Chi tiết tin tức Tết bên mái chùa Việt miền Bắc Mỹ 10:22:00 - 02/02/2014
(PGNĐ) - Cách đây gần 40 năm, khi người Việt bắt đầu định cư tại Mỹ, vấn đề liên lạc quê nhà khá khó khăn do chính sách cấm vận của Hoa Kỳ.
Sự khác biệt ngôn ngữ, không người đi trước chỉ dẫn, cuộc sống kiều bào dạo ấy đầy thử thách và tản rộng khắp nơi, cộng với việc thiếu thốn thông tin bên nhà, nỗi niềm nhớ quê của người ly hương càng thêm ray rứt. Đây chính là động lực giúp người con Phật vượt bao thử thách để tạo dựng mái nhà tâm linh chung, dù bước đầu rất nhỏ nhoi thiếu thốn mọi thứ, hầu hết chỉ là căn nhà cũ nhiều hư hao, mua rẻ sửa sang lại. Đậm đà hồn Việt trong mái chùa hải ngoại Những cái Tết ly hương đầu tiên tại chùa Việt rất đơn sơ nhưng chan chứa tình người, đầy cảm xúc. Rất nhiều gia đình lái xe bốn năm trăm cây số giữa mùa đông lạnh giá để về chùa chỉ mong được nghe tiếng chuông mõ, tiếng tụng kinh mà suốt năm hiếm khi có dịp. Không ít người lần đầu tiên nhìn thấy bóng dáng Phật tử trên miền đất mới đã nghẹn ngào rơi lệ, vui mừng khi thấy mình không đơn độc làm người con Phật trước bao vận động đổi thay. Chương trình đón giao thừa dạo ấy khá đơn giản. Mọi người quây quần bên trong chánh điện chật hẹp tụng thời kinh cuối năm, sau đó chia sẻ tâm tình, hát cho nhau nghe những bài hoài hương dù dàn nhạc chỉ có cây ghi-ta thùng hoặc đàn vọng cổ. Trong bối cảnh hoàn toàn biệt lập với quê nhà, không điện thoại, không hình ảnh và dĩ nhiên không internet vào thời kỳ 1975-1985 ấy, người con Phật chỉ còn có nhau để đùm bọc, chia sẻ nỗi niềm. Mái chùa bên cạnh phần tín ngưỡng đã trở thành nơi sưởi ấm tình đồng hương, tư vấn đời sống và cập nhật thông tin Việt Nam từ những người mới đến. Các lớp Việt ngữ cũng được thành lập để các em nhỏ không quên tiếng mẹ đẻ. Văn hóa Việt dần dà được quy tụ, bảo tồn theo đúng nghĩa: “Mái chùa che chở hồn dân tộc - Nếp sống muôn đời của tổ tông”, dù là mái chùa Việt ở hải ngoại.
Theo năm tháng, quan hệ bang giao Việt-Mỹ cải thiện, đời sống kiều bào ngày càng ổn định, những khó khăn kinh tế thưở ban đầu phần nào giảm thiểu, đã góp công đức trùng tu nhiều chùa theo kiến trúc truyền thống: cổng tam quan, mái cong, đài Quan Âm… Căn chùa ọp ẹp nhỏ bé được thay thế bằng thiền đường vững chãi thuận tiện cho việc tu học và duy trì văn hóa. Những ngôi Tam bảo mới cũng được thiết lập khắp nơi nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh cho số người Việt đến định cư tại Mỹ ngày càng đông. Nếu trong thập niên 1975-1985, cả nước Mỹ chưa tới 50 ngôi chùa Việt thì hiện tại đã trên 300. Ngày nay, hầu hết chùa Việt tại Hoa Kỳ được biết đến như một biểu tượng tôn giáo, văn hóa Việt Nam. Tết là dịp văn hóa dân tộc, tín ngưỡng được kết tinh trình bày dưới mái chùa. Nếu cách đây trên 30 năm, đêm giao thừa chỉ toàn người Việt thì ngày nay có khá nhiều người Mỹ đến thưởng ngoạn các màn múa dân gian, múa lân, hái lộc. Tại những thành phố lớn đông kiều bào, Tết đã được nhiều chùa đứng ra tổ chức thành hội chợ với đủ loại gian hàng ẩm thực chay, mỹ nghệ phong phú cùng các chương trình ca múa nhạc kịch đặc sắc. Không ít người mới đến định cư hoặc thăm viếng Hoa Kỳ trong vài năm gần đây đã ngạc nhiên trước không khí Tết hoan hỷ, vui tươi, đầm ấm nơi mái chùa hải ngoại. Để có được một ngày Tết Việt Nam như thế, chư Tăng Ni, Phật tử đã bỏ khá nhiều công sức chuẩn bị nhiều tháng trước. Tác giả xin được mô tả về không khí Tết tại ngôi chùa ở thành phố nhỏ thuộc miền Bắc Hoa Kỳ, tiểu bang Washington - thành phố có 30 ngàn dân, trong đó khoảng hơn trăm gia đình Việt theo đạo Phật. Ngôi Tam bảo này được quý bác Phật tử gầy dựng cách đây 25 năm.
*** Khi những hoa tuyết bắt đầu rơi trên miền Tây Bắc Mỹ, cũng là lúc báo hiệu ngôi chùa Việt chuẩn bị chào đón Tết về. Vào giữa tháng 11 dương lịch, các em trong Gia đình Phật tử đã bận rộn tập lân, tập múa dân gian. Hai tuần nghỉ lễ Tết Tây cũng là thời gian ngôi chùa hoạt động khá rộn ràng. Mỗi cuối tuần đến đây ta sẽ chứng kiến các em thiếu niên Việt Nam sinh ra nơi xứ người lúc nào cũng tươi cười nhiệt tình tập dợt.
Có lẽ cảm động hơn hết thảy là khi chứng kiến các em trầm trồ khen ngợi, cẩn trọng nâng niu chiếc áo dài, áo tứ thân để mặc thử cho các bài múa Tết. Sống giữa văn hóa phương Tây, các em biết những chiếc áo này không những đẹp, mà trong ngày tháng tới nó còn là biểu tượng văn hóa Việt khi trình diễn vào đêm giao thừa tại chùa, tại các trường đại học, nhất là trên sân khấu thành phố nhân ngày hội văn hóa đa quốc gia, được tổ chức long trọng hàng năm vào mùa Tết Nguyên đán. Quý đạo hữu trong Ban Trị sự khá bận rộn trong thời gian này. Có nhóm chuẩn bị vật liệu nấu bánh tét, bánh chưng chay, có nhóm làm mứt, dưa món để Phật tử thỉnh về cúng tổ tiên, dùng trong 3 ngày Tết. Để có được nhánh mai vàng, hoa lê trắng nở đúng đêm giao thừa cho Phật tử về chùa hái lộc đầu năm, các bác đã chịu khó liên lạc bạn bè người Hoa Kỳ, xin tới tỉa cành cắt nhánh giữa mùa đông lạnh giá. Những nhánh mai lê trơn tru được gom về, canh đúng ngày rồi ngâm nước trong phòng ấm sẽ cho ra những bông hoa rực rỡ. Việc xin giấy phép thành phố để được phê chuẩn đốt pháo vào giữa đêm giao thừa cũng không kém phần quan trọng. Bên cạnh đó, Ban Trị sự cũng không quên thăm viếng tặng quà các gia đình Hoa Kỳ quanh chùa. Gây thiện cảm hàng xóm là việc ưu tiên hàng đầu ngay từ khi chùa được thành lập. Đem một nền văn hóa khác biệt, cách sinh hoạt khác thường đến một nơi có gốc rễ văn hóa Tây phương lâu đời dễ tạo nên những hiểu lầm dẫn đến kiện tụng. Đốt pháo nổ rộn ràng lúc nửa đêm không thể nào thực hiện được nếu không có sự quý mến đồng thuận của láng giềng.
Ngày Tết Việt thường rơi vào cao điểm mùa đông nên có năm bão tuyết khắc nghiệt gây nhiều khó khăn trở ngại. Những trang nhật ký dưới đây phần nào ghi lại diễn biến mùa bão tuyết trong năm 2012 vừa qua. Ngày 17 tháng 1-2012 (24 tháng Chạp): Tuyết bắt đầu rơi,... Ngày 18 tháng 1 (25 tháng Chạp): Tuyết rơi sau 2 ngày đo được 55cm. Ngoại trừ bệnh viện và các cơ quan cứu hộ, toàn bộ trường học, công sở trong thành phố đóng cửa. Đài khí tượng cho biết chiều tối sẽ có mây đen từ miền Nam tràn lên, dễ có hiện tượng mưa rơi kết băng do nhiệt độ mặt đất thấp. Miền Tây bắc tiểu bang Washington được dự báo sẽ là nơi chịu nhiều ảnh hưởng do nằm trong vùng gió lạnh từ Bắc cực thổi xuống giao thoa cùng áp thấp nhiệt đới miền Nam thổi lên. Đêm 18, rạng ngày 19: Nửa đêm, tiếng cây gãy đổ rầm vang liên tục tạo nên âm thanh chấn động rùng rợn. Thỉnh thoảng có tiếng nổ lớn từ các trụ điện biến thế. Hiện tượng thiên nhiên mưa ấm gặp hơi lạnh từ đất tỏa lên đã làm đóng băng những khối nước đá khổng lồ trên cây, trên dây điện tạo nên sức nặng khủng khiếp làm gãy đổ cây cối, trụ điện và biết bao nhà cửa như vừa trải qua trận chiến tranh khốc liệt. Sáng 19 tháng 1 (26 tháng Chạp): Hầu hết thành phố mất điện, hệ thống điện thoại dây lẫn di động gần như tê liệt do tháp truyền sóng ngã đổ. Thống đốc tiểu bang tuyên bố khu vực X trong tình trạng cứu nguy khẩn cấp. Lực lượng cứu hộ, sửa chữa tại tiểu bang không đủ cung ứng, thống đốc nhờ lực lượng cứu hộ từ Canada láng giếng tiếp ứng.
Ngày 20 tháng 1 (27 tháng Chạp): Tuyết đã ngừng rơi, xe ủi tuyết đi vào các trục lộ giao thông chính nhưng không ủi được bao nhiêu do cây gãy đổ trên đường quá nhiều. Trường học, cơ quan nhà nước vẫn đóng cửa. Còn hai hôm nữa là đến giao thừa. Ngôi chùa tại thị trấn X được thành lập cách đây 25 năm hoàn toàn không liên lạc được. Đây là ngôi chùa được mua lại từ thánh đường Tin Lành làm mái nhà tâm linh, văn hóa cho khoảng 100 gia đình Việt Nam theo đạo Phật tại thành phố ít người Việt. Gắn dây xích vào chiếc xe 4 x 4 (địa hình) để chạy trên tuyết, tác giả lái đến chùa đem theo lương thực, nước uống. Đoạn đường 5 cây số bình thường xe chạy chưa tới 10 phút đã đến, nay phải mất hơn một giờ do cây gãy ngổn ngang. Hầu hết các tuyến đường đều đóng, phải đi vòng vo, chạy lui chạy tới tìm đường vào chùa.
Hai vị thầy Tích Lan và Việt Nam đang co ro nấu tuyết bên bếp gas nhỏ để ăn mì gói. Chùa không có điện, không có nước, không có sưởi. Chánh điện lạnh như tủ đá. Bãi đậu xe tuyết ngập mênh mông tới đầu gối. Nếu không có xe gắn xích không thể nào lái vào được. Ngày 21 tháng 1 (28 tháng Chạp): Một số tuyến đường đã được ủi sạch tuyết, điện được phục hồi ⅔ tại khu nội thành. Ngày mai là đêm giao thừa. Chương trình Tết được chuẩn bị 4 tháng qua có nguy cơ không thực hiện được. Ban Trị sự gởi email và text message đến đạo tràng và đoàn sinh Gia đình Phật tử tại địa phương: “Quý đạo hữu thân mến, Công ty điện cho biết chùa sẽ không có điện thêm vài ngày nữa do nằm ngoài thành phố. Đường vào chùa vẫn ngập tuyết, rất khó đi nếu không có xe gắn xích. Do chi phí mướn công ty ủi tuyết quá cao, chúng ta chỉ có khả năng mướn xe về tự ủi. Anh Tú tình nguyện sẽ ủi nguyên ngày mai, làm sạch bãi đậu xe và đường từ chùa ra trục lộ chính. Điều quan trọng nhất chúng ta cần giải quyết là điện. Nếu không có điện thì chương trình giao thừa hàng năm từ 9 giờ tối đến 1 giờ sáng sẽ không thực hiện được. Công lao của 60 Phật tử trong 4 tháng qua sẽ chìm theo bóng tối. Anh chị nào có máy phát điện xin cho chùa mượn, tất cả các nơi bán, cho thuê máy phát điện đều hết sạch. Ngày mai khi lên chùa, trong nhà có bao nhiêu đèn pin, đèn măng-xông, dây điện xin đem theo. Nếu không có máy phát điện, chúng ta sẽ thắp sáng chùa bằng đèn pin. Âm thanh sẽ dùng máy chạy pin. Tết năm nay chắc chắn sẽ có nhiều bất tiện, gian khó, nhưng Tết năm nay sẽ là cơ hội cho chúng ta nhiều kỷ niệm thân thương, ngọt ngào không thể nào quên được”.
Ngày 22 tháng 1 (29 tháng Chạp - ngày giao thừa): Thành viên GĐPT lên chùa chuẩn bị Tết. Ngoài sân, anh Tú say mê lái xe ủi tuyết. Anh Tô kiếm được máy phát điện đủ cung cấp cho dàn âm thanh và vài bóng đèn. Đèn măng-xông được bố trí quanh bãi đậu xe, sân chùa, ao hồ tượng đài Quan Âm. Đèn chạy pin được trang trí cho chánh điện, hội trường sinh hoạt. Hai thùng thiếc, loại 200 lít được đem vào phòng vệ sinh để chứa nước do nước còn bị cúp....
9 giờ tối đêm giao thừa: Phật tử Việt Nam, bạn bè người Hoa Kỳ tụ về chùa đông nghẹt do đã quen với hoạt động Tết trong 25 năm qua. Dàn đèn măng-xông tỏa sáng sân chùa lung linh. Bên trong chánh điện, ánh sáng từ nhiều chiếc đèn pin khác nhau tỏa sắc màu ấm áp dù nhiệt độ dưới 0 độ C.. Chương trình Tết được bắt đầu bằng vài màn hò lô-tô vui nhộn. Kế đến, các vũ khúc dân gian, ca hát mừng xuân được trình diễn như hàng năm. Sau thời kinh 30 phút mừng xuân Di Lặc, đoàn lân 4 con rộn ràng múa trong tiếng trống hùng dũng. Đúng 12 giờ đêm, dây pháo đại nổ giòn to ngay cổng tam quan trong tiếng cười, rộn ràng đón mừng năm mới. Bên trong chánh điện, mọi người hân hoan nhận cành mai, trái quýt làm lộc đầu năm. Sắc màu áo dài, tiếng cười tươi thắm, khói hương trầm tỏa quyện tạo nên không gian Tết ấm áp thân yêu giữa mùa đông băng giá. *** Khi tác giả viết những dòng chữ này, còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán. Mùa đông năm nay đến sớm hơn mọi năm, nhiệt độ ngoài trời đã xuống -10 độ C, báo hiệu một mùa Tết Giáp Ngọ đầy băng giá. Tuy nhiên, dẫu thời tiết có lạnh lẽo khắc nghiệt đến bao nhiêu, người Phật tử hải ngoại cũng vượt mọi khó khăn để về chùa đón giao thừa, lễ đầu xuân. Suốt năm sống ly hương nơi đất khách quê người, ngày Tết là ngày linh thiêng nhất kết nối người con Phật hải ngoại hướng về quê cha đất tổ dưới mái chùa Việt ấm cúng thương yêu. Trong ánh từ quang đấng cha lành Thích Ca, người con Phật xa nhà hòa nhịp đập con tim cùng người con Phật quê nhà.
Bài và ảnh: Huyền Lam
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |