Chi tiết tin tức

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng tinh thần đoàn kết và thống nhất cao độ

21:15:00 - 13/05/2022
(PGNĐ) -  Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vị lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa kiệt xuất, có nhiều đóng góp cho nền hòa bình và giải phóng dân tộc, đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam và Nhân dân các dân tộc trên thế giới.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – NGƯỜI KẾT NỐI VIỆT NAM VỚI THẾ GIỚI

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vị lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa kiệt xuất, có nhiều đóng góp cho nền hòa bình và giải phóng dân tộc, đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam và Nhân dân các dân tộc trên thế giới. Do đó, Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh Người là Anh hùng Giải phóng dân tộc và Nhà Văn hóa kiệt xuất của Việt Nam tại Nghị quyết 24C/18.65 trong khóa họp Đại hội đồng lần thứ 24 tại Paris (Pháp), diễn ra từ ngày 20/10-20/11/1987. Nghị quyết có đoạn viết: “… Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong mỏi tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc…”.

Khởi đầu từ ngày 05/6/1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng quê hương khỏi ách thực dân, nô lệ. Và cũng từ đó, mối quan hệ với các nước trên thế giới được liên kết và thắt chặt hơn trong tình quốc tế tương thân. Thế giới biết đến Việt Nam qua hình ảnh, tư tưởng, hành động của Hồ Chí Minh, là biểu tượng cao cả, phẩm giá của loài người. Đến khi Bác về thế giới người hiền ngày 02/9/1969 và đã an nghỉ vĩnh viễn tại Quảng trường Ba Đình cho ngàn thu in bóng, mảnh hình hài lồng lộng tựa hư không sẽ sống mãi trong lòng dân tộc và nhân loại toàn thế giới. Để rồi từ đấy, Thủ đô Hà Nội là Thủ đô lương tâm thời đại, là Thủ đô vì hòa bình. Thật sự như vậy, vì ngày nay Việt Nam muốn làm bạn và thực sự là bè bạn khắp năm châu, bốn biển. Việt Nam là thế giới, thế giới là Việt Nam. Quả thực, “Năm châu, bốn bể là huynh đệ/Chung sống bên nhau bảo vệ hòa bình”. Đấy là tinh thần đoàn kết quốc tế với Việt Nam mà Hồ Chủ tịch đã dày công xây dựng, vun đắp cho đến ngày hôm nay. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 03/01/1957. (Ảnh tư liệu)

TINH THẦN ĐOÀN KẾT, TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO 

Bằng tinh thần đoàn kết, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 14/6/1955 tại Sắc lệnh số 234/SL Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do thờ cúng của Nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Mỗi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo, hoặc không theo một tôn giáo nào…”.

Với tinh thần đoàn kết, hòa hợp, tự do tín ngưỡng của các tôn giáo (trong đó có Phật giáo) và Nhân dân Việt Nam, ngày 13/6/1958 tại Phủ Chủ tịch, trong buổi tiếp đoàn Đại biểu do Hòa thượng Thích Trị Độ dẫn đầu tham dự Đại hội thành lập Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam thành công, Hồ Chủ tịch đã ân cần tiếp đoàn và có lời tán thán, động viên Tăng Ni, Phật tử. Bác nói: “… Trong công cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều việc. Tôi cảm ơn đồng bào và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng thêm mãi cho đến ngày trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi và độc lập thành công…”.

Ngày 28/9/1964, trong thư gửi Hội nghị Đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Bác viết: “Các vị Tăng Ni và tín đồ Phật giáo trước đây đã có công với kháng chiến, nay thì đang góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc giàu mạnh và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà…, Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha… ”[1].

Bằng tinh thần thống nhất cao độ, quyết lòng giải phóng quê hương thống nhất đất nước, Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Với tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, cùng hiện hữu trên đất nước Việt Nam, do đó, Bác cho rằng dù là Kinh hay Thượng, vùng ngược, miền xuôi, cao nguyên hay đồng bằng, trung du hoặc thượng du… đều là anh em một nhà, một dân tộc Việt Nam, cần phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, như ca dao Việt Nam có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy là khác giống nhưng chung một giàn”. Như Đức Lục Tổ dạy: “Đối với Tổ thì thân phận con người có phân Nam Bắc, chớ Phật tánh thì không có Bắc Nam. Thân hèn hạ nầy đối với Tổ thời có khác, nhưng Phật tánh thì không có khác” (Kinh Pháp Bảo Đàn). Quả như vậy, đất nước Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc anh em đang sống chung trong hòa bình, hạnh phúc, an lạc, cùng tồn tại và cùng phát triển trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chính là nhờ tinh thần bình đẳng, đoàn kết, hòa hợp giữa Phật giáo và tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng dân tộc cùng nòi giống tiên rồng.

Hơn nữa, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, cho nên vấn đề đoàn kết lương giáo, những người có đạo, không có đạo càng quan thiết hơn, vì tinh thần bình đẳng, thống nhất và đoàn kết là sợi dây vô hình ràng buộc lẫn nhau, là chất keo sơn gắn bó chan hòa bất diệt, vì mục đích lợi ích chung, mang lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc trên mãnh đất Việt Nam thân yêu. Như Bác Hồ đã nói: “Trước khi là người có đạo, các vị đã là người Việt Nam”. Trong khi nước nhà còn chia cắt, Hồ Chủ tịch luôn luôn hướng về miền Nam ruột thịt, đồng bào Tăng Ni, Phật tử đang tranh đấu giành độc lập dân tộc, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Nhất là khi được tin Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 13/6/1963 qua đài phát thanh Hà Nội, Bác Hồ đã có bài viết, bình luận và tuyên đọc trên đài như sau: “Từ bi là không phải nhu nhược, Mỹ – Diệm càng hung ác, các vị Sư sãi và đồng bào theo Đạo Phật càng kiên quyết đấu tranh. Ngọn lửa tự đốt mình của Hòa thượng Thích Quảng Đức đang góp phần vào đóm lửa đốt cháy cơ đồ phát xít của Mỹ – Diệm. Khắp miền Nam, khắp cả nước và khắp thế giới đều khâm phục sự hy sinh cao cả vì nước, vì đạo của Hòa thượng Thích Quảng Đức…” Và Bác đã làm hai câu đối kính viếng Giác linh Hòa thượng Thích Quảng Đức: “Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng uy thiên nhật nguyệt. Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà” (Vì pháp thiêu thân muôn thuở uy hùng trời nhật nguyệt. Lưu danh bất tử ngàn năm chính khí đất sơn hà) (VNCPHVN).

Tăng Ni, Phật tử đồng bào miền Nam khi hay tin Hồ Chủ tịch từ trần (tin ngày 03/9/1969) đã cùng cố Hòa thượng Thích Pháp Lan cử hành Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch tại chùa Khánh Hưng (Hòa Hưng, Sài Gòn), trước mọi sự dòm ngó, cản ngăn, theo dõi, phá hoại của chính quyền Sài Gòn. Hòa thượng đã tổ chức Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch thành công tốt đẹp, giữa lòng địch dưới chế độ Sài Gòn. Hòa thượng đã làm 02 câu thơ: “Chí khí chan hòa dòng sử Việt/ Minh trí sáng rực cả trời Nam”. Hiện nay, bàn thờ và linh vị Hồ Chủ tịch còn được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh (số 1 đường Nguyễn Tất Thành, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh).

Bằng tinh thần thống nhất cao độ, quyết lòng giải phóng quê hương thống nhất đất nước, Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Qua đó, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiến thắng mùa xuân 30/4/1975, đất nước đã hoàn toàn được thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Trong cuộc hội thảo về kỷ niệm 30 thống nhất đất nước, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh trong bài tham luận có đoạn nhấn mạnh: “Chiến thắng Mùa Xuân lịch sử, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chiến thắng ấy là tinh thần đoàn kết, hòa hợp chung cùng một dòng máu Việt, tinh thần ấy chỉ tìm ra được ở con người Hồ Chí Minh”. Như Hồ Chủ tịch nói: “Miền Nam trong trái tim Tôi. Với cây vú sữa, đôi cành hoa mai. Ví không có cảnh đông tàn. Làm sao có cảnh huy hoàng ngày xuân…” [2].

Đoàn Đại biểu Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: chutichghpgvn.vn)

TIẾP NỐI TINH THẦN ĐOÀN KẾT, THỐNG NHẤT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 

Quả thật, qua chiến thắng mùa xuân 30/4/1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Bắc Nam sum hợp một nhà, các tổ chức đoàn thể đã thống nhất thành một mối. Do đó, Phật giáo Việt Nam cũng phải thống nhất thành một tổ chức duy nhất. Năm 1980, chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức Phật giáo cả nước đã họp thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Ngày 7/11/1981 tại chùa Quán Sứ Thủ đô Hà Nội, trái tim của Tổ quốc, Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Trong diễn văn khai mạc Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam từ ngày 4 – 7/11/1981, Hòa thượng Thích Trí Thủ – Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã có đoạn nhấn mạnh: “… Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam chúng ta có được một Hội nghị gồm đủ đại biểu của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, Phật giáo Khmer, Phật giáo Người Hoa, Tăng Ni và Nam nữ cư sĩ già trẻ từ mọi miền đất nước đã vân tập về đây trong Hội trường trang nghiêm và rực rỡ với một quyết tâm sắt đá xây dựng hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam…”.

Sự phát triển đồng bộ và đoàn kết trong lòng dân tộc Việt Nam hơn 40 năm qua, chính là hun đúc tinh thần, tư tưởng của Hồ Chủ tịch: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nhất là tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thống nhất cao độ của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước, hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ trong lòng Giáo hội, trong sự lãnh đạo chung “…Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chánh pháp…”. (Lời nói đầu Hiến chương GHPGVN). Như Hồ Chủ tịch đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Để tiến đến kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, cũng như hướng đến Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022 – 2027, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng trải nghiệm sâu sắc hơn về ý nghĩa, tinh thần đoàn kết, thống nhất cao độ trên mọi bình diện để cùng nhau nỗ lực thực hiện một cách có hiệu quả chương trình hoạt động của Giáo hội trong nhiệm kỳ và những thế kỷ tiếp theo của nhân loại, góp phần làm tốt đạo đẹp đời, thực hiện hiệu quả phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, để từng mùa xuân của dân tộc và đạo pháp mãi mãi bừng vui, huy hoàng cùng vũ trụ, năm châu, bốn bể, trong ý nghĩa “Hoa đời hoa đạo đua nhau nở/ Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.     

 

HT. Thích Thiện Nhơn/ VĂN HÓA PHẬT GIÁO 389

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự thật, tr.383.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự thật, tr.346.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin