che (ngũ triền cái): tham đắm, giận hờn, mê ngủ, lăng xăng, hối hận và nghi ngờ. Do chánh niệm, tâm trở nên thanh tịnh không cấu nhiễm, các loài trời, rồng và quỷ mị không đánh lừa được. Ðạt được nhất thiền cũng như người có mười loại oán thù đã thoát thân một mình lên núi chẳng ai hay biết, không còn sợ ai. Vì xa lìa được tính dục nên nội tâm vắng lặng.

Nhị thiền: Như người đã thoát thân một mình lên núi để tránh oán thù vẫn sợ oán thù tìm tới, hành giả tuy đã xa mười thứ dục nhưng vẫn sợ chúng tìm theo để lung lạc đạo tâm; hành giả không nên vui cái vui đã dùng thiện để diệt ác, thiện tiến thì ác lui, bởi cái vui này còn chứa mầm lo sợ. Phải trừ quan niệm thiện ác chống nhau khiến ý niệm vui và sợ đều diệt, điều ác tuyệt dứt, ngoại duyên không thể xâm nhập tâm mình. Như khi ở đỉnh núi cao không dòng nước nào gây lụt, cũng không có rồng làm mưa, chỉ có các dòng suối từ đó lưu xuất: chỉ có điều thiện phát xuất từ tâm, mắt tai mũi miệng không còn gây ác.

Tam thiền: Kiên cố giữ gìn tâm ý, thiện và ác đều không xâm nhập được; tâm an ổn như núi Tu Di. Thiện bên trong không hiện ra, thiện, ác và niết bàn bên ngoài không xâm nhập được. Tâm như hoa sen, rễ trong bùn, khi hoa chưa nở thì còn bị lấp dưới nước. Người thực hành tam thiền thanh tịnh như hoa, lìa xa ác niệm, thân tâm an ổn hướng về tứ thiền.

Tứ thiền: Ở đây thiện ác đều bỏ; tâm không nghĩ thiện, không nhớ ác, sáng sạch như ngọc lưu ly. Bồ tát tâm đoan chính đạt tứ thiền chúng tà không che lấp, tâm như lụa sạch dễ nhuộm các màu, như thợ gốm nhồi đất dẻo không cát sỏi nắn được mọi vật, như thợ bạc nấu chín vàng ròng chạm trổ theo ý. Bồ tát lòng ngay đạt tứ thiền tâm ý tự do, nhẹ nhàng bay nhảy, đạp nước mà đi, phân thân tán thế, biến hóa muôn hình, ra vào không hở, còn mất tự do, chạm mặt trời mặt trăng, chấn động đất trời, trông suốt nghe khắp.

Khi đã đạt tứ thiền, muốn đắc quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật cho đến trí sáng của các Đức Phật Như lai Chí chân Bình đẳng Chính giác Vô Thượng… thì cầu liền được. Đã đạt tới trí tuệ mà còn một lòng quyết chí gần gũi độ đời, thì đó là thiền độ vô cực nhất tâm của bồ tát vậy.

Mô tả cụ thể quá trình tu tập, Thiền độ vô cực cho biết: Khi năm thứ ngăn che bị đẩy lui thì ánh sáng chiếu tới. Tất cả các ác pháp đều tiêu diệt, ý chí tu đạo sẽ cường thịnh và hành giả đạt tới thiền thứ nhất. Từ thiền thứ nhất đến thiền thứ hai cần phải thực tập ba điều: siêng năng, duy trì chánh niệm và dụng công quán chiếu. Nhờ ba điều ấy mà hành giả lần lần thành tựu được thiền thứ tư.

Ở thiền thứ nhất, mười ác pháp đi lui, năm thiện pháp đi tới. Mười ác pháp là gì? Mắt đắm sắc, tai đắm thanh, mũi đắm hương, lưỡi đắm vị, thân đắm xúc, cộng với năm thứ ngăn che kể trên là mười ác pháp. Năm thiện pháp là gì? Đó là tầm, tứ, hỷ, lạc và tâm nhất cảnh. Năm thiện pháp này có mặt trong thiền thứ nhất thiền. Trong thiền thứ hai không còn tầm và tứ, giữ tâm nội quán, các thiện pháp phát hiện và duy trì từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài đi vào theo ngã mắt, tai, mũi và lưỡi. Lúc bấy giờ hai ý niệm thiện và ác không còn can thiệp đến nhau, tâm trú bên trong, chỉ còn hỷ và lạc. Trong thiền thứ ba không còn hỷ, tâm hướng về sự thanh tịnh, an nhiên vắng lặng, trạng thái mà đức Thế Tôn và các bậc hiền thánh la hán gọi là trạng thái có khả năng diệt dục và thanh tịnh tâm ý. Bây giờ thâm tâm mới thực sự an ổn. Tới thiền thứ tư thì bỏ yếu tố lạc và đạt được định vắng lặng. Chướng ngại của thiền thứ nhất là tiếng ồn đi vào từ tai. Chướng ngại của thiền thứ hai là tầm và từ. Chướng ngại của thiền thứ ba là hỷ. Chướng ngại của thiền thứ tư là sổ tức. Vì vậy trong nhất thiền ta chấm dứt tiếng ồn để lên nhị thiền. Trong nhị thiền ta chấm dứt tầm từ để lên tam thiền. Trong tam thiền ta chấm dứt hỷ để lên tứ thiền. Trong tứ thiền hành giả ngưng sổ tức để đạt tới không định. Đó chính là việc hành giả thực tập nhất tâm để đạt tới thiền độ vô cực. Hành giả nên quán niệm rằng có sinh là có tử, kiếp người cũng như mọi sự vật đều như huyễn hóa, có hội họp là có phân ly, thần thức đi rồi thì thân thể phân tán, đâu có thể tránh được, chính bản thân ta cũng sẽ đi qua tình trạng này. Thấy như thế mà cảm thương và nhất tâm đạt được thiền định.

Do quán sát, hành giả tư duy kinh ngạc mà nhất tâm đạt tới thiền định; chẳng hạn, nhờ quán chiếu nội thân, từ sự bức bách của đại tiểu tiện đến sự hiếp đáp của hàn nhiệt, hành giả nhận thức được vô thường và bất tịnh, do đó nhất tâm đạt được thiền định. Mỗi sự việc của cuộc sống, hành giả đều quán chiếu để nhận thức thực chất của mọi hiện tượng là vô thường và bất tịnh từ đó nhất tâm đạt được thiền định. Quán niệm về tướng hảo không thể so sánh của Đức Phật, về giáo nghĩa thâm diệu của kinh pháp, về phạm hạnh cao viễn của các bậc sa môn, bồ tát… từ đó hành giả nhất tâm đạt được thiền định. Lại quán chiếu về thức ăn đi vào đường miệng thấy như có vẻ thơm ngon nhưng sau khi pha trộn với nước bọt và các chất loãng trong ruột và dạ dày, sau cùng cũng biến thành phân tiểu; từ đó phát sanh niệm nhờm gớm khiến hành giả nhất tâm đạt được thiền định. Quán sát từ sự hình thành bào thai trong bụng mẹ cho đến giờ phút lâm sinh là một tai nạn, nguy nhiều an ít; sau khi đã sinh, dù là một hay mười tuổi, dù là năm mươi hay một trăm tuổi, tất cả đều sẽ phải chết, không ai tránh được tai họa ấy; tư duy như thế giúp hành giả nhất tâm đạt được thiền định.

Hành giả lại biết thực tập mười sáu phép quán niệm hơi thở để cho tâm chuyên nhất mà đạt được thiền định. Mười sáu phép ấy là gì? Thở vào thở ra một hơi dài, biết là thở vào thở ra một hơi dài. Thở vào thở ra một hơi ngắn, biết là thở vào thở ra một hơi ngắn. Thở vào thở ra và có ý thức về thân, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra và làm an tịnh thân, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra và cảm thấy dễ chịu, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra và cảm thấy không dễ chịu, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra mà có an chỉ, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra mà không có an chỉ, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra mà có hạnh phúc, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra mà không có hạnh phúc, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra mà thấy vạn vật vô thường, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra mà thấy vạn vật đi qua không thể nắm bắt được, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra mà thấy trong nội tâm không có vướng mắc, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra và buông bỏ tri giác, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra và buông bỏ ý niệm về thân mạng, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra mà chưa buông bỏ được ý niệm về thân mạng, thì cũng tự biết.

Hành giả phải tư duy sâu sắc để thấy rằng hễ cái gì có đó thì ta mới nắm bắt được, còn cái gì không có thì ta không thể nắm bắt. Lẽ thường là có sinh ra thì ắt có già và chết, thần thức vì không tiêu diệt nên lại phải thọ thân. Nếu đạt tới bất sinh thì sẽ không còn già và chết, tư niệm như thế thì nhất tâm đạt được thiền định.

Hành giả lấy mắt quán sát sự sống chết ở đời và thấy đó chỉ là sự nối tiếp của mười hai nhân duyên, tư niệm như thế thì nhất tâm đạt được thiền định. Hành giả sử dụng năm phép để quán chiếu hình thể của mình: một là quán chiếu sự biến dị của nét mặt mình, hai là quán chiếu sự thay đổi của khổ và vui, ba là quán chiếu sự chuyển biến của ý muốn, bốn là quán chiếu sự thay đổi của hình thể, năm là quán chiếu sự biến cải của thiện ác. Sự biến dị ấy xảy ra cũng như một dòng nước chảy, trước sau nối nhau. Tư niệm như thế thì nhất tâm đạt được thiền định.

Hành giả phải tư niệm về thiền thế nào cho đúng? Ví dụ như khi mắt mình quan sát người chết, từ đầu tới chân, thì tâm mình phải tư niệm cho sâu sắc, ghi nhận cho chín chắn, và duy trì những hình ảnh ấy trong suốt thời gian đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, uống nước, và làm muôn ngàn chuyện khác. Duy trì niệm ấy trong tâm để củng cố đạo chí của mình rồi sẽ có thể nuôi dưỡng đối tượng chánh niệm trong thiền định một cách tự nhiên dễ dàng.

Hành giả cần chuyên chú dồn niệm lực vào một đối tượng, tâm dừng lại và ý thanh tịnh, nếu đi đúng vào con đường chân chính thì có thể chứng được quả la hán, đạt tới diệt độ.

Thực tập bốn thiền mà muốn đắc quả la hán có được không? Trả lời: Có thể được mà cũng có thể không. Hành trì như thế nào thì đắc mà hành trì như thế nào thì không đắc? Trong nhất thiền còn có tầm, từ và hỷ nên đạo chưa thành. Trời đất vô thường, hư không không thể ghì chặt lấy, phải diệt trừ mọi cấu uế bên trong, niệm tham, niệm ái không còn, tâm tư thanh tịnh như thế mới có thể chứng đắc, dù là ở nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.

Hành giả quán chiếu những chất loãng bất tịnh trong cơ thể và tóc, răng, xương, tủy, gân cốt, nước mắt, đàm, dãi, não, gan, phổi, ruột, tim, thận, máu, nước tiểu... thấy rằng trong bốn đại chủng, thứ nào cũng có tên nhưng tìm trong đó không có ngã, lấy con mắt vô dục mà quán chiếu thì sẽ thấy chúng vốn là không, do đó mà nhất tâm đạt được thiền định.

Quán chiếu thâm sâu, hành giả phân biệt được tứ đại trong thân là địa, thủy, hỏa và phong; phân biệt được từng thứ một. Hành giả quán chiếu nội thân có thể phân biệt được bốn đại: đây là đất, kia là nước, đây là lửa, kia là gió... Tất cả đều chỉ là bốn đại mà không có tự ngã. Tư niệm như thế cho đến khi tâm ý tịch tĩnh thì tâm sẽ chuyên nhất và đạt được thiền định.

Hành giả ý thức hơi thở dài ngắn, mau chậm, thô tế, và phân biệt được rõ ràng cũng như một người thợ đẽo gọt đồ vật từ một khúc gỗ, nhát cạn nhát sâu đều tự hay biết. Quán niệm như thế thì tâm sẽ chuyên nhất mà đạt được thiền định. Thiền độ vô cực nhất tâm của hành giả là như thế[5].

Như vậy, có thể thấy ngài Khương Tăng Hội phối hợp nhiều phương pháp Thiền tập chứ không riêng một phương pháp quán niệm hơi thở.

4. Tạm kết

Tư tưởng quan trọng nhất đại biểu của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ thứ III sau công nguyên là tư tưởng lục độ vô cực (tức lục độ ba la mật) của tổ Tăng Hội. Theo Phật giáo Đại thừa một hành giả, một vị Bồ Tát muốn tu thành Phật quả phải nỗ lực thực hành đầy đủ trọn vẹn sáu pháp: Bố thí,Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ đến mức tròn đầy viên mãn.

Nhìn từ góc độ xây dựng nhân cách phẩm chất, năng lực con người cho đất nước, cho dân tộc thì mẫu người lý tưởng nhất là rèn luyện được sáu phẩm chất theo tinh thần của Phật giáo qua Lục độ tập kinh: Lòng thương, lòng nhân luôn quan tâm giúp đỡ người khác; Sống có nguyên tắc kỷ luật và trách nhiệm; Luôn kiên trì nhẫn nại; Siêng năng cố gắng trong mọi công việc ; Ý chí nội tâm mạnh mẽ, dũng cảm vững vàng; Luôn có trí tuệ sáng suốt nhìn nhận mọi sự việc một cách rõ ràng thấu đáo như thật. Có thể nói tiêu chuẩn rèn luyện bồi dưỡng sáu phẩm chất cao quý này cho người dân là rất lý tưởng để đáp ứng được yêu cầu xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ hùng cường, không chỉ phù hợp với thời bấy giờ mà còn phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay và cả mai sau.

 

TT.TS Thích Hạnh Tuệ - TS Thích Nữ Thanh Quế

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Mạnh Thát (2010), Lịch sử Phật giáo Việt Nam trọn bộ 3 tập, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh

2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận (2 tập), tập I, Nxb Lá Bối, Sài Gòn, 1974; tập II, Nxb Lá Bối, Paris, 1978.

3. Nguyễn Tài Thư (chủ biên) (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

4.Thích Mật Thể (1943), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Minh Đức, Hà Nội.

5. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế, Lương Quý Ngọc (2018), Văn học Phật giáo Việt Nam, tài liệu giảng dạy, lưu hành nội bộ các trường Phật học Thành phố Hồ Chí Minh

6.Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2021), Đại Cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, TP.HCM.

7. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế, Đinh Văn Viễn (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

8. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2022), Thiền học Việt Nam, Nxb Phụ nữ Việt Nam

9. Viện Triết học (1986), Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Hà Nội

10. Viện Triết học (2021), Lịch sử tư tưởng Việt Nam và Phật giáo trong lịch tư tưởng Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm.

[1] Nguyễn Tài Thư chủ biên, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1988, tr. 64

[2] Thọ đại giới, tức giới Tỳ-kheo.

[3] Nhất Hạnh, Thiền sư Tăng Hội, nxb An Tiêm, tr. 4. Bản điện tử, nguồn:https://thuvienhoasen.org/images/file/bNLTwZ1G0QgQAI9b/thien-su-tang-hoi.pdf

[4] Như trên, tr. 4-5.[5] Tham khảo Nhất Hạnh, Thiền sư Tăng Hội, nxb An Tiêm, tr. 78-87. Bản điện tử, nguồn:https://thuvienhoasen.org/images/file/bNLTwZ1G0QgQAI9b/thien-su-tang-hoi.pdf

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin