Chi tiết tin tức

Trao đổi về Hiện Pháp Lạc Trú

21:45:00 - 12/12/2013
(PGNĐ) -  Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 143 | PHAN  MINH  ĐỨC Trong thời gian gần đây có một số ý kiến cho rằng phương pháp thực hành chánh niệm, hiện pháp lạc trú, mà các nhà Phật học trình bày trong nhiều sách báo, tạp chí Phật giáo là không đúng tinh thần Phật dạy, vì những điều này gần giống với chủ trương của triết thuyết hiện sinh (Existentialism) phương Tây hơn là tư tưởng Phật giáo. Các luận điểm nói: 1. Chính Đức Phật cũng đã từng nhiều lần nhớ lại những kiếp quá khứ của mình và chúng đệ tử, thuật lại những chuyện tiền thân. Chính Đức Phật đã từng thọ ký cho Bồ-tát Di-lặc sẽ thành Phật trong tương lai, Đức Phật đã từng dự báo những vị nào trong hàng Thánh chúng sẽ thành tựu Phật quả và giáo hóa chúng sinh như thế nào ...

trao-doi-ve-hien-phap-lac-tru

Trong thời gian gần đây có một số ý kiến cho rằng phương pháp thực hành chánh niệm, hiện pháp lạc trú, mà các nhà Phật học trình bày trong nhiều sách báo, tạp chí Phật giáo là không đúng tinh thần Phật dạy, vì những điều này gần giống với chủ trương của triết thuyết hiện sinh (Existentialism) phương Tây hơn là tư tưởng Phật giáo. Các luận điểm nói:

1. Chính Đức Phật cũng đã từng nhiều lần nhớ lại những kiếp quá khứ của mình và chúng đệ tử, thuật lại những chuyện tiền thân. Chính Đức Phật đã từng thọ ký cho Bồ-tát Di-lặc sẽ thành Phật trong tương lai, Đức Phật đã từng dự báo những vị nào trong hàng Thánh chúng sẽ thành tựu Phật quả và giáo hóa chúng sinh như thế nào ở các đời vị lai. Như vậy, nếu không nghĩ nhớ quá khứ thì làm sao các vị đệ tử Phật có thể trùng tuyên lại giáo pháp của Đức Phật, những gì Đức Phật đã thuyết giảng để kết tập lại thành Tam tạng Thánh giáo?

2. Có lý nào Đức Phật dạy chúng ta dính mắc vào các trạng thái hỷ lạc của tâm hiện tại? Phương pháp thư giãn, quán niệm hơi thở vào, hơi thở ra, quán niệm các cảm thọ sao có thể xem là pháp đưa đến Định và Tuệ, đưa đến giác ngộ, giải thoát?

Thực ra, phương pháp chánh niệm, hiện pháp lạc trú, được đề cập trong các bài kinh Nhất dạ hiền giả và A-nan nhất dạ hiền giả thuộc Trung Bộ kinh III, hay A-nan-đà thuyết kinh thuộc Trung A Hàm số 167 là phương pháp dứt trừ vọng tưởng, làm chủ tâm ý; không để cho tư tưởng đi hoang, không mơ ước, tưởng tượng viển vông, không ưu tư, lo lắng vu vơ, thái quá, không nuối tiếc, sầu muộn, bận lòng bởi những gì đã qua; tóm lại, là không để cho tâm ý bị những gì đã qua và những gì chưa tới  ràng buộc, chi phối. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể nghĩ về quá khứ, nghĩ về tương lai khi cần thiết; như trường hợp Đức Phật nhớ lại các tiền kiếp tu nhân của mình và thuật lại để giáo huấn các đệ tử, Đức Phật cũng quán xét nhân duyên trước khi hóa độ cho người nào, hoặc Đức Phật cũng dự báo những gì sẽ xảy ra trong thời kỳ tượng pháp, mạt pháp v.v.

“Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận, tương lai lại chưa đến, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính ở đây…”.  Ý nghĩa bài kệ này cũng tương tự như bài kệ trong phẩm Cây lau thuộc Tương Ưng Bộ kinh I: “Không than việc đã qua, không mong việc sắp tới, sống ngay với hiện tại, do vậy sắc thù diệu. Do mong việc sắp tới, do than việc đã qua, nên kẻ ngu héo mòn, như lau xanh rời cành”. Ở đây, Đức Phật khuyên hành giả nên an trú tâm trong hiện tại, đừng để tâm rong ruổi đi hoang trong hai miền quá khứ và tương lai, tức là đừng vọng tưởng, cần phải chánh niệm tỉnh giác; chỉ vì nếu có vọng tưởng thì tâm sẽ không an định sáng suốt, phiền não sẽ phát sinh, tâm trở nên si mê điên đảo. Đây cũng chính là bước đầu căn bản của thiền: tâm hành giả như con trâu chưa chịu đứng yên, nó cứ đi rong, phá hại lúa mạ. Người chăn phải nắm dây vàm giữ nó ở yên một chỗ. Như thế gọi là định, gọi là “chế tâm nhất xứ” như lời trong chương Dục phóng dật khổ của kinh Di Giáo. Trong kinhNiệm Xứ, bài kinh số 10 thuộc Trung Bộ kinh, Đức Phật dạy về pháp thiền Tứ niệm xứ như sau: “Tỳ-kheo sống quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời”. Trong kinh Thân hành niệm, Đức Phật cũng dạy các thầy Tỳ-kheo niệm hơi thở vô, hơi thở ra trên thân, quán các oai nghi của thân, sao cho đi, đứng, nằm, ngồi đều có chánh niệm tỉnh giác; quán các cử chỉ của thân sao cho nhất cử nhất động đều ý thức rõ ràng, trọn vẹn.

Tinh thần thực tiễn, thực tại của các pháp tu trên giúp chúng ta ý thức trọn vẹn về sự sống, về những gì đang diễn ra trong hiện tại, giúp tâm chúng ta an ổn không xao động vì những buồn, thương, oán, giận…; không rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực như lo lắng, sầu não, nuối tiếc, hoài nghi, bất mãn, tham luyến v.v.; nhờ đó mà cuộc sống có an lạc hạnh phúc. Phương pháp đó giúp cho chúng ta có khuynh hướng sống tích cực, tìm được những cảm xúc có lợi cho bản thân trong quá trình sống và tu tập. Chính các bậc giác ngộ cũng trải qua các cấp độ hỷ lạc trong thiền định trước khi đi vào trạng thái thanh tịnh, giải thoát rốt ráo; tuy nhiên, đó là trạng thái hỷ lạc tinh tế, thánh thiện chứ không phải hỷ lạc do các dục mang lại. Tứ thiền là bốn cấp độ thiền định ban đầu làm cơ sở để đi đến các cấp độ thiền định cao hơn gồm có:

1. Ly sinh hỷ lạc (trạng thái hỷ lạc có được do ly dục);
2. Định sinh hỷ lạc (trạng thái hỷ lạc có được do tâm an định);
3. Ly hỷ diệu lạc (trạng thái an lạc vi diệu do xả bỏ trạng thái hỷ ở cấp độ 1 và 2);  và
4. Xả niệm thanh tịnh (sự thanh tịnh có được do xả bỏ tất cả niệm).

Đức Phật khi chưa thành đạo cũng từng nhớ lại sự trải nghiệm thuở ấu thơ khi Ngài cùng vua cha tham dự lễ tịch điền. Lúc đó Ngài ngồi dưới gốc cây Jambu xem phụ vương thân hành cày ruộng, lòng Ngài thanh thản trong trạng thái thư giãn, cảm giác khoan khoái lạ thường. Ngài bỗng nhập vào trạng thái ly dục, ly bất thiện pháp, trạng thái thiền định đầu tiên của Tứ thiền vừa được nói tới ở trên là ly sinh hỷ lạc. Chính là từ sự nhớ nghĩ đó mà Ngài bắt đầu một hành trình tu tập mới sau khi từ bỏ các pháp tu khổ hạnh ép xác. Ngài thực tập lại phương pháp ấy, tìm lại sự trải nghiệm của ngày xưa, và rồi từ cơ sở đó Ngài đã đi sâu vào các cấp độ thiền định cao hơn, sau cùng là thành tựu tuệ giác giác ngộ, lần lượt chứng đắc Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh để đạt tới giác ngộ và giải thoát hoàn toàn.

Như vậy, quán chiếu sự sống trong giờ phút hiện tại không có nghĩa là suy nghĩ về những gì đang có mặt, đang diễn ra trong hiện tại với tâm phân biệt chủ thể và đối tượng quán chiếu, ở đó có sự hiện diện của các tâm sở tham ái, chấp thủ; mà “quán chiếu” ở đây là nhận diện, thấy rõ thực tại một cách trung thực, tiếp xúc với sự sống mà không bị sự sống lôi cuốn, ràng buộc, chi phối. Điều này đúng với tinh thần nhà thiền:

  “Phi tư duy thị thiền chi yếu giả (không suy nghĩ là điểm thiết yếu của thiền).

An trú trong hiện tại không có nghĩa là bị các pháp hiện tại lôi cuốn, dẫn dắt, trói buộc. An trú trong hiện tại là giữ tâm an định, không dao động, không vọng tưởng; khiến tâm tự do không dính mắc vào các pháp quá khứ, vị lai và cả hiện tại. Nhận diện những gì đang có mặt, đang diễn ra xung quanh và trong chính bản thân mình nhưng chỉ đơn thuần là nhận diện chứ không dính mắc. Ý thức, nhận diện rõ các cảm thọ nhưng không chấp trước, không yêu thích cũng không chán ghét, không khởi tham ái, chấp thủ, không khởi các phiền não tham, sân, si. Người tu học Phật luôn ý thức được rằng“chư hành vô thường, chư pháp vô ngã” thì làm sao có thể tham đắm, chấp trước các pháp trong hiện tại. Điều này khác xa với triết thuyết hiện sinh, bởi triết học hiện sinh chủ trương chú trọng vào sự trải nghiệm chủ quan của con người, những diễn biến nội tâm, những khám phá để từ đó xác định yếu tính của thế giới, bản chất của đời sống. Con người phải ý thức đầy đủ về bản ngã của mình trong hoàn cảnh đặc thù mà mình tìm thấy chính mình trong đó. Trong khi đó tuệ giác của Phật giáo thấy rằng “chư pháp vô ngã”, rằng tất cả sự vật, hiện tượng dù hữu hình hay vô hình, dù vật chất hay tinh thần, từ vật lý cho đến tâm lý… đều không có tự thể, tự tính, tất cả chỉ là duyên sinh. Trong Tương Ưng Bộ kinh II, Đức Phật dạy chúng sinh không nên chấp thủ, không nên nghĩ bất cứ cái gì là tự ngã của mình; và khi cảm thọ sinh thì xem là sinh, khi cảm thể diệt thì xem là diệt, mà không xem có cái tôi thụ nhận các cảm thọ khổ hoặc lạc ấy. Luận Thanh Tịnh đạo (Visuddhimagga) cũng nhắc lại điều này như sau: “Chỉ có trạng thái khổ, không có người khổ. Cũng không có người hành động, không ai hết, chỉ có sự hành động…”

Trong kinh Kim Cương, Đức Phật dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Đừng nên trụ vào đâu cả mà sinh tâm), có nghĩa là đừng để tâm bám víu, dính mắc vào đối tượng nào cả. Trong kinh Pháp Cú, câu 348, Đức Phật dạy: “Bỏ quá khứ, hiện tại, vị lai mà vượt qua bờ kia; tâm giải thoát hết thảy, không còn bị sinh già”.

Trong kinh Vô ngã tướng (Anatta Lakkhana sutta) thuộc Tương Ưng Bộ kinh III, Đức Phật dạy: “Do vậy, này các Tỷ-kheo, phàm sắc nào quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau:

‘Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.’ Phàm thọ, tưởng, hành, thức nào quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thọ, tưởng, hành, thức ấy cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: ‘Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.’ Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: ‘Ta đã được giải thoát.’Vị ấy biết rõ: ‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.’” Kinh Đại Bát Nhã lại nói: “Không trụ vào tất cả pháp, gọi là trụ Bát-nhã.

Theo những lời dạy đó thì không phải là chúng ta bịt tai bịt mắt, đóng tất cả các giác quan, biến mình trở thành người vô tri vô giác như cỏ cây sắt đá. Chính Đức Phật đã từng nhận định các pháp thiền Vô sở hữu xứ (ở trong trạng thái không có gì hết, như là hư không) và Phi tưởng phi phi tưởng xứ (không có tri giác, cũng không phải không có tri giác) của Alàràma Kàlàma và Uddaka Ràmaputta không đưa đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát, Niết bàn. Trong Vạn pháp quy tâm lục, Thiền sư Tổ Nguyên có nói: “Đạo nhơn vô tâm chẳng đồng với cây đá. Vô tâm là không tâm phân biệt, không tâm yêu ghét, không tâm thủ xả, không tâm thị phi, không tâm thiện ác, không tâm có không, không tâm ở giữa hay một bên, không tâm trong ngoài, không tâm chấp trước, chứ chẳng phải không chơn tâm linh tri tịch chiếu”(Vạn pháp quy tâm lục, chương V Giáo thừa sai biệt). Vô tâm như lời dạy của Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông trong bài phú Cư trần lạc đạo cũng đồng nghĩa đó, ở đây Tổ nói cụ thể trong đời sống hàng ngày: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm. Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền”. Tổ dạy rằng tính giác, hay Phật tính, có sẵn nơi mỗi người; đừng hướng tâm tìm cầu đâu chi nữa mà hãy tự mình trở về với tính giác, với Phật tính đó; đừng xem Phật tính là đối tượng tìm cầu. Không truy tầm, tìm cầu, không vướng mắc, chính là vô tâm và là yếu lĩnh của sự tu tập.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm thuật rằng trong bảy lần Đức Phật gạn hỏi về tâm, Tôn giả A-nan đều trả lời không đúng chỉ vì Tôn giả chưa chứng ngộ. Trong kinh Kim Cương, Đức Phật nói với Trưởng lão Tu-bồ-đề: “Này Tu- bồ-đề, Như Lai nói tâm, không phải thật có tâm, chỉ giả gọi là ‘tâm’. Vì sao vậy? Vì tâm quá khứ tìm không được, tâm hiện tại tìm không được, tâm vị lai cũng tìm không được,” và Đức Phật dạy: “Các vị Bồ tát phải giữ tâm thanh tịnh, chớ nên sinh vọng tâm trụ chấp nơi sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần. Tóm lại, Bồ tát đừng khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả”.  Tuy nhiên để có thể “bỏ quá khứ, hiện tại, vị lai mà vượt qua bờ kia, tâm giải thoát hết thảy” theo lời kệ số 348 kinh Pháp Cú thì cần phải tu tập để chứng ngộ, chứ không thể cứ nhận thức, hiểu biết, tư duy, suy luận hay nói suông là có thể “vô trụ”, “vô tâm”, “vô niệm”.

Qua những phân tích và dẫn chứng trên, rõ ràng Hiện pháp lạc trú là một pháp môn căn bản của nhà Phật, chẳng liên quan gì đến triết thuyết Hiện sinh. Việc thể hiện pháp môn này “gần giống” với triết thuyết hiện sinh có thể là do các học giả triển khai quá xa pháp môn căn bản ấy đến nỗi đi lạc, thật ra cũng không thể làm mê hoặc người học Phật một khi hành giả đã vào được chỗ nhận thức về tánh Không, vô ngã, hay duyên sinh.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 143 | PHAN  MINH  ĐỨC

 

vanhoaphatgiaoblog.com

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin