Chi tiết tin tức

Ngôi chùa Việt an trí đồng bào tử nạn tại Nhật

21:55:00 - 19/04/2022
(PGNĐ) -  Chùa Hòa Lạc tại thành phố Kobe không chỉ cưu mang những hoàn cảnh khó khăn, mà còn là nơi lo liệu tang lễ cho nhiều người Việt không may tử nạn ở Nhật.

Chùa Hòa Lạc ở Kobe, miền tây Nhật Bản, hôm 8/4 tổ chức lễ cầu siêu và lễ viếng cho công dân Việt Nam Vo Thi Le Quyen, 31 tuổi. Cảnh sát cáo buộc Toshiie Yamaguchi, 59 tuổi, sát hại chị Quyen hôm 3/4 tại căn hộ ở Osaka để cướp tài sản.

Sư thầy Thích Đức Trí, 31 tuổi, trụ trì chùa Hòa Lạc, cho biết tro cốt của chị Quyen được an trí tại chùa trong quá trình chờ đưa về Việt Nam. "Nhà chùa mỗi năm tổ chức tang lễ, mai táng cho khoảng 15-20 đồng bào Việt Nam không may tử vong ở Nhật", sư thầy Thích Đức Trí nói với VnExpress.

Sư thầy cho hay những người được chùa Hòa Lạc giúp lo liệu tang lễ chủ yếu là sinh viên, tu nghiệp sinh thiệt mạng trong các vụ tai nạn, sự cố tại Nhật Bản. Trong hai năm xảy ra đại dịch Covid-19, khi gia đình những người tử vong không thể sang Nhật, nhà chùa đã lo hậu sự và hỗ trợ đưa thi thể, tro cốt của họ về với tang quyến tại quê nhà.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka Nguyễn Hồng Hà (trái) và sư thầy trụ trì Thích Đức Trí tại chùa Hòa Lạc, tỉnh Kobe, Nhật Bản ngày 8/8/2021. Ảnh: Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka Nguyễn Hồng Hà (trái) và sư thầy trụ trì Thích Đức Trí tại chùa Hòa Lạc, thành phố Kobe, Nhật Bản ngày 8/8/2021. Ảnh: Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka.

Trong vụ án thanh niên người Việt 22 tuổi tử vong sau khi bị hành hung và đẩy xuống sông Dotonbori, quận Chuo, thành phố Osaka hôm 2/8/2021, một người bạn của nạn nhân đã liên lạc với sư thầy trong lúc "không biết phải làm gì".

Chùa Hòa Lạc sau đó được tang quyến ủy quyền tiếp nhận thi thể nạn nhân từ Sở cảnh sát Osaka và tổ chức tang lễ tại thành phố này với hơn 150 người tham dự.

"Dư luận lúc đó rất sục sôi với vụ án, nên nhà chùa đã thống nhất với Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka và gia đình tổ chức đám tang lớn cho em để cộng đồng người Nhật cũng như cảnh sát Nhật có cái nhìn rõ nét hơn về thực trạng người nước ngoài tại đây", sư thầy Thích Đức Trí kể lại.

Sau lễ tang, tro cốt nạn nhân được an trí tại chùa Hòa Lạc và đưa về Việt Nam bằng đường hàng không ngày 15/8/2021.

Sư thầy Thích Đức Trí (mặc áo cà sa) tại tang lễ nam thanh niên thiệt mạng trong vụ án Dotonbori, tại nhà tang lễ Minami Osaka, tỉnh Osaka, Nhật Bản, ngày 11/8/2021. Ảnh: Facebook/Thích Đức Trí.

Sư thầy Thích Đức Trí (mặc áo cà sa) tại tang lễ nam thanh niên thiệt mạng trong vụ án Dotonbori, tại nhà tang lễ Minami Osaka, tỉnh Osaka, Nhật Bản, ngày 11/8/2021. Ảnh: Facebook/Thích Đức Trí.

Sư thầy Thích Đức Trí từng là sinh viên đại học Bách Khoa Hà Nội và đến Nhật năm 2015 để trau dồi kỹ năng thiết kế web. Ông quyết định theo đuổi Phật pháp sau khi liên lạc với chùa Hòa Lạc để tổ chức tang lễ cho một người bạn học qua đời do làm việc quá sức ở tỉnh Mie.

Sau quá trình tìm hiểu, thực tập, sư thầy đã xuất gia học Phật và trở thành tân trụ trì chùa Hòa Lạc cách đây hai năm. "Đó cũng là một nhân duyên gieo trồng thêm một hạt giống bồ đề trong tâm thức của bản thân Đức Trí", sư thầy chia sẻ, cũng là nhân duyên để phụng sự cho đời, giúp đỡ cộng đồng Việt Nam tại Nhật.

Chùa Hòa Lạc tọa lạc trên mảnh đất Thần Hộ (Kobe), là ngôi chùa đầu tiên của người Việt Nam ở miền tây, vùng Kansai, Nhật Bản. Chùa khánh thành ngày 5/5/2012, trở thành chỗ dựa cho nhiều đồng bào Việt Nam tại khu vực này suốt gần một thập kỷ.

Sư thầy giải thích cái tên "Hòa Lạc" mang nhiều ý nghĩa. "Hòa" là Đại Hòa, tức Nhật Bản, "Lạc" là Lạc Việt, tức Việt Nam. "Hòa" còn là hòa bình, hòa thuận, trong khi "lạc" mang nghĩa an lạc, hạnh phúc cho mình và mọi người.

"Cái tên phát ra hai tâm nguyện lớn, vun đắp nơi đây thành cầu nối Việt - Nhật, cũng như là nơi để người Việt xa quê tại Nhật trở về nương náu", ông chia sẻ.

Không chỉ hỗ trợ tang lễ cho những người qua đời, chùa Hòa Lạc còn mở các lớp tiếng Việt, truyền bá văn hóa quê hương cho nhiều trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Nhật, cũng như tổ chức những sự kiện giao lưu cho cả người Việt và người Nhật bản xứ.

Trong hai năm Covid-19 hoành hành tại Nhật Bản, nhà chùa đã triển khai các hoạt động phát khẩu trang, thực phẩm, nhu yếu phẩm miễn phí cho đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn.

Chùa Hòa Lạc phối hợp cùng Hội Hữu Nghị Việt Nam Osaka, tổ chức phát gạo và nhu yếu phẩm cho đồng bào khó khăn do Covid-19 tại quận Ikuno, Osaka, Nhật Bản, ngày 20/3/2021. Ảnh: Facebook/Thích Đức Trí.

Chùa Hòa Lạc phối hợp cùng Hội Hữu nghị Việt Nam Osaka tổ chức phát gạo và nhu yếu phẩm cho đồng bào khó khăn do Covid-19 tại quận Ikuno, Osaka, Nhật Bản, ngày 20/3/2021. Ảnh: Facebook/Thích Đức Trí.

Theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Nhật Bản (ISA), hiện có gần 433.000 người Việt đang sinh sống ở nước này, chiếm 15,7% số người nước ngoài ở Nhật.

Sư thầy Thích Đức Trí nhấn mạnh nhà chùa luôn nỗ lực tìm cách giúp đỡ bất kỳ ai gặp khó khăn trong các vấn đề như xin việc, hỗ trợ nhà ở, cho đến mâu thuẫn pháp lý với công ty, nghiệp đoàn hay lo liệu giấy tờ.

"Những ai cần giúp đỡ khi đến chùa sẽ có người có thể giúp đỡ", sư thầy nhấn mạnh. "Với những vấn đề ngoài tầm tay, nhà chùa sẽ sử dụng các mối quan hệ, từ cộng đồng cho tới các khối doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận, giới chức địa phương và các luật sư để hỗ trợ".

 

Đức Trung/vnexpress.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin