Chi tiết tin tức

Nhân quả khác với số phận con người

21:57:00 - 29/04/2015
(PGNĐ) -  Thời xa xưa, những hiện tượng như mưa gió, bão bùng, sấm sét long trời lở đất, con người cho rằng, đó chính là do thần linh hay thượng đế muốn răn dạy con người bớt làm điều xấu ác. Nếu có ai chẳng may là nạn nhân của các hiện tượng này thì họ phương tiện nói rằng, có đấng quyền năng tối cao trừng phạt người làm việc bất thiện. Từ đó, lâu dần thành ra phong tục, tập quán, rồi người ta cứ chấp chặt vào đó mà lung lạc lòng người, họ quên đi những điều rất thực tiễn là gieo nhân nào thì ắt gặt quả nấy.

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học, con người dễ nhận ra nguyên lý sống của vũ trụ, tất cả mọi hiện tượng sự vật đều do nhiều yếu tố hợp lại mà thành, không có gì do một nhân mà có thể tồn tại trên thế gian này. Sự hình thành của muôn loài vật theo nguyên lý duyên khởi ”Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”.
Đây là nguyên lý sống do đức Phật chứng ngộ mà nói ra, không phải do suy luận vu vơ, huyền hoặc. Ngài chỉ cho con người biết cách làm chủ bản thân, đem lại giá trị bình đẳng cho con người, bằng việc làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Con người có quyền làm chủ chính mình, nên hư, thành bại, phải quấy, tốt xấu, đều do con người tạo lấy, không một đấng tối cao nào có quyền ban phước, giáng họa. Đó là chân lý nhiệm mầu của đời sống con người.
Hoặc giả lúc ta chưa biết tu, miệng hay nói lời hung dữ, ác độc, cay nghiệt, làm cho người oán giận, thù hằn, phiền não, khổ đau. Nay biết tu rồi, ta ý thức được đó là lời nói làm tổn hại đến người, nên thường nói lời hòa nhã, chân thật, dịu dàng, dễ nghe… Đó là ta biết chuyển nhân xấu từ miệng thành thiện ích.
Như vậy, nhân quả khác với số phận là có thể thay đổi được. Nhờ đó, con người có thể chuyển xấu thành tốt, chuyển họa thành phúc, chuyển mê thành ngộ. Thực hành được những điều đó chính là người khéo biết tu vậy.
Còn nói số phận con người là cố định, không thể thay đổi được, thì người giàu sẽ ỷ lại, họ sẽ hưởng thụ, ăn chơi sa đọa, đến khi phước hết, họa đến, họ làm sao trở tay cho kịp, đành bó tay ngồi than thân, trách phận, oán trời, trách đất, đổ thừa tại-bị-thì- là…; còn người nghèo thì lại nghĩ rằng, dù có siêng năng, tinh cần, cũng mất công vô ích, cho nên chẳng cần phấn đấu vươn lên làm mới lại chính mình, cuối cùng đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Vì vậy, việc hiểu và ứng dụng lý nhân quả trong đời sống hằng ngày giúp con người có thêm ý chí, nghị lực, giàu lòng can đảm, không bi quan, yếm thế, không oán than hay đổ thừa số phận khi gặp bế tắc; dù gặp nhiều khó khăn, chướng ngại, nhưng ta vẫn vui vẻ vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Người không tin vào nhân quả thường có thái độ yếu đuối, thấp hèn, luôn sống trong lo lắng, sợ hãi, bất an. Họ hay tin vào những khả năng siêu hình, hoặc tha lực, mang tư tưởng cầu nguyện, van xin, sống ỷ lại vào người khác, dễ dẫn đến mê tín, dị đoan, không tin sâu nhân quả, do đó không nhìn thấy được lẽ thật, nên luôn sống trong đau khổ, lầm mê.
Còn ai hiểu và tin sâu nhân quả thì sẽ sống một đời bình yên, hạnh phúc trong trạng thái an lành, tự tại, luôn sống có trách nhiệm đối với mọi hành vi xuất phát từ thân-miệng-ý của chính mình. Người đã tin sâu nhân quả thì biết rõ ràng, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau, là một quy luật tất yếu, là lẽ đương nhiên. Ai có lòng tin sâu như vậy, thì sẽ sống không ỷ lại, không cầu cạnh, van xin, không chạy trốn trách nhiệm, dám làm, dám chịu, không đổ thừa cho ai.
Đạo Phật là một tôn giáo có chất liệu rất thực tế trong đời sống con người. Đạo Phật có mặt trong cuộc đời là để phục vụ cho lợi ích nhân loại và muôn loài. Đạo Phật luôn nêu cao tinh thần nhân quả và khả năng giác ngộ của con người. Tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này, nếu đem ra khảo sát thật kỹ, chúng ta sẽ thấy không một sự vật nào thoát ra ngoài lý nhân quả. “Thấy quả biết nhân, thấy nhân biết quả” là tinh thần thực tiễn rất khoa học, không mơ hồ, không ảo tưởng. Một số khảo cứu của các nhà khoa học đã chứng minh lời Phật dạy là chân lý.
Hiểu và ứng dụng lý nhân quả vào đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ tự tin nơi chính mình, không ỷ lại vào một đấng quyền năng nào có thể ban phước, giáng họa cho con người. Trong đời sống này, khổ hay vui là do mình tạo lấy mà thôi. Chính con người là thượng đế tối cao của con người. Con người có quyền quyết định mọi vấn dề trong cuộc sống và có quyền làm chủ mọi hành động từ thân-miệng-ý, và trong khuôn khổ nhất định, người làm lành được hưởng phước, người làm ác phải chịu khổ đau, ta không thể đổ thừa cho ai cả.
Giáo lý nhà Phật từ thấp tới cao, từ đạo làm người cho đến đạo hiền Thánh, đều dựa trên nền tảng lý nhân quả; vì vậy, trong cuộc sống của chúng ta, ai không thấu hiểu lý nhân quả thì sự tu hành của mình khó mà đạt được kết quả tốt đẹp.
Người Phật tử chân chính phải tin sâu nhân quả, nghiệp báo, nó là một nguyên lý giúp con người ý thức, và chịu trách nhiệm về những hành vi tạo tác của mình trong đời sống hiện tại. Người tu theo đạo Phật cần phải hiểu thấu lý nhân quả một cách tường tận, lấy đó làm kim chỉ nam, làm phương châm tu hành ngay tại đây và bây giờ, để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.

 

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin