Chi tiết tin tức

TÁM GIÓ THỔI CHẲNG ĐỘNG

21:39:00 - 07/10/2013

CÓ CUỘC SỐNG LÀ CÓ KHỔ ĐAU   

Đứng trước dòng thác lũ cuộc đời với vô vàn cám dỗ như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, chúng ta khó mà vượt qua những nhu cầu cần thiết đó vì nó có sức hấp dẫn lạ thường, hay lôi cuốn, chi phối con người vào chỗ đam mê, say đắm. Cho nên, lúc nào ta cũng sống với hai tâm trạng vui-buồn lẫn lộn bởi tốt-xấu, hơn-thua, nên-hư, thành-bại, được-mất trong cuộc đời mà đón nhận kết quả khổ đau hay hạnh phúc.

Ta muốn thưởng thức những đóa hồng đẹp thì phải chấp nhận thân gai góc của nó. Hoa hồng mềm mại, thơm tho và đẹp đẽ nên ai cũng thích ngắm nhìn, thưởng thức hương vị ngọt ngào của nó nhưng trên thân hoa lại có nhiều gai góc. Nếu muốn thưởng thức sự tinh khiết của hoa thì ta phải chấp nhận thân gai góc. Cũng vậy, thân ta vô thường bại hoại nên mới bị sự chi phối của già-bệnh-chết, nhưng ngay nơi thân này có tính biết sáng suốt; nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, thấy tức biết; nương nơi tai thì nghe thấu mọi âm thanh sai biệt của muôn loài vật nên nghe chỉ là nghe; mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế.

Người lạc quan luôn nhìn đời với các vì sao lấp lánh nằm trên bầu trời quang đãng, sáng trong. Chính vì vậy họ thấy thế giới luôn tươi vui, xinh đẹp như những đóa hoa hồng. Người bi quan thì thấy thế giới là cả một bầu trời đen tối chỉ toàn khổ đau nên thấy rất nhiều hầm hố, chông gai. Với người biết sống một cách thực tế thì thấu rõ chân lý của cuộc đời nên thấy thế giới không hoàn toàn tươi vui, xinh đẹp như hoa hồng mà cũng chẳng hoàn toàn nhiều gai góc. Trong cuộc sống những ai có hiểu biết chân chính và nhận thức sáng suốt thì không đam mê, say đắm bởi cái đẹp của hoa hồng. Họ nhìn thấy hoa hồng chỉ là hoa hồng và vẫn biết rõ trong hoa hồng phải có chất liệu của gai nên luôn cẩn thận để khỏi bị gai làm đau nhức.

Hoa hồng tượng trưng cho bốn hoàn cảnh thuận lợi trong cuộc sống như được lợi lộc, được khen ngợi, được tán thán và được vui vẻ. Gai góc thì được ví như bốn sự không hài lòng, vừa ý trong cuộc sống như bị mất mát, bị chê bai, bị hủy nhục và bị khổ đau. Đã làm người trong cuộc sống tất cả chúng ta đều phải trực diện với các hoàn cảnh ấy dù ít hay nhiều trong dòng đời nghiệt ngã này. Ai có đủ khả năng, ý chí, nghị lực, trí tuệ và sự sáng suốt thì sẽ vượt qua Tám cơn gió lốc của cuộc đời để thành tựu Phật đạo mà cùng nhau chia vui sớt khổ trên tinh thần vô ngã vị tha; nhà Thiền thường gọi là “Tám gió thổi chẳng động”.

Đời người ít nhiều ai cũng trải qua sự thăng trầm của cuộc sống, khi thì được lên voi, lúc thì bị xuống chó, cứ như thế ta phải đối diện với nó để chấp nhận quả an vui, hạnh phúc hay phiền muộn, khổ đau. Trong cuộc sống thực tế những việc tốt đẹp chúng ta thường gọi là may mắn hoặc “hên”, hay còn gọi là khi không, ngẫu nhiên; nhưng chúng không đến với ta hai lần hoặc đến một lượt để ta được vui hưởng trọn vẹn. Ngược lại, những chuyện không được hài lòng, vừa ý mà ta thường gọi là không may mắn, hay xui xẻo lại cứ đến dồn dập hết chuyện này đến chuyện khác làm cho ta đau khổ vô cùng. Với những người quá yếu đuối, kém cỏi, tinh thần bạc nhược thì rất dễ hoang mang, lo lắng và sợ hãi nên luôn tìm cách trốn chạy cuộc đời bằng liều thuốc độc. Trái lại, những người đã tin sâu nhân quả thì luôn bình tĩnh, thản nhiên chấp nhận quả khổ đang dồn dập đến mà tìm cách tu tâm dưỡng tánh để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Tôi bây giờ có nhân duyên xuất gia học đạo, được gặp bậc minh sư chân chính tận tình chỉ dạy, so với ngày xưa tôi tiến bộ quá nhiều, có thể nói là vượt bậc ngoài sức tưởng tượng nhưng so với Tám gió thì tôi chưa hoàn toàn qua khỏi gió nào. Có lúc tôi đứng sừng sững như quả núi lớn không gì có thể chuyển lay mỗi khi giữ được Chánh niệm tỉnh giác, nhưng khi bất giác thì một chút gió cũng làm cho tôi nghiêng ngã, trượt dài trong si dại. Cho nên, ai đã lỡ lầm huân tập thói quen xấu quá nhiều thì hãy nên cố gắng, thận trọng trong việc tu tập mà chăn giữ từng ý niệm của mình, đừng để cho nó phát sinh. Vì lẽ đó mà nhà Thiền có câu: “chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”.

Khởi nghĩ đủ thứ chuyện trên đời là thói quen thâm căn cố đế của mỗi người chúng ta, do đó ta phải thường xuyên Chánh niệm tỉnh giác để điều phục ý nghĩ của mình, đừng để chúng dẫn ta lăng xăng chạy suốt đầu trên xóm dưới. Đó là nghệ thuật chăn trâu, chúng ta chỉ làm một việc duy nhất làm sao đừng để con trâu phạm vào lúa mạ của người. Khi mới tu ta chưa đủ sức làm chủ con khỉ ý thức nên suốt ngày ta cứ lăng xăng dính mắc phải quấy, tốt xấu. Do đó, Phật đưa ra nhiều phương pháp để giúp chúng ta chuyển hóa chúng tùy theo khả năng và sở trường của mỗi người. Chúng tôi cảm thấy rất hổ thẹn cho cuộc đời tu hành của mình vì hiện giờ chỉ một gió được-mất thôi cũng đủ làm chúng tôi trượt dài trong si dại, nhưng tôi còn biết mình vọng động điên đảo nên luôn dặn lòng phải cố gắng nhiều hơn để chuyển hóa con khỉ ý thức u mê, tối tăm thành trong sáng, hiện thực mà có cơ hội được kết nối yêu thương cùng với tất cả mọi người. Đây là một sự thật đối với cuộc đời của tôi, chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc tu tập để chuyển hoá phiền não tham-sân-si thành an vui, hạnh phúc. Trong nhà Thiền có câu châm ngôn bất hủ dùng để răn nhắc mọi người chúng ta như sau:

Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ,

Việc lớn đã sáng cũng như đưa ma mẹ.

Tại sao có chuyện lạ đời như thế? Khi chưa nhận ra đạo lý chân thật thì ta phải cố gắng tu hành miên mật như một người con tiếc nuối, nhớ thương khóc đưa đám ma mẹ. Lúc này đứa con không còn thiết nghĩ đến chuyện gì khác mà chỉ một lòng khóc lóc, tiếc nhớ thương mẹ mà thôi. Ai đã từng có cha mẹ mất sẽ biết rõ điều này, nhưng khi chúng ta đã ngộ đạo rồi thì cũng như đưa đám ma mẹ là sao? Khi ngộ rồi ta chỉ mới nhận ra cái nhân thành Phật mà thôi nên đa số các vị Thiền sư phải bỏ vào núi để làm tròn nhiệm vụ ấy. Ngài Quốc sư Huệ Trung khi ngộ đạo rồi phải ở núi đến 42 năm mới xuống núi để giáo hóa chúng sinh, lúc này dù có mười tám gió thổi tới cũng không làm gì được ngài. Vậy Tám gió là gì mà nó có sức tàn phá, hủy diệt con người đến nỗi phải thất điên bát đảo như thế?

Phật chỉ dạy Tám gió này để làm thước đo người tu hành; đó là gió được-mất, danh thơm-tiếng xấu, khen-chê, khổ-vui. Tám gió này có bốn cặp đối đãi nhau. Một là hưng thịnh, lợi lộc thì gọi là được; còn suy sụp, điêu tàn thì gọi là mất. Hai là được khen ngợi hay bị chê bai, nói cho đầy đủ là được khen và bị chê trước mặt mọi người. Ba là được xiển dương, tán thán hay bị phán xét, chỉ trích, vu oan giá họa trước đám đông. Bốn là phiền muộn, khổ đau hay an vui, hạnh phúc; nói gọn lại là khổ và vui, hai điều này luôn xảy ra nhiều nhất trong cuộc đời tu hành của chúng ta.

Trong cuộc sống hằng ngày, các nhà lãnh đạo, các nhà kinh doanh, các nhà giáo dục, các nhà tâm linh, cho đến kẻ làm thuê làm mướn đều phải theo nguyên tắc và lệ thuộc vào cả hai cặp đối đãi được và mất. Người lãnh đạo đang có nhà cao cửa rộng, nhiều tài sản, đang sống một đời vương giả sung túc, đầy đủ với mọi nhu cầu cần thiết trong cuộc sống thì gọi là được; vì cuộc sống gia đình được đầy đủ, sung mãn về hai mặt phước và lộc. Có phước là giàu có, sang trọng; hưởng lộc là uống rượu, ăn thịt, vui chơi thỏa thích nhờ biết đóng góp nhiều công sức cho xã hội. Ngược lại, đang được đầy đủ và sung túc như thế mà bỗng nhiên bị thân bại danh liệt, dính vào vòng tù tội, mất hết tất cả quyền cao chức trọng, gia đình đổ vỡ, tan nát thì gọi là mất.

Các nhà kinh doanh khi làm ăn thuận buồm xuôi gió, tăng trưởng được nhiều lợi nhuận nhờ biết tiếp thị đúng nhu cầu cần thiết theo sự tham muốn của con người, nhất là các mặt hàng ăn uống không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Lúc được lợi nhuận ai cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và thỏa mãn. Trong thực tế, nó là nhu cầu cần thiết cho mỗi cá nhân và gia đình. Khi được lợi nhuận như vậy chúng ta sinh ra vui mừng, thích thú mà một người bình thường ai cũng có thể tự hào, hãnh diện khi được như thế. Họ thu được lợi ngày càng nhiều nên cảm thấy hân hoan, vui vẻ, đón nhận hạnh phúc bằng sự say mê trong tham đắm.

Các nhà giáo dục luôn hy sinh tận tụy với nghề dạy của mình, họ mong đào tạo được thế hệ tương lai, sản xuất ra các bậc hiền tài để đóng góp, phục vụ lợi ích cho xã hội. Họ có niềm vui trong dạy học, đào tạo nhân tài để đảm bảo đời sống gia đình và điều mong muốn duy nhất của họ là có nhiều nhà lãnh đạo tài ba lỗi lạc từ sự hướng dẫn, dạy dỗ của họ. Thế giới ngày nay nền văn minh khoa học vật chất tiến bộ và phát triển quá nhanh giúp con người sống tiện nghi, vật chất đầy đủ, hưởng thụ cuộc sống như ý làm con tim sung sướng đến tuyệt đỉnh. Hạnh phúc như vậy dù là vật chất hay tinh thần đều dẫn đến khỏe mạnh và sống lạc quan, yêu đời.

Các nhà tâm linh thì đi ngược lại dòng đời với trách nhiệm và bổn phận hết sức lớn lao, họ trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh. Muốn được như vậy họ phải cố gắng tu tập để chuyển hóa phiền não tham-sân-si thành an vui, hạnh phúc. Sau khi thành tựu họ phải dấn thân phục vụ vì lợi ích chúng sinh với tinh thần thương yêu đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết. Nếu làm như vậy mà không bị bức bách bởi các phiền não tham-sân-si chi phối thì ta gọi đó là được an nhiên, tự tại.

Một hôm, Thiền sư Phật Ấn nói chuyện đạo lý theo lời thỉnh cầu của Phật tử, Tô Đông Pha nghe tin đến tham dự. Trong giảng đường mọi người đã ngồi chật kín không còn chỗ trống nào, Thiền sư thấy Tô Đông Pha đến mà hết chỗ ngồi bèn nói: “Ở đây không có chỗ cho quan lớn ngồi, xin cảm phiền chờ dịp khác.” Tô Đông Pha cũng không vừa gì liền dùng Thiền ngữ để trả lời lại: “Nếu không có chỗ xin cảm phiền Thiền sư cho mượn thân tứ đại để làm tòa ngồi.” Thiền sư nói: “Vâng, tôi sẽ cho quan lớn mượn thân tứ đại này với điều kiện ngài phải trả lời được câu hỏi của tôi, nếu không đáp được xin quan lớn cảm phiền cởi đai ngọc trên thân để lại cho chùa làm kỷ niệm.” Tô Đông Pha tự thấy mình văn hay chữ giỏi nên nhận lời ngay mà không biết khéo léo tìm cách từ chối. Thiền sư nói: “Tứ đại vốn không, Năm ấm chẳng có, xin hỏi quan lớn phải ngồi chỗ nào?” Tô Đông Pha tuy có miệng nhưng đớ lưỡi nói không được vì thân này do bốn chất đất-nước-gió-lửa giả hợp, không thật có, làm sao có chỗ ngồi cho quan lớn. Tô Đông Pha đành cứng họng mà cởi đai ngọc để lại cho Thiền sư, đến nay vật đó vẫn còn lưu giữ trong chùa Kim Sơn.

Một thời gian sau, Tô Đông Pha sáng tác một bài thơ và tự cho là tuyệt tác không chê vào đâu được, ông bèn cho người đem tặng Thiền sư Phật Ấn lúc bấy giờ đang ở chùa Kim Sơn. Nguyên văn bài thơ của cư sĩ Tô Đông Pha như sau:

Thân tâm cúi lạy bậc giác ngộ,
 
Hào quang tỏa sáng khắp muôn nơi,
 
Tám ngọn gió đời thổi chẳng động,
 
Ngồi vững tòa sen, dáng nghiêm trang.

Quan lớn này lần trước đến đấu lý với Thiền sư đã thua một trận nên phải cởi đai ngọc để lại, ngày hôm nay lại muốn giở trò gì đây? Thiền sư Phật Ấn xem qua bài thơ thấy nghĩa lý rất hay nhưng biết quá rõ Tô Đông Pha do tình thức bén nhạy nên làm thơ nhờ văn hay, chữ giỏi chứ không phải do siêng năng, tinh tấn tu hành ngộ đạo. Thay vì khen ngợi Tô Đông Pha để khích lệ, Thiền sư ngược lại liền cầm bút phê vào hai chữ “hạ phong”, tức là “đánh rắm”, và bảo gia nhân đem về trình lại cho cư sĩ Tô Đông Pha. Quả như điều Thiền sư Phật Ấn đã dự đoán, Tô Đông Pha sau khi xem lời nhận xét của ngài xong liền đùng đùng nổi giận, lập lức một mình chèo thuyền vượt sông sang chùa Kim Sơn để hỏi ngài nguyên nhân vì sao lại vậy. Thiền sư Phật Ấn biết trước nên ra bờ sông đón, Tô Đông Pha vừa gặp ngài liền lớn tiếng trách móc: “Bài thơ của tôi sai sót ở chỗ nào mà Thiền sư dám phê vào hai chữ “đánh rắm” như thế?” Thiền sư Phật Ấn mỉm cười rồi hỏi: “Quan lớn nói Tám gió thổi chẳng động, sao bây giờ một mình chèo thuyền qua sông? Chỉ một cái đánh rắm mà quan lớn đã như thế, huống chi là phong ba bão táp.” Lúc bấy giờ, Tô Đông Pha mới nhận ra mình chỉ hiểu biết suông trên văn tự, chữ nghĩa mà thôi nên mới bị một chút gió đã bay bổng tận trời xanh, nói chi đến Tám gió thổi chẳng động. 

“Bát phong trong nhà Phật” nghĩa là Tám ngọn gió đời, là Tám pháp thế gian, là thước đo người tu hành chân chính. Tám gió này hay làm con người vọng động, điên đảo mà sinh ra vui vẻ, hạnh phúc hoặc phiền muộn, khổ đau. Cư sĩ Tô Đông Pha chỉ giỏi nghiên cứu, học hiểu suông mà không chịu áp dụng tu tập nên tình thức nhạy bén mà cảm tác ra bài thơ và cứ tưởng như thế là ngộ đạo. Do đó, cư sĩ mới hãnh diện, tự hào mình là con cháu nhà Thiền chánh tông nên mới làm bài thơ để khoe với Thiền sư. Không ngờ chẳng những Thiền sư không khen mà con phê vào đó hai chữ “đánh rắm” như tạt một gáo nước lạnh vào mặt làm ông đau điếng, liền biết ăn năn sám hối mà nhận ra lỗi lầm của mình. Từ đó, cư sĩ càng thêm kính trọng Thiền sư Phật Ấn nhiều hơn.

Cuộc sống của chúng ta chẳng mấy khi được bình yên, hạnh phúc thật sự, mới vừa được thì lại mất, cứ như thế mà xảy ra hằng ngày vì luôn bị Tám ngọn gió này thổi cho tan tác. Chính vì vậy, chúng ta muốn thiết lập hạnh phúc, an vui trong đời sống hằng ngày thì phải biết giữ vững tâm ý khi tiếp xúc, nói năng, làm việc cho có chừng mực mới không bị Tám ngọn gió đời này chi phối. Bởi khi được thì ta vui vẻ cảm nhận hạnh phúc, khi mất thì lo lắng, buồn rầu, khổ đau. Thiền sư Phật Ấn chẳng giảng Kinh, thuyết pháp gì cao siêu mà chỉ nương ngay bài thơ của Tô Đông Pha phê vào hai chữ ''đánh rắm'' để ông thức tỉnh mà biết cách quay lại chính mình, tìm về cội nguồn hạnh phúc.

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy được một bài học thiết thực trong cuộc đời. Nếu ta chỉ học hiểu lý luận suông trên ngôn ngữ mà không thật tâm hành trì chuyển hóa là mình chỉ Thiền trên môi mép, miệng lưỡi mà còn kẹt vào văn tự, chữ nghĩa như cư sĩ Tô Đông Pha mà thôi. Tuy nhiên, Tám ngọn gió đời là giả cảnh huyễn hóa không thật, lúc có lúc không, khi duyên với trần cảnh mà tâm ưa thích thì sinh tham lam, đắm say, mê muội. Cho nên, tham được thì càng thêm tham, đến khi tham không được thì sinh ra sân giận, hờn mát trong lòng mà khởi tâm ưa ghét, thù hận nên càng làm ta bất an, đau khổ. Người Phật tử chân chính sẽ biết chúng là giả có, vì ta biết mình có tâm sáng suốt, chân thật nên không bị Tám ngọn gió này cuốn trôi.

Khi được tài lộc ta không nên quá vui mừng, vì không vui mừng nên tâm không xao xuyến, vọng động. Khi sa cơ thất thế, tài sản bị hao hụt, mất mát, thậm chí dẫn đến tán gia bại sản mà ta vẫn thản nhiên, lòng không dao động. Khi bị phao du, hủy nhục trước đám đông, chuyện không đúng sự thật làm mọi người hiểu lầm, nghi ngờ ta là người xấu xa, đê tiện nhưng ta vẫn bình tĩnh, an nhiên, không tỏ ra thái độ bực tức, giận hờn. Khi được tán thán, công kênh trước đám đông lòng ta vẫn trước sau như một, tâm không hề lay động. Khi bị chê bai, chỉ trích quá đáng ta vẫn một lòng an nhiên, không phiền muộn. Khi được ai khen ngợi quá đáng ta vẫn thản nhiên, không vội mừng vì chưa biết rõ lời khen đó đúng hay sai. Khi gặp khổ đau, trắc trở ta không oán trời trách đất, đổ thừa tại-bị-thì-là… mà một lòng giữ vững niềm tin không dao động. Khi gặp việc vui ta cũng không quá mừng mà tâm bị xao động, lăng xăng. Cho đến khi đối đầu với mọi hoàn cảnh dù thuận hay nghịch, dù đúng hay sai, dù tốt hay xấu, dù được hay mất ta vẫn an nhiên, bình thản đón nhận như chúng là một thực tại nhiệm mầu. Vậy ai trong chúng ta xứng đáng đạt được danh hiệu “Tám gió thổi chẳng động”?

Đôi lời tâm sự chân thành xin được cống hiến cùng chư huynh đệ pháp lữ gần xa một chút duyên lành qua đề tài “Tám gió thổi chẳng động” để chúng ta có đầy đủ niềm tin trong cuộc sống mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Kính ghi

Phong Trần Cuồng Nhân

HAI NGỌN GIÓ ĐƯỢC VÀ MẤT

Được làm cho ta vui vẻ,
 
Mất làm cho ta phiền muộn, khổ đau.

Đây là hai ngọn gió đầu trong Tám gió, hai gió này lúc nào cũng rình rập mỗi người chúng ta không một phút giây lơ là từ khi ta có mặt cho đến khi từ giã cõi đời. Trong cuộc sống với muôn vàn sai khác, chúng ta ai cũng ước mơ, mong muốn mình có được việc làm ổn định, sự nghiệp vinh hiển, công thành danh toại, có gia đình và sống hạnh phúc lâu dài nên khi được thì ta thích thú, vui mừng, đến khi mất thì ta bất an, lo lắng, buồn rầu, đau khổ. Ta cho “được” là may mắn, là hên, là hạnh phúc nên ta vui vẻ, mừng rỡ. Ta cho “mất” là thất bại, xui rủi nên cảm thấy phiền muộn, khổ đau. Lúc hưng thịnh ta làm ăn xuôi chèo mát mái, phát tài hưởng lộc, ăn nên làm ra, do đó sinh tâm vui mừng, phấn khởi. Khi bị sa cơ thất thế, thua kém lỗ lã thì lại buồn rầu, lo lắng, cảm thấy bị mất mát, đau thương rồi sinh ra phiền muộn, đau khổ. Được thì ta vui vẻ, mất thì ta đau khổ, được và mất là hai thứ dễ làm cho ta buồn rầu, lo lắng hay an vui, hạnh phúc. Từ ngữ “thịnh-suy” được triết lý bằng bốn cặp đối đãi nhau như hơn-thua, thắng-bại, lời-lỗ, cuối cùng là được và mất. Bởi hơn thì được, thua thì mất; thắng thì được, bại thì mất; lời thì được, lỗ thì mất; và giống như thế khi mới sinh ra ta cho là được, đến khi từ giã cõi đời ta cho là mất.

Hai ngọn gió “được-mất” này luôn theo ta mãi, nhưng được thì ít mà mất thì nhiều bởi lòng tham lam, ích kỷ vô bờ bến. Khi gặp thất bại bị thua lỗ, thiệt thòi, mất mát, ta sa sút, suy sụp vì phiền muộn, khổ đau xâm chiếm tâm hồn. Lúc được thời thì lên như diều gặp gió, ta cảm thấy hân hoan, vui vẻ, hạnh phúc, nở mặt nở mày với ông bà cha mẹ, sung sướng hãnh diện với bạn bè người thân. Những lúc vui thú như vậy ta cảm thấy thân tâm an lạc, nhẹ nhàng. Đến khi thất bại, tán gia bại sản, tài sản chỉ trông thoáng chốc tan thành mây khói làm cho ta cuồng tâm loạn trí, sống dở chết dở như kẻ điên khùng, có khi còn muốn quyên sinh tự tử để chạy trốn khổ đau. Cuộc sống mưu sinh với không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, ta vật lộn với đời tìm kế sinh nhai chỉ để giành được một chút hy vọng mỏng manh là nhà cao cửa rộng, gia đình hạnh phúc nên luôn cố gắng đấu tranh sống còn. Thường thì cái mất nhiều hơn sự được, do đó chúng ta dễ dàng sa ngã trong tối tăm, si mê, mờ mịt. Nếu ta không có chút lòng tin nơi cuộc sống, không có ý chí và nghị lực thì ta sẽ là người gục ngã trước tiên bởi cuộc sống không đơn giản và dễ dàng như ta tưởng.

Có một người mang họ Tái nên người ta thường gọi là Tái ông. Một hôm, con ngựa yêu quý và tốt nhất trong nhà đi đâu mất biệt không thấy trở về. Nghe tin hàng xóm mới đến chia buồn và nói lời an ủi: “Tội nghiệp cho cụ quá, cụ là người nhân từ, phúc hậu từ xưa nay, vậy mà có con ngựa quý cụ lại bị mất.” Lúc đó, Tái ông mỉm cười nói: “Cũng chưa chắc như thế đâu, nhiều khi trong cái rủi lại có cái may.” Vài ngày sau con ngựa đi mất trở về và còn dắt theo con ngựa khác đẹp đẽ hơn, khi đó hàng xóm mới đến chia mừng cùng ông: “Ðúng thật cụ là người có phước, tưởng đâu mất con ngựa quý, không ngờ lại còn được thêm một con ngựa đẹp khác nữa.” Lúc này, Tái ông cũng cười và nói: “Cũng chưa hẳn như vậy đâu, biết đâu trong cái may lại có cái rủi thì sao.” Và đúng là rủi thiệt, con trai duy nhất của ông từ ngày có con ngựa mới đến nhà nó vui vẻ, thích thú quá nên cưỡi ngựa suốt ngày, do đó bị té gẫy chân phải bó bột. Thấy vậy, hàng xóm mới đến chia buồn: “Tội nghiệp cho cụ, cụ chỉ có đứa con trai duy nhất mà bây giờ lại bị gẫy chân, chịu tàn tật suốt đời. Như vậy là trong cái may mắn lại có cái xui xẻo phải không thưa ông cụ?” Tái ông không vì thế mà buồn phiền, ông nói: “Cũng chưa chắc đâu, biết đâu trong cái rủi lại có cái may thì sao.” Chừng vài tháng sau vì có giặc giã khắp nơi nên nhà vua bắt thanh niên đi lính thú, cậu con trai đó nhờ bị gẫy chân nên được ở nhà sống với cha già trọn vẹn.

Chuyện được mất là lẽ đương nhiên trong cuộc đời, ai có đầy đủ phước duyên lắm nên mới ít gặp chuyện rủi ro, xui xẻo. Người đời khi được thì sinh vui mừng, khi mất thì sinh phiền muộn, khổ đau. Chúng ta thử làm một bài toán nhân quả xem sao, nếu kiếp trước ta tạo ít phước báo mà gây nhiều nghiệp ác thì cuộc sống hiện tại ta gặp nhiều gian nan, trắc trở, chẳng được gì. Ta muốn cuộc sống được nhiều hơn mất thì ngay bây giờ phải biết gầy dựng từ lòng tin sâu nhân quả, phải tích cực tu tâm dưỡng tánh, làm nhiều việc phước thiện. Chúng ta sống bằng tất cả tấm lòng phát xuất từ ý nghĩ cho đến lời nói mà thể hiện ra hành động chân chính để cùng mọi người sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Ai đã từng có mặt trong cuộc đời mà không một lần gặp hoạn nạn hay vấp ngã, làm việc gì cũng thành công dễ dàng thì thường sinh tâm cống cao ngã mạn, khinh khi mọi người, làm cho thế nhân chán ghét, muốn lánh xa. Khi gặp hoạn nạn, mất mát, đau thương ta mới biết cảm thông cho hai đấng sinh thành đã vì ta mà chịu khổ nhọc trăm bề.

Tái ông khi lần đầu tiên mất ngựa ai cũng nghĩ ông sẽ đau khổ, buồn rầu nên đến để an ủi và chia buồn cùng ông. Vậy mà ông vẫn bình thản, an nhiên, chẳng tỏ ra thái độ gì có vẻ buồn phiền nên mới nói “biết đâu trong cái rủi lại có cái may”. Ông sống lạc quan, yêu đời như thế nên không bị hai ngọn gió được-mất làm lay động tinh thần, do đó luôn sống vui vẻ, thoải mái. Tương tự như thế, khi có thêm con ngựa đẹp do con ngựa mất dắt về ông cũng không vì thế mà hân hoan, vui mừng. Chúng ta khi được thì vui, khi mất thì buồn nên niềm vui, nỗi buồn lúc nào cũng xâm chiếm tâm hồn. Có khi chúng làm cho ta thất điên bát đảo, có khi làm ta cảm thấy vui mừng, thích thú. Cứ như thế ta luôn bị hai ngọn gió được-mất này làm cho vui buồn lẫn lộn. Trong cuộc sống ai cũng thích được đầy đủ tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều nên khi được thì mọi người thích thú, vui vẻ, phấn khởi, hả hê, cho đó là niềm an vui, hạnh phúc. Chính vì vậy mà ai cũng mong kiếm thật nhiều tiền để hưởng thụ lạc thú dù chúng ngắn ngủi, qua mau. Khi gặp cảnh làm ăn thua lỗ, mất mát, suy sụp thì phiền não, khổ đau cứ thế chất chồng theo ngày tháng. Có những trường hợp thua lỗ mà tán gia bại sản, tan nhà nát cửa, thân bại danh liệt, sự nghiệp chẳng còn, bao nhiêu công lao gầy dựng gần cả đời người, nhất là những nhà triệu phú thường hay tự tử vì không đủ sức chấp nhận, chịu đựng.

Vào thời Phật còn tại thế, có một mệnh phụ phu nhân là một Phật tử thuần thành, bà thường xuyên cúng dường Trai Tăng. Một buổi nọ, khi đang dâng thực phẩm cúng dường lên chư Tăng thì bà nhận được một tin hết sức bất hạnh trong gia đình nhưng vẫn thản nhiên, bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Bà bỏ lá thư vào túi rồi tiếp tục việc dâng thức ăn cúng dường. Một tỳ nữ mang sữa dâng lên quý thầy được đựng trong bình cổ quý, cô vô tình bị té làm bình sữa bể tan tành. Ngài Xá Lợi Phất thấy vậy sợ phu nhân phiền não mà la rầy tỳ nữ nên liền đến khuyên nhủ: “Bình sữa đã bể thì không thể nào hàn gắn lại vì mọi thứ có tướng đều vô thường sinh diệt.” Bà nói: “Thưa Tôn giả, con vừa mới nhận được tin 12 đứa con trai của con đã bị nhà vua hành hình vì lời tâu dối của kẻ nịnh thần”, đây quả là chuyện bất hạnh, đớn đau nhất đối với gia đình con; nhưng đến giờ con vẫn bình tĩnh sớt bát cho chư Tăng được đầy đủ mà không hề dao động, hoang mang. Việc cái bình đã bể ấy nào có vấn đề gì.”

Vị Phật tử này trước sự mất mát, đau thương quá lớn lao như thế mà vẫn thản nhiên, bình tĩnh, tự tại. Bà thật xứng đáng được tặng danh hiệu “Tám gió thổi chặng động.” Chuyện đau lòng đến thế mà bà vẫn tỉnh như không để lo việc cúng dường chư Tăng được đầy đủ, trọn vẹn. Việc mất một lúc 12 đứa con trai trong cuộc đời ít có biến cố nào lớn lao hơn thế. Con người trước những thuận nghịch hoàn cảnh thường luôn thể hiện cảm xúc vui buồn rõ rệt, khi được lợi thì vui mừng, hớn hở, muốn kiếm thêm; khi bị hao hụt, mất mát, hay tổn hại thì lại buồn rầu, tiếc nuối, khổ đau. Người thế gian lúc nào cũng loanh quanh, lẩn quẩn trong vòng được-mất, hơn-thua mà sinh ra phiền muộn, khổ đau hay vui vẻ, hạnh phúc.

Người phụ nữ này là một phu nhân quý phái được hưởng đầy đủ vinh hoa phú quý nhưng lại là một Phật tử thuần thành, bà không bao giờ cống cao ngã mạn mà khinh thường mọi người. Ngược lại, bà luôn biết cung kính người tu hành chân chính, biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ hai bên, luôn thương tưởng, nâng đỡ kè bần cùng, cô độc. Bà đã có lòng tin sâu Tam bảo nên không bao giờ tỏ thái độ giận hờn hay ghét bỏ một ai. Bà là người đầu tiên thỉnh cầu đức Phật cho hàng đệ tử tại gia thọ Bát quan trai một ngày một đêm để giúp cư sĩ có điều kiện tập sự hạnh xuất gia. Nhờ truyền thống tốt đẹp đó mà ngày nay các chùa mở khóa tu một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày. Bà xứng đáng được tôn vinh là người phụ nữ vẹn toàn cả hai mặt tài năng và đức hạnh.

Vào một lần nọ bà đi nghe Phật thuyết pháp, người tỳ nữ sơ ý bỏ quên chiếc áo choàng nạm ngọc quý trị giá hơn ngàn lượng vàng. Bà không quở mắng, rầy la cô tỳ nữ mà còn khen ngợi cô ta nhờ bỏ quên chiếc áo mà bà có dịp phát tâm xây dựng Tịnh xá từ số tiền đem áo đi bán. Vì giá trị của nó quá cao nên không ai mua nỗi, bà đã tự bỏ tiền ra mua lại. Trở lại câu chuyện khi bà đang cúng dường trai Tăng và nghe tin 12 đứa con đều bị giết vì lời tâu dối của nịnh thần. Chúng ta thấy, điểm đáng kính nể và khâm phục nơi bà là sự bình tĩnh, thản nhiên trước sự mất mát quá lớn lao. Có nhiều cha mẹ trong nhà chỉ có một đứa con bị bệnh hay bị chết họ đã khóc thương rất thảm thiết như mất đi điều quý nhất trên đời. Họ khổ đau, tiều tụy, mất ăn mất ngủ trong nhiều ngày trước cơn gió mất mát, đau thương. Với vị mệnh phụ phu nhân này, việc sinh được 12 đứa con trai và đều được làm quan trong triều đại phong kiến là một chuyện không dễ gì nhà nào cũng có được. Đùng một cái 12 đứa con đều bị giết bởi chế độ phong kiến độc tôn, vậy mà bà vẫn không hề xao xuyến hay dao động, vẫn bình tĩnh cúng dường đúng lễ như không có chuyện gì xảy ra. Bà xứng đáng được tặng danh hiệu người phụ nữ siêu việt của mọi thời đại vì “Tám gió thổi chẳng động”. Thật sự, Tám cơn gió lốc cuộc đời chỉ cuốn trôi những ai còn tham lam, ích kỷ, đam mê hưởng thụ những lạc thú trần gian.

Trong cõi thế gian vốn bất toàn, tương đối, cuộc sống con người có khi lên voi, gặp hoàn cảnh thuận lợi, tốt đẹp, công việc làm ăn suôn sẻ nên kiếm được nhiều tiền xây nhà cao cửa rộng, gia đình được cơm no áo ấm, sống vui vẻ với nhau. Những lúc như thế chúng ta cảm thấy hạnh phúc, an nhiên vì hiểu được ta có quả báo tốt đẹp hôm nay là do nhân tốt đã tạo trong quá khứ. Tuy nhiên, nếu gặp hoàn cảnh bất hạnh, khổ đau, không như ý như vị mệnh phụ nói trên chắc ta không chịu nỗi dù vẫn biết cuộc đời luôn vô thường thay đổi, được và mất là hai ngọn gió luôn làm cho ta vui mừng, phấn khởi hoặc phiền muộn, khổ đau. Có một điều không ai có thể chối cãi là khi mình được sinh ra thì ta ăn mừng sinh nhật, nên gọi là “được”. Khi có tang sự trong nhà, người thân hay chính ta qua đời thì gọi là “mất”, nên vì thế phải làm đám tang để bà con cô bác, hàng xóm láng giềng đến chia buồn, đưa tiễn. Như vậy rõ ràng khi sống thì được, khi chết thì mất. Thấy rõ điều này chúng ta mới hiểu thấu chuyện được-mất là lẽ đương nhiên, không có gì đáng cho ta phải lo lắng, bận lòng. Ta chỉ một lòng tin sâu nhân quả, không làm việc xấu ác mà hay làm việc thiện lành, tốt đẹp, sẵn sàng buông xả hai điều ưa-ghét vì được và mất thì sẽ bình thản, an nhiên, tự tại trong mọi hoàn cảnh.

Có một Phật tử nhân ngày đầu năm đến Thiền Viện thăm Thiền sư và sau đó yêu cầu Thiền sư chúc phúc. Thiền sư liền chúc như sau: “Ông chết, cha chết, con chết, cháu chết, chắt chết, và chít chết.” Vị Phật tử nghe xong quá kinh hoàng, hoảng sợ nói: “Kính bạch thầy, hôm nay là ngày đầu năm sao thầy chúc con toàn sự chết chóc, thật là xui xẻo và bất hạnh cho gia đình chúng con. Con muốn gia đình, người thân được sống an vui, hạnh phúc lâu dài chớ con đâu muốn gia đình con chết chóc, đau thương như thế. Kiểu chết hàng loạt như vậy thật khủng khiếp, hãi hùng.” Thiền sư từ tốn trả lời: “Ta chúc phúc như vậy là mong cho gia đình anh được đại phước đức. Vì sao? Vì gia đình nào mà được chết theo thứ tự từ lớn đến nhỏ quả là có phước báo to lớn. Nếu trong một gia đình ông bà còn sống mà con cháu cứ chết dần, chết mòn thì thử hỏi gia đình đó có hạnh phúc được không? Hay là cành già không đổ mà lại đổ cành non. Có ai muốn như vậy không?”

Thế gian này thật hạnh phúc là nhờ chết có trật tự, tức là ông già rồi thì ông chết, cha già rồi thì cha chết, con già rồi thì con chết, rồi đến cháu-chắt-chít đều theo thứ tự mà ra đi có trật tự. Chết có logic thì được gọi là hạnh phúc trọn vẹn, gia đình nào khi ông bà cha mẹ còn sống sờ sờ mà con cháu, chắt chít đều chết trước quả là một bất hạnh lớn lao. Như vậy, chúng ta thấy theo cách nhìn của thế gian khi được thì vui, khi mất thì buồn; “được” cho là an vui, hạnh phúc; “mất” cho là bất hạnh, khổ đau. Với cái nhìn của các vị Thiền sư thì được hay mất là lẽ đương nhiên của cuộc đời, do đó không có gì để ta đáng phải bận tâm buồn phiền, lo lắng. Cho nên, “Sanh như đắp chăn Đông, Tử như cởi áo Hạ”. Sinh ra hay mất đi là việc bình thường của thế gian, ai rồi cũng phải đến lúc như thế. Cũng như hoàn cảnh ta đang nghèo khó mà bỗng dưng trúng số 10 tờ độc đắc, đêm đó ta có chắc mình ngủ được hay phải thức trọn cả đêm? Vì từ xưa nay mình chưa bao giờ được như thế, nay khi được lại quá sức tưởng tượng nên không tài nào chợp mắt. Và cũng như thế khi có việc mất mát, đau thương, mọi thứ vất vả gầy dựng đều đội nón ra đi, ta bị sốc, bị buồn rầu, đau khổ mà tiếc nuối mãi.  

Trong cuộc đời này có những việc thuận buồm xuôi gió nên ta được may mắn, tốt đẹp, hay còn gọi là “hên”. Ngược lại, những chuyện không may, xui rủi cứ đến với ta liên tục hết chuyện này đến chuyện khác. Chính vì những cái được-mất này mà làm ta dễ bị hụt hẫng, chới với, chơi vơi giữa dòng đời vô tận. Ta cảm thấy đau lòng vì sự sống này luôn tràn ngập khổ đau, để rồi chịu chết trong si cuồng, khờ dại khi không đủ năng lực làm chủ bản thân, do đó trên oán trời, dưới trách đất, đổ thừa cho xã hội sao quá bất công. Người Phật tử chân chính khi đã tin sâu nhân quả rồi thì không còn phải bận bịu, lo toan những cái được hay mất mà chỉ biết làm sao trong hiện tại điều phục được từ ý nghĩ, lời nói, cho đến hành động luôn hướng về đạo đức mà làm các việc thiện lành, tốt đẹp.

HAI NGỌN GIÓ KHEN VÀ CHÊ

Khi được khen ai cũng vui tươi,
 
Khi bị chê ai cũng buồn chán,
 
Người khôn vượt khỏi khen chê,
 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin