Chi tiết tin tức Nhạc Phật giáo "chế" là "đạo nhạc" 15:41:00 - 28/08/2013
(PGNĐ) - Mong sao, trước hết những vị còn đang có ý định “chế” lời trên nền nhạc của người khác nên bình tâm dừng lại, trước hết vì tôn trọng lý tưởng, hình ảnh tôn giáo mình đang theo đuổi, tôn trọng người sản sinh ra bài nhạc đó và tôn trọng pháp luật hiện hành
Đạo hữu Minh Thạnh có bài viết “Ca khúc Phật giáo "chế": Nguy hiểm" nêu lên một thực trạng không mấy đẹp của lĩnh vực âm nhạc Phật giáo. Tuy nhiên, bải viết mới chỉ đưa ra nhận định trên khía cạnh pháp luật, mà chưa đề cập đến nhiều ẩn khúc của vần đề này thực sự đã tồn tại từ rất lâu mà chưa thấy giới Văn hóa Phật giáo lên tiếng? Ngay từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước nhạc theo kiểu “chế” lời này đã xuất hiện trong một bộ phận tăng, ni và phật tử. Khi ấy, lĩnh vực chuyên môn này chưa được đặt trọng tâm, và cho đến tận hôm nay cũng chưa bao giờ có một văn bản mang tính pháp quy nào của Giáo hội về việc phát huy hay kiểm soát văn nghệ Phật giáo. Công tâm mà nói, lúc ấy, cuộc sống còn khó khăn nhiều mặt, việc ca hát ở chùa còn là điều cấm kỵ của không ít tư tưởng chật hẹp. Các bài ca dù không biết từ đâu ra, ai sáng tác nhưng chắc chắn đó là của những người con Phật yêu văn nghệ, muốn truyền tải giá trị Phật pháp và lợi ích của sự tu học, viết ra, dựa vào các bài ca cũ được quần chúng yêu thích, thu vào cuộn băng cassttes chuyền tay nhau nghe. Ban đầu thì đàn guitar thùng ca thu trực tiếp, khi có karaoke thì lấy nền nhạc nền (beat) thả chữ vào dễ dàng. Nếu chỉ dừng lại ở đó với điều kiện khách quan thì đúng là một việc làm đẹp, có ý nghĩa nhất định của thời thế. Ba mươi năm sau, vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Với kỹ thuật công nghệ tiên tiến, phương tiện truyền tải thông tin nhanh gọn và cuộc sống kinh tế gia đình tương đối, ai cũng có thể sở hữu, ít nhất là một bộ computer cá nhân, thì luật pháp liên quan cũng được siết chặt. Những việc làm đó bây giờ sẽ là sai trái, là vi phạm và nếu nói theo ngôn ngữ báo chí là “đạo nhạc” không hơn không kém. Trước đây nhạc loại này tưởng chỉ có truyền nhau nghe, sang băng cho nhau nghe, sau này trên mạng đầy rẫy; nay thì có hẳn những DVD Karaoke dàn dựng và quay phim nghiêm chỉnh, rất nghiêm túc. Nghe nói đâu một số tăng sinh của Học Viện PGVN cũng chuyền tay nhau, phân phát cho nhau từng xấp DVD loại này. Thật đáng lo ngại biết bao. Nếu đã là “đạo nhạc”, hay nói theo nhiều cách khác là “ăn cắp” nhạc người khác làm của mình, hoặc “lấy nhạc người ta mà không xin phép” .v…v…thì trước tiên phải xem lại dây thần kinh tự trọng có còn không và phải biết xấu hổ khi xài đồ không phải của mình, hoặc dựa vào sự nổi tiếng của người khác mà đánh bóng mình. Nhất là đối với những “tác giả” xuất thân là tu sĩ thì cái tội làm liên lụy, nhơ danh Phật giáo có phải là tội trọng hay không? Đối với người bình thường, thử đọc dòng chữ thí dụ sau đây: Bài hát “Ăn cơm chay ở chùa” - Theo bài Vó ngựa trên đồi cỏ non- Viết lời chế Nguyễn Văn A”, cũng sẽ thấy ngay sự thiếu sót không tử tế chút nào là thiếu tên tác giả bài “Vó ngựa trên đồi cỏ non” là Giao Tiên. Phải nói ngay rằng mỗi khi vô tình hay vì lý do nào đấy nghe các bài hát loại này chúng tôi thấy sượng ngắt cả người, nói chi can đảm ngồi nghe hết một bài! Vấn đề này trước đây đã từng có môt vài vị nhạc sĩ Phật giáo (sic) tai tiếng, không ngần ngại cho ra lò vô số cái gọi là những bài lý dân ca, mà không phân biệt được cái gì là Lý của dân ca, cái gì là Lý của hệ thống đàn ca Tài tử Nam bộ, tự tiện đặt cho là Lý ăn chay, Lý đốt nhang hay Lý đọc Kinh, Lý phá chùa, Lý đập tượng …vv…nhưng lại lấy chính những bài Lý có chủ nhân đàng hoàng đặt lời vào. Phần lớn những bài lý đó, như Lý Qua Cầu, Lý Mỷ Hưng, Lý… đều là của nhạc sĩ Cao Văn Lý, Lê Anh Trung. Còn lại là các bài Lý thuộc bộ sưu tầm dân ca của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang. Nếu là một “tác giả” bình thường cũng đồng nghĩa với người có văn hóa đi làm văn hóa. Vậy thì khả năng thể hiện hành vi văn hóa tối thiểu nhất trong trường hợp “sáng tác” lời chế này đã đánh rơi nơi nào? Đi tìm nguyên do nguồn cơn thì cũng dễ dàng nhận thấy rất nhiều lý do, nhưng nói nôm na dễ hiểu nhất là tại vì cung không đủ cầu. Tuy nhiên, có điều này người viết không muốn nêu ra nhưng trước sự trao đổi thẳng thắn với tiến sĩ Nguyễn Văn Trung - người bạn, vốn có quan tâm đến âm nhạc Phật giáo lâu nay, nhân sự việc này có viết trong một công trình của mình rằng: Khi xã hội chung quanh phát triển về mọi mặt, thì văn hóa Phật giáo, điển hình là âm nhạc, vẫn chỉ là khái niệm ngây thơ: CÚNG DƯỜNG. Đã là cúng dường thì dụng tấm lòng trên hết, xấu tốt không thành vấn đề quan trọng. Với lối tư duy đó, ngày nay thực trạng văn nghệ Phật giáo đã cho chúng ta thấy một khoảng vườn hoa với đủ thứ hoa , từ hoa dại đến hoa quý, cùng chen nhau …khoe màu!. Thạc sĩ Huỳnh Thế Tuyền, cũng là một đạo hữu thân thiết thì nhận định về nội lực âm nhạc Phật giáo rằng: Phật giáo cũng đã theo kịp thời thế nhiều mặt đấy chứ; cũng có nhân tố tích cực đấy chứ. Nhưng nếu như những loại nhạc “chế” này vẫn xuất hiện thì nên nhìn lại đội ngũ nhạc sĩ Phật giáo. Trước hết là họ bị xem thường, hoặc nếu không thì là khả năng , tài nghệ chưa thể cung ứng cho thị hiếu âm nhạc Phật giáo chăng? Theo tôi đó có thể là vế thứ hai. Không thể phủ nhận có một vài nhân tố tích cực, ngay từ những buổi đầu ra sức chung tay dấy động nền âm nhạc Phật giáo, thế nhưng dần dà tự thân họ để tuột dốc thảm hại; hoặc nếu không thì cũng mắc phải vòng rào định kiến, tự xác nhận mình phục vụ cho một đạo tràng hay một ngôi chùa nào đó thôi. Còn lại thì lui về tự kinh doanh bằng sự nồi tiếng khiêm nhượng của mình và bùa hộ mệnh chính là những mảnh bằng chứng nhận chức vụ được treo ngay trước bảng hiệu. Có lẻ tiến sĩ Nguyễn Văn Trung và thạc sĩ Huỳnh Thế Tuyền vì là người đứng ngoại biên nên chưa bộc bạch hết suy nghĩ cũng như đưa ra nhận định rõ ràng hơn. Thưc tế, nội tại âm nhạc Phật giáo hiện còn nhiều chuyện đáng nói hơn nhiều. Một trong những chuyện đáng nói đó là chưa có chiến lược phát triển văn nghệ Phật giáo, chưa có chủ trương đào tạo nhân tố để làm nòng cốt phát triển lâu dài, chỉ chuyên tìm và sử dụng những thứ có sẵn , kêu gọi “cúng dường” và gọi đó là một chương trình văn nghệ Phật giáo. Như vậy văn nghệ Phật giáo ngày nay hoàn toàn không thực có, nếu có thì đó là những buổi đại nhạc hội, không hơn không kém, đến hẹn lại lên mà thôi. Chính hình thức đại nhạc hội này đã liên tiếp gây ra nhiều hệ lụy không có lợi cho sự phát triển âm nhạc Phật giáo mai này (nếu có!). Trong thực trạng đó, một hình ảnh chung cho văn nghệ Phật giáo dưới nhãn quan của người ngoài nhìn vào sẽ là: Một vị Hòa Thượng muốn làm ca sĩ - Một vị ca sĩ thì muốn làm Hòa Thượng! Đó là nguyên do lớn trong mọi nguyên do dẫn đến tính trạng thả lỏng văn nghệ Phật giáo. Người sáng tác được thì bộc lộ cái Ta quá sớm hoặc tự mãn thái quá, người chưa sáng tác được thì đành vay mượn nền nhạc người khác , thả vào đấy niềm yêu thích văn nghệ, văn chương của mình. Cũng khó trách nhau lắm. Nhưng đứng về mặt luật pháp và lòng tự trọng, việc dùng nền nhạc “chế” lời ca vào là rất không nên, có lẽ nên ngưng lại từ đây vẫn còn kịp. Nếu trước kia, nhạc sĩ Cao Văn Lý không nhanh chân chọn chọn mình một hướng đi âm nhạc thích hợp, vừa vặn với khả năng của mình thì có lẻ bây giờ không có những điệu lý dễ thương như Lý Qua Cầu, Lý Mỹ Hưng , lý Trăng Soi, lý Ba Tri, Lý Hò A Li..v..v…cho đời ca hát mãi. Đó là một lựa chọn đứng đắn và đã thành công. Vậy đó, mà chính những bài Lý này lại từng bị một người “đạo nhạc” om sòm cách đây chưa lâu, “sáng tác” thành những điệu lý của mình, như đã nói phần trên, mà không hế biết nó có chủ nhân đàng hoàng. Thiết nghĩ, khi làm văn hóa nghệ thuật tối thiểu cũng nên hiểu biết những vấn đề liên quan , chức vụ mình đang nhận để có thái độ thích hợp trong công việc. Tuyệt đối gạt sang một bên sở thích cá nhân , thí dụ tôi sáng tác ca khúc tân nhạc thì không ưa cổ nhạc, hay ngược lại. Những lới suy nghỉ từ thời thuộc địa, miệt thị dân tộc đó không phải không còn đất sông, ngày nay ngay trong nội bộ Phật giáo chúng ta hiện vẫn còn, thậm chí trong một vài vị xuất gia cũng có. Mong sao, trước hết những vị còn đang có ý định “chế” lời trên nền nhạc của người khác nên bình tâm dừng lại, trước hết vì tôn trọng lý tưởng, hình ảnh tôn giáo mình đang theo đuổi, tôn trọng người sản sinh ra bài nhạc đó và tôn trọng pháp luật hiện hành. Đừng để một lần nữa trên mặt bằng âm nhạc Phật giáo lại nổi sóng vì hai từ không mấy đẹp: Đạo Nhạc!. (Sài Gòn mùa cúng cô hồn tháng Bảy) Dương Như Tâm
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |