Chi tiết tin tức Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi" 14:13:00 - 22/11/2024
(PGNĐ) - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng Cùng với sự hợp tác của Đại học Phật giáo Hoằng Thệ tại Đài Loan (Trung Quốc), năm nay chương trình diễn ra từ ngày 22-10 đến ngày 4-11 với chủ đề “Hồi sinh tâm linh và Biến đổi xã hội”. “Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi Toàn cầu, do INEB và Đại học Phật giáo Hoằng Thệ tổ chức, nhằm phát triển sự tự tin, năng lực và cam kết của giới trẻ đối với công cuộc biến đổi xã hội và tinh thần. Đây là cơ hội để thanh niên học hỏi về kỹ năng dấn thân vào xã hội - dựa trên giá trị của sự từ bi và lòng yêu thương - đặc biệt trong bối cảnh châu Á và cụ thể là tại Đài Loan”, đại diện INEB chia sẻ. INEB là một mạng lưới toàn cầu gồm các cá nhân và tổ chức có cùng chung chí hướng xây dựng an sinh xã hội thông qua lòng từ bi, các cam kết bền vững về môi trường và hướng đến hòa bình thế giới. Tổ chức này khuyến khích áp dụng đạo đức Phật giáo vào thực tế xã hội, nhằm tạo ra những thay đổi tích cực, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên. Năm nay, 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng. Tại lễ khai mạc, Ajahn Sulak Sivaraksa - người sáng lập INEB, cùng với Ni sư Chiếu Huệ - một vị sư nổi tiếng ở Đài Loan, đã chia sẻ về vai trò của Bồ-tát trong thời hiện đại, khuyến khích thế hệ trẻ thực hành lòng từ bi, công lý và phi bạo lực để chuyển hóa xã hội và phát triển tâm linh.
Theo INEB, nhiều quốc gia nơi các thành viên của tổ chức đang hoạt động vẫn chưa vươn tới được hòa bình và công bằng xã hội một cách bền vững. Giới trẻ được xem là tương lai của nhân loại, nhưng việc họ phải trưởng thành trong các xã hội bị chia rẽ khiến tiềm năng của họ không dễ được phát huy và khó đóng góp tích cực cho xã hội. Các vấn đề như nghèo đói, sức khỏe kém và bất bình đẳng trong giáo dục, nhà ở, việc làm đã làm giảm sức sống của thanh niên, dẫn đến sự bất ổn và chênh lệch trong cộng đồng. Vì vậy, chương trình Bồ-tát trẻ tuổi lần này được thiết kế với ba yếu tố cốt lõi: trau dồi trí tuệ, thực hành tâm linh và trải nghiệm thực tiễn. Các hoạt động bao gồm thảo luận nhóm, xây dựng cộng đồng, tu tập thiền định, và tham quan các tổ chức xã hội, cơ quan chính phủ và các cơ sở Phật giáo tại Đài Loan. Qua đó, các thanh niên tham gia sẽ khám phá cơ hội và thách thức trong việc dấn thân vào xã hội, và vai trò của Phật giáo cũng như các nhà hoạt động xã hội khác đối với cộng đồng. Dựa trên nền tảng của Tứ diệu đế, người tham gia sẽ được trang bị kỹ năng phân tích các cấu trúc xã hội và nguồn gốc của quyền lực, đồng thời đánh giá tình trạng của bản thân và cộng đồng. Chương trình cũng thúc đẩy sự kết nối giữa thanh niên và các bậc thầy, giáo viên và chuyên gia từ khắp châu Á cũng như các khu vực khác. Bên cạnh đó, các thành viên sẽ thực hiện các bài tập vẽ bản đồ xã hội tại quốc gia của mình, đồng thời xây dựng các kế hoạch hành động nhằm phát triển vai trò lãnh đạo trong tương lai. “Những giáo lý của Đức Phật có thể trở thành kim chỉ nam cho một thế giới hòa bình, bền vững và giúp giới trẻ nhận ra tiềm năng lớn lao của mình trong việc mang lại những thay đổi sâu sắc và lâu dài”, INEB nhận định. INEB được thành lập tại Thái Lan vào năm 1989 bởi học giả, nhà hoạt động và nhà phê bình xã hội nổi tiếng người Thái Lan Sulak Sivaraksa cùng với một số nhà tư tưởng Phật giáo và phi Phật giáo và các nhà hoạt động xã hội. Tổ chức được thành lập với mục đích kết nối các Phật tử có tư tưởng nhập thế trên khắp thế giới để thúc đẩy sự thấu hiểu, hợp tác và nối kết giữa các nhóm Phật giáo và liên tôn giáo, đồng thời giải quyết các vấn đề toàn cầu như quyền con người, giải quyết xung đột và khủng hoảng môi trường. Các thành viên của INEB bao gồm các nhà sư, nữ tu, nhà hoạt động xã hội và học giả từ hơn 25 quốc gia ở châu Á, châu Úc, châu Âu và Bắc Mỹ, cùng làm việc dưới sự bảo trợ của các thiện hữu tri thức. Phổ Tịnh tổng hợp
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |