Chi tiết tin tức

Nét đẹp của một doanh nhân Phật tử

21:30:00 - 04/10/2021
(PGNĐ) -  Từ khi Đạo Phật ra đời và phát triển cho đến ngày nay, giữa Phật giáo và doanh nghiệp, hay giữa Tăng đoàn và doanh nhân luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhân kỷ niệm ngày Doanh dân Việt Nam (13/10), chúng ta cùng nhau nhìn lại lịch sử để thấy rõ vai trò của doanh nhân, khẳng định lại vị trí quan trọng trong việc bảo vệ và hộ trì phát triển sự nghiệp truyền bá Phật giáo cho nhân loại của doanh nghiệp.

PHẬT GIÁO VÀ DOANH NHÂN 

Từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ V trước công nguyên, kinh tế Ấn Độ phát triển nhanh chóng, đặc biệt là hai ngành thủ công nghiệp và thương mại. Điều này đã thúc đẩy sự thịnh vượng và phồn vinh những kinh thành lớn ở quốc gia này. Phần nhiều những tài sản nằm trong tay giai cấp Vessa. Vessa ở đây chính là chỉ cho những Vaiśya, giai cấp thứ ba trong bốn dòng họ của Ấn Độ, chủ yếu là những người hoạt động trong các ngành nghề: Nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp, thương nghiệp. Phật giáo ra đời đã kết mối nhân duyên sâu sắc với những doanh nhân. Lịch sử ghi lại sau khi Đức Phật thành đạo, người quy y và cúng dường sớm nhất cho Thế Tôn là hai anh em doanh nhân người Bắc Thiên Trúc: Trapusa (Đề Vi), Bhallika (Ba Lợi) [1], đây cũng chính là hai vị Ưu bà tắc đầu tiên của Phật giáo. Sau này, trong quá trình truyền bá đạo Phật, những doanh nhân đều đóng vai trò quan trọng. Thông thường, những doanh nhân luôn có một số đặc điểm chung: Thông minh, học rộng biết nhiều, gia đình giàu có, địa vị cao, phẩm chất đạo đức tốt, được mọi người kính nể, có nguồn tài sản vật chất và nhân lực, tầm ảnh hưởng sâu rộng với xã hội. Các doanh nhân Phật tử từ xưa đến nay không những cúng dường y phục cho chư Tăng mà còn xây dựng đạo tràng, tự viện để bảo đảm đời sống ổn định cho Tăng chúng. Chẳng phải vườn Cấp Cô Độc, tịnh xá Trúc Lâm cũng chính do bàn tay của hai Trưởng lão Anāthapindika (Cấp Cô Độc) và Kalandaka (Ca Lan Đà) đóng góp xây dựng nên đó sao. Vì thế, không thể không nhắc đến vai trò của họ đối với sự nghiệp phát triển Phật giáo.

Từ xưa đến nay, con đường truyền bá chánh pháp của Phật giáo đều thông qua con đường buôn bán. Trong Du hành Kinh thuộc Trường A hàm có miêu tả rõ ràng như sau: Trước khi Phật thành đạo, Ngài đi theo con đường từ Bắc về Nam, cho đến khi Thế Tôn nhập diệt thì Đức Phật cũng lại đi ngược từ Nam hướng Bắc. Đặc biệt, hai lộ trình này đều là con đường buôn bán qua lại giữa các vùng miền trù phú. Đồng thời, Phật giáo truyền vào Trung Hoa hay Việt Nam, dù đường bộ hay đường thủy, đều theo những con đường thương mại. Trong đó, phải kể đến con đường tơ lụa không chỉ nổi danh về buôn bán, vận chuyển hàng hóa mà còn là con đường truyền bá văn hóa, đồng thời cũng chính là con đường hoằng dương giáo lý Phật Đà vào các nước Trung Á. Nếu như khảo sát lịch sử Phật giáo từ Ấn sang Trung và cả lộ trình đi vào Việt Nam, thật khó tưởng tượng nếu như thiếu đi sự trợ lực kinh tế của các doanh nhân thì không biết Phật giáo đương đại sẽ phát triển ra sao? Ngày nay, bên cạnh nguồn kinh tế tự cung tự cấp của tự viện, Phật giáo Việt Nam cũng nhận được nhiều ủng hộ từ tầng lớp doanh nhân trong xã hội.

Hình thức tự cung, tự cấp kinh tế tự viện ở một số tự viện hiện nay ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Hoa, đặc biệt từ đời Đường, khi Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (720-814) xây dựng nếp sống tùng lâm thanh quy, hình thành nên truyền thống tốt đẹp cho đời sống người xuất gia là “một ngày không làm, một ngày không ăn”. [2] Chính truyền thống này đã giúp cho tự viện có nguồn kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời cũng giúp kinh tế tự viện có vai trò mới trong xã hội như tham gia và tổ chức những hoạt động từ thiện giúp đỡ người nghèo, đắp đê sửa đường, bố thí lương thực, trị bệnh… Những việc làm này đã phần nào giúp đỡ nhân dân, đồng thời thể hiện tinh thần từ bi trong đời sống hàng ngày.

Phật giáo truyền vào Trung Hoa hay Việt Nam, dù đường bộ hay đường thủy, đều theo những con đường thương mại.

Phật giáo cùng thương nghiệp chẳng phải đơn giản là sự đối lập của “xuất thế” và “nhập thế”. Trong Kinh Pháp Hoa ghi chép: “Nhất thiết thế gian pháp, giai thị Phật pháp”, hay “Nhất thiết thế gian trị sanh sản nghiệp, giai dữ thực tương bất tương vi bối” [3], nghĩa là tất cả các pháp thế gian đều là Phật pháp, hay tất cả những ngành nghề trên thế gian này nhằm để nuôi dưỡng và bảo vệ đời sống, thì đều không trái với thực tướng. “Trị sanh sản nghiệp” chính là nghề nghiệp để nuôi sống con người, hoặc buôn bán, hoặc trồng trọt… đều không trái với Đạo. Có thể gọi những người kinh doanh nhưng có niềm tin và phụng trì Phật pháp là doanh nhân Phật tử, biết vận dụng giáo lý Phật pháp vào công việc làm ăn. Trong quá khứ, có thể kể đến Trưởng lão Anathapindika (Cấp Cô Độc), Vimalakīrti (Duy Ma Cật), còn trong thời hiện đại điển hình như Steve Job (1955-2011) [4], nhà sáng lập Apple là một người có khuynh hướng Phật giáo. Ở Việt Nam, nhắc đến doanh nhân Phật tử, có thể nhắc đến: Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen – Lê Phước Vũ, Chủ tịch Thái Hà Books – Nguyễn Mạnh Hùng,… Những vị doanh nhân này đều đóng góp không nhỏ vào sự phát triển Phật giáo trong nước. Họ chọn con đường vừa kinh doanh, vừa thực hành giáo lý Phật dạy như: Thiền tập, ôn lại lời Phật để nâng cao chất lượng đời sống. Đồng thời, còn ban rải tâm từ bằng việc tham gia phụng hiến với những hoạt động thiện nguyện. Vậy, điều gì làm nên điều khác biệt giữa một doanh nhân bình thường với một doanh nhân Phật tử?

NHỮNG NÉT ĐẸP CỦA DOANH NHÂN PHẬT TỬ

Có niềm tin chân thành với tam bảo

Sự khác nhau cơ bản nhất giữa doanh nhân Phật giáo và một doanh nhân thông thường đó là niềm tin vào Thế Tôn và giáo lý Đức Phật đã truyền trao, đây chính là điểm đặc biệt nhất để phân biệt một doanh nhân Phật giáo. Thường chúng ta hay cho rằng: “Phật tử” trong từ doanh nhân Phật tử chính là người đi giải quyết những vấn đề liên quan đến sự giàu có về tinh thần như: Sức khỏe, hạnh phúc gia đình, niềm vui tâm linh hay cả vấn đề sanh tử, còn “doanh nhân” là tạo ra nhưng vấn đề liên quan đến vật chất, tiền bạc, giải quyết việc lương thực đầy đủ, sự giàu có về tài sản. Nhưng vốn dĩ là một Phật tử, doanh nhân Phật giáo phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, có niềm tin chánh tín với Phật giáo cả trong kinh doanh hay đời sống hằng ngày. Doanh nhân Phật tử sẽ tình nguyện giữ gìn tam quy, ngũ giới, bồi dưỡng bản thân hướng thượng và có đầy đủ lý luận đạo đức tôn giáo, giúp bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Đạo đức Phật giáo có nhiều nét giống với đạo đức kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Giáo lý nhà Phật bao hàm cả một số quy phạm đạo đức của thương nghiệp. Giống như Đức Phật dạy chúng đệ tử phải tuân theo chánh nghiệp và chánh mạng trong giáo lý Bát chánh đạo. Người đệ tử Phật không được sát sinh, trộm cắp, tà hạnh… Hơn thế nữa, từ những giới pháp căn bản ấy, người doanh nhân Phật tử còn phải yêu quý và giữ gìn môi trường sống, trải tâm từ bi yêu thương bố thí cho vạn loài. Chánh mệnh chính là chỉ cho đời sống đúng đắn, tức là sống với ngành nghề vừa tốt lại phù hợp với tinh thần chánh mệnh, không tham gia vào những ngành nghề phi pháp và vượt quá giới hạn đạo đức nhân sinh.

Người doanh nhân Phật tử phát nguyện hộ trì chánh pháp, phản đối lối sống không phù hợp với xã hội, hơn nữa còn phải phát huy tinh thần xây dựng Phật giáo tại nhân gian. Trong công việc cũng như đời sống, những vị này thường “thực hành những giáo pháp vô ngôn, nói những pháp không có âm thanh” bằng hành động thiết thực để tự thân mỗi vị đều trở thành nhân chứng cho chân lý “Phật pháp không xa rời pháp thế gian”.

Có lòng tri ân xã hội

Là một doanh nhân Phật tử chân chính, nên họ luôn luôn đặt nhu cầu của xã hội lên hàng đầu, đồng thời, giữ gìn tính nhất quán giữa mục tiêu của cá thể và xã hội. Bên cạnh đó, doanh nhân Phật tử phải nhận thức được sự nghiệp ở thế gian chẳng phải là mục đích cuối cùng của người học Phật, cần phải biết khéo léo vận dụng tinh thần xuất thế để làm những việc nhập thế, tích cực chủ động tham dự vào công tác xây dựng, kiến thiết lại những đạo đức ngành nghề cho phù hợp với xã hội ngày nay. Đạo Phật mong muốn cho chúng sanh trồng được ruộng phước, đây chính là cách biểu đạt bình dị nhất của đạo đức Phật giáo về tài sản trong đạo Phật. Có hai món tài sản quý giá mà Đức Thế Tôn dạy đệ tử phải nuôi dưỡng là phước đức và trí huệ.

Phước đức, trí huệ cũng như tài sản quý giá, là điều kiện cần có để giải thoát xuất thế, dù không phải điều kiện đủ nhưng nó có đầy đủ chức năng ủng hộ, giúp đỡ đường đi của chúng ta thông suốt hơn. Nếu như cho rằng điều kiện cần có là điều kiện đủ, tài sản chi phối hoàn toàn vào kiếp sống nhân sinh thì quan điểm này có lẽ đang rơi vào tình trạng đánh tráo khái niệm, lẫn lộn đầu đuôi. Quan niệm về phước điền trong hệ thống Phật pháp gồm ba bộ phận cấu thành [5]: Cung kính phước điền (kính điền), báo ân phước điền (ân điền) và bi mẫn phước điền (bi điền). Ba yếu tố này hoàn toàn biểu đạt tâm cung kính đối với Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng và còn có nghĩa là tâm biết ơn đối với cha, mẹ, Thầy tổ cho đến tình thương dành cho quần chúng khó khăn, nghèo khó. Nhờ những quan niệm này trong Phật giáo, người doanh nhân Phật tử hành trì theo tinh thần tri ân và báo ân mỗi ngày trong đời sống hiện thực. Phần nhiều Kinh điển, Đức Phật dạy chúng ta nên chia của cải làm bốn phần:

1. Dùng để đảm bảo sự chi tiêu hàng ngày trong gia đình.
2. Dùng để đầu tư sinh lợi nhuận, nếu không của cải sẽ trở thành tài nguyên chết, không sinh lời.
3. Để dành, tích lũy phòng khi gặp chuyện cấp bách cần dùng đến.
4. Dùng để làm những việc thiện nguyện, nhằm để hồi đáp xã hội, đồng thời cũng chính là hành động gieo trồng phước điền.

Kỳ thực, đây cũng là một dạng đầu tư, đầu tư vào hạnh phúc tương lai và kết quả thu hoạch được không những không giới hạn mà so với các loại đầu tư khác còn lợi nhuận hơn hết. Triết gia Marcus Tullius Cicero (106-43, TCN) từng nói: “Đi tìm sự tăng trưởng của cải không phải để thỏa mãn những tham dục của mình mà để đạt được nhiều công cụ hành điều thiện nguyện”. Chỉ có lấy việc truy cầu của cải để tạo ra và hoàn thiện công cụ thực hành thiện nguyện mới có thể phát huy hiệu dụng tối ưu của tài sản. Nếu mỗi thành viên trong xã hội đều thực hành theo phương châm “người khỏe giúp đỡ người yếu, người giàu giúp người nghèo”, đời sống này sẽ trở nên ấm áp biết bao. Nhờ thế những vấn đề xã hội như khoảng cách giàu nghèo, chủ nghĩa khủng bố sẽ được giải quyết một cách dễ dàng.

Có đầy đủ trí huệ đối với việc phát triển và giữ gìn tài sản

Một doanh nhân Phật tử thành công, chắc chắn người ấy sẽ biết cách sử dụng tài sản thông minh và đúng đắn. Của cải vật chất chỉ đáp ứng những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Nếu cứ mãi truy tìm của cải một cách mù quáng thì đời sống khó mà thăng hoa. Thế nên, khi đã có được một đời sống vừa đủ, chúng ta nên đi tìm những giá trị cao đẹp cho tinh thần. Là một doanh nhân Phật tử, ngoài việc có những tài sản thế tục, cần phải nuôi dưỡng, bồi đắp ruộng phước điền công đức – chính là học Phật và hành theo lời Phật dạy.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Trong tất cả các thứ cúng dường, cúng dường pháp là phước đức hơn cả”. Ngài còn dạy chúng ta những lợi ích về việc thọ trì và hành trì pháp Phật, cúng dường hay bố thí thì đều có những phước đức nhất định. Cho nên, bố thí và cúng dường pháp sẽ gặt hái nhiều phước đức thù thắng vượt hơn hẳn những bố thí, cúng dường những vật chất của cải ở thế gian. Chúng ta cũng biết, những tài sản vật chất ở thế gian chia làm hai phần: Tài sản cố định và tài sản lưu động. Sự thật thì những tài sản cố định chỉ mang tính tương đối như: Nhà cửa sẽ hao mòn, những thiết bị sẽ bị tổn hao. Tuổi thọ sử dụng đối với chúng đều hữu hạn. Nếu như nói có món tài sản cố định không thay đổi thì chỉ có Pháp bảo. Món tài sản này xem như vô hình nhưng nó đi cùng sự sanh tử của chúng ta, sẽ không bị thay đổi hay mất đi giá trị khi chúng ta chuyển đổi sinh mệnh. Không những như thế, hạt giống thiện lành này sẽ không ngừng chi phối sự giàu có trong đời sống thế tục. Do đó, Pháp bảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vượt qua những giá trị bên ngoài như tiền tài của báo hữu hình. Vì rằng Phật pháp sẽ giúp giải quyết những khó khăn trong đời sống, thiết lập quan niệm nhân sinh đúng đắn, giúp giải thoát những phiền não của kiếp người, đồng thời tạo nên nguồn tài sản quý giá vô tận của nhân sinh. Thành tựu trí huệ, thành tựu công đức vô lượng, ý nghĩa này cao cả đến nỗi những giá trị vật chất bên ngoài không thể thay thế được. Thái độ đối với tài sản của một vị doanh nhân Phật tử sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự tu dưỡng, hiểu biết về Phật giáo của nhân viên và tín chúng xung quanh. Chúng ta hiểu tài sản một cách đúng đắn, nắm rõ “pháp tài” sẽ hơn hẳn “thế tài”, mới có thể thông qua việc sử dụng những tài vật bên ngoài tạo nên giá trị mục đích đi tìm công đức pháp tài. Đưa công ty trở thành đạo tràng tu học, chuyển hóa càng nhiều người bước vào cửa Phật, cùng nhau thành Phật đạo.

Doanh nhân Phật tử luôn tự giác giữ gìn nền tảng đạo đức

Có tính tự giác giữ gìn đạo đức cũng là một điều kiện tất yếu để trở thành một doanh nhân Phật tử. Giữ vững đạo đức thương nghiệp, kinh doanh theo chữ tín, tự giác tuân thủ và bảo vệ trình tự thứ lớp của nền kinh tế thị trường, xây dựng một thị trường kinh doanh hòa giải, lý tính, phát triển bền vững và một xã hội không ngừng nỗ lực hướng thượng. Không chỉ như thế, tự giác giữ gìn đạo đức chính là cảnh giới cao nhất để tu dưỡng đức hạnh của doanh nhân Phật tử. Tăng Tử (505 TCN – 435 TCN) nhà triết học Trung Hoa từng nói: “Một ngày phản tỉnh tự thân ba lần” [6] không chỉ là phương pháp tu thân của Nho gia mà Phật giáo cũng luôn nhắc nhở Phật tử nên thực hành “phản quang tự kỷ”. Doanh nhân Phật tử không chỉ tuân thủ những yêu cầu đạo đức mà đạo Phật dành cho người con Phật, tuân thủ pháp luật, kết hợp với những điều kiện thúc liễm thân tâm, hơn nữa cần phải có ý thức tự giác, dùng điều này để nuôi dưỡng thói quen tốt, và duy trì hoạt động kinh doanh bền vững. Tính ràng buộc của những giá trị đạo đức khác là hữu hạn, còn năng lực tự giác giữ gìn đạo đức là vô hạn, doanh nhân bất luận đang ở đâu, hay thời điểm nào cũng phải ý thức giữ gìn đạo đức kinh doanh, hợp pháp. Như thế mới giữ vững thị trường, lấy được niềm tin công chúng. Đây là nói về lĩnh vực kiến lập nền kinh tế thị trường với một xã hội thân thiện. Còn với vai trò là một doanh nhân Phật tử, đại biểu cho tầng lớp doanh nhân tài năng và giỏi giang, chúng ta nên học và hành theo tinh thần đạo đức Phật giáo, dùng hành động thực tế để thể hiện niềm tin và sự quyết tâm trong việc giữ gìn, quán triệt những đạo đức kinh doanh của người doanh nhân Phật tử.

Thông qua sự nỗ lực chung, lòng tri ân báo ân, hành động thực tiễn của hiệp hội doanh nhân Phật tử, nhất định sẽ tạo nên một xã hội hòa ái tốt đẹp, đó chính là mỗi người đã cống hiến một chút sức lực của mình cho cộng đồng.

Doanh nhân Phật tử có đầy đủ trí huệ về đời sống thì khả năng cảm ngộ sự thành công ở các hoạt động kinh doanh luôn được quyết định bởi tâm thiện và việc làm thiện. Phước và đức có mối quan hệ nhân quả, giống cái biết mầu nhiệm của trời đất. Trời đất dung thông, người và trời cảm ứng nhau, con người lấy sự thiện cảm, trời dựa vào phước, lẽ trời dùng sự báo đáp ân đức muôn loài. Doanh nhân kinh doanh dựa theo thiện tâm, thiện hành thì tự nhiên có thể nhận được những phước báu và công đức xứng đáng. Đây chính là quy tắc thực tiễn, sự vận hành hợp tình hợp lý giữa đạo đức – xã hội – cá nhân. Vận mệnh và những công đức tài bảo của một doanh nhân có được đều hình thành bởi mối tương quan với quá trình hoạt động của giá trị nguyên lý của chúng. Cho nên doanh nhân Phật tử và sự thành công của họ trong việc vận hành kinh doanh, trên bản chất đều là thể hiện sự thành công của thực tiễn đạo đức Phật giáo. Nghĩa là chỉ có kinh doanh dựa trên chữ tín, với lòng từ bi, khoan dung, bình đẳng, hòa ái làm nền tảng cho đạo đức thương nghiệp, hơn nữa dùng chúng để xây dựng và làm thăng hoa văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời giữ gìn sự đoàn kết thì doanh nghiệp mới có thể kéo dài sức sống.

Vì thế, trong ngày Doanh nhân Việt Nam, mong muốn doanh nhân Phật tử phải bổ sung và phát huy tác dụng của tự thân, phục vụ việc xây dựng kinh tế của quốc gia, phụng hiến cho những hoạt động từ thiện như cứu trợ người nghèo, đóng góp vào những quỹ tài trợ tai nạn, thiên tai trong nước và quốc tế. Đem tinh thần người Phật tử lan tỏa khắp năm châu. Chúng ta tin rằng, thông qua sự nỗ lực chung, lòng tri ân báo ân, hành động thực tiễn của hiệp hội doanh nhân Phật tử, nhất định sẽ tạo nên một xã hội hòa ái tốt đẹp, đó chính là mỗi người đã cống hiến một chút sức lực của mình cho cộng đồng.

 

Chơn Thủy/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 375VƯỢT SÓNG CẢ - VỮNG TAY CHÈO

 

Chú thích:

* Thích Nữ Chơn Thủy – Thạc sĩ Tôn giáo học, Trung tâm Biên phiên dịch Tùng thư Vĩnh Nghiêm, Chùa Long Hưng (TP Hà Nội).

[1] Trapusa (còn viết là Tapussa, Tapassu) và Bahalika (còn viết là Bhallika, Bhalluka, Bhalliya) là 2 anh em thương nhân được các kinh điển Phật giáo nguyên thủy ghi nhận là 2 đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Những ghi chép đầu tiên về Trapusa và Bahalika xuất hiện trong phần Vinaya của bộ Tripitaka, ghi nhận họ là những người đầu tiên cúng dường vật thực cho Phật sau khi Ngài giác ngộ, là người đầu tiên được nghe Phật thuyết giảng (bấy giờ Tăng già vẫn chưa thành lập), và những người đầu tiên trở thành đệ tử của Đức Phật. Theo Huyền Trang (600-664), Phật giáo được truyền đến Trung Á ban đầu từ Balkh chính là nhờ công của Trapusa và Bahalika.
[2] Bách Trượng Thanh Quy Chứng nghĩa ký, quyển 5, Tục Tạng Kinh, tập 63, trang 412b15.
[3] Thiên Thai Trí Giả Đại sư, Diệu Pháp Liên Hoa huyền nghĩa, quyển 9, Đại Chánh Tạng, tập 33, trang 788b13. 
[4] Doanh nhân và nhà sáng chế người Mỹ, đồng sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Apple Inc.
[5] Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh sớ, Bài kinh số 1735, Đại Chánh Tạng, tập 35.
[6] Luận Ngữ.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin