Chi tiết tin tức Bảo tồn di sản văn hóa Tây Tạng bằng công cụ ngôn ngữ AI 18:49:00 - 01/01/2024
(PGNĐ) - Trung tâm Nghiên cứu CNTT Tây Tạng Monlam, một nhà phát triển phần mềm giáo dục có trụ sở tại Dharamsala thuộc miền Bắc Ấn Độ, vào đầu tháng 11 vừa qua đã ra mắt một công cụ từ phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) Monlam mới cho cộng đồng Tây Tạng.
Các nhà phát triển hy vọng rằng công cụ AI mới này sẽ cung cấp một phương tiện để bảo tồn kho tàng di sản văn hóa khổng lồ của Tây Tạng, trong đó bao gồm các tác phẩm của nhiều lĩnh vực như văn học, lịch sử, âm nhạc và các văn bản Phật giáo. Buổi ra mắt được tổ chức vào ngày 2-11 tại Viện Nghệ thuật Biểu diễn Tây Tạng ở McLeod Ganj, Dharamsala, với sự hiện diện của Sikyong Penpa Tsering, Sikyong (lãnh đạo) của Cơ quan Quản lý Trung ương Tây Tạng (CTA) và diễn giả của CTA, Khenpo Sonam Tenphel. Trước đó cùng ngày, các nhà phát triển đã giới thiệu và trình bày trực tiếp phần mềm AI bằng tiếng Tây Tạng cho Đức Dalai Lama. “Các tính năng mới của phần mềm (monlam.ai) đã được giới thiệu cho khán giả sau bài phát biểu khai mạc súc tích của Geshe Lobsang Monlam, người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu CNTT Tây Tạng Monlam, và bài phát biểu này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo mọi người trên toàn cầu. Công cụ AI tiên phong của Tây Tạng này cho phép người dùng truy cập vào bốn mô hình chính: Mô hình dịch máy, mô hình nhận dạng ký tự quang học, mô hình chuyển lời nói thành văn bản và mô hình chuyển văn bản thành giọng nói”, CTA cho biết trong một thông cáo gần đây. Công trình này được ca ngợi như một bước đột phá trong việc phát triển phần mềm giáo dục Tây Tạng, Monlam AI sử dụng trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning) để dịch ngôn ngữ Tây Tạng sang tiếng Anh, tiếng Trung và các ngôn ngữ khác nữa nhanh hơn và chính xác hơn nhiều so với phần mềm dịch hiện có. “Một trong những khả năng của công cụ AI là tăng độ hiệu quả và chính xác của việc dịch các văn bản tôn giáo, giáo lý và văn bản Tây Tạng. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu thử nghiệm công cụ AI này, một số dịch giả Tây Tạng và thế giới đã nhận thấy những công cụ như vậy không chỉ đẩy nhanh quá trình dịch thuật mà còn tạo điều kiện thuận lợi và môi trường tốt cho việc chuyển ngữ các văn bản Tây Tạng”, Geshe Lobsang nhấn mạnh. Geshe Lobsang lưu ý thêm rằng các nhà phát triển Trung tâm Nghiên cứu CNTT Tây Tạng Monlam đang nghiên cứu thêm các chức năng khác để nhận dạng các bản thảo Tây Tạng trong các hình ảnh được chạm khắc trên gỗ và chuyển đổi chúng thành bản kỹ thuật số. “Sự ra mắt của Monlam AI là một bước tiến quan trọng đối với cộng đồng Tây Tạng, vì nó sử dụng công nghệ hiện đại để bảo tồn di sản văn hóa quý giá này và tạo điều kiện cho sự giao lưu văn hóa trong thời đại kỹ thuật số. Với sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo nổi tiếng như Sikyong Penpa Tsering và diễn giả Khenpo Sonam Tenphel, công cụ Monlam AI hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều giá trị cho cộng đồng người Tây Tạng hiện nay”; Tập thể Quyền Tây Tạng cho biết trong một thông báo sau sự kiện ra mắt. Geshe Lobsang sinh ra ở Amdo Ngaba, Tây Tạng, và xuất gia trở thành tu sĩ tại tu viện Trosig sau khi hoàn thành chương trình tiểu học. Thầy bắt đầu nghiên cứu Mật tông, nghi lễ cũng như hội họa thangka truyền thống lúc thầy 16 tuổi. Sau khi sang Ấn Độ vào năm 1993, thầy trở thành sinh viên tại Đại học Tu viện Seramey và theo học triết học Phật giáo trong 16 năm. Geshe Lobsang thành lập Trung tâm Nghiên cứu CNTT Tây Tạng Monlam 2012, dưới sự hướng dẫn của Đức Dalai Lama, tập trung vào phát triển phần mềm, phông chữ và các công cụ kỹ thuật số khác liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng. Thầy đã đóng góp vào việc tiêu chuẩn hóa phông chữ cho ký tự Tây Tạng, phát triển phông chữ Tây Tạng Monlam đầu tiên vào năm 2005. Vào năm 2022, Geshe Lobsang và một nhóm gồm hơn 150 biên tập viên và thành viên đã xuất bản Từ điển tiếng Tây Tạng Grand Monlam với hơn 360.000 từ, và tạo ra 37 ứng dụng và một trang web. Tâm Tuệ lược dịch
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |