Chi tiết tin tức May mắn làm được những điều mình đam mê 17:17:38 - 24/07/2013
(PGNĐ) - GS Trịnh Xuân Thuận là một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Ông đã cho ra mắt nhiều đầu sách có giá trị về vũ trụ học và mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo như Giai điệu bí ẩn (1988), Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (1998), Cái vô hạn trong lòng bàn tay (2004)… Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao của ông vừa được NXB Tri Thức cho ra mắt bạn đọc qua sự chuyển ngữ của dịch giả quen thuộc Phạm Văn Thiều.
Nhân dịp này, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã mời ông về nước và tổ chức "Chuỗi sự kiện của GS Trịnh Xuân Thuận" - kéo dài 20 ngày (từ 5 đến 25-12) tại các thành phố Hà Nội, Hội An, Quy Nhơn và TP. Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ 4 ông về nước. Lần đầu tiên trở về Tổ quốc năm 1993, ông hiện diện với tư cách là thành viên phái đoàn của Tổng thống Pháp Mitterrand sang thăm Việt Nam. Được biết đến là một nhà khoa học vật lý thiên văn nổi tiếng nhưng mang trong lòng một đam mê truyền bá những kiến thức khoa học cho quảng đại quần chúng nên ông còn trở thành một tác giả thuộc hàng best-seller nữa. Các tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. GS Chu Hảo - Giám đốc NXB Tri Thức nhận xét: "Các tác phẩm của GS Trịnh Xuân Thuận đều được viết tuân theo một quy tắc gồm ba tiêu chí: Chính xác, dễ hiểu và hấp dẫn. Viết sách phổ biến tri thức ở trình độ cao về những vấn đề khoa học phức tạp và đang phát triển sôi động như thiên văn - vũ trụ - lượng tử, mà đảm bảo được cả ba tiêu chí ấy là điều vô cùng khó khăn. Đã dễ hiểu thì khó chính xác, đã chính xác thì khó hấp dẫn. Ấy vậy mà Trịnh Xuân Thuận đã viết về những phát hiện mới kỳ lạ nhất của khoa học thế kỷ XX và cả những hệ quả triết học và thần học của những thành tựu ấy một cách rất chính xác, hết sức dễ hiểu và hấp dẫn như một tác phẩm văn học". Cũng chính vì điều này mà năm 2009, GS Trịnh Xuân Thuận được UNESCO trao giải Kalinga - giải thưởng dành cho những người có những đóng góp to lớn trong việc đại chúng hóa khoa học. Và có lẽ cũng chính bởi đam mê "đại chúng hóa khoa học" ấy đã khiến ông dễ dàng trở thành một Phật tử tự do với triết lý sống "Hạnh phúc của mình tùy thuộc vào hạnh phúc của người khác". Trong lịch trình làm việc dày đặc của mình, ông vẫn vui vẻ dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần một cuộc trò chuyện. "...Trong đêm, để sống lại cảm giác hiệp thông êm ái và yên bình với vũ trụ, tôi vẫn thường tự ban tặng cho mình cái hạnh phúc không thể nói lên lời là được đi ra ngoài cái mái vòm che kín thiên văn và thỏa thích nhìn ánh sáng rơi xuống từ hằng hà sa số các chấm sáng tô điểm bầu trời" - ông đã nói thế trong Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, phải chăng sự lãng mạn là điều không thể thiếu đối với một nhà khoa học vật lý thiên văn? Lãng mạn thôi chưa đủ. Chính xác hơn là phải mê đắm - mê đắm với công việc mình làm. Bất kỳ công việc nào cũng phải có sự mê đắm mới thành công được. Điều gì ở vũ trụ lại khiến ông mê đắm để trở thành nhà vật lý thiên văn nổi tiếng như bây giờ? Từ đêm đen của thời gian, con người đã đăm đăm nhìn lên bầu trời, cật vấn nó, thi vị hóa nó và thậm chí còn bi kịch hóa nó. Tôi muốn tự mình kiếm ra những định luật để giải thích các hiện tượng, giải thích những thắc mắc của mình. Mới đầu tôi học ngành Vật lý, muốn đi Pháp trước tiên vì tôi học trường Pháp ở Sài Gòn. Nhưng năm 1966, Tổng thống Pháp De Gaulle diễn thuyết ở Phnom Penh nói, nước Mỹ phải rút ra khỏi Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa lúc đó không thích bài diễn thuyết của ông nên cắt bang giao với Pháp. Do vậy tôi chọn Thụy Sĩ là nước nói tiếng Pháp để theo học. Nhưng trường đó là trường kỹ thuật mà tôi lại thích học những gì mang tính chất nghiên cứu, bởi kỹ thuật chỉ là áp dụng những điều người khác đã tìm hiểu. Lúc đó tôi chưa biết tiếng Mỹ nhưng nghĩ mình phải học ở trường nào đó của Mỹ để nhờ các giáo sư giúp cho mình cách nghiên cứu, tìm ra những định luật của vũ trụ. Hơn nữa, thần tượng của tôi lúc nhỏ và là động lực cho tôi yêu khoa học là Albert Einstein, tôi đọc rất nhiều sách của ông lúc còn nhỏ ở Sài Gòn, ông làm việc 25 năm cuối đời ở Trường ĐH Princeton (Mỹ). Tôi thi vào ba trường của Mỹ và cả ba trường đều nhận, nhưng tôi chọn đến Học viện Kỹ thuật California vì trường đó nổi tiếng bởi có rất nhiều giáo sư đoạt giải Nobel vật lý. Tôi được học những giáo sư ấy nhưng rốt cuộc lại trở thành nhà vật lý thiên văn. Ở đó có ống kính thiên văn lớn nhất thế giới (đường kính 5m), nó thu hút trí tưởng tượng của tôi và thỏa ước mong của tôi về sự tìm hiểu vũ trụ bao la. Hơn nữa, trong những năm đó, biết bao khám phá khoa học về vật lý thiên văn được công bố: Bức xạ ánh sáng, vụ nổ Big Bang (1965), các khảo cứu về các hành tinh khác trong hệ mặt trời như sao Hỏa... Năm 1969, người đầu tiên đặt chân trên mặt trăng... Khi hoàn thành cử nhân ở Học viện Kỹ thuật California tôi về làm tiến sĩ ở Đại học Princeton - nơi thần tượng của tôi đã từng làm việc. "Con người ở đâu trong vũ trụ?" là chủ đề chính của các buổi nói chuyện của ông với các bạn trẻ tại các trường đại học nhân chuyến trở về nước lần này. Vậy, câu trả lời là gì, thưa ông? Thế kỷ XIX, Darwin đã nói: "Con người không tự nhiên xuất hiện mà nó là hệ quả của sự vận động của vũ trụ theo một quy luật hết sức chặt chẽ". Trong mấy tác phẩm của tôi đều cố diễn đạt cho mọi người hiểu rằng chúng ta đều có liên hệ với nhau. Đó cũng là tư tưởng của đạo Phật. Chúng ta đều là con cháu của những ngôi sao. Tôi rất cảm động khi nhìn thấy hình ảnh trái đất của chúng ta chụp từ mặt trăng, nó có hình dáng rất đẹp và không bị chia cắt bắt bởi những đường biên giới. Biên giới là do con người tạo ra. Thành ra, tôi muốn cho mọi người hiểu rằng con người rất nhỏ bé so với vũ trụ bao la nhưng không chỉ có những mối liên hệ với nhau, mà còn có mối liên hệ với tất cả các loài động, thực vật khác trên trái đất nữa. Do vậy phải có ý thức bảo vệ trái đất. "Con người không tự nhiên xuất hiện...", nhưng sự xuất hiện của tôn giáo hoặc những biến động lớn của nhân loại như chiến tranh, thiên tai... có phải là hệ quả của sự phát triển trong tự nhiên? Hay nói cách khác đó có phải là kết quả của sự vận động theo một quy luật nào đó của vũ trụ không thưa ông? Tôi nghĩ điều đó không phải do vũ trụ tạo nên. Đạo đức của con người làm nên các tôn giáo. Chiến tranh cũng do đạo đức của con người tạo ra. Tôi rất hoan hỉ vì nước mình đã hòa bình, không còn chiến tranh. Khi tôi sinh ra và lớn lên cho tới lúc rời Việt Nam đi học ở nước ngoài thì lúc nào cũng thấy chiến tranh. Tôi cũng rất lấy làm khổ tâm khi vẫn còn chiến tranh, giặc giã trên trái đất này và gây rất nhiều khổ não cho con người. Ông còn được biết đến như một Phật tử bởi tác phẩm Cái vô hạn trong lòng bàn tay thấm đẫm tư tưởng đạo Phật. Điều gì đã khiến cho một nhà khoa học vốn chỉ tin vào những con số, công thức toán học lại quan tâm đến đạo Phật? Hồi còn nhỏ tôi đã quen với hình ảnh mẹ tôi hay đi lễ chùa. Nhưng lý do để tôi đi sâu vào đạo Phật là từ năm 1997 khi gặp ông Mathieu Ricard - một nhà khoa học về sinh học đi theo đạo Phật và trở thành một nhà sư, ông viết nhiều sách Phật. Từ đó, chúng tôi đã trao đổi thường xuyên về cách nhìn sự thật của khoa học và đạo Phật. Tôi và ông viết cuốn Vô hạn trong lòng bàn tay (đã được NXB Trẻ giới thiệu với bạn đọc trong nước). Từ đó tôi mới đi sâu vào lối nhìn của đạo Phật và lối nhìn của khoa học. Tại vì tôi nghĩ nếu khoa học và đạo Phật cùng có ý nghĩ giống nhau về bản chất cuộc sống trong vũ trụ thì họ phải có cái đánh giá giống nhau. Còn nếu tương phản thì nhất định phải có một cái nhầm hoặc cả hai cùng nhầm. Và kết quả ra sao, thưa ông? Nếu khoa học nhìn ra thế giới, thì đạo Phật là nhìn vào trong. Khoa học thì phải tính toán chính xác, đạo Phật dùng trực giác để tìm hiểu sự thật. Khoa học có nhiều phương trình, nhiều vấn đề cần nghiên cứu riêng biệt, nhưng đạo Phật chỉ có một cách nhìn, cách đánh giá tổng thể. Cách tìm hiểu sự thật của khoa học và Phật giáo rất khác nhau. Mục đích của khoa học là nghiên cứu các hiện tượng, tìm ra những định luật phát triển. Đạo Phật tìm kiếm cách để cho đời sống đi đến sự giác ngộ về sự hữu hạn của con người. Khi nói chuyện với ông Mathieu Ricard tôi thấy có rất nhiều sự giống nhau trong việc tìm hiểu sự thật của khoa học và đạo Phật. Giống nhau đầu tiên đó là sự phụ thuộc lẫn nhau. Đạo Phật nói là một sự việc này dứt khoát phải là hệ quả của một sự việc khác hoặc có liên hệ với sự việc khác. Tất cả những vấn đề về khoa học vũ trụ được khám phá trong thế kỷ XX cũng cho thấy mọi sự việc đều có liên hệ với nhau. Còn trong vũ trụ cũng vậy, chúng ta đều là "con, cháu" của những ngôi sao. Chỉ khi những ngôi sao có mặt nó mới nảy sinh ra những nguyên tố để các loài khác sinh trưởng cùng với trí tuệ của nó. Khoa học làm cho mình hiểu rõ hơn sự liên hệ đó. Điều giống nhau nữa là không có gì bất biến trong đời sống bao la của vũ trụ cũng như của con người. Có điều là đến giờ cả đạo Phật lẫn khoa học đều chưa trả lời được câu hỏi: Trí tuệ ở đâu ra? Nó chỉ là vật chất đơn thuần hay là dạng gì khác của vật chất? Trong cách khảo cứu thần kinh học nhiều người nói rằng chỉ cần hệ thần kinh phát triển đến một ngưỡng nào đó thì nó sẽ có trí tuệ. Nếu theo hướng đó thì trí tuệ chỉ là vật chất đơn thuần, trong khi đức Phật nói rằng trí tuệ không phải là hệ quả của sự phát triển tự nhiên. Tôi cũng không nghĩ rằng trí tuệ chỉ là một dạng vật chất. Vậy, đạo Phật có tác động gì đến công việc nghiên cứu của ông không? Mục đích của tôi không phải là dùng đạo Phật để chứng minh khoa học hoặc ngược lại dùng khoa học để chứng minh đạo Phật. Tôi nghĩ nếu mình dùng được các kiến thức của các lĩnh vực khác nhau thì mình sẽ nhìn sự thật một cách toàn diện và phong phú hơn. Nhiều nhà khoa học nghĩ chỉ có khoa học mới có cái nhìn chính xác về sự thật, là con đường duy nhất tìm ra sự thật. Nhưng theo tôi, suy nghĩ đó là hơi kiêu ngạo. Triết học, tôn giáo, văn chương... một người viết văn hay người ta cũng luôn có xu hướng tìm đến sự thật; các họa sĩ như Monet, Picasso... cũng có cái nhìn khác về sự thật, mà sự thật ấy, đôi khi những người làm khoa học không nhìn thấy được hoặc không tìm ra được. Điều này làm cho cuộc sống nhân loại phong phú hơn. Vì vậy tôi cho rằng các nhà khoa học phải nhìn rộng ra các kiến thức của nhân loại. Tôi rất tin tưởng luật nhân quả, có nghĩa bất cứ việc gì mình làm không những có liên quan đến những người xung quanh mình mà còn có liên quan đến những sự việc về sau nữa. Do vậy, mình luôn phải ráng làm việc thiện hơn. Đạo Phật luôn chỉ cho tôi một hướng đi rõ ràng trong việc làm khoa học của mình. Ông có thể nói rõ hơn, thưa ông? Người làm khoa học không những phải khám phá bao điều mới lạ mà còn phải biết áp dụng những kiến thức khoa học của mình vào việc gì đó có lợi nhất cho con người. Người làm khoa học thực sự cũng phải biết bỏ thời gian để nói cho mọi người biết được, hiểu được những thành tựu khoa học mà mình và đồng nghiệp khám phá. Điều này, theo tôi là thực sự quan trọng bởi vì hiện nay, người trẻ ít quan tâm đến khoa học, nhất là khoa học vũ trụ thiên văn, họ chỉ quan tâm đến những ngành, nghề dễ kiếm ra tiền hơn. Chính phủ các nước cũng vậy. Trong khi đó, khoa học vũ trụ khiến cho con người hiểu rõ hơn ý nghĩa của cuộc sống. Nếu nhiều người quan tâm đến khoa học, yêu thích khoa học thì sẽ gây áp lực đến chính phủ, từ đó họ sẽ quan tâm hơn đến khoa học và giáo dục. Đó là lý do ngoài việc giảng dạy, khảo cứu, ông luôn dành thời gian viết sách? Đúng vậy. Nhưng nhiều người không khỏi thắc mắc rằng tại sao ông học ở Mỹ nhưng tất cả các tác phẩm của ông lại viết bằng tiếng Pháp? Vì hồi nhỏ tôi học trường Pháp ở Sài Gòn cho nên những tư tưởng của các nhà triết học, các nhà thơ, nhà văn Pháp như Pascal, Descartes... rất ảnh hưởng tới tôi. Để cho người đọc thích đọc sách khoa học và khiến họ không thể rời bỏ nó như khi đọc một cuốn tiểu thuyết hay thì khi viết, ngoài tính khoa học, tôi luôn để ý đến cách diễn đạt văn chương nữa. Tại vì tôi nghĩ, khoa học, nhiều đề tài rất khô khan do vậy, nếu tác giả không ráng làm cách nào đó khiến cho độc giả say mê, đọc một trang lại luôn muốn mở những trang tiếp theo... thì khó mà thành công. Từ nhỏ tôi đã được học tiếng Pháp nên tôi chỉ có thể làm được chuyện đó bằng tiếng Pháp thôi. Tiếng Mỹ đối với tôi là thứ tiếng khoa học và tôi không thể chuyển tải những ý nghĩ khoa học một cách văn chương như tiếng Pháp được. Ông có thể nói rõ hơn về giải thưởng Moron của Pháp dành tặng ông năm 2007? Đó là giải thưởng dành cho một tác phẩm triết lý của Viện Hàn lâm Pháp. Tôi rất hoan hỉ với giải thưởng đó bởi vì tôi viết bằng tiếng Pháp và được cơ quan này công nhận giá trị. Sau Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, bạn đọc Việt Nam có hy vọng gì nữa không về những tác phẩm khoa học - văn chương của ông không? Tháng 9 vừa qua, tôi ra cuốn Vũ trụ và hoa sen ở Pháp và cũng được xếp vào mục best-seller. Cuốn này viết nhiều về đời sống riêng của tôi. Hiện nay, NXB Tri Thức cũng đã mua bản quyền, có thể năm tới họ sẽ cho ra mắt bạn đọc Việt Nam. Được biết, lần trước khi trở về Việt Nam, ông đã có mong muốn đóng góp cho ngành giáo dục bằng việc làm cầu nối trao đổi sinh viên, giảng viên... Mong muốn ấy của ông có được thực hiện? Ở ta chưa có ngành vật lý thiên văn. Kết quả của mong muốn ấy mới chỉ thực hiện được ở việc hợp tác giữa một người bạn của tôi ở đại học Princeton với khoa vật lý của Trường Đại học Huế. Nếu có cơ hội tôi sẵn sàng giúp cho ngành khoa học thiên văn ở Việt Nam. Nhưng cũng phải nói rõ rằng, đó hoàn toàn phụ thuộc vào những người làm chính trị. Những người làm khoa học thuần túy như chúng tôi không quyết định được là nên đầu tư phát triển ngành khoa học nào. Tôi mong một ngày nào các vị lãnh đạo nước mình đó có tầm nhìn xa hơn để đầu tư vào các ngành khoa học cơ bản chứ không chỉ đầu tư vào các ngành khoa học kinh tế như hiện nay. Nhìn lại cả quá trình hoạt động khoa học của mình, ông có cảm thấy mãn nguyện không, thưa ông? Tôi thấy may mắn nhất là được làm những điều mình đam mê. Đam mê khảo cứu thì đã trở thành nhà khảo cứu. Đam mê truyền bá kiến thức cho người khác thì đã trở thành giáo sư và người viết sách. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |