Chi tiết tin tức

Quá trình hình thành và truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở miền Trung

22:37:00 - 08/09/2022
(PGNĐ) -  Với tinh thần bao dung, cởi mở chan hoà và ứng xử chân chất của các thiền sư trong dòng kệ truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã đi sâu vào trong tâm thức của người dân Quảng Nam nói riêng và các tỉnh thành khác ở miền Trung.

1. Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo và sự hình thành thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam

1.1. Cuộc đời và đạo nghiệp của thiền sư Minh Hải Pháp Bảo

Thiền sư Minh Hải (1670 – 1746), thế danh là Lương Thế Ân, sinh vào ngày 28 tháng 06 năm Canh Tuất (năm 1670, niên hiệu Khang Hy thứ tám, nhà Thanh) tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Thân phụ là Lương Đôn Hậu và thân mẫu là Trần Thục Thuận.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Truyen thua thien phai Lam Te Chuc Thanh o mien Trung Minh Hai Phap Bao 1
Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo

Ngài là con thứ hai trong gia đình với anh trai tên là Lương Thế Bảo và em trai là Lương Thế Định. Ngài sinh ra trong gia đình Nho học, tư chất thông minh. Năm lên chín tuổi (1678), ngài được cha mẹ đồng ý cho đến chùa Báo Tư (Trung Quốc) thế phát xuất gia. Sau một thời gian tu học, ngài được thọ giới với pháp danh là Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo, nối pháp đời thứ 34 của dòng Lâm Tế theo bài kệ của ngài Vạn Phong Thời Uỷ.

Tại Việt Nam, vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), ngài theo thiền sư Thạch Liêm Đại Sán cùng các vị như Minh Hoằng Tử Dung, Minh Vật Nhất Tri, Minh Hành Tại Toại,… từ Trung Quốc sang Việt Nam truyền giới tại chùa Thiền Lâm (Huế) vào năm 1695. Ngày 01 tháng 4 năm Ất Hợi (1695), ngài cùng với thiền sư Thạch Liêm, Minh Hoằng,… trong Hội đồng thập sư. Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Chu được truyền riêng một giới đàn và được ngài Thạch Liêm đặt cho pháp danh là Hưng Long (Thiên Túng Đạo Nhân).

Trải qua gần nửa thế kỷ hoằng pháp tại Quảng Nam, Bình Định,… Tổ Minh Hải Pháp Bảo đã xiển dương chính pháp rộng khắp, nhưng trước sự chi phối của định luật vô thường nên ngài đã viên tịch vào mùa đông năm Bính Dần (1746), và đã xuất bài kệ khai thị môn đồ đệ tử như sau:

原浮法界空
真如無性相
若了悟如此
眾生與佛同.

Phiên âm:

Nguyên phù pháp giới không
Chơn như vô tánh tướng
Nhược liễu ngộ như thử
Chúng sinh dữ Phật đồng [1].

Được TT.Hạnh Niệm dịch như sau:

Pháp giới như mây nổi
Chân như không tánh tướng
Nếu hiểu được như vậy
Chúng sinh với Phật đồng [2] .

1.2. Sự hình thành thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh

Sau khi truyền giới xong, ngài Thạch Liêm trở về Trung Quốc; còn ngài Hưng Liên (đệ tử xuất gia của ngài Thạch Liêm) ở lại, được chúa Nguyễn phong làm Quốc sư và sinh hoạt tại chùa Tam Thai. Sau một thời gian, ngài Hưng Liên viên tịch, dòng Tào Động tại Quảng Nam cũng mất dần. Bấy giờ, tại Hội An (Quảng Nam), thiền sư Minh Hải đã lập một thảo am tu (sau này là Tổ đình Chúc Thánh). Sau đó, ngài mở lớp dạy học, đào tạo tăng chúng. Bấy giờ, người dân tại Hội An đến quy y tu tập với ngài rất đông. Ngài đã thiết lập nếp sinh hoạt quy củ thiền môn và lập ra thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam với bài kệ truyền thừa như sau:

明實法全彰
印真如是同
祝聖壽天久
祈國祚地長
得正律為宗
祖道解行通
覺花菩提壽
充滿人天中.

Phiên âm:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường
Đắc Chánh Luật Vi Tông [3]
Tổ Đạo Giải Hành Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhân Thiên Trung [4].

Được HT.Thích Nhất Hạnh dịch như sau:

Khơi sáng pháp chân thật
Tánh chân như là đồng
Cầu Thánh quân muôn tuổi
Chúc đất nước vững bền
Giới luật nêu trước tiên
Giải và hành nối liền
Hoa nở cây giác ngộ
Hương thơm lừng nhân thiên [5].

Trong bài kệ truyền thừa trên, bốn câu đầu dùng để đặt pháp danh và bốn câu sau đặt pháp tự. Tuy nhiên, Tổ Minh Hải Pháp Bảo còn làm thêm một bài kệ pháp danh và pháp tự tại Bình Định. Bài kệ pháp danh như sau:

明實法全彰
印真如是同
萬有唯一體
觀了心境空
戒香成聖果
覺海湧蓮花
信進生福慧
行智解圓通
影月清中水
雲飛日去來
達悟微妙性
弘開祖道長.

Phiên âm:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Vạn Hữu Duy Nhất Thể
Quán Liễu Tâm Cảnh Không
Giới Hương Thành Thánh Quả
Giác Hải Dũng Liên Hoa
Tín Tấn Sinh Phước Huệ
Hạnh Trí Giải Viên Thông
Ảnh Nguyệt Thanh Trung Thủy
Vân Phi Nhật Khứ Lai
Đạt Ngộ Vi Diệu Tánh
Hoằng Khai Tổ Đạo Trường [6].

Được TT.Thích Hạnh Niệm dịch như sau:

Pháp minh thiệt sáng tỏ
In đồng với chân như
Muôn vật cùng một thể
Quán suốt tâm cảnh không
Hương giới thành Thánh quả
Biển giác phát hoa sen
Tín tấn sinh phước huệ
Hiểu làm đều viên thông
Bóng trăng soi đáy nước
Mây bay mặt trời đi
Ngộ được pháp vi diệu
Đạo tổ được lâu dài [7].

Thứ hai, bài kệ truyền pháp tự được lập tại Bình Định như sau:

得正律為宗
祖道解行通
覺花圓境智
充滿利人天
恆沙諸法界
濟度等含生
周圓體相用
觀照殺塵中
去來當一念
能所豈非他
心境誰邊取
真望總皆如.

Phiên âm:

Đắc Chánh Luật Vi Tông
Tổ Đạo Giải Hạnh Thông
Giác Hoa Viên Cảnh Trí
Sung Mãn Lợi Nhân Thiên
Hằng Sa Chư Pháp Giới
Tế Độ Đẳng Hàm Sinh
Châu Viên Thể Tướng Dụng
Quán Chiếu Sát Trần Trung
Khứ Lai Đương Nhất Niệm
Năng Sở Khởi Phi Tha
Tâm Cảnh Thuỳ Biên Thủ
Chơn Vọng Tổng Giai Như [8].

Được TT.Hạnh Niệm dịch như sau:

Chứng Thánh luật làm gốc
Đạo tổ hiểu làm thông
Hoa giác trí viên cảnh
Đầy khắp lợi trời người
Hằng sa các pháp giới
Cứu độ khắp muôn loài
Trùm bao thể tướng dụng
Chiếu soi sát độ trung
Đến đi trong một niệm
Năng sở cũng một y
Tâm cảnh đều thâu cả
Chân vọng thảy đều như [9].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc To dinh Lam Te Chuc Thanh 2

2. Sự truyền thừa của thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại Việt Nam

Tại Quảng Nam, theo nghiên cứu của Thích Như Tịnh ghi rằng: “Có vài ngôi chùa truyền thừa theo dòng kệ của tổ Mộc Trần – Đạo Mân: ‘Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên…’ và dòng kệ của tổ Thiệt Diệt – Liễu Quán: ‘Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng,…’ . Tuy nhiên, vùng đất Quảng Nam kết nhiều nhân duyên với dòng thiền Chúc Thánh nên phần lớn các chùa tại đây đều truyền theo bài kệ của tổ Minh Hải” [10]. Tổ Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh, tổ Thiệt Dinh Ân Triêm (1712 – 1796) khai sơn chùa Phước Lâm, HT.Ấn Nghiêm Phổ Thoại (1875 – 1954) khai sơn chùa Long Tuyền, HT.Như Tiến Quảng Hưng (1893 – 1946) khai sơn chùa Từ Vân,…

Đến thời vua Thành Thái trị vì, tại kinh đô Huế, thiền sư Chơn Tâm Đạo Tánh (Pháp Thân) đã đắc pháp với HT.Ấn Chánh Huệ Minh, chùa Bảo Sơn (Phú Yên); sau đó ngài Chơn Tâm về thôn Vỹ Dạ (Huế) lập chùa Phước Huệ. Thiền sư Chơn Pháp Đạo Diệu (Phước Trí) từ chùa Tam Thai (Quảng Nam) ra Huế khai sơn chùa An Hội (Gia Hội). Nhưng đến giữa thế kỷ XX, hai ngôi chùa Phước Huệ và An Hội đều không còn nữa, chùa Phước Huệ giao về cho phủ Tuy Lý Vương quản lý, chùa An Hội được gia tộc họ Nguyễn quản lý.

Năm 1880 (Kỷ Sửu), thiền sư Chơn Kim Pháp Lâm thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 40 đã từ chùa Châu Lâm (Phú Yên) ra vùng đất thần kinh trú trì chùa Viên Thông. Chùa Viên Thông vốn do tổ Liễu Quán khai sơn nhưng truyền đến đời ngài Tánh Trạm thì không có ai kế thừa nên thiền sư Chơn Kim Pháp Lâm đảm nhận trụ trì [11].

Ngoài ra, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã phát triển khắp các tỉnh ở miền Trung như tại Quảng Ngãi có HT.Thiệt Uý Chánh Thành, HT.Pháp Ấn Tường Quang, HT.Toàn Chiếu Trí Minh, HT.Chương Nhẫn Tuyên Tâm, HT.Ấn Hướng Tổ Đồng, HT.Chơn Trung Đạo Chí, HT.Như Bình Giải An,…; tại Bình Định có HT.Thiệt Đăng Chánh Trí, HT.Toàn Định Vi Quang, HT.Chương Giám Trí Hải, HT.Như Hoà Tâm Ấn, HT.Thị Công Trí An,…; tại Phú Yên có HT.Pháp Chuyên Luật Truyền, HT.Toàn Nhật Vi Bảo, HT.Ấn Thiên Tổ Hoà, HT.Chơn Chánh Đạo Tâm, HT.Thị Tín Hành Giải,…; tại Khánh Hòa có HT.Pháp Thân Đạo Minh, HT.Chương Huấn Tông Giáo, HT.Như Huệ Giải Thức, HT.Thị Thọ Hành Giáo, HT.Thị Khai Hạnh Huệ,…; tại Ninh Thuận có HT.Chơn Tâm Đạo Tánh, HT.Chơn Cảnh Đạo Thông, HT.Như Thọ Giải Thoát,…; tại Bình Thuận có HT.Như Quang Giải Đạo, HT.Như Tiến Giải Hinh, HT.Thị Lạc Hành Thiện, …

Không những miền Trung mà thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh còn truyền vào miền Nam Việt Nam như tại Thành phố Hồ Chí Minh có các Tổ đình như Tập Phước, Hưng Long, Đông Hưng, Quán Thế Âm,… với các vị Hoà thượng như HT.Như Điền Giải Trà, HT.Chơn Trừng Đạo Thanh, HT.Thị Thuỷ Hành Pháp (Quảng Đức), HT.Thị An Hành Trụ (Phước Bình), HT.Như Thiện Giải Năng,…; tại Bình Dương có Tổ đình Hội Khánh và Tổ đình Thiên Tôn với các Hoà thượng như HT.Toàn Tánh Chánh Đắc, HT.Ấn Long Thiện Quới, HT.Thị Huê Thiện Hương, HT.Như Trạm Tịch Chiếu,…; tại Vĩnh Long có Tổ đình Phước Hậu với các Hoà thượng như HT.Ấn Chí Tổ Chấp, HT.Chơn Thành Đạo Tín, HT.Như Quả Giải Nhơn (Thích Thiện Hoa), HT.Như Mẫn Giải Phật,…; tại Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu tiêu biểu như HT.Đồng Trí Thanh Minh, HT.Đồng Giác Tịnh Giác,…

Bên cạnh đó, một số chư ni được truyền thừa như Ni trưởng Như Huyền Giải Huệ (Quảng Ngãi), Ni trưởng Thị Hương Từ Đăng (Bình Định), Ni trưởng Như Ái Tịnh Viên (Bình Định), Ni trưởng Tâm Đăng Hạnh Viên (Khánh Hòa), Ni trưởng Đồng Chánh Thông Huệ (Tp.Hồ Chí Minh),… góp phần xây dựng và phát triển thiền phái Lâm Tế Chúc Thành tại Việt Nam. Đồng thời, thiền phái còn truyền sang nước ngoài như tại châu Âu có HT.Như Kế Giải Đạo, HT.Như Điển Giải Minh, HT.Đồng Tâm Thông Tịnh,…; tại châu Mỹ có HT.Chơn Điền Đạo Pháp, …; tại châu Úc có HT.Như Kế Giải Tích, HT.Đồng An Thanh Nghiệp,…

Tóm lại, Tổ Minh Hải Pháp Bảo là một trong những vị thiền sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, khai sáng ra dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại Việt Nam. Sự truyền thừa và phát triển của dòng thiền đã có những bước đi phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam. Với tinh thần bao dung, cởi mở chan hoà và ứng xử chân chất của các thiền sư trong dòng kệ truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã đi sâu vào trong tâm thức của người dân Quảng Nam nói riêng và các tỉnh thành khác ở miền Trung.

 

Tác giả: Thích Đạt Ma Chí Hải
Học viên Thạc sĩ khoá III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1]. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, tr.110.
[2] Thích Hạnh Thiện (2001), Thiền sư Minh Hải và Tổ đình Chúc Thánh (Hội An – Quảng Nam), Luận văn tốt nghiệp cử nhân Phật học, khoá I (1997-2001), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, tr.20.
[3] Theo bài kệ của Tổ Minh Hải Pháp Bảo đặt là chữ Tông (宗), nhưng về sau do sợ phạm húy đối với tên của vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông) nên chư Tổ đọc trại thành chữ “Tôn” hoặc chữ “Tuyên” (宣).
[4]. Thích Như Tịnh (2009), tr.111.
[5]. Thích Như Tịnh (2009), Sđd, tr.111.
[6]. Thích Như Tịnh (2009), Sđd, tr.120.
[7]. Thích Hạnh Thiện (2001), tr.17.
[8]. Thích Như Tịnh (2009), Sđd, tr.121.
[9]. Thích Hạnh Thiện (2001), Sđd, tr.19.
[10]. Thích Như Tịnh (2009), Sđd, tr.137-138.
[11]. Thích Như Tịnh (2009), Sđd, tr.210.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin