Chi tiết tin tức

Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến nhân cách con người Việt Nam

20:44:00 - 24/02/2022
(PGNĐ) -  Vấn đề nhân cách được coi là một trong những vấn đề cơ bản. Song cũng là một vấn đề phức tạp của khoa học tâm lý nói riêng và của khoa học xã hội và nhân văn nói chung.
Có thể nói trong những năm qua bằng những hoạt động cụ thể, Phật giáo đã có những đóng góp tích cực vào việc giáo dục đạo đức lối sống cho con người Việt Nam, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên.

1. NHÂN CÁCH

Vấn đề nhân cách được coi là một trong những vấn đề cơ bản. Song cũng là một vấn đề phức tạp của khoa học tâm lý nói riêng và của khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Khi xem xét con người với tư cách là thành viên của một xã hội nhất định, là chủ thể các mối quan hệ xã hội, của hoạt động có ý thức và giao tiếp thì chúng ta nói đến nhân cách của họ. Đó là vì nhân cách là đỉnh cao nhất của sự phát triển tâm lý con người, của tự ý thức và tự điều chỉnh bản thân con người. Vậy, nhân cách là gì?

Khái niệm “nhân cách” được hai nhà tâm lý học người Đức Dilthey và Spranger đưa ra lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Theo hai ông, “nhân cách là cái “mặt nạ” có tính chất xã hội của cái tôi bên trong; khi nào cái “mặt nạ” đó trùng với cái tôi thì nhân cách phát triển chín muồi” [1]. Tóm lại, nhân cách là khái niệm chỉ dùng cho con người kể từ một giai đoạn phát triển nhất định. Nhân cách biểu hiện mức độ phát triển về mặt xã hội của con người, là tổng hòa những phẩm chất xã hội của con người biểu hiện ở từng cá nhân cụ thể. Sự phát triển của nhân cách đảm bảo cho con người tham gia vào đời sống xã hội, thể hiện tính tích cực của xã hội mình.

2. ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO ĐẾN VIỆC XÂY DỰNG NHÂN CÁCH NGƯỜI VIỆT

Suốt hơn 2.000 năm lịch sử qua, Đạo Phật luôn gắn  bó với con người Việt Nam. Những triết lý nhân sinh của Đạo Phật đã thẩm thấu vào tinh thần dân tộc và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân sinh quan con người Việt Nam, góp phần đắc lực vào việc xây dựng nhân cách người Việt. Có thể nói, đạo đức Phật giáo đã thực sự ăn sâu vào đạo lý truyền thống dân tộc, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, lối sống, phong tục, tập quán của con người. Hầu như người dân Việt nào cũng tin rằng sống có đạo đức thì sẽ gặt hái được những điều thiện, điều tốt; sống vô đạo đức, trái luân thường đạo lý, ắt sẽ bị quả báo.

Hầu như người dân Việt nào cũng tin rằng sống có đạo đức thì sẽ gặt hái được những điều thiện, điều tốt; sống vô đạo đức, trái luân thường đạo lý, ắt sẽ bị quả báo.

Triết lý của đạo Phật về Phật tính bình đẳng, tư tưởng từ bi đối với nhân sinh mang một giá trị tư tưởng đạo đức nhân bản sâu sắc, có giá trị tích cực đối với nhân dân lao động. Có thể tìm thấy trong Phật giáo những giá trị đạo đức mang tính mẫu mực, phù hợp tâm lý, cốt cách người Việt. Đó là tư tưởng nhân đạo, tinh thần bác ái, tinh thần cứu khổ, cứu nạn, hướng lợi trừ hại, vì cuộc sống bình yên của con người. Nhờ sự tương hợp ở một mức độ nhất định giữa đạo đức Phật giáo và đạo đức truyền thống người Việt mà Phật giáo đã có những đóng góp trong việc hình thành tâm lý, đạo đức nhân cách người Việt.

2.1. Ảnh hưởng của luật Nhân quả

Là một trong những yếu tố hun đúc nên đạo đức truyền thống của dân tộc suốt hàng nghìn năm, đạo đức Phật giáo ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị tích cực, có thể góp phần xây dựng đạo đức, nhất là tính hướng thiện, bác ái của con người. Đạo Phật đã tạo dựng cho Phật tử một niềm tin vào luật nhân quả, vào vô thường, vô ngã… Niềm tin ấy sẽ chi phối ý thức đạo đức của con người, không chỉ ảnh hưởng đối với Phật tử mà còn lan toả và tác động đến mọi tầng lớp nhân dân. Nó tạo ra cho con người một sức mạnh tinh thần để vượt lên cám dỗ vật chất, những trắc trở trong cuộc sống, hướng họ vào một lý tưởng sống tốt đẹp, vị tha. Tình thương và lòng nhân ái có thể giúp con người hạn chế bớt tính ích kỷ, từ bỏ tham, sân, si.

Phật giáo đề cập rất nhiều đến thuyết nhân duyên, đến quan hệ nhân quả. Luân hồi nghiệp báo là giáo lý Phật giáo dựa trên luật nhân quả. Luật nhân quả đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phát triển nhân sinh quan và đạo đức trong nhân dân ta. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: “Cho hay muôn sự tại trời/ Phụ người chẳng bỏ khi người phụ ta/ Những người bạc ác tinh ma/ Mình làm mình chịu kêu mà ai thương”. Những câu thơ của Nguyễn Du cho thấy, triết lý ác giả, ác báo của Phật giáo được đề cập vần xoay “hại nhân – nhân hại” xưa nay lẽ thường ảnh hưởng thấm sâu vào nhân sinh quan con người Việt Nam. Truyện Kiều đã gián tiếp thể hiện triết lý nhân sinh, mang đậm màu sắc Phật giáo, cách thử nghiệm lý giải cuộc đời đau khổ cũng như phương pháp thoát khổ. Phật giáo nêu cao thiện tâm, bình đẳng cho mọi người như là những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản của đời sống xã hội.

Những quan niệm “ở hiền gặp lành, gieo gió phải gặt bão, nhân nào quả đấy”,… chứng minh bản chất từ bi, hỷ xả trong triết lý nhân sinh Phật giáo thấm sâu vào đời sống tinh thần dân tộc. Luật nhân quả theo Phật giáo đề cập đến dòng biến động, sinh diệt nối tiếp nhau, là nguồn động lực thôi thúc con người hành động, vững tin vào cuộc sống; hướng con người vào việc thiện, xa lánh điều ác. Ngoài ý nghĩa tích cực trong việc giáo dục và xây dựng một gia đình tốt, một xã hội yên bình, Phật giáo nhấn mạnh sự nỗ lực là yếu tố quyết định của mỗi con người trong quá trình tu tập đi đến giác ngộ. Giáo lý nhân quả của Phật giáo không ra lệnh cũng không trừng phạt, mà đưa con người về vị trí thực sự của họ, không tách khỏi ý thức trách nhiệm vai trò vị trí của mình trong gia đình và xã hội, không ngừng tự giáo dục theo các chuẩn mực đạo đức, đạt đến sự hoàn thiện của bản thân.

Tóm lại, thông qua Phật giáo, chúng ta có thể tìm thấy nhiều nội dung tư tưởng mang tính giáo dục sâu sắc. Mục tiêu giáo dục của Đạo Phật là con người giác ngộ, có năng lực tự giải thoát để đạt tới hạnh phúc. Có thể nói, Phật giáo đã mang đến một quan niệm tiến bộ, bình đẳng và đề cao vai trò của con người trong hoạt động thực tiễn.

2.2. Ảnh hưởng của Ngũ giới

Tuy nhiên, cũng theo Phật giáo, trong quá trình vươn lên hoàn thiện mình, con người cần phải nắm vững quy luật khách quan, phải có những phương thức hành động đúng đắn, hợp quy luật hay còn gọi là gắn liền với đạo đức. Giới còn là phương tiện dẫn dắt con người vượt khỏi sông mê, bể khổ, luân hồi, tới chốn an lạc, giải thoát. Không chỉ vậy, giới còn là điều kiện tối quan trọng trong việc tu tập thiền định. Do vậy, giữ giới cũng đồng nghĩa với việc con người tự rèn luyện, trau dồi đạo đức. Nghiên cứu Ngũ giới, chúng ta thấy đấy là những nguyên tắc đạo đức cơ bản mà Phật đặt ra cho các Phật tử thực hành. Ngũ giới góp phần hướng con người đi đến sự hoàn thiện trong tư tưởng, hành vi, bồi dưỡng nhân cách theo nhân sinh quan Phật giáo.

Một mặt, những nội dung mà Ngũ giới đề cập đến không chỉ có ý nghĩa nuôi dưỡng lòng từ bi, nhân đạo ở mỗi cá nhân mà còn hướng tới việc xây dựng một xã hội đạo đức, ổn định. Mặt khác, Ngũ giới có tác dụng ngăn ngừa những mầm mống nguy hại đến tư cách đạo đức con người, mặc khác khơi gợi những hành vi tốt phát triển…. Có thể thấy, Ngũ giới bao hàm đầy đủ, toàn diện ba mặt “thể dục, trí dục, đức dục” trong việc hình thành nhân cách con người. Không những vậy, lý luận về Ngũ giới còn có ý nghĩa thiết thực trong việc thiết lập trật tự, an ninh cộng đồng, đảm bảo một nếp sống lành mạnh, tiến bộ cho toàn xã hội… Chính ở điểm này, Phật giáo khẳng định ưu thế vượt trội của nó trong việc giáo dục đạo đức xã hội. Thông qua ngũ giới, Phật giáo Việt Nam đã thể hiện vai trò định hướng cho các cá nhân, xã hội trong việc thoát bỏ cái ác, cái xấu hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ.

Gần gũi với Ngũ giới là Thập thiện, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Đạo Phật là một tôn giáo, đồng thời có thể xem như một phương pháp hay cách sống để làm cho con người thêm tốt đẹp và cao quý.

2.3. Ảnh hưởng của triết lý từ bi, hỷ xả

Đạo lý Từ-bi-hỷ-xả của Phật giáo đã ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần người Việt, là một trong những yếu tố tham gia vào quá trình hình thành giá trị văn hóa dân tộc. Tư tưởng, hành vi đạo đức Phật giáo phù hợp với truyền thống nhân đạo, thương người như thể thương thân của đạo lý người Việt Nam:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”

Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đã trở thành một bộ phận hợp thành đạo đức của xã hội Việt Nam từ thuở xa xưa. Thời kỳ Lý – Trần, Phật giáo chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội, thì có thể nói, đạo đức Phật giáo gần như đồng nhất với đạo đức xã hội. Ngay cả khi Phật giáo lui vào dân gian, ảnh hưởng của nó vẫn không hề mất đi. Nhiều giá trị đạo đức của Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung có tính phổ quát. Vì vậy, khi đánh giá vai trò của tôn giáo, Kant – nhà triết học người Đức (1724 – 1804) cho rằng, chức năng cơ bản của tôn giáo là chức năng đạo đức. Cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo là niềm an ủi cho con người bằng một sự đền bù hư ảo, hay là đem lại sự thỏa mãn nhu cầu tâm linh một cách ảo tưởng, coi sự giải thoát khỏi thế giới trần tục làm cứu cánh cho cuộc đời đau khổ của mình. Marx đã từng nói: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” [2]. Phật giáo đem đến cho con người sự thanh thản, niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp ở cõi Niết bàn. Con người tin theo Đạo Phật và nhờ đó nhu cầu tâm linh của họ được an ủi, đền đáp. Với Phật tử, Đức Phật là hình tượng của sự sáng suốt, lòng nhân từ bao dung độ lượng luôn cứu vớt và ban phước lành cho con người.

Có thể nói, với triết lý từ bi, hỷ xả, khuyến khích con người hướng thiện, Phật giáo đã đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách đạo đức con người và hướng tới một xã hội bác ái, góp phần tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế đã chứng minh, Phật giáo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện như: xây dựng trung tâm nuôi dưỡng những trẻ mồ côi; thành lập viện dưỡng lão, chăm sóc, nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa, cứu trợ người dân vùng thiên tai, mở lớp tình thương dạy chữ cho các cháu không có điều kiện đến trường, lập phòng khám từ thiện, tổ chức cai nghiện, giúp đỡ những mảnh đời éo le tái hoà nhập cuộc sống… Chính việc làm cụ thể đó đã kêu gọi và vận động hàng trăm nghìn tấm lòng từ bi của mọi người cùng đoàn kết giúp đỡ những cuộc đời không may mắn. Sức lan tỏa đạo đức và triết lý Phật giáo một phần chủ yếu là do các Tăng Ni, Phật tử có nhân cách đạo đức trong sạch, thanh tao thực hiện. Chính nhân cách đó đã cảm hoá con người góp phần xây dựng những giá trị đạo đức và lối sống cho con người Việt Nam.

2.4. Ảnh hưởng đến giá trị đạo đức

Đạo đức Phật giáo thông qua những giá trị, chuẩn mực và những nghi lễ đã đi vào đời sống người dân Việt Nam, sự ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo không còn là giáo lý, kinh kệ trên sách vở mà đã trở thành phong tục, lối sống của nhiều người, nhiều gia đình, và cả dân tộc. Qua quá trình lịch sử người dân Việt Nam đã tiếp thu những tư tưởng Phật giáo đồng thời cũng sáng tạo ra các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể mang cốt cách Phật giáo. Mỗi một làng quê người Việt đều có một ngôi chùa, người dân luôn tự hào về ngôi chùa của mình, nơi đó không chỉ mang giá trị tâm linh mà dường như nó mang cả phần “hồn” dân tộc. Từ ngàn đời nay ngôi chùa là biểu tượng của làng quê Việt Nam và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng của người dân Việt Nam. Thường thì mỗi làng đều có một ngôi chùa, ngôi chùa góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cho quê hương, làng xóm. Với quan điểm “trẻ vui nhà, già vui chùa”, người Việt Nam tìm đến chùa với một tâm thành kính. Thông qua việc lễ bái, sinh hoạt tôn giáo, con người muốn phán xét lại bản thân theo các chuẩn mực của đạo đức Phật giáo. Đó cũng chính là dịp để con người có thể tĩnh tâm, trấn chỉnh lại mình, hoàn thiện bản thân mình. Mỗi năm, lễ hội Phật giáo diễn ra ở các nơi với quy mô khác nhau… Đã thu hút không chỉ Phật tử mà cả những người ngoại đạo có tác dụng khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, thắt chặt tình cảm cộng đồng, hướng con người tới những giá trị cao đẹp, thánh thiện.

Cần khẳng định rằng, từ trong lịch sử dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc hình thành những quan niệm rất tích cực, nhân bản. Những giá trị và chuẩn mực đạo đức mà Phật giáo đề cập đến, đã đi vào cuộc sống và được duy trì cho đến tận ngày nay. Đời sống hiện thực với những rủi ro, bất trắc đã khiến con người ngày càng hướng về các giá trị, lời khuyên đạo đức của Đức Phật để cân bằng tâm lý. Tri thức Phật giáo trong chừng mực nhất định đã đáp ứng được nhu cầu tâm lý của người Việt Nam hiện đại. Chính vì lẽ đó mà nhiều phạm trù đạo đức của Phật giáo vẫn tiếp tục được lưu trữ, sử dụng cho đến nay. Tư tưởng từ bi, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn của nhà Phật vẫn được người Việt tiếp thu và phát huy trong điều kiện kinh tế thị trường. Những qui tắc đạo đức Phật giáo có nét tương đồng với chuẩn tắc đạo đức xã hội vẫn đang được nhiều người tin theo, định hướng cho họ đời sống thực tiễn. Không những thế, với chủ trương “Phật pháp với đời sống, đời sống với Phật giáo”, Đạo Phật ngày nay đã bổ sung những tri thức, chuẩn mực đạo đức phù hợp với thời đại. Điều này cũng đã góp phần làm phong phú nền đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Người Việt hướng tới Đức Phật với đức tâm thành kính, tạo thành sức mạnh tâm linh, tinh thần giúp họ vượt qua những trắc trở, cám dỗ để đạt đến cuộc sống tốt đẹp, chân thiện mỹ. Khi mà cơ chế thị trường vẫn đang bộc lộ những mặt tiêu cực của nó thì Phật giáo với những quy tắc, chuẩn mực đạo đức cộng với niềm tin đạo đức riêng mình vẫn còn có những tích cực, là chỗ dựa tinh thần trong quần chúng nhân dân.

Hơn thế, Đạo Phật với nội dung giáo lý của mình đã hình thành trong tín đồ quan niệm về một trật tự đạo đức, một xã hội tươi đẹp: cõi Niết Bàn, Tây phương cực lạc… Lý tưởng đó đã trở thành động lực thôi thúc các tín đồ hướng đến những hành động tốt đẹp, trong đó con người đã hoàn toàn dứt bỏ được các dục vọng, ham muốn cá nhân. Mẫu người lý tưởng mà Đạo Phật xây dựng với phong cách đạo đức từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha cũng chính là mẫu người xã hội hiện đại cần đến.

Có thể nói trong những năm qua bằng những hoạt động cụ thể, Phật giáo đã có những đóng góp tích cực vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho con người Việt Nam, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Các khoá tu, các đạo tràng được tổ chức rộng rãi từ thành thị đến nông thôn với quy mô ngày càng lớn, đặc biệt Phật giáo đã tạo ra một môi trường tâm linh lành mạnh để tuổi trẻ hôm nay càng nhận thức sâu sắc hơn các giá trị của đời sống tinh thần, bớt đi sự tham lam vị kỷ của lối sống vật chất.

Ngày nay, với phương châm “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo đã tham gia tích cực vào các phong trào phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, công tác từ thiện với tinh thần cứu khổ cứu nạn của Đạo Phật hòa cùng truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc; Tăng Ni, Phật tử đã tổ chức cứu trợ cho đồng bào thiên tai, lũ lụt, cho những vùng quê nghèo khổ,… Những hoạt động từ thiện đó của Đạo Phật cũng nhằm điều chỉnh tính cách lối sống, góp phần hình thành nhân cách của một con người sống có ích cho xã hội. Như vậy, ảnh hưởng tích cực của đạo đức Phật giáo đến nhân cách con người Việt Nam chủ yếu trên phương diện đạo đức.

Mặc dù đề cập đến ít, song về mặt “tài”, Phật giáo cũng ít nhiều ảnh hưởng đến con người Việt Nam hiện nay.  “Tài” trong Phật giáo chính là trí tuệ con người. Đức Phật dạy rằng “Lấy trí tuệ là sự nghiệp”. Mục đích của Ðạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Mục đích của Đạo Phật là giải thoát và giác ngộ, trí tuệ chính là phương tiện duy nhất đưa loài người đến bờ giải thoát và giác ngộ.

Trí tuệ được Đức Phật diễn tả như một thứ lương tri, giúp chúng ta phân biệt chính tà, thiện ác, tịnh uế, lạc khổ, thắng liệt. Điều quan trọng trí tuệ ở đây không còn là một đặc tính hy hữu, có một không hai, mà trở thành như một thứ lương tri, luôn luôn có mặt trong chúng ta, tác động như một ngọn đèn soi sáng chúng ta biết phân biệt chọn lựa giữa thiện và ác, giữa chính với tà, khiến chúng ta có thể nhận biết những gì nên làm, những gì không nên làm, để chúng ta có thể tự hướng dẫn mình tiến đến an lạc và giải thoát. Có thể nói rằng, trong suốt lịch sử tư tưởng nhân loại, không có một tôn giáo nào đặt trọng tâm vào vai trò của trí tuệ hơn là Đạo Phật. Bởi vì Buddha (Phật) phát xuất từ chữ Phạn bud, có nghĩa là hiểu biết. Đức Phật là người đã hiểu biết trọn vẹn, đã tỉnh thức, đã giác ngộ, là người có trí tuệ vẹn toàn.

Với mục đích giải thoát con người ra khỏi khổ đau tinh thần nơi trần thế, Phật giáo đưa ra con đường “Tam học”. Theo Phật giáo, kết quả của việc thực hành “Tam học” thì người học đạo sẽ có trí tuệ sáng suốt hay còn gọi là trí tuệ Bát nhã. Trí này có tác dụng phân biệt được sự lý, giải quyết được mọi nghi ngờ, thông đạt hết thảy. Tuy nhiên, trí tuệ này không phải là những tri thức khoa học con người đạt được thông qua con đường biện chứng của quá trình nhận thức, mà là trí tuệ vô sư. Phật giáo cho rằng, có hai loại trí, trí học qua thầy, bạn, sách vở là trí hữu sư, trí do tâm an mà có là trí vô sư. Trong đó, trí vô sư là quan trọng, vì con người không thể có trí tuệ, không có nhận thức đúng đắn, phản ánh khách quan sự vật, hiện tượng, không thể hoàn thành được công việc nếu thân tâm biến động.

Đối với Phật giáo, con người vốn là một chúng sinh ưu việt, có rất nhiều tiềm năng phi thường, nếu chúng ta hiểu biết, khéo triển khai hành động thì không gì không thực hiện được trên cõi đời này. Có trí tuệ, có sự hiểu biết sẽ giúp con người nhận thức đúng đắn sự vật hiện tượng, có thể hoàn thành mọi việc. Như vậy, đạo đức Phật giáo đã ảnh hưởng rõ nét đến hai mặt nhân cách, đó là “đức” và “tài” của con người Việt Nam. Trong đó, ta có thể thấy “đức” chịu ảnh hưởng và biểu hiện nhiều nhất. “Tài” dù được Phật giáo đề cao song lại ít được bàn đến, vì vậy tầm ảnh hưởng đến nhân cách con người Việt Nam cũng chỉ ở một mặt nào đó.

Người ta thường nói Đạo Phật là đạo của từ bi (đức) và trí tuệ (tài). Có thể nói, từ bi có vững chắc được là nhờ nền tảng trí tuệ và trí tuệ có phát triển được là nhờ ở từ bi. Thiếu trí tuệ thì từ bi sẽ có thể chỉ là cảm xúc nhất thời, thiếu từ bi thì trí tuệ khó lòng được thể hiện. Trong hành động cứu độ chúng sinh, con người từ bi tự quên mình, thực nghiệm được thêm vô ngã, tánh không, tự mở mang thêm trí tuệ. Tới khi không còn phân biệt giữa người cứu độ và người được cứu độ, thì lúc bấy giờ đã tự giải thoát hoàn toàn. Từ bi và trí tuệ đi đôi và gắn liền với nhau, vì từ nguồn trí tuệ mà suối từ bi tuôn chảy, nhờ suối từ bi cho nên cây trí tuệ trổ hoa. Như vậy, trong Đạo Phật, từ bi và trí tuệ bổ túc cho nhau, nương vào nhau mà hiện hữu cũng như hai mặt của một bàn tay, hay đôi cánh của một con chim.

3. Tạm kết

Như vậy, Phật giáo trong suốt quá trình lịch sử đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với vấn đề xây dựng nhân cách con người. Nó góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân tồn tại trong xã hội. Giáo lý Phật giáo có tác dụng điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức cho con người, nâng đỡ, khơi dậy tình thương yêu, đức vị tha, làm điều thiện, tránh điều ác… Không chỉ áp dụng trong giới Phật tử mà những nội dung mang tính đạo đức của Phật giáo còn có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với xã hội… Luật nhân quả nhấn mạnh vào trách nhiệm của từng cá nhân đối với các hành vi đạo đức, con người vì sợ quả báo, sợ bị đày xuống địa ngục nên họ cố gắng làm thiện, tránh ác, tu nhân tích đức. Điều này góp phần hoàn thiện đạo đức cho từng cá nhân cũng như có lợi cho việc xây dựng một nền đạo đức tốt đẹp trong xã hội.

Không chỉ vậy, luận thuyết của nhà Phật về đạo đức còn chỉ ra: “Con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình kể cả sau khi chết, vì chết theo quan niệm của Đạo Phật mới chỉ là chấm dứt một kiếp sống mà thôi.” Quan niệm này có tác dụng hạn chế lối sống buông thả, ích kỷ, dẫn đến tham lam, tàn bạo, bất chấp đạo lý để thỏa mãn dục vọng cá nhân.

Phật dạy chỉ có chính ta mới là chủ nhân thực sự cuộc sống của ta, nên phải gắng sức rèn luyện để trở thành người tốt, mà không trông chờ ở một thế lực siêu tự nhiên nào ngoài bản thân. Đức Phật dạy: “Hãy tự mình là ngọn đèn soi sáng cho mình, hãy tự tạo cho mình một chỗ nương tựa và đừng nương tựa vào ai khác ngoài bản thân mình”. Phật giáo với một hệ thống triết lý sâu sắc ít mang tính siêu hình, mà trái lại có tính thực tiễn cao. Đó là con đường giúp con người thoát khổ. Phật giáo có ảnh hưởng tác động sâu sắc đến nền tảng đạo đức, sự hình thành nhân cách con người Việt Nam – bản sắc độc đáo ở mỗi con người.

Tóm lại, nội dung giáo lý Phật giáo thể hiện một triết lý về sự công bằng, giáo dục con người phải biết sống lành mạnh, khuyến khích con người làm nhiều việc tốt, việc thiện, lánh xa điều ác, tránh làm những việc bất nhân phi nghĩa để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp nơi trần thế. Chính những giá trị đạo đức trên đây mà Phật giáo ngày càng có vị trí vững chắc trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, khẳng định sức sống lâu bền của nó đối với dân tộc Việt Nam. Nói về ảnh hưởng của Phật giáo trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Tài Thư đã nhận xét: “Trong chừng mực nhất định, nhân cách Phật giáo đã góp phần làm nên nhân cách của con người Việt Nam ngày nay”.

 

Dương Thụy/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 383

 

Chú thích:

[1] Thiền sư Định Lực, Cư sĩ Nhất Tâm, Phật giáo Việt Nam và thế giới, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2003, tr.42.

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994, tr.8.

[3] Nguyễn Hữu Vui, Lý luận về tôn giáo, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.150

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Huyền Chân, Vấn đề thời điểm các con đường Đạo Phật du nhập vào Việt Nam. Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết học, Hà Nội, 1986.
  2. Thích Minh Châu, Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2002.
  3. Doãn Chính, Tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.
  4. Hoàng Chuẩn, Nhân cách và giáo dục văn hóa nhân cách, Tạp chí Triết học, số 5, 2010.
  5. Võ Minh Cường, Mấy suy nghĩ về tính chất nhân bản của Phật giáo, mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết học, Hà Nội, 1986.
  6. Nguyễn Đăng Duy, Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2000.
  7. Đạt Ma Phổ Giác, Nhân quả và số phận con người, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008.
  8. Bùi Biên Hòa, Đạo Phật với thế gian, Nxb. Hà Nội, 1998.
  9. Tạ Chí Hồng, Ảnh hưởng của Đạo đức Phật giáo trong đời sống đạo đức của xã hội Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Triết học, 2004.
  10. Phạm Duy Hinh, Triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008.
  11. Phạm Kế, Cảm nhận Đạo Phật, Nxb. Văn hóa, 1996.
  12. Lương Quỳnh Khuê, Văn hóa thẩm mỹ và nhân cách, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
  13. Đặng Thị Lan, Đạo đức Phật giáo với đạo đức con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2006.
  14. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994.
  15. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994.
  16. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994.
  17. Thiền sư Định Lực, Cư sĩ Nhất Tâm , Phật giáo Việt Nam và thế giới, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2003.
  18. Thích Tâm Thiện, Tìm hiểu nhân sinh quan Phật giáo, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1994.
  19. Nguyễn Tài Thư, Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.
  20. Trà Giang Tử, Dẫn lối về nguồn: Phật giáo Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
  21. Nguyễn Hữu Vui, Lý luận về tôn giáo, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
  22. Trần Quốc Vượng, Phật giáo và văn học Việt Nam, Phật giáo và văn hóa dân tộc, Thư viện Phật giáo, 1990.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin