Chi tiết tin tức Công bố Đại từ điển Tây Tạng Monlam 19:06:00 - 04/07/2022
(PGNĐ) - Sáng 27-5, tại chùa Tsuglagkhang, Đức Dalai Lama đã chủ trì buổi giới thiệu Đại từ điển Tây Tạng Monlam - bộ đại từ điển đầu tiên và lớn nhất thế giới hiện nay về Tây Tạng.
Trước hội chúng đông đảo, Đức Dalai Lama đã có thời pháp ngắn, nhấn mạnh đến giá trị và tầm quan trọng của truyền thống tôn giáo và văn hóa Tây Tạng, một cội nguồn tâm linh đặc biệt có khả năng chữa lành và mang lại sự bình an nội tâm cũng như hòa bình cho toàn thế giới. “Người Tây Tạng có một truyền thống tôn giáo và văn hóa phong phú. Khi còn ở Tây Tạng, chúng tôi không nhận thức được nó khác biệt đến thế nào so với các truyền thống khác, nhưng khi phải rời xa quê hương, chúng tôi đã hiểu được di sản của chúng tôi quý giá ra sao. Đây là một truyền thống thiết thực, mà cốt lõi trong đó là hóa giải những cảm xúc tiêu cực và nuôi dưỡng sự bình an trong tâm hồn. Trong sự tu tập hàng ngày của mình, tôi tập trung vào sự tỉnh giác của Bồ-đề tâm và trau dồi hiểu biết về tánh không, chính hai điều này mang lại cho tôi sự bình an sâu sắc… Mọi người thường nói về hòa bình cho toàn thế giới, nhưng nếu bản thân bạn chất chứa giận dữ và hận thù trong lòng thì việc luận bàn về hòa bình chỉ là giả trá. Thay vào đó, chúng ta cần thực hành theo truyền thống lâu đời của Ấn Độ là bất hại (ahimsa) dựa trên cơ sở của lòng bi mẫn (karuna) đối với người khác…”, Đức Dalai Lama nói. Tuy phải đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn, nhưng nhờ có sức mạnh tinh thần và sự thực hành rèn luyện tâm trí, người dân Tây Tạng sinh sống tại Dharasalam vẫn duy trì được sự bình an nội tâm. Đồng thời, họ cũng cố gắng hết sức để trao truyền những nét đẹp văn hóa này, đặc biệt là ngôn ngữ, cho những thế hệ tương lai nhằm bảo tồn những giá trị tinh thần quý giá không những của người dân Tây Tạng mà còn là của cả thế giới. “Khi phải sống xa quê hương, chúng tôi đã nhờ Chính phủ Ấn Độ giúp đỡ trong việc thành lập các trường học tiếng Tây Tạng, tại đây, con em chúng tôi có thể học tập bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ. Việc bảo tồn ngôn ngữ Tây Tạng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn nền văn hóa và tôn giáo của chúng tôi. Đặc biệt, tôi muốn lưu ý với tất cả huynh đệ và pháp hữu ở đây rằng giá trị của di sản này là giúp chúng ta thành tựu và duy trì được sự bình an trong tâm hồn”, Đức Dalai Lama nhấn mạnh.
Một ngọn đèn đã được thắp lên để kỷ niệm dịp lễ đặc biệt này. Sau đó, ngài Lobsang Monlam đã được mời lên để giới thiệu dự án Đại từ điển Tây Tạng Monlam mà ngài đã phụ trách. Ngài cho biết rằng bộ từ điển gồm 223 quyển, dưới sự hỗ trợ của tổ chức Dalai Lama Trust, đã được chung tay biên soạn bởi hơn 200 người, trong suốt 9 năm. Từ điển không chỉ xuất bản dưới dạng sách giấy mà còn phát triển trên 37 ứng dụng và một trang web hoàn chỉnh được cập nhật theo thời gian. Với hơn 200 nghìn mục từ, đây sẽ là một trong những từ điển lớn nhất so với các từ điển của bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới. Điều này thể hiện chiều sâu của văn hóa Tây Tạng, vì vậy, việc hoàn thành bộ từ điển này là một thành tựu lịch sử to lớn, góp phần đáng kể vào việc bảo tồn truyền thống văn hóa Tây Tạng. Đối mặt với nguy cơ bị xâm thực, xói mòn về văn hóa và ngôn ngữ, người dân Tây Tạng ở khắp nơi vẫn luôn cố gắng để duy trì cho những di sản này tồn tại. “Chúng tôi đang nỗ lực nhiều hơn nữa để giữ gìn văn hóa và ngôn ngữ của chúng tôi. Tôi muốn cảm ơn những người đã góp phần biến dự án này thành hiện thực. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với dự án này khi cập nhật nó trong 10 năm tới”, ngài Lobsang Monlam bày tỏ sự hoan hỷ và lòng biết ơn của mình. Sau đó, một lần nữa, Đức Dalai Lama lại được mời lên để chia sẻ trong buổi lễ. Ngài đã chỉ ra nguồn gốc của ngôn ngữ Tây Tạng và tầm quan trọng của bộ Đại từ điển Tây Tạng. “Người Tây Tạng chúng tôi luôn sống giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng dưới thời trị vì của Vua Songtsen Gampo (Tùng Tán Cán Bố), chúng tôi đã tạo ra chữ viết của riêng mình dựa trên ngôn ngữ của Ấn Độ. Sau đó, nhận thấy đây là một phương tiện rất thích hợp nên Đại sư Shantarakshita (Tịch Hộ) đã khuyến khích người Tây Tạng phiên dịch kinh văn Phật giáo, bao gồm nhưng lời dạy của Đức Phật và các bộ luận của vô số học giả Ấn Độ sang ngôn ngữ Tây Tạng. Do đó, tôi thường nói với những người bạn Ấn Độ rằng bạn là thầy của chúng tôi trong quá khứ, nhưng bây giờ, chúng tôi có thể là thầy của các bạn, bởi vì chúng tôi đã bảo tồn truyền thống Nalanda cổ xưa. Đây là điều hợp lý và logic”, ngài chia sẻ. Những giá trị và phương pháp như thế đựng chứa đựng trong các bản kinh văn Phật giáo Tây Tạng và việc ra mắt bộ Đại từ điển Tây Tạng Monlam là một thành tựu rất lớn trong việc bảo tồn và giữ gìn truyền thống Phật giáo nói riêng và nền văn hóa Tây Tạng nói chung. Trước đó, vào ngày 25-5, các thành viên của truyền thống Sakya của Phật giáo Tây Tạng đã tổ chức một buổi lễ cầu nguyện trường thọ cho Đức Dalai Lama.
Nhuận Ngọc tổng hợp
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |