Chi tiết tin tức

Thông bạch của TƯGH về Đại lễ Phật đản PL.2558-DL.2014

15:41:00 - 20/02/2014
(PGNĐ) -  Theo thông tin từ Văn phòng II TƯGH, trung tuần tháng 1-2014, thay mặt Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, HT.Thích Trí Tịnh, Chủ tịch HĐTS đã ấn ký Thông bạch tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2558 – DL.2014 gởi đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Theo đó, Thông bạch nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt: “Đại lễ Phật đản (Vesak) là lễ hội văn hóa của Phật giáo đã được Đại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tôn giáo của thế giới, là ngày Đại lễ kỷ niệm Đức Bổn Sư Thích Ca Đản sinh, Thành đạo, nhập Niết bàn, hay còn gọi là Đại lễ tam hợp.

Để chào mừng Đại lễ Phật đản (Vesak) PL. 2558 – DL. 2014 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức trọng thể tại Cố đô Hoa Lư – Trung tâm Phật giáo Tràng An, chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.”

Căn cứ Nghị quyết số 004/NQ.HĐTS ngày 5-1-2014 Hội nghị Kỳ 2 Khóa VII Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Thường Trực Hội đồng Trị sự hướng dẫn việc tổ chức Đại Lễ Phật đản (Vesak) năm PL. 2558 – DL. 2014 theo nội dung như sau:

I. VỀ TỔ CHỨC

A. Ban Tổ chức

1. Quý GHPGVN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GHPGVN cấp tỉnh) phối kết GHPGVN cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (GHPGVN cấp huyện) chuẩn bị công tác tổ chức Đại lễ tại cấp tỉnh, cấp huyện. Để Đại lễ thành công viên mãn, Quý Ban thành lập một Ban Tổ chức Đại lễ:

-Trưởng Ban Tổ chức: Thành viên Ủy ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh.

- Phó Trưởng Ban Tổ chức: Phó Trưởng ban Thường trực, các Phó Trưởng Ban Trị sự cấp tỉnh, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện.

- Các Ủy viên và các Tiểu ban: Do Quý Ban sắp xếp.

2. Quý Ban lập kế hoạch chi tiết công tác tổ chức Đại Lễ địa phương (bao gồm công tác tổ chức ở cấp tỉnh và cấp huyện), đăng ký công tác tổ chức Đại lễ với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Cần lưu ý một số điểm thể hiện trong kế hoạch như sau:

- Treo cờ nước, cờ Phật giáo, biểu ngữ, pano, áp phích tại các đường phố ở cấp tỉnh và cấp huyện.

- Diễu hành xe hoa, thuyền hoa.

- Một số sự kiện có liên quan đến Đại lễ theo phần III của kế hoạch này.

B. Địa điểm tổ chức

Lễ đài tập trung được tổ chức tại Trụ sở của GHPGVN cấp tỉnh, trụ sở của GHPGVN cấp huyện; hoặc tổ chức tại những nơi thuận tiện nhất của địa phương.

C. Thời gian tổ chức

Quý Ban có thể tổ chức Đại lễ vào ngày Rằm tháng 4 âm lịch (13/5/2014), hoặc thời gian khác trong tuần lễ Phật đản, không trùng thời gian tổ chức tại chùa Bái Đính, Ninh Bình từ ngày 7 – 11-5-2014 (09 – 13-4-âl), hoặc thời gian khác sau ngày tổ chức Đại lễ tại chùa Bái Đính, Ninh Bình.

II. NỘI DUNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN

Trong ngày Đại lễ Phật đản, các văn kiện và biểu ngữ được sử dụng thống nhất trong Đại lễ như sau:

A. Văn kiện

1.Thông điệp Phật đản PL. 2558 của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc.

2.Thông điệp Phật đản PL. 2558 của Đức Pháp chủ GHPGVN.

3.Diễn văn Đại Lễ Phật đản PL. 2558 của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

4.Bài giảng của Ban Hoằng pháp Trung ương về “Ý nghĩa Phật đản” hoặc chủ đề của Đại lễ Phật đản: “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”.

B. Các biểu ngữ

1. Biểu ngữ chính:

Kính mừng Đại Lễ Phật đản (Vesak) PL. 2558 – DL. 2014

Việt Nam, ngày 07 – 10 tháng 5 năm 2014

2. Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội.

3. Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường Chư Phật.

III. HÌNH THỨC TỔ CHỨC ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN

1.Triển khai, phổ biến các văn kiện liên quan Đại lễ Phật đản (Vesak) do Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành.

2.Khuyến khích Ban Hoằng pháp phổ biến tinh thần, nội dung và các hoạt động Phật đản (Vesak) trong các bài giảng, để quần chúng hóa lễ hội quan trọng này.

3. Lập danh sách, đoàn đại diện Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tham dự đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc PL. 2558 – DL. 2014 tại chùa Bái Đính, Ninh Bình từ ngày 07-11/5/2014(sẽ có thông báo cụ thể thành phần đại biểu địa phương, thời gian, thư mời tham dự Đại lễ tại Bái Đính).

4. Đăng ký với UBND, MTTQVN, Sở VHTTDL tại địa phương trong việc treo cờ Phật giáo và biểu ngữ, pano, áp phích chào mừng Đại lễ Phật đản Vesak (như nêu ở phần II, mục B của thông tư) tại các khu vực chính của cấp tỉnh và cấp huyện.

5.Tại Trụ sở GHPGVN cấp tỉnh, trụ sở GHPGVN cấp huyện, trong khuôn viên Tự viện cần phải thiết lập vườn Lâm Tỳ Ni, treo cờ nước, cờ Phật giáo, kết hoa, treo lồng đèn, bong bóng Phật đản và treo biểu ngữ chào mừng Phật đản (có thể sử dụng song ngữ Việt – Anh, hoặc hoàn toàn bằng tiếng Việt).

6. Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn Phật tử treo cờ Phật giáo, phan, phướng, lồng đèn v.v… tại tư gia. Để việc treo cờ được trang nghiêm, cờ nước được treo phía tay trái từ trong nhìn ra và phải lớn hơn cờ Phật giáo từ một đến hai phân (nếu là cờ lớn).

7.Tổ chức xe hoa diễu hành theo từng địa phương. Thời gian xe hoa diễu hành do Quý Ban ấn định phù hợp với kế hoạch tổ chức Đại lễ tại địa phương.

8.Tổ chức hoa đăng, phóng sinh đăng trên sông, hồ tại những nơi có điều kiện.

9.Nếu địa phương có đủ điều kiện thì tổ chức Hội thảo, Tọa đàm về ý nghĩa ngày Đại Lễ Phật đản (Vesak) năm 2014:

+ Chủ đề chính: “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”.

+ Chuyên đề phụ:

1) Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội.

2) Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường.

3) Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh.

4) Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu-mâu thuẫn.

5) Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học.

10. Nếu địa phương đủ điều kiện thì tổ chức triển lãm văn hóa phẩm Phật giáo tại trụ sở Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, cấp huyện, hoặc tại các Tự viện lớn, hoặc địa điểm khác. Nội dung triển lãm cần nêu bật được bản chất Phật giáo nhập thế và đồng hành với dân tộc: Di sản văn hoá Phật giáo, pháp khí, tranh ảnh nghệ thuật, thư pháp v.v…

11. Tổ chức văn nghệ mừng Đại Lễ Phật đản tại các lễ đài, cơ sở Tự viện, nhà Văn hóa, nhà hát công cộng… Nếu có điều kiện cho phép, Quý Ban đăng ký với các đài phát thanh, truyền hình của địa phương để phát sóng một số sự kiện nổi bật của Phật giáo địa phương nhân Đại lễ Phật đản (Vesak) tại Việt Nam.

12. Tổ chức Hội chợ Văn hóa và Hội chợ ẩm thực chay tại cấp tỉnh, cấp huyện để quần chúng hóa đại lễ Phật đản.

13. Khuyến khích Tăng Ni và Phật tử gửi thiệp chúc mừng Phật đản trong tháng Phật đản để lễ hội hoá và quần chúng hoá đại lễ Phật đản.

14. Tổ chức đặt vòng hoa tưởng niệm tại các nghĩa trang và đài Liệt sĩ.

15. Tổ chức ủy lạo, từ thiện xã hội, thăm viếng và tặng quà các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với đất nước, thương bệnh binh, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, mồ côi, trại dưỡng lão v.v… để mang thông điệp Từ bi của đạo Phật đến với mọi người.

IV. CHƯƠNG TRÌNH CHÍNH THỨC CỦA ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL. 2558 

A. Buổi sáng ngày Rằm tháng 4 âm lịch (13-5-2014)

Đúng 4 giờ sáng, tất cả các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trong cả nước cử 3 hồi chuông trống Bát-nhã rước lễ Đản sanh.

Đúng 5 giờ sáng, tất cả Tăng Ni và Phật tử vân tập nơi lễ đài tập trung.

Đúng 6 giờ sáng, chính thức cử hành Đại Lễ Phật đản theo chương trình quy định thống nhất cho cả nước:

1. Giới thiệu thành phần tham dự, chương trình hành lễ, tuyên bố lý do.

2. Tuyên đọc Thông điệp Phật đản của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

3. Tuyên đọc thông điệp Phật đản Phật lịch 2558 của Đức Pháp chủ GHPGVN.

(Nếu tại địa phương có vị Hòa thượng là thành viên Hội Đồng Chứng Minh GHPGVN thì chính Hòa thượng đó đọc, nếu không có thì suy cử một vị Tôn đức tại địa phương đọc).

4. Diễn văn Đại Lễ Phật đản Phật lịch 2558 của Hòa Thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN do Trưởng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành đọc.

5. Phát biểu của đại diện cơ quan chức năng tỉnh, thành (nếu có).

6. Cử hành nghi lễ cúng dường Đại Lễ Phật đản:

- Cử 3 hồi chuông trống Bát nhã rước Lễ Đản sanh

- Niệm hương

- Toàn thể Đạo tràng nhập Từ bi quán

- Dâng hoa cúng dường Phật đản

- Nghi thức tụng niệm (Nam tông, Bắc tông)

- Hồi hướng

- Thả chim Bồ câu và bong bóng.

7. Cảm tạ của Ban tổ chức.

B. Buổi trưa, buổi chiều, hoặc buổi tối ngày Rằm tháng 4 âm lịch

− Tổ chức Đại lễ Phật đản và thuyết giảng Phật pháp tại các cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường.

− Ngoài ra, tùy theo hoàn cảnh thực tế và thời gian, các Ban Trị sự GHPGVN và Tự viện tổ chức chiếu phim hoặc trình diễn văn nghệ chào mừng Đại lễ Phật đản.

− Tùy theo hoàn cảnh và thời gian của địa phương, Quý Ban Trị sự có thể tổ chức vào tối ngày 14 tháng 4 âm lịch (12-5-2014).

V. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC

1.Trên cơ sở kế hoạch tổ chức Đại lễ Phật đản PL. 2558 đã được lập, Quý Ban đăng ký việc tổ chức Đại Lễ Phật đản với UBND cấp tỉnh.

2.Trung ương Giáo hội sẽ có văn thư đề nghị Sở Văn hóa Thể thao Du lịch giúp đỡ V/v treo cờ, biểu ngữ cũng như tổ chức diễu hành xe hoa… theo từng địa phương.

3.Để đáp ứng yêu cầu biểu ngữ, cờ, đèn, bong bóng treo trong ngày Đại lễ Phật đản, Quý Ban chủ động in ấn biểu ngữ, pano, áp phích chào mừng Đại lễ Phật đản phân phối cho các Lễ đài, Tự viện tại địa phương.

4.Nếu có chương trình diễu hành xe hoa, Quý Ban cần báo trình và đăng ký lộ trình với các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được hỗ trợ.

5.Liên hệ với các cơ quan thông tấn, truyền thông để đăng ký tổ chức truyền thanh, truyền hình chương trình Đại lễ Phật đản tại địa phương.

6. Nếu địa phương nào có khó khăn trong việc tổ chức Đại lễ Phật đản PL. 2558, Quý Ban cần báo cáo kịp thời về Văn phòng Trung ương Giáo hội để được hỗ trợ.

Ban Thường Trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đề nghị Quý Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, chư Tôn đức Trụ trì các Tự viện, Tăng Ni và Phật tử hoan hỷ phát tâm cúng dường công đức, trí tuệ vào việc tổ chức Đại Lễ Phật đản (Vesak) PL. 2558 tại Việt Nam được thành tựu viên mãn, quảng bá hình ảnh đất nước, GHPGVN đến với bạn bề quốc tế.”

Thông tư này được gởi đến Uỷ ban Trung ương MTTQVN, Ban Tôn giáo Chính phủ, Văn phòng T.176, VP Ban Dân vận T.Ư (T.78), UBND, UBMTTQ, BTG các tỉnh, thành phố “để biết và giúp đỡ”.

***

Ngày 15-2 vừa qua, HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN cũng ký văn bản hướng dẫn thực hiện Thông bạch của TƯGH gởi đến các Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó, văn bản hướng dẫn cho biết: “Đại lễ Phật đản (Vesak) năm 2014 – PL. 2558 tổ chức tại Việt Nam là một sự kiện quan trọng, đại hoan hỷ của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước. Để Đại lễ Phật đản thực sự là Lễ hội Văn hóa, quy mô, hoành tráng, tiếp theo Thông bạch số 011/TB/HĐTS ngày 21-1-2014, V/v hướng dẫn Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Đại lễ Phật đản tại địa phương, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

1. Tổ chức xe hoa: Đề nghị Quý Ban đăng ký xe hoa diễu hành chào mừng Phật đản tại Trung tâm Phật giáo Tràng An – Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình (nếu có điều kiện). Việc thực hiện xe hoa do Quý Ban chịu trách nhiệm và kinh phí tự túc hoàn toàn. Thời gian thực hiện xe hoa tại chùa Bái Đính bắt đầu từ ngày 7 đến ngày 9-5-2014 (9 – 11/4-âl). Thời gian đăng ký diễu hành xe hoa tại Ninh Bình với Văn phòng 1, Văn phòng 2 TWGH chậm nhất là ngày 10/03/2014.

2. Diễu hành xe hoa tại địa phương: Quý Ban đăng ký lộ trình diễu hành xe hoa với các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được hỗ trợ.

3. Treo cờ và biểu ngữ: Đề nghị Quý Ban đăng ký làm việc với Ban Dân vận, Ban Tôn giáo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch để được hỗ trợ treo cờ, biểu ngữ, áp phích tại các đường phố trung tâm của tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã. Nội dung biểu ngữ thực hiện theo thông bạch số 011/TB/HĐTS, ngày 21-1-2014.

4. Đưa tin về Đại lễ Phật đản trên đài phát thanh, truyền hình địa phương: Quý Ban đăng ký làm việc với Ban Giám đốc đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố để phổ biến, tuyên truyền về Đại lễ Phật đản (Vesak) năm 2014 tại Việt Nam.

5. Triển lãm: Quý Ban có thể tổ chức triển lãm những thành tựu Phật sự của Trung ương, địa phương, hình ảnh di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh.

6. Để xã hội hóa và quần chúng hóa Đại lễ Phật đản, nếu đủ điều kiện Quý Ban có thể kết hợp cùng một số công ty tổ chức hội chợ văn hóa, lễ hội ẩm thực chay tại địa phương.

7. Các biểu ngữ, áp phích chào mừng Đại lễ Phật đản, Quý Ban tự thực hiện.

 

GHPGVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin