Chi tiết tin tức Đại học Gautam Buddha: Thêm một sự lựa chọn về giáo dục tại Ấn 22:43:00 - 13/06/2014
(PGNĐ) - Phật giáo được sinh ra ở Ấn Độ và Đức Phật đã sống trọn đời ở đấy, nhưng cho đến gần đây, ở Ấn Độ vẫn chưa có một cơ sở giáo dục đại học nào được đặt theo tên của Đức Phật.
Đại học Gautam Buddha (Đại học Đức Phật Cồ Đàm) ở bang Uttar Pradesh được thành lập nhằm mục đích sánh vai với các đại học uy tín khác ở Ấn Độ, như Đại học Varanasi Ấn Độ giáo và Đại học Aligarh Hồi giáo. Hiện tại, Trường Đại học Gautam Buddha đang thông báo tuyển sinh cho các khóa học đại học và sau đại học trong năm học 2014-2015.
Tiền sảnh của Đại học Gautam Buddha Nhiệm vụ của Đại học Gautam Buddha, cũng như tất cả các trường đại học uy tín khác, là cung cấp một môi trường học tập tốt, cho cả những người ít có cơ hội học tập và chịu nhiều thiệt thòi. Đại học Gautam Buddha còn là nơi hiện thực hóa các giá trị của giáo lý đạo Phật và nền giáo dục hiện đại. Đại học Gautam Buddha tọa lạc tại Gautam Buddha Nagar ở thành phố Grator Noida. Trường được thành lập vào năm 2002 trên diện tích 511 mẫu đất. Bà Mayawati, Chủ tịch bang Uttar Pradesh trong suốt bốn nhiệm kỳ, đã chủ trì lễ khánh thành Trường Đại học Gautam Buddha vào ngày 23-8-2008. Mayawati cho biết, bà đã được thúc đẩy bởi những lời dạy của Đức Phật và tầm nhìn của Tiến sĩ Ambedkar về nền tảng cho sự thay đổi xã hội để nâng cao phúc lợi của những người dân Dalit, một cộng đồng thấp kém nhất trong xã hội Ấn Độ. Trong bài phát biểu chào mừng, GS.RS. Norjar, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gautam Buddha, cho biết: “Trường Đại học Gautam Buddha là món quà của bà Mayawati với nền giáo dục thế giới, đấy là tầm nhìn và ước mơ của bà”. Mayawati nói: “Đại học này sẽ có sự hợp tác với các trường đại học tại Hoa Kỳ và châu Âu. Tôi đã mơ về ngôi trường đại học này sáu năm về trước (năm 2002). Trong khoảng thời gian chính quyền đảng Samajwadi điều hành, dự án đã bị bán phá giá và khu đất trở nên cằn cỗi... Giáo dục nên được đặt bên trên chính trị. Sau khi BSP lên nắm quyền, chúng tôi đã đẩy mạnh việc thực hiện dự án này”. Bà cho biết thêm: “Năm mươi phần trăm sinh viên thuộc tầng lớp thấp trong xã hội, hoặc thuộc dân tộc thiểu số và các gia đình nghèo trong đẳng cấp trên sẽ được gửi đến các trường đại học nước ngoài để nghiên cứu. Toàn bộ chi phí sẽ do chính quyền bang chi trả. Và sau này, những người được gửi đi đào tạo ấy sẽ đóng góp cho sự phát triển của xã hội”. Khóa học đầu tiên bắt đầu vào tháng 8-2008. Ngành Quản lý đào tạo các khóa học về nguồn nhân lực, quản lý chiến lược, tiếp thị và quản lý bán lẻ. Nhà trường cũng đào tạo các ngành Thông tin và Công nghệ truyền thông, Kỹ thuật, Nhân văn và Phật học, Luật và Công nghệ sinh học. Đây cũng là trường đại học duy nhất ở Ấn Độ đào tạo chương trình tiến sĩ trong các ngành nghiên cứu chuyên nghiệp, bao gồm các chuyên ngành thuộc về khách sạn và du lịch, quản trị kinh doanh, bán lẻ và dịch vụ thương mại, phương tiện truyền thông và thiết kế. Trường được đặt theo tên Đức Phật Gautam, nên sẽ chú trọng đến việc thúc đẩy giá trị những lời dạy của Đức Phật. Tiến sĩ JP. Sharma, Phó Hiệu trưởng trường cho biết: “Cách tiếp cận chương trình học của chúng tôi là không mang tính tôn giáo, luôn bình đẳng, và quan trọng, dựa trên triết lý Phật giáo và những ứng dụng của giáo lý Phật giáo vào trong việc khôi phục uy thế của hòa bình, cùng tồn tại và phát triển toàn diện...”. Ngành Phật học và Văn minh tổ chức đào tạo các chương trình sau đại học, kể cả tiến sĩ về giáo lý và lịch sử Phật giáo. Những nghiên cứu được thực hiện trong nhà trường luôn tôn trọng các truyền thống Phật giáo và đánh giá cao những giá trị về sự giải thoát tâm linh sâu sắc, cùng với triết lý đa dạng và đạo đức của Phật giáo. Hy vọng rằng, việc đưa vào những giá trị Phật giáo đầy ý nghĩa sẽ làm cho Đại học Gautam Buddha khác biệt với các viện tôn giáo khác, bên cạnh đó, chất lượng đào tạo và chương trình giảng dạy nghiêm ngặt của nhà trường sẽ giúp Đại học Gautam Buddha sánh vai với các trường có chương trình đào tạo tương tự. Minh Nguyên (theo Buddhist Door)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |