Chi tiết tin tức

Nghiệp báo của cá nhân thì cá nhân tiêu trừ

23:24:00 - 01/10/2014
(PGNĐ) -  Sinh tử phiền não của mỗi người đều phải dựa vào sự tu hành của chính mình mà được giải thoát. Cho dù thân như cha mẹ, anh em cũng không thay thế được; giống như ăn cơm, mình ăn thì mình no, không có ai có thể ăn giúp ai được.

Tôi thường nghĩ xã hội ngày nay thật là không thể nghĩ bàn, việc gì cũng diễn ra rất nhanh chóng, ngay cả việc tu hành cũng không ngoại lệ. Có rất nhiều người đều cho rằng tìm đến một vị Đại sư, sẽ có một phương thuốc bí truyền thì có thể thành Phật lập tức. Làm sao có việc tùy tiện như thế? Tất nhiên, chúng ta cũng không thể trách mọi người có cách nghĩ như vậy.

 

 

Chúng ta xem trong kinh Lăng-nghiêm, thấy Tôn giả A-nan đệ tử của Đức Phật, sám hối trước Đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Con cho rằng ở bên cạnh Đức Phật thì sẽ được thời cơ rất thích hợp, Ngài sẽ ban cho con trí tuệ giải thoát sinh tử.” Kết quả là Đức Phật vẫn phải hết lời khuyên bảo, khéo léo dắt dẫn từng bước, chỉ đường giải thoát cho Tôn giả, giúp cho Tôn giả tự nhận ra bản tâm thanh tịnh, dựa vào giác ngộ nơi chính mình để thoát sinh tử.

 

Gọi là “sinh tử của cá nhân thì cá nhân biết, nghiệp báo của cá nhân thì cá nhân tiêu trừ.” Chính là nói, sinh tử phiền não của mỗi người đều phải dựa vào sự tu hành của chính mình mà được giải thoát. Cho dù thân như cha mẹ, anh em cũng không thay thế được; giống như ăn cơm, mình ăn thì mình no, không có ai có thể ăn giúp ai được.

 

Có lẽ mọi người đặt nghi vấn: “Tôi thường nói làm công đức hồi hướng cho bạn bè, người thân; vậy có mâu thuẫn không?” Thật ra, không có mâu thuẫn. Tôi nói thí dụ người thân qua đời; chúng ta trợ niệm giúp họ, đó là vì thần thức linh hồn của người chết vẫn còn, chúng ta niệm Phật, họ nghe thấy, nên họ cũng niệm Phật theo chúng ta. Cho nên, chúng ta có trợ giúp cho họ.

 

Cũng có người vì bạn thân gặp hoàn cảnh khó khăn, nên muốn giúp họ tiêu nghiệp, liền đi lạy sám. Điều này có tác dụng không? Tất nhiên là có tác dụng. Nhưng phải làm cho người đó bằng lòng tin tưởng thì hiệu quả mới mạnh; bằng không thì hiệu lực rất yếu. Đương nhiên, nguyên nhân lạy sám hối là có hiệu quả. Nhưng không phải nói, chúng ta lạy sám hối rồi thì quả báo, tội nghiệp của mình thì có thể đổ cho Đức Phật, Bồ-tát là xóa sạch hết cả. Các Ngài không thể chịu tội báo thay cho chúng ta, chỉ có năng lực giúp chúng ta là làm người đứng ra bảo đảm, cam kết nợ nần chồng chất của chúng ta, tương lai sẽ trả hết dần dần. Trước tiên giúp cho chúng ta tạm  thời vượt qua cửa ải khó khăn, hiện tại không đau khổ như thế.

 

Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Một người con xuất gia thì cửu huyền được siêu thăng.” Thật ra là chỉ sau khi người con xuất gia, có thể dùng nhiều phương thức để cầu siêu cho tổ tiên, thỉnh ông bà về cùng nhau nghe Phật pháp, tham gia hoạt động cộng tu; cho nên đạt được lợi ích từ Phật pháp. Giống như Đức Phật Thích-ca Mâu-ni sau khi thành đạo, Ngài lên cung trời Đao-lợi thuyết pháp cho vong linh mẹ, Ngài cũng về hoàng cung thuyết pháp cho cha, giúp cho song thân được giải thoát. Đức Phật có thần thông quảng đại như thế, vẫn không thể làm tiêu trừ nghiệp chướng thay cho cha mẹ, chỉ có hướng dẫn cha mẹ tu hành; huống gì chúng ta còn phàm phu tục tử?

 

Vì thế, chúng ta không thể chịu quả báo thay thế cho bất cứ người nào, cũng chẳng có người nào chịu quả báo thay cho chúng ta. Chúng ta phải dựa đôi chân của chính mình, nỗ lực từng chút trong đời sống tu hành thì mới đáng tin cậy, mới đạt được giải thoát thật sự.

 

Có rất nhiều người cầu thành tựu nhanh chóng, họ cho rằng tu hành cũng có thể đi đường tắt, hèn nào ngày càng đông người, tự phong mình là thầy, tự xưng mình có năng lực giúp cho mọi người khác khai ngộ, chỉ trong thời gian rất ngắn giúp cho mọi người đạt được mục đích thành Phật. Nếu như nói theo chánh tín Phật pháp thì đúng là dối mình, dối người. Chúng ta đừng đẻ mắc lừa nhé!

 

 

Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

Việt dịch:  Viên Thắng

( Trích tác phẩm " sống đạo giữa đời thường" )

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin