Chi tiết tin tức Đại học Columbia tổ chức cuộc triển lãm với chủ đề “Mục đích của nghệ thuật Phật giáo là gì?” 21:26:00 - 05/03/2022
(PGNĐ) - Phòng trưng bày nghệ thuật Wallach, nằm trong khuôn viên của Đại học Columbia (New York, Mỹ), đang tổ chức một cuộc triển lãm Phật giáo với chủ đề “Mục đích của nghệ thuật Phật giáo là gì?”
Các hiện vật được trưng bày trong triển lãm “Mục đích của nghệ thuật Phật giáo là gì?” Triển lãm bắt đầu từ ngày 4-12-2021 và sẽ kéo dài cho đến hết ngày 12-3-2022, trưng bày những hiện vật gắn với lễ nghi Phật giáo, cũng như chỉ ra quá trình hình thành và sử dụng chúng. Vì vậy, chương trình này không giống với hầu hết những cuộc triển lãm trưng bày nghệ thuật và bảo tàng khác, vốn chỉ tập trung vào các chiều kích thẩm mỹ và giá trị lịch sử của hiện vật. Cuộc triển lãm “Mục đích của nghệ thuật Phật giáo là gì?” được giám tuyển bởi Tiến sĩ Max Moerman, chuyên gia về văn hóa Châu Á và Trung Đông tại Đại học Barnard. “Mục đích của cuộc triển lãm này hướng đến việc hiểu rõ giá trị của những hiện vật văn hóa Phật giáo trong việc thực hành và sử dụng chúng, chẳng hạn như trong nghi thức lễ bái và cúng dường, chiêm ngưỡng và bảo vệ, trị liệu và hạnh phúc, cái chết và sự tưởng niệm”, Tiến sĩ Moerman cho biết. Trang web của triển lãm cũng đã đưa ra một ví dụ rất đặc biệt về “Văn bia” do nhà sư Chí Lãng cung tiến, hiện vật này có niên đại vào khoảng năm 548 sau Tây lịch dưới thời Đông Ngụy, Trung Quốc. Hiện vật này còn bao gồm một dòng chữ để kỷ niệm và xác định mục đích của việc tạo tác các hình tượng Phật giáo với nội dung: “Chúng tôi xây dựng các bảo tháp để bày tỏ lòng mộ đạo của mình và tạo ra các hình tượng nhằm thể hiện sự tận tâm của chúng tôi”. Khi mô tả lại cuộc triển lãm tại Wallach, Cotter, đồng trưởng ban phê bình nghệ thuật của tờ The New York Times, đã chia sẻ: “Phần lớn nội dung trong cuộc triển lãm tại Wallach không hề phô trương và hoành tráng. Một hộp bùa hộ mệnh Tây Tạng bằng đồng, màu xanh ngọc được thiết kế để chứa đựng hình ảnh hoặc các thánh vật bảo hộ, có hình dạng nhỏ nhắn và thích hợp để mang theo trong đãy hoặc thắt lưng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguồn năng lượng bí mật của các hiện vật đã bị chôn vùi vĩnh viễn; chẳng hạn như chiếc tháp nhỏ bằng gỗ hình ngôi chùa, đây là một trong số hàng triệu chiếc tháp được tạo ra bởi một vị nữ hoàng của Nhật Bản vào thế kỷ thứ VIII để chuộc tội cho những kẻ thù đã bị bà xử tử. Với kích thước bằng một quân cờ, mỗi bảo tháp có in một câu thần chú được niêm phong bên trong, tất cả sức mạnh tiềm ẩn của nó đều là những năng lượng vĩnh viễn không thể nhìn thấy được”. Triển lãm “Mục đích của nghệ thuật Phật giáo là gì?” có rất nhiều hiện vật lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng. Hầu hết bộ sưu tập này đã được mua lại trong gần 2 thế kỷ, cũng như được các cựu sinh viên và giảng viên của Đại học Columbia quyên góp. Frances Hsinyi Wu và Paul Pao-heng Yin, cũng như Trung tâm Phật giáo và Tôn giáo Đông Á của Trường Đại học Columbia đã cùng nhau hỗ trợ cho cuộc triển lãm này. Hai buổi nói chuyện đã được tổ chức để giúp du khách tìm hiểu thêm về ý nghĩa của các hình ảnh nghệ thuật Phật giáo này. Buổi thứ nhất diễn ra vào ngày 3-2, do Tiến sĩ Max Moerman giới thiệu về chủ đề thần chú và tạo phước. Buổi nói chuyện thứ hai diễn ra vào ngày 10-2 do Michelle C. Wang, Phó Giáo sư của khoa Lịch sử nghệ thuật và Nghệ thuật tại Đại học Georgetown thực hiện.
Phổ Tịnh lược dịch
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |