Chi tiết tin tức DV Hồ Giang Bảo Sơn: Phật là người dẫn lối, chỉ đường! 16:48:00 - 15/07/2015
(PGNĐ) - Từng phải đối mặt, phải lựa chọn trước những biến cố của cuộc đời, nhưng nhờ Phật và đức tin về Ngài mà chàng diễn viên trẻ đã vượt qua tất cả, để rồi, có được thành công ở ngày hôm nay. Hồ Giang Bảo Sơn cho biết: Phật chính là người dẫn lối, chỉ đường.
Diễn viên Hồ Giang Bảo Sơn là một Phật tử thuần thành - Ảnh do nhân vật cung cấp Lớn lên từ “cái nôi” đạo Phật Bà ngoại và mẹ của Hồ Giang Bảo Sơn đều là Phật tử thuần thành, vì vậy vừa mới lọt lòng anh đã được quy y, cho đi chùa và làm quen với lời kinh tiếng kệ. Cũng chính nhân duyên từ thuở mới lọt lòng này đã giúp anh lần lần muốn tìm hiểu về giáo lý của Phật-đà, về những lời dạy của Ngài đối với Phật tử mà người trẻ như anh là một ví dụ điển hình. Hồ Giang Bảo Sơn cho biết, vì đặc thù công việc của người diễn viên nên anh không có nhiều thời gian để tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử như bà và mẹ của mình. Nhưng hễ sắp xếp, và đến bất cứ nơi đâu thấy chùa, thấy Phật anh đều chắp tay, cung kính cầu nguyện, trước là cho bà cho mẹ, sau cho bản thân, cho công việc, và cuối cùng là cho những người chung quanh. Tất cả những việc làm đó, thói quen đó anh đều được thừa hưởng và qua sự chỉ dạy của bà, của mẹ. Hồ Giang Bảo Sơn chia sẻ: “Bà và mẹ không những đã cho tôi cuộc sống, mà còn giúp tôi đến, tiếp cận với đạo Phật. Qua đó, ngoài bổn phận làm cháu, làm con, tôi còn có thêm bổn phận của một người Phật tử, luôn sống và hành theo lời Phật dạy. Vì vậy, dù ở bất cứ vai trò, môi trường và hoàn cảnh nào thì tính tự giác, tinh thần từ bi của nhà Phật luôn là kim chỉ nam để tôi học tập và noi theo”. Giáo lý Phật - Nhân nào quả nấy Không tìm hiểu giáo lý của Phật qua sách vở, vì vậy sau mỗi lần theo bà theo mẹ đi chùa, Hồ Giang Bảo Sơn lại tìm đến quý thầy, quý sư cô trong nơi mình tới để lắng nghe chia sẻ cũng như giải đáp những thắc mắc mà một người trẻ như anh cần được đả thông. Cũng chính từ kênh thông tin thực tế, gần gũi này, anh đã dần sáng tỏ được những khúc mắc của mình. Phật dạy Nhân - Quả, luân hồi nghiệp báo, nhưng tại sao cuộc sống lại có ranh giới của: giàu - nghèo, sang - hèn, đẹp - xấu, trí - ngu? Tại sao có người hiền lành mà thường gặp việc khổ sở không may, kẻ hung ác lại được an vui, phát đạt? Để từ đó, những khái niệm như: hiện nghiệp (nhân gây ra ở hiện tại và được trổ quả ngay ở hiện tại như những kẻ giết người thì bị tử hình…), sinh nghiệp (nhân gieo trong kiếp này nhưng trả quả ở kiếp kế cận) và nghiệp vô hạn định (nếu chưa trổ quả trong kiếp này hay kiếp kế cận thì nghiệp đó sẽ phát hiện trong bất cứ kiếp sau này khi chúng hội đủ điều kiện)… đã được Bảo Sơn tìm và hiểu. Anh nói, cũng chính những lời dẫn giải cặn kẽ và có cơ sở đó đã giúp Hồ Giang Bảo Sơn hiểu được sự thậm thâm vi diệu, cũng như tính nhân văn của giáo lý đạo Phật: Không làm các việc ác/ Vâng làm các việc lành/ Thanh tịnh hóa tâm ý/ Đó là lời Phật dạy. Mong muốn giáo lý nhà Phật vào trường học Không hề cảm tính, hay dựa trên suy nghĩ cá nhân mà Hồ Giang Bảo Sơn lại có mong muốn đưa giáo lý của Phật vào nhà trường như một môn học bắt buộc. Bởi ở một góc độ nào đó, thì ý kiến của anh cũng cần thiết và còn mang cả tính cấp bách khi mà ở một số ngôi trường, nạn bạo hành học đường đang trở thành vấn đề nan giải, nhức nhối đối với những bậc làm cha làm mẹ, những người làm công tác quản lý giáo dục.
Hồ Giang Bảo Sơn nói về mong muốn mang tính đột phá của mình: “Nếu luật Nhân - Quả, rồi sự minh bạch của luân hồi nghiệp báo như: hiện nghiệp, sinh nghiệp, nghiệp vô hạn định… được học sinh nắm bắt một cách cơ bản, hiểu một cách thấu đáo ắt nạn bạo hành, những câu chuyện thương tâm của học sinh đối với học sinh sẽ giảm thiểu ngay tức thì”. Hồ Giang Bảo Sơn trăn trở, để giáo lý của Phật trở thành một môn học bắt buộc thì phải có sự tác động mạnh mẽ và đồng nhất của cộng đồng, xã hội. Và điều quan trọng nhất đó vẫn là hàng đệ tử của Phật, những người mang trọng trách gìn giữ, bảo vệ và phát huy gia tài quý giá của Đức Thế Tôn. Cuối cùng, cả người xuất gia và Phật tử tại gia nên răn mình: đừng vì vụ lợi cá nhân, cái lợi trước mắt mà đánh mất đi giá trị cao đẹp và nhân văn của lời Phật dạy”.
Viên Quang
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |