Chi tiết tin tức

Cuộc gặp tình cờ

15:58:00 - 08/12/2017
(PGNĐ) -  Khi Ngài Thích Minh Châu bước ra từ phòng khách, tôi lại được diện kiến một người đàn ông trung niên cuộn trong bộ y màu vàng cam, dáng vẻ thanh thản, tự tại toát ra một phong vị thanh lành và sáng suốt trông hoàn toàn giống như vị tu sĩ Phật giáo mà tôi đã gặp 2 năm trước.

Vào đầu tháng 8 năm 1965, tôi vừa kết thúc học kỳ mùa hè ở trường và chuẩn bị một chuyến đi nghỉ hè bằng xe ô tô từ New York đến California. Lúc ấy tôi mới 20 tuổi và một tháng sau thì tôi sẽ là sinh viên năm cuối của trường đại học Brooklyn College. Tôi muốn đến thăm một người bạn của tôi đang nghỉ hè ở San Francisco và tôi muốn rủ thêm một vài người bạn học nữa đi cùng. Chúng tôi khởi hành vào buổi sáng của một ngày thứ hai sáng sủa, đẹp trời và sau một ngày dài trên đường chúng tôi tạm dừng ở Madison, Wisconsin để nghỉ đêm tại nhà người quen của một người bạn cùng đi.

Đó là lần đầu tiên tôi du hành về phía tây của dãy núi Pocono, một nơi hứa hẹn nhiều trải nghiệm thích thú. Sau khi nghỉ một đêm thoải mái, sáng hôm sau tôi đi tản bộ một vòng, đó là một ngày có nắng đẹp. Tôi đi ngang qua một con đường yên lặng vắng người dẫn tới một cái hồ nước lớn rất đẹp giáp ranh với trường đại học Wisconsin. Qua khỏi hồ nước, chẳng mấy chốc tôi đến khu học xá của trường, tôi đang đi đến gần một cái siêu thị lớn nằm giữa khu học xá thì “chuyện phải đến cũng đã đến”. Ở phía bên trái tầm nhìn của tôi, cánh cửa chính của một tòa nhà lớn bằng đá bỗng mở ra và trong đó bước ra một người đàn ông trung niên người Á Đông khoác trên người bộ áo tu sĩ màu vàng cam. Theo sau ông ta là một người Mỹ dáng cao, cả hai người vừa đi vừa nói chuyện với nhau.

Tôi lập tức nhận ra đó là một tu sĩ Phật giáo. Trước đó tôi chưa bao giờ tận mắt trông thấy tu sĩ Phật giáo, ở Mỹ lúc đó có thể nói con số tu sĩ Phật giáo đếm không đầy 5 ngón tay. Tôi chỉ mới đọc và biết về Phật giáo trước đó vài tháng, sở dĩ tôi biết tu sĩ Phật giáo khoác y màu vàng nghệ là do tôi đọc cuốn Siddhartha của Hermann Hesse(1). Cho nên tôi chắc chắn người đàn ông mà tôi đang nhìn thấy kia chính là một tỳ kheo. Tôi cảm thấy thích thú và ấn tượng với cái vẻ ngoài trầm tĩnh, thanh thản, tự tại của người đàn ông, ở ông ấy toát ra một sự thư thái, mãn nguyện và cao quý mà từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ thấy ở bất kỳ một người Tây phương nào. Người Mỹ đi cùng với ông, có lẽ là một vị giáo sư, tỏ vẻ kính trọng ông ấy lắm, điều đó khiến tôi đoán rằng vị thầy tu này hẳn là một nhân vật có tầm cỡ chứ không phải người bình thường. Chỉ cần nhìn thấy vị ấy đi ngang qua khu siêu thị thôi mà tôi cảm thấy vui sướng và hân hoan vô cùng. Tôi đoán rằng đó cũng chính là cảm giác của chàng Bà la môn trẻ tuổi trong xã hội Ấn Độ cổ đại khi lần đầu tiên diện kiến một tỳ kheo đệ tử của Đức Phật Cồ đàm, người mà lúc ấy người ta gọi là một “Bậc giác ngộ”.

Lúc ấy tôi đứng cách xa hai người đó khoảng 70 yards­­­­(2), tôi muốn đến gần vị tu sĩ ấy để hỏi ông ta là ai, ông làm gì ở đây và nhiều câu hỏi khác nữa nhưng tôi ngại quá vì chẳng quen biết gì cả. Thế là tôi chỉ đứng yên đó, dán mắt nhìn theo không rời mọi cử chỉ của vị tu sĩ ấy khoảng 4, 5 phút cho đến khi ông ấy đi khuất. Tôi đứng lặng trong sững sờ và không ý thức mọi sự xung quanh, như thể tôi vừa lọt vào một kiếp khác, trong tim tôi dâng lên một nỗi mong ước lạ lẫm thầm kín. Tôi nghĩ rằng nếu lúc đó có ai đến sau tôi và chích vào người tôi một mũi kim thì tôi cũng sẽ không hề hay biết, tôi đã bị thu hút hoàn toàn bởi hình ảnh vị tu sĩ ấy. Cuộc gặp tình cờ này đã làm tôi vui biết bao, song ngay sau đó thì nỗi buồn cũng ập đến. Tôi cảm thấy thất vọng nghĩ rằng dịp may đã không còn, tôi đã đánh mất cơ hội tiếp cận một đại diện sống động của nền triết thuyết Đông phương. Và giờ đây, tôi nghĩ, vị thầy khả kính ấy và tôi, mỗi người mỗi ngã, đường ai nấy đi, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại.

Nhưng sự vận hành của nghiệp thật kỳ lạ, con người chúng ta không thể nào lường trước được. Khoảng hơn một năm sau, vào tháng 9 năm 1966 khi tôi đã vào học trường Claremont ở California (cách 25 dặm về phía đông Los Angeles) để bắt đầu chương trình tiến sĩ triết học. Vào học kỳ mùa xuân thì có một tu sĩ Phật giáo từ Việt Nam tới học ở trường tôi và được sắp xếp ở ngay dưới phòng tôi trong khu học xá. Vị này không có cái vẻ “thanh thản và tự tại” như vị mà tôi đã gặp ở Wisconsin mà là một người kiểu “được chăng hay chớ”, anh ta chơi đàn banjo, hát nghêu ngao nhạc dân ca Việt nam, hút thuốc lá Pháp, ăn cả thịt lợn và thịt gà (mặc dù theo truyền thống Mahayana là tu sĩ phải ăn chay), và lại học nghành khoa học chính trị, với nghành học này anh ta có thể nói chuyện chính trị rành mạch hơn cả Henry Kissinger nữa. Vì những yếu tố như vậy, mặc dù tôi thích Phật giáo nhưng tôi vẫn giữ khoảng cách với vị này. Nhưng sau đó, chúng tôi cũng quen biết nhau, dần dà tôi cũng thích người này và xem đó như là người thầy dạy Phật pháp đầu tiên của mình. Cho đến mùa hè năm 1967, khi đó chúng tôi đang cùng ở chung một căn hộ trong khu học xá thì chuyển ra ở trong một căn nhà nhỏ bên ngoài khu học xá.

Chân dung Hòa thượng Thích Minh Châu

Chân dung cố hòa thượng Thích Minh Châu

 

Rồi một ngày nọ (tôi nhớ đó là một ngày tháng 11 năm 1967) vị tu sĩ cho tôi biết một tu sĩ Phật giáo lỗi lạc người Việt nam, Hòa thượng Thích Minh Châu, đang ở Mỹ và sẽ sớm đến Los Angeles. Ngài Thích Minh Châu, vị ấy nói, là hiệu trưởng đại học Vạn Hạnh và là một học giả Phật học tên tuổi đã tốt nghiệp tiến sĩ học viện Phật giáo Nalanda Ấn Độ, đã có một công trình nghiên cứu đối chiếu giữa kinh Trung bộ văn hệ Pali (Majhima Nikaya) với kinh Trung A Hàm (Madhyama Agama) chữ Hán. Người bạn-thầy tu của tôi sẽ đi Los Angeles để gặp Ngài Thích Minh Châu và đã rủ tôi cùng đi với vị ấy.

Đó là một buổi sáng trong trẻo cuối mùa thu, chúng tôi đặt chân đến một gia đình người Việt nam nơi mà Ngài Thích Minh Châu đang cư ngụ. Khi Ngài Thích Minh Châu bước ra từ phòng khách, tôi đã lại được diện kiến một người đàn ông trung niên cuộn trong bộ y màu vàng cam, dáng vẻ thanh thản, tự tại và cao quý toát ra một phong vị thanh lành và sáng suốt trông hoàn toàn giống như vị tu sĩ Phật giáo mà tôi đã gặp 2 năm trước trong khu học xá trường đại học Wisconsin. Tuy vậy, tôi vẫn chưa dám chắc, không phải vì tôi không phân biệt được sự khác nhau của hai người Á đông, mà do tôi đã gặp vị tu sĩ ở Wisconsin ở một khoảng cách xa nên không thể nhận diện nét mặt rõ được. Tôi dự định sẽ hỏi, còn lúc này mọi người đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Sau đó, thời điểm thích hợp đã đến, tôi liền hỏi: “Đây là lần đầu Ngài đến Mỹ phải không ạ?” _ “Không, hai năm trước tôi đã đến đây”, ông ấy trả lời. Đó chính là câu trả lời mà tôi mong đợi, tôi liền hỏi tiếp: “Vậy có phải Ngài đã từng đến khu học xá trường đại học Wisconsin vào đầu tháng 8, 1965 không ạ?” _ “Vâng, đúng vậy, tôi đến thăm một người bạn, giáo sư Richard Robinson, người khởi xướng một chương trình Phật học ở đó”. Rồi tôi kể với Ngài Minh Châu rằng ngày hôm đó tôi đã trông thấy Ngài trong khu học xá Wisconsin, ông ấy mỉm cười từ ái và nói: “ Vậy đây không phải là lần đầu chúng ta gặp nhau.”

Sau đó vài năm, Hòa thượng Thích Minh Châu có trở lại Mỹ (hình như năm 1969), Ngài đã lưu lại chỗ tôi vài ngày ở Claremont. Về sau, khi tôi chuẩn bị đến châu Á để thọ giới tỳ kheo và học Phật pháp, Ngài đã cho tôi nhiều lời khuyên hữu ích và còn viết thư giới thiệu tôi với các vị Thầy tên tuổi ở châu Á mà Ngài quen biết. Tôi đã luôn giữ lá thư đó trong những tháng ngày ở Kandy, Ngài cũng có đề nghị tôi đến học Pháp với đại trưởng lão Nyanaponika ở Sri Lanka, dù sau đó tôi đã không hoàn thành tâm nguyện này. Suốt những năm tháng mới đến Sri Lanka tu học tôi thỉnh thoảng có viết thư cho Ngài để giải bày những thắc mắc của mình và Ngài luôn luôn trả lời thư tôi một cách sâu sắc và nhanh chóng.

Tôi đã mất liên lạc với Ngài sau năm 1975, nhưng khi tôi có ý định viết bài này tôi đã nhớ lại những kỷ niệm của tôi với Ngài, những ngày đầu gặp gỡ, và ký ức đó đã trở về sống động như mới hôm nào và tôi cảm thấy tôi nhất định phải tìm cách hỏi thăm tin tức về Ngài. Qua mạng Internet tôi đã liên lạc được với một webmaster người Việt nam ở Úc và tôi biết rằng Ngài hiện vẫn sống ở thành phố Hồ Chí Minh dù sức khỏe đã suy yếu vì căn bệnh Parkinson, Ngài cũng đã gần 90 tuổi rồi. Tôi đã viết thư cho Ngài và gửi qua e-mail đến webmaster ở Úc, người này sau đó đã chuyển lá thư của tôi cho bạn của anh ta là một tu sĩ Phật giáo đã từng là học trò của Hòa thượng Thích Minh Châu.

Trải qua mấy chục năm, trước khi bệnh tật không cho phép, Hòa thượng Thích Minh Châu đã phiên dịch sang tiếng Việt bốn bộ kinh Nikaya của văn hệ Pali. Tôi chỉ mới biết điều này gần đây thôi. Ở đây đã có những chuyện lạ kỳ đáng lưu tâm có thể khơi gợi trong tâm ta những truy vấn thú vị. Vào cái ngày đầu tháng 8 năm 1965 đó, một anh chàng sinh viên Mỹ mới 20 tuổi_người mà sau đó cũng đã dịch Kinh trung bộ, Kinh tương ưng, và (mong ước) sẽ dịch Kinh tăng chi_đã tình cờ gặp một tu sĩ Phật giáo Việt nam_người lớn hơn gần 30 tuổi và về sau cũng đã dịch 4 bộ kinh Nikaya sang tiếng Việt. Người sinh viên Mỹ lúc ấy hầu như không biết gì về Phật giáo, anh ta chỉ vừa mới bắt đầu đọc một ít về Phật giáo, hoàn toàn không ngờ rằng mình lại gặp một tu sĩ Phật giáo vào ngày đó dù rằng chỉ trông thấy từ xa. Khách quan mà nói, cuộc gặp hoàn toàn tình cờ, một cuộc đi tản bộ ngẫu hứng trong một thành phố do ngẫu nhiên mà tôi chỉ mới vừa đặt chân đến đêm hôm trước đã đưa tôi gặp một vị tu sĩ Phật giáo, người mà chỉ trong thoáng chốc sau đó đã đi mất và tôi cũng không biết người đó là ai. Ông thậm chí còn không trông thấy tôi.

 

Chân dung tác giả và HT.Thích Minh Châu

 

Điều gì đã xui khiến tôi quyết định đi tản bộ vào sáng hôm đó, và từ chỗ cái hồ nước đã rẽ hướng đi sang khu học xá ngay tại vị trí đó và vào đúng thời điểm đó? Phải chăng đó chỉ là chuyện ngẫu nhiên? cả một chuỗi ngẫu nhiên sao? Bởi vì Hòa thượng Minh Châu cũng phải có chuyến đi đến Wisconsin và tôi đi đến California, đã dừng, đỗ… vào đúng thời điểm, địa điểm như thế, như thế để cho cuộc gặp gỡ diễn ra như thế. Tôi nhớ lại thì lúc đầu chúng tôi đã dự tính rời Brooklyn sớm hơn 2 ngày, nhưng có một ít trở ngại vào phút chót đã buộc chúng tôi dời chuyến đi lại cho đến sáng thứ hai hôm ấy. Nếu theo đúng như lịch trình ban đầu thì tôi đã không gặp vị thầy tu ấy như tôi đã kể.

Rồi sau khi tôi rời khu học xá trường Wisconsin, tôi vẫn đinh ninh rằng tôi không bao giờ gặp lại Hòa thượng Thích Minh Châu. Tôi đã không làm bất cứ điều gì với ý định nhắm đến việc lại được gặp Ngài một lần nào nữa. Tôi đã làm một số việc, thực hiện rất nhiều những quyết định mà không hề ý thức rằng những quyết định đó xâu chuỗi lại đã tạo cơ duyên đưa tôi một lần nữa diện kiến Hòa thượng Thích Minh Châu, lần này là một cuộc gặp trực diện trong tình Pháp lữ. Tôi đã quyết định chọn học chương trình tiến sĩ tại trường Claremont, California chính vì vậy mà tôi mới quen biết một tu sĩ Phật giáo Việt nam. Rõ ràng khi tôi chọn học ở trường Claremont tôi không hề ý thức trước rằng sau đó vị tu sĩ Việt nam kia cũng sẽ đến học tại trường Claremont để tạo thành cầu nối cho tôi gặp lại Hòa thượng Thích Minh Châu, lúc ấy tôi còn không hề biết tý gì về Phật giáo Việt nam. Phong cách của hai vị tu sĩ này quá khác nhau khiến tôi cũng hơi bất ngờ là họ lại quen biết nhau. Dù tôi có biết rằng Ngài Thích Minh Châu đã viết một luận án đối chiếu giữa kinh điển văn hệ Pali và kinh điển chữ Hán, nhưng tôi không hề biết rằng Ngài đã phiên dịch các bộ kinh Nikaya sang tiếng Việt trước tôi, người cũng làm cùng một việc như Ngài là phiên dịch các bộ kinh ấy sang tiếng Anh. Phải chăng việc này cũng đã được “điềm báo” trước bởi cuộc gặp vô tình của chúng tôi tại khu học xá trường đại học Wisconsin, một nơi mà sau lần đó tôi chưa hề trở lại và có lẽ cũng sẽ không bao giờ trở lại một lần nào nữa trong cuộc đời.

                                  

------

(1) Đã được dịch sang tiếng Việt với tựa “Câu chuyện dòng sông”_ND

(2) ~64 mét_ND

 

* Tiểu sử Ngài Bhikkhu Bodhi.

 

 

Tỳ kheo Boddhi, người Hoa Kỳ, tên thực là Jeffrey Block, sinh năm 1944, tốt nghiệp Cử Nhân Triết học đại học Brooklyn (Nữu Yước).  Năm 1972 ông lãnh bằng Tiến Sĩ Triết học đại học Cao Học Claremont. Năm 1967, trong khi còn là sinh viên Cao học, ông đã làm Sa di trong một truyền hống Đại Thừa Việt Nam. Đến năm 1972, sau khi tốt nghiệp, ông sang Tích Lan thọ giáo Sa Di với Ngài Ananda Maitreya, và chính thức gia nhập giòng Phật giáo Nguyên Thủy tại đó.

Năm 1984, nối tiếp Ngài Nyanaponika Thera,  ông được bổ nhiệm làm tổng biên tập Anh ngữ tờ Buddhist Publication Society  (BPS, Sri Lanka), để rồi trở thành Chủ tịch tờ đó năm 1988.

Năm 2000, trong đại lễ Vesak đầu tiên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Tỳ kheo Boddhi đã đọc một bài diễn văn quan trọng.

Đến năm 2002, sau khi không còn làm cho BPS nữa, ông trở về Hoa Kỳ. Hiện ông giậy Phật học tại Tu Viện Bồ Đề, ở Lafayette, New Jersey, và Tu Viện  Trang Nghiêm (Chuan Yen) (Camel, New York) và làm Chủ Tịch tổ chức Yin Shun  (Ấn Thuận) Foundation.   (Nguồn: Internet)

 

Bhikkhu Bodhi

Uyển Lan dịch

Huệ Quang, 11/ 2017

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin