Chi tiết tin tức

Một vài đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với văn hóa dân tộc

22:21:00 - 03/11/2021
(PGNĐ) -  Trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng, Nhà nước đang ra sức đẩy mạnh toàn diện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, việc phát huy những giá trị văn hóa của Phật giáo cho công cuộc xây dựng đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng.

1. Dẫn nhập

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên, trong hơn 2.000 năm tồn tại và phát triển, từ một tôn giáo ngoại nhập, Phật giáo đã được bản địa hoá, trở thành một thành tố không thể thiếu của nền văn hoá Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử và cho đến hiện tại Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và là điểm tựa tinh thần không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 9 tổ chức, hệ phái [1], thể hiện tinh thần đoàn kết của Phật giáo, mối tương quan giữa Phật giáo và Dân tộc được kết tinh trong phương châm hành đạo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Trải qua 40 năm Phật giáo Việt Nam hoà hợp, thống nhất, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, GHPGVN tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thông qua các hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của giáo luật và pháp luật, các hoạt động quan hệ đối ngoại, giao lưu quốc tế, vận động hòa bình, giữ gìn đạo đức xã hội, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. GHPGVN là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy vai trò tiên phong trong xây dựng khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực ủng hộ, tham gia vào thúc đẩy các nghị trình phát triển của đất nước, như: Tham gia các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện nếp sống đạo đức, văn hóa; xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Từ khi thống nhất trong một tổ chức chung, Phật giáo Việt Nam lại càng có cơ hội phát triển, xiển dương và có nhiều đóng góp hơn trong xây dựng và phát triển đất nước được thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến đóng góp của Phật giáo đối với văn hóa dân tộc, mặc dù về vấn đề này đã có nhiều nghiên cứu, bài viết ở các khía cạnh khác nhau, tuy nhiên, tác giả tiếp tục đề cập với mong muốn nhấn mạnh thêm những đóng góp của Phật giáo. Đặc biệt từ khi GHPGVN được thành lập, những đóng góp theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, đã góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội, thực sự trở thành một nguồn lực xã hội, thể hiện trách nhiệm của Phật giáo, GHPGVN đối với quốc gia, dân tộc, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc như Nghị quyết lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VIII) [2] đã nêu trước những thách thức của quá trình hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.

Phải nói thêm rằng, Phật giáo được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, đó là một Phật giáo mang tính cách tổ chức với đại diện là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoặc là một Phật giáo mang tính cách là một tôn giáo, vì vậy trong bài viết này sử dụng song song hai thuật ngữ Phật giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam với hàm ý vừa là tôn giáo, vừa là tổ chức.

2. Đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với văn hóa dân tộc

Từ hơn 2.000 năm trước, Phật giáo đã du nhập, bén rễ, lan tỏa và hòa quyện trong đời sống dân gian của người Việt, tư tưởng vô ngã, vị tha, bình đẳng, từ bi đã thấm sâu vào tiềm thức của cư dân Việt qua các thế hệ, thực sự hòa làm một với dân tộc Việt, tạo nên nền văn hóa Việt đầy tính nhân bản và đậm đà bản sắc. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, Phật giáo đều để lại những dấu ấn sâu đậm, góp phần quan trọng trong việc phát triển tư tưởng nền tảng của văn hóa, đạo đức dân tộc Việt. Văn hóa Phật giáo đã hòa vào dòng chảy của văn hóa dân tộc, trở thành một nhu cầu tâm linh không thể thiếu trong đời sống của đại bộ phận người dân. Những triết lý, giáo lý và giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo phù hợp với văn hóa, đạo đức, lối sống và tính cách của người Việt trở thành nếp sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân, giúp Phật giáo có vị trí vững vàng trong lòng dân tộc Việt. Từ khi GHPGVN được thành lập đến nay, nền văn hóa dân tộc cũng có những biến đổi, theo đó Phật giáo cũng có những vận động phù hợp với xu thế thời đại, bắt nhịp với quá trình hiện đại hóa của đất nước, dung hòa với đời sống tư tưởng và tinh thần hiện đại. Theo triết lý nhà Phật những thay đổi đó cũng là “tùy duyên”, Phật giáo hôm nay phổ độ chúng sinh nhiều hơn, cập nhật hơn với đời sống, vừa là thành tố của văn hóa vừa là giá trị văn hóa của nhân loại. Những đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với văn hóa dân tộc có thể khái quát trên các mặt sau:

2.1. Trong lĩnh vực văn hóa vật thể

Bất kể tôn giáo nào hiện diện ở Việt Nam cũng xây dựng cho mình những giáo đường và Phật giáo cũng không ngoại lệ, Phật giáo đưa đến cho văn hóa Việt một nền kiến trúc chùa, tháp phong phú, kiến trúc là văn hóa, sự phát triển của kiến trúc đánh dấu bước tiến của văn minh. Phật giáo Việt Nam là một mắt xích trong việc xây dựng, gìn giữ kiến trúc văn hóa nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Ngôi chùa Việt là nơi hội tụ đầy đủ giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật, là sản phẩm văn hóa vật thể và là không gian văn hóa truyền thống, gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của người dân.

Hệ thống chùa, tháp Phật giáo hiện nay trải dọc theo chiều dài đất nước, từ thành thị đến thôn quê. Ngôi chùa đã trở nên gắn bó và không thể tách rời của văn hóa Việt, bổ sung cho nền văn hóa những sắc màu mới, làm giàu, làm đẹp cho nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật, xây dựng và điêu khắc của dân tộc. Ở mỗi vùng, miền kiến trúc chùa, tháp có những đặc điểm riêng, bởi chịu sự chi phối của môi trường, đời sống văn hóa tâm linh của người dân và từng điều kiện lịch sử cụ thể, nhưng tựu chung lại đều thể hiện kiến trúc điển hình của phương đông theo hình chữ “Đinh”, chữ “Tam”, chữ “Nhất” hoặc chữ “Công” và được Việt hóa để phù hợp, gần gũi với tâm thức của người Việt [3]. Các ngôi chùa thường được thiết kế hài hòa với môi trường xung quanh, hòa mình vào thiên nhiên, tạo nên những thắng cảnh, là vùng địa linh, nơi hội tụ khí thiêng của trời đất.

Chùa Phật giáo có từ thời Bắc thuộc, tuy nhiên ban đầu những ngôi chùa được hình thành dưới dạng thảo am [4]. Giai đoạn này nổi tiếng nhất là chùa Khai Quốc được hình thành thời Lý Nam Đế [5]. Đến thời Lý, Trần chùa Phật giáo mới được tu bổ và xây dựng mới, phân chùa thành ba loại: Đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam. Đến thời Lê – Mạc, Nho giáo lên ngôi, Phật giáo lui về chốn dân gian, các thân vương quý tộc và tầng lớp quan lại bỏ tiền hoặc kêu gọi hưng công tín thí để xây dựng, tu bổ chùa chiền. Kết quả là nhiều ngôi chùa mới với kiến trúc trăm gian được mọc lên, nhiều ngôi chùa cũ được trùng tu xây dựng, mở mang kiến trúc khiến cho mặt bằng nhiều ngôi chùa thay đổi theo hướng mở rộng và quy mô hơn trước. Ngôi chùa trở thành thiết chế quan trọng, chiếm vị trí trung tâm và là nơi quần tụ văn hóa của làng, người dân hội họp, đi chơi hội hay các sinh hoạt văn hóa khác đều diễn ra ở chùa. Nhiều ngôi chùa được xây dựng trong cảnh thiên nhiên hùng vĩ như: Chùa Hương (Hà Nội), chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh), chùa Thầy, chùa Bối Khê (Hà Nội), chùa Phật Tích (Bắc Ninh),… tạo nên những danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong cả nước.

Trong chùa là cả một bảo tàng nghệ thuật, bao gồm hệ thống tượng pháp, các bức phù điêu, câu đối, bia ký, bản kinh khắc trên gỗ (mộc bản) thể hiện nghệ thuật điêu khắc bởi bàn tay tài hoa của người Việt. Những pho tượng được bài trí trong chùa khá đa dạng với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, nhưng phần lớn đều thể hiện sự sống động, với nét mặt hiền hậu, khiêm tốn bình dị như từ hình ảnh của những con người bình thường mang sự cảm thông cứu độ [6]. Đó chính là những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị văn hóa, chứa đựng trong đó tâm hồn, tình cảm và triết lý sống của dân tộc.

Hiện nay GHPGVN có khoảng 19.000 cơ sở tự viện, nhiều cơ sở là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hạng đặc biệt như: Chùa Hương, chùa Thầy (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình). Nhiều ngôi chùa là di tích cấp quốc gia như: Chùa Bối Khê, chùa Láng (Hà Nội), chùa Nghĩa Xá, chùa Cổ Lễ (Nam Định),… Nhiều ngôi chùa do dấu vết của thời gian đã bị xuống cấp được GHPGVN quan tâm trùng tu, tôn tạo, nhiều ngôi chùa mới được xây dựng để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân như: Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam),…

Hệ thống chùa, tháp Phật giáo chính là bảo tàng sống động, vừa là thiết chế vật chất của Phật giáo vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng, nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật, phản ánh tâm thức và đời sống tâm linh của người Việt. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, sự hình thành những ngôi chùa phụ thuộc vào sự phát triển của Phật giáo và đời sống xã hội. Văn hóa vật thể của Phật giáo thể hiện qua các ngôi chùa, tháp chính là một thành tố trong kho tàng văn hóa Việt cần tiếp tục được GHPGVN bảo lưu, gìn giữ và phát huy giá trị trở thành những di sản văn hóa sống. Tinh thần Phật giáo thể hiện trong văn hóa vật thể qua những ngôi chùa, tháp đã thấm đẫm tâm hồn người Việt, góp phần tạo sự cân bằng cho xã hội và sự cân bằng cho đời sống tâm linh.

Từ hơn 2.000 năm trước, Phật giáo đã du nhập, bén rễ, lan tỏa và hòa quyện trong đời sống dân gian của người Việt, tư tưởng vô ngã, vị tha, bình đẳng, từ bi đã thấm sâu vào tiềm thức của cư dân Việt qua các thế hệ, thực sự hòa làm một với dân tộc Việt, tạo nên nền văn hóa Việt đầy tính nhân bản và đậm đà bản sắc.

Từ hơn 2.000 năm trước, Phật giáo đã du nhập, bén rễ, lan tỏa và hòa quyện trong đời sống dân gian của người Việt, tư tưởng vô ngã, vị tha, bình đẳng, từ bi đã thấm sâu vào tiềm thức của cư dân Việt qua các thế hệ, thực sự hòa làm một với dân tộc Việt, tạo nên nền văn hóa Việt đầy tính nhân bản và đậm đà bản sắc.

2.2. Trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể

Trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể, Phật giáo cũng đã có những đóng góp lớn lao cho nền văn hóa dân tộc. Phật giáo đưa ra những nguyên lý nhận thức về thế giới và con người, với những giáo thuyết như: “Vô ngã”, “Vô thường”, “Nghiệp”, “Tứ diệu đế”, “Thân duyên”, “Thân quả”, “Luân hồi”,… Những triết lý cao siêu và với nền văn hóa bác học, tưởng chừng như Phật giáo khó thâm nhập vào đời sống tín ngưỡng bình dân của người Việt, nhưng hệ thống triết lý cao siêu đó lại rất gần gũi, thân thuộc, gắn bó tự nhiên với bao lớp người Việt từ thành thị đến nông thôn, từ tầng lớp vua chúa quan lại đến các tầng lớp khác trong xã hội.

Nhìn lại lịch sử, Phật giáo du nhập trong điều kiện tín ngưỡng của người Việt rất đa dạng. Người Việt tin vào tín ngưỡng Hồn linh giáo đó là Vạn vật hữu linh, các vị thần được tôn thờ phổ biến là những vị thần tự nhiên: Thần sông, thần núi, thần đá, thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp. Ngay từ buổi ban đầu ấy, Phật giáo đã có những dấu ấn về văn hóa, dung hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa hình thành nên Phật Tứ Pháp, để từ đó Phật giáo luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Tiếp nữa, thời kỳ Phật giáo du nhập, người Việt đã tiếp thu Nho giáo, Đạo giáo, với những cố gắng đồng hoá không ngừng nghỉ của chính quyền phong kiến phương Bắc như: Mở trường dạy chữ Nho, khuyến khích học thuật tu tiên của các đạo sĩ, nhiều tộc người đến cộng cư, hòa huyết nhằm mục đích Hán hoá. Tuy nhiên, trong cuộc tiếp thu văn hoá ấy rõ ràng Phật giáo là hệ tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất nên đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng xã hội Đại Việt. “Trong thời Bắc thuộc, Phật giáo tuy chưa trở thành quốc giáo nhưng đã đóng vai trò như tôn giáo dân tộc để tham gia bảo vệ văn hóa, chủ quyền dân tộc của người Việt” [7].

Đến thời Lý – Trần, Phật giáo trở thành nền tảng tư tưởng của dân tộc, đã góp phần tạo ra sắc thái riêng với những giá trị đặc trưng của nền văn hóa Việt. Tinh thần nhập thế của Phật giáo gắn bó sâu sắc với khát vọng độc lập dân tộc, với tinh thần yêu nước của nhân dân đã tạo nên xung lực cho sự phát triển của văn hóa dân tộc. Thông qua tinh thần nhập thế của các Thiền sư, tinh thần tự chủ, ý thức về tính độc lập, tự cường của dân tộc đã được khơi dậy mối liên kết giữa thần quyền và vương quyền chi phối đời sống tinh thần, Phật giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống trong xây dựng quốc gia Đại Việt. Bên cạnh đó, hệ tư tưởng Phật giáo còn đóng góp cho nền văn hóa dân tộc những tác phẩm văn học giá trị với nhiều loại hình như văn xuôi tự sự, thơ thiền, các tác phẩm đều mang những giá trị triết lý nhân văn sâu sắc.

Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, Phật giáo Việt Nam phát triển trong điều kiện hoàn cảnh mới, các vương triều dựa vào Nho giáo để xây dựng đất nước, Phật giáo rời chốn cung đình lui về dân gian, lan tỏa sâu rộng trong tầng lớp bình dân, sinh hoạt Phật giáo trở thành những sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Văn hóa Phật giáo lấy lý tính làm chủ đạo, lấy sự giác ngộ để siêu thoát tâm linh, với những triết lý cao siêu. Văn hóa Phật giáo đã chủ động tái cấu trúc [8], điều chỉnh, biến đổi để phù hợp và hòa vào đời sống tâm linh, đưa giáo lý Phật giáo gần gũi với tâm thức dân gian người Việt, tác động vào nhân sinh quan, thế giới quan, cũng như các chuẩn mực văn hóa, đạo đức của cư dân nông nghiệp.

Phật giáo không chỉ là tôn giáo thuần túy. Phật giáo chính là đạo đức, là trí tuệ, không chỉ góp phần hình thành tư tưởng khoan hòa nhân ái trong chính sách an dân, trị quốc của các vương triều mà còn góp phần định hình lối sống, phong tục, giá trị chuẩn mực văn hóa Việt. Phật giáo đã tham dự vào cấu trúc văn hóa Việt. Với tư cách là thành tố văn hóa tinh thần, Phật giáo hướng đến giá trị con người, xây dựng xã hội an bình, với mục tiêu đem lại hạnh phúc và an lạc cho con người, đề cao lòng từ bi, vô ngã, vị tha, khuyên con người tu thân, tích đức, làm điều thiện tránh điều ác, làm lành tránh dữ, hướng con người tới ứng xử nhân văn, cao đẹp.

Tư tưởng vị tha hướng con người tới chân – thiện – mỹ đã góp phần bồi đắp và làm phong phú thêm tâm hồn người Việt từ tầng lớp bình dân đến tầng lớp trí thức, vun bồi lòng nhân ái “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, hình thành các tập quán, thói quen như ăn chay, bố thí, phóng sinh. Các phạm trù Phật giáo như: “Cứu nhân độ thế”, “Nhân quả”, “Nghiệp báo”, “Từ, bi, hỷ, xả”, đã không còn là của riêng Phật giáo mà đi sâu vào văn hóa Việt, đến nỗi người dân không phải là tín đồ Phật giáo nhưng vẫn thấm nhuần tư tưởng trên và trở thành một phần trong lẽ sống của họ.

Tư tưởng từ bi của Phật giáo trở thành sức mạnh và động lực để đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc trong quá trình đấu tranh bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Tinh thần từ bi, khoan dung, cứu khổ, cứu nạn, tinh thần hy sinh vì quốc gia dân tộc kết hợp với lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam đã góp phần hình thành nên chủ nghĩa yêu nước và trở thành đặc trưng trong văn hóa Việt. Phật giáo Việt Nam là sự hòa hợp giữa Đạo với Đời, là sự hòa quyện giữa tư tưởng đạo Đức Phật giáo với tính cách, đạo đức của con người Việt Nam, đã làm sâu sắc hơn truyền thống văn hóa của dân tộc.

Trong đời sống hiện nay với muôn vàn khó khăn, thách thức, khoảng cách giàu, nghèo, nhiều vấn nạn trong xã hội gia tăng do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, mặt tích cực và tiêu cực của quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế chính là nguyên nhân gây nên những nỗi “khổ” của con người. Tiếp nối những đóng góp của Phật giáo trong 2.000 năm qua, GHPGVN đã tiếp tục hoằng dương chính pháp, không ngừng xiển dương những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của Phật giáo, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua việc trùng tu, tôn tạo, xây mới chùa chiền, biên dịch, xuất bản kinh sách.

Hàng năm, tại các cơ sở tự viện Phật giáo đều diễn ra các lễ hội như: Lễ hội đầu xuân, Phật đản, Vu Lan,… Những lễ hội này hiện đã không còn của riêng Tăng, Ni, Phật tử mà trở thành lễ hội của đông đảo quần chúng nhân dân. Nhiều lễ hội chùa trở thành lễ hội làng, vùng, miền, làm phong phú thêm kho tàng lễ hội văn hóa dân tộc, trở thành thiết chế tinh thần của nhân dân, góp phần xiển dương những giá trị tư tưởng, đạo đức tốt đẹp tới mỗi người dân Việt. Lễ Phật đản đã trở thành lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc. GHPGVN đã 3 lần được trao quyền đăng cai, tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc vào các năm 2008, 2014, 2019 với sự tham dự của đông đảo đại biểu quốc tế, các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu các tổ chức quốc tế, Tăng, Ni, Phật tử trong nước và trên thế giới. Đại lễ Vesak đã góp phần còn quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách đối ngoại rộng mở tới đông đảo bạn bè quốc tế, góp phần đấu tranh với những hoạt động lợi dụng tôn giáo của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc kích động chống phá Đảng, Nhà nước của các phần tử cực đoan. Đồng thời, thể hiện uy tín, vai trò của Việt Nam và Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Từ khi thành lập GHPGVN đến nay, đã có hàng nghìn kinh sách, ấn phẩm Phật giáo được phát hành. Chỉ tính riêng số ấn phẩm do nhà xuất bản Tôn giáo phát hành từ 2001 đến nay vào khoảng hơn 1.000 đầu sách, hơn 200 đầu văn hóa phẩm với hơn 3.000 ấn bản [9], hệ thống truyền thông Phật giáo cũng không ngừng phát triển và hoạt động hiệu quả, đã truyền tải, lan tỏa những tư tưởng tốt đẹp, giáo lý Phật đà, những tinh hoa vi diệu của Phật pháp đến với quảng đại quần chúng, thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo trong thời đại mới. Hiện GHPGVN có 8 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thông tin truyền thông có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông [10], ngoài ra có một số ấn phẩm nội san, nguyệt san, kênh truyền hình Phật giáo (An Viên), các chương trình Phật giáo do đài Truyền hình Việt Nam, đài VOV, VTC và truyền hình các tỉnh thực hiện, cùng hơn 500 trang web của các chùa phản ánh đời sống tâm linh, tin tức Phật sự hàng ngày đến Phật tử; mỗi Tăng, Ni lại có tài khoản mạng xã hội phản ánh những hoạt động cá nhân và Phật sự khác,…

Phật giáo trong lịch sử và hiện tại đã, đang đào tạo một tầng lớp trí thức, các trí thức Phật giáo luôn mang tư tưởng yêu nước, ủng hộ cho nền độc lập dân tộc. Vai trò của các vị trí thức Phật giáo ảnh hưởng rõ nét đến tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc.

Phật giáo trong lịch sử và hiện tại đã, đang đào tạo một tầng lớp trí thức, các trí thức Phật giáo luôn mang tư tưởng yêu nước, ủng hộ cho nền độc lập dân tộc. Vai trò của các vị trí thức Phật giáo ảnh hưởng rõ nét đến tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc.

Đó là những minh chứng cụ thể cho việc hoằng dương Phật pháp, phát huy giá trị văn hóa Phật giáo, đóng góp cho văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới, những đóng góp đó không chỉ trong giới Phật giáo mà còn lan tỏa sâu, rộng trong quảng đại quần chúng. Qua đó có tác dụng thiết thực cho việc xây dựng, bảo vệ và tạo nên bản sắc riêng cho nền văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển của đất nước, hướng đến một xã hội phát triển hài hòa và bền vững.

Tư tưởng minh triết và những giá trị nhân bản trong đạo đức, văn hóa của Phật giáo vận dụng trong đời sống hiện thực sẽ góp phần định hướng tư duy, điều chỉnh hành vi của cộng đồng xã hội, làm thức tỉnh lương tri của con người, giúp con người chủ động phòng ngừa cái ác, hướng tới cái thiện, mang lại sự bình an, hạnh phúc cho người dân Việt.

Hiện, GHPGVN vận dụng khế lý, khế cơ đưa giá trị nhân văn của Phật giáo vào hiện thực cuộc sống, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền trong công cuộc xây dựng xã hội mới, xã hội chủ nghĩa phát triển. Đồng thời, xây dựng con người mới có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống nhân cách, trong quan hệ ứng xử với tự nhiên, với xã hội, hướng tới giá trị nhân văn chân – thiện – mỹ, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, trở thành sức mạnh tinh thần của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2.3. Trong đào tạo tầng lớp trí thức

Đức Phật dạy: “Duy tuệ thị nghiệp”, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, người học Phật, tu Phật, lấy việc vun bồi trí tuệ làm sự nghiệp của mình. Kinh Pháp Hoa khẳng định mục tiêu mà Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này là “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Thực hiện lời dạy và tiếp nối tinh thần của Đức Phật, Phật giáo Việt Nam trong lịch sử cũng như trong hiện tại luôn xác định đào tạo tăng tài, tầng lớp trí thức làm cơ sở cho việc giữ gìn mạng mạch của Phật pháp và đóng góp vào công cuộc xây dựng quốc gia dân tộc. Vì thế, thời nào Phật giáo Việt Nam cũng có những vị cao tăng mẫu mực, đức cao, trí lớn, giữ vai trò hộ quốc, an dân.

Không thể phủ nhận, tầng lớp trí thức Việt đầu tiên là trí thức Phật giáo. Người trí thức Phật giáo để lại tên tuổi là Pháp Hiền [11], ông là nhà Sư Việt đầu tiên mà sử sách còn ghi chép lại dưới thời Bắc thuộc khi Phật giáo mới được truyền vào vùng Dâu. Đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập đã tạo đà cho Phật giáo phát triển và đào tạo tầng lớp trí thức cho quốc gia dân tộc. Tầng lớp trí thức đầu tiên mà Phật giáo đào tạo đều là những nhà Sư tinh thông Phật giáo, am tường Nho giáo và Đạo giáo, họ trở thành những nhân vật trụ cột trong việc giúp triều đình xây dựng đất nước. Những nhân vật Phật giáo tiêu biểu của tầng lớp trí thức thời kỳ quốc gia độc lập, như: Tăng thống Ngô Chân Lưu hiệu là Khuông Việt Đại sư, Pháp Thuận, Vạn Hạnh,… Họ là các vị Thiền sư quốc sư, giúp các vương triều đào tạo hiền tài [12], đều là những nhân vật Phật giáo tiêu biểu ở thời kỳ đầu độc lập tự chủ, tham vấn cho vua về tư tưởng trị nước, tham gia vào chính sự để xây dựng vương quyền [13]. Lý Thái Tổ – vị vua đầu tiên của triều Lý – được nuôi dưỡng tư tưởng bằng giáo lý Phật giáo, được dạy dỗ và lên ngôi vua cũng bởi chính giới tăng lữ Phật giáo. Dưới triều Lý – Trần, Phật giáo trở thành tôn giáo chủ lưu, các trí thức Phật giáo lại càng có điều kiện để đóng góp cho quốc gia dân tộc trên tinh thần hộ quốc, an dân. Các triều đại phong kiến tiếp nối Lê – Mạc – Nguyễn, Phật giáo có lúc hưng thịnh, lúc suy yếu nhưng với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, Phật giáo ở các triều đại này đều có các bậc cao tăng đức cao trí lớn phò vua, giúp nước. Qua các triều đại phong kiến, Phật giáo đã phát huy những giá trị ưu việt, đào tạo đội ngũ Tăng sĩ trí thức mang tư tưởng yêu nước, hội nhập, gắn bó mật thiết với đời sống xã hội, không có sự phân ly giữa đạo pháp và dân tộc, góp phần viết lên những trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Phật giáo Việt Nam luôn kề vai, sát cánh cùng nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc. Thời kỳ này xuất hiện những trí thức Phật giáo sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, với tinh thần “Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh”, nhiều Tăng, Ni đã phát nguyện “Cởi áo cà sa khoác chiến bào” tình nguyện nhập ngũ, cùng cả nước ra trận. Từ chốn chùa chiền, những phong trào đấu tranh kiên cường, bất khuất chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, có nhiều tấm gương sáng về sự quả cảm trong đó phải kể đến hành động phát nguyện tự thiêu đòi bình đẳng tôn giáo, dân sinh dân chủ và độc lập dân tộc của Hòa thượng Thích Quảng Đức và nhiều tấm gương sáng khác về phụng sự đạo pháp, phụng sự dân tộc trong tầng lớp trí thức Phật giáo. Ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đều có những nhà Sư trí thức đứng lên vận động Tăng, Ni, Phật tử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tiêu biểu có những nhà Sư như: Phạm Thế Long, Thích Tâm An, Thích Thanh Chân, Thích Minh Nguyệt, Thích Trí Thủ, Thích Mật Thể,… Những nhà Sư trí thức Phật giáo thời kỳ này không chỉ đồng tâm, góp sức ủng hộ kháng chiến giành độc lập dân tộc mà còn hướng tín đồ tới cuộc đời tốt đẹp, xây dựng xã hội văn minh, giàu đẹp, đúng như tinh thần “Âm thầm giữ gìn đạo mạch trong cơn binh lửa và ủng hộ Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh” [14].

Từ khi GHPGVN được thành lập luôn chú trọng, hoàn thiện và phát triển công tác đào tạo tăng tài, góp phần đào tạo trí thức cho xã hội. Giáo hội đã xây dựng, từng bước hoàn chỉnh và hệ thống hóa toàn diện từ hình thức đến nội dung trong các trường Phật học thuộc Giáo hội với nhiều bậc học, từ sơ cấp đến sau đại học. Trong điều kiện xã hội phát triển, tri thức nhân loại ngày một tăng cao, mục tiêu của GHPGVN trong việc đào tạo tầng lớp trí thức Phật giáo là có trình độ Phật học, thế học, có đủ giới đức, trí đức, tâm đức để chuyển hóa thân tâm, thực hiện việc hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Giáo hội cho đất nước thời kỳ phát triển và hội nhập.

Tính đến tháng 12/2020, GHPGVN hiện có 48 cơ sở, gồm 4 Học viện Phật giáo được đặt ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam; 1 trường Cao Trung Phật học, 35 trường Trung cấp Phật học, 8 lớp cao đẳng. GHPGVN đang từng bước hoàn thiện về cơ cấu cho các cơ sở đào tạo của Giáo hội cả về nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy, giáo trình,… mở rộng phạm vi đào tạo cả trong và ngoài nước, đã dần hình thành một nền giáo dục từ trung ương đến địa phương. Các cơ sở đào tạo của GHPGVN hoạt động ổn định, chất lượng đào tạo ngày một nâng cao, số lượng đội ngũ trí thức ngày càng tăng, có sự liên kết nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo Phật học với nhiều nước trên thế giới. Hiện GHPGVN giao cho Ban Giáo dục Tăng Ni biên soạn những bộ sách giáo trình cơ bản cho mỗi cấp học. Một trong những yêu cầu cơ bản trong giáo dục tri thức Phật giáo là sự tự thích nghi và tự phát triển, giúp người trí thức Phật giáo không chỉ có kiến thức, kỹ năng mà còn thích nghi với thời đại mới khi thực hiện việc dấn thân. Trong giáo dục thực thi con đường Giới – Định – Tuệ, lấy sự phát triển tâm linh, đạo đức, thiền định làm mục tiêu cho mọi sinh hoạt.

Hiện nhiều trí thức Phật giáo không chỉ theo học ở trong các Học viện của GHPGVN, mà còn theo học thạc sĩ, tiến sĩ ở các học viện, các trường đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân để nâng cao tri thức khoa học. Số trí thức Phật giáo du học nước ngoài hiện nay cũng tăng cao giúp Phật giáo Việt Nam bắt nhịp được với sự phát triển của Phật giáo trong khu vực và trên thế giới. Đào tạo đội ngũ trí thức Phật giáo hiện nay là chất keo đảm bảo tính kế thừa, tính liên tục của truyền thống Phật giáo, đồng thời góp phần gìn giữ và tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc.

Như vậy, rõ ràng Phật giáo trong lịch sử và hiện tại đã, đang đào tạo một tầng lớp trí thức, các trí thức Phật giáo luôn mang tư tưởng yêu nước, ủng hộ cho nền độc lập dân tộc. Vai trò của các vị trí thức Phật giáo ảnh hưởng rõ nét đến tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, trước khi GHPGVN được thành lập, công tác giáo dục đào tạo trí thức Phật giáo chủ yếu được thực hiện theo cách truyền thống, trong khuôn khổ sơn môn, pháp phái, không chỉ giáo dục kinh tạng, mà còn cả “thân giáo”, đó là việc dạy học từ chính đời sống tu hành của người thầy, người thầy là tấm gương để học trò học tập và nhìn thầy để rèn giũa, với cách giáo dục như thế đảm bảo một vị sư khi xuất hiện trước dân chúng đủ độ tin cậy và xứng đáng là người trí thức không chỉ của Phật giáo mà của cả xã hội. Giáo dục trước đây mang tính giáo dục truyền thống trong nhà chùa, chưa hình thành hệ thống giáo dục hiện đại như hiện nay, nhưng tựu chung lại giáo dục Phật giáo trong quá khứ và hiện tại đã đào tạo nên một tầng lớp trí thức Phật giáo chân chính, luôn hướng đến mục đích xây dựng cuộc sống tốt đẹp ngay tại thế gian theo tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp”.

Phật giáo không chỉ là tôn giáo thuần túy. Phật giáo chính là đạo đức, là trí tuệ, không chỉ góp phần hình thành tư tưởng khoan hòa nhân ái trong chính sách an dân, trị quốc của các vương triều mà còn góp phần định hình lối sống, phong tục, giá trị chuẩn mực văn hóa Việt.

Phật giáo không chỉ là tôn giáo thuần túy. Phật giáo chính là đạo đức, là trí tuệ, không chỉ góp phần hình thành tư tưởng khoan hòa nhân ái trong chính sách an dân, trị quốc của các vương triều mà còn góp phần định hình lối sống, phong tục, giá trị chuẩn mực văn hóa Việt.

3. Kết luận

Phật giáo còn tồn tại lâu dài trong xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng, Nhà nước đang ra sức đẩy mạnh toàn diện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, việc phát huy những giá trị văn hóa của Phật giáo cho công cuộc xây dựng đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều đó không chỉ góp phần vào xây dựng đời sống tinh thần của nhân dân phong phú, lành mạnh, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc để hội nhập mà không hòa tan trong bối cảnh đa dạng văn hóa hiện nay, đồng thời làm gia tăng nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Chú thích:

[1] Chín tổ chức, hệ phái gồm: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước; Giáo hội Thiên thai giáo quán tông; Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ; Hội Phật học Nam Việt.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[3] Chu Quang Trứ (2012), Sáng giá chùa xưa, Mỹ Thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội.

[4] Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[5] Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2009), Chùa Trấn Quốc khảo cứu và tư liệu Hán Nôm, Nxb. Văn học, Hà Nội.

[6] Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[7] Hoàng Thị Thơ, Phật giáo với trách nhiệm dân tộc trong lịch sử và hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2010, tr.15.

[8] Đỗ Quang Hưng (2001), Tái cấu hình đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay: Những thách thức về mặt pháp lý, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 7 (155), tr.59 – 71.

[9] Nguồn: Thống kê của Nhà xuất bản Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.

[10] Hiện GHPGVN có 8 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thông tin truyền thông được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp phép hoạt động bao gồm: Báo viết: (1) Báo Giác Ngộ, (2) Tạp Chí nghiên cứu Phật học, (3) Tạp chí Văn hóa Phật giáo, (4) Tạp chí Khuông Việt, (5) Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy. Trang tin điện tử: (1) Phật sự Online, (2) Cổng thông tin Phật giáo Phatgiao.org.vn.

[11] Phân Viện Nghiên cứu Phật học (1990), Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Văn học, Hà Nội.

[12] Nguyễn Lang (1973), Việt Nam Phật giáo Sử luận, tập 1, Nxb. Lá Bối Sài Gòn, tr199-206.

[13] Phân Viện Nghiên cứu Phật học (1990), Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Văn học, Hà Nội.

[14] Lê Tâm Đắc: Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954), Nxb.. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.280.

Tiến sĩ Vũ Chiến Thắng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin