Chi tiết tin tức Mục đích của diễn xướng thơ-ca trong Phật giáo 20:12:00 - 01/10/2014
(PGNĐ) - Đối với hàng đệ tử xuất gia và cả những đệ tử tại gia phát nguyện tu Bát quan trai giới, Đức Phật không cho phép họ xem, nghe ca vũ nhạc. Vì những tác hại của âm nhạc thế tục sẽ tác động họ đắm trước âm thanh, khởi lên tư tưởng bất chánh, khiến tâm loạn động, khó tham thiền, nhập định, v.v…
Tuy nhiên, không phải vì thế mà kết luận rằng Đức Phật không công nhận nghệ thuật diễn xướng, hay nghệ thuật thơ-ca. Thật vậy, tính chất của thơ-ca có nhiều cấp bậc khác nhau, có những bài thơ-ca khơi dậy, kích thích thú vui trần tục, nhưng cũng có những tác phẩm thơ-ca để đời khiến người ta hướng đến chân trời thiện mỹ. Và Đức Phật, bậc Chánh biến tri luôn luôn hướng dẫn mọi người sống theo điều thiện, điều cao quý của Hiền thánh. Đặc biệt là trong việc giáo hóa chúng sanh thành tựu, Đức Phật đã dùng vô số phương tiện tương ưng với căn tánh hành nghiệp của mọi người ở mọi quốc độ khác nhau, trong đó có hình thức thơ-ca được Phật tán thán để khai mở tâm trí và xây dựng đời sống thiện mỹ cho mọi người. Theo từ chuyên môn, nghệ thuật diễn xướng thơ-ca mang nội dung của Phật giáo được gọi là Phạm-bối. Chúng ta thường thấy trong nghi lễ Phật giáo, các thầy dùng lời ca và điệu nhạc để tụng kinh, tán vịnh, ca tụng ân đức của Phật. Vì vậy, Phạm-bối được coi là âm thanh của cõi Trời, gọi là Phạm âm, có tính cách trong sạch, thanh tịnh, cao quý, dịu ngọt, thâm sâu, v.v… Đức Phật thuyết pháp bằng âm thanh này. Chính vì tính chất cao quý như vậy, nên hiếm có người sử dụng được hình thức này. Thời Phật tại thế, Đức Phật đã ca ngợi Tôn giả Bằng Kỳ Xà (Vangisa) chuyên tạo kệ tụng để tán thán Như Lai (kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 3, phẩm Đệ tử). Hoặc Tỳ-kheo Thiện Hòa tụng kinh-bối phát ra âm thanh khiến cho con voi trắng mà vua Thắng Quang nước Kiều Tát La cỡi phải dừng lại để lắng nghe. Phạm-bối đã có từ thời Phật tại thế và đã thịnh hành ở các chùa chiền Ấn Độ trong các thời khóa lễ tụng (Nam Hải ký quy nội pháp truyện của ngài Nghĩa Tịnh). Tại Trung Hoa, vào thời Bắc Tề, vua Văn Tuyên Đế đã xiển dương Phạm-bối. Trong hai triều đại Văn Tuyên Đế và Lương Vũ Đế, Phật giáo được phát triển mạnh ở nhiều lãnh vực, theo đó tạo nên tầng lớp tu sĩ Phật giáo chuyên về Phạm-bối gọi là Kinh sư. Theo ngài Huệ Hạo, Kinh sư phải thông thạo kinh điển và phải nắm vững nhạc lý của Ấn Độ và Trung Hoa. Thiết nghĩ khi Phật giáo truyền đến các quốc gia, tất yếu đã có phần phát triển tương ưng với bản sắc của dân tộc bản địa để có thể tồn tại lâu dài. Và nhạc lý của Phạm-bối cũng không nằm ngoài quy luật này, nghĩa là âm thanh và giai điệu của Phạm-bối đã có sự thay đổi phù hợp với bản địa, điển hình là nhạc lễ theo Phật giáo của miền Nam nước ta khác với nhạc lễ của miền Trung, hoặc miền Bắc. Nhưng tựu trung, giai điệu và ca từ của nhạc lễ đều nhằm hướng tâm người nghe đến con đường thánh thiện. Tóm lại, giáo pháp của Đức Phật hướng dẫn mọi người đi theo con đường giải thoát, giác ngộ, tất nhiên Đức Phật không chấp nhận nghệ thuật tăng trưởng dục vọng, cho nên Ngài đã đưa ra điều luật cấm đệ tử xem nghe ca vũ nhạc thế tục. Tuy nhiên, được coi là phương tiện giáo hóa độ sanh, đối với những hình thức hướng dẫn con người đến đời sống cao quý, trong đó có Phạm-bối đã để lại những tác phẩm thấm sâu vào lòng người, thì Đức Phật cho phép đệ tử tiếp cận và sử dụng nghệ thuật này. Mặc dù nghệ thuật Phạm-bối mang tính chất giải thoát, nhưng Đức Phật cũng nhắc nhở đệ tử rằng trên bước đường tu tập, khi chưa đạt đến Thánh quả, nghĩa là ba nghiệp chưa thanh tịnh hoàn toàn, còn bị vướng mắc vào lợi dưỡng, còn phải trái hơn thua, v.v… thì nên cẩn thận khi sử dụng hình thức nghệ thuật này (Theo Luật Ma-ha Tăng kỳ và kinh Hiền ngu).
HT.Thích Trí Quảng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |