Chi tiết tin tức

Hàn Quốc: Tổ đình Bongeunsa tổ chức ngày Bách Trung và Vu Lan Thắng Hội

07:37:00 - 02/09/2015
(PGNĐ) -  Ngày Bách Trung (백중) còn có tên gọi là ngày Vu Lan Báo Ân (우란보은). Đây là một ngày Phật đại hoan hỷ, ngày Tăng tự tứ. Chuyện kể rằng, ngày xưa một trong thập đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Tôn giả đệ nhất thần thông Mục Kiền Liên, sau khi đắc quả Ngài đã vận dụng thần thông để quán chiếu, và biết tin là người mẹ quá cố của mình bị đày làm ngạ quỷ đói khổ vô cùng, bởi vì bà đã gây nhiều nghiệp ác khi còn tại thế. Mặc dù thần thông quảng đại nhưng Tôn giả Mục Kiền Liên vẫn không cứu được mẹ mình.

Vào ngày 28/08/2015 tại Tổ đình Bongeunsa (Phụng Ân Tự), quận Gangnam-gu, Thủ đô Seoul tổ chức ngày Bách Trung và Vu Lan Thắng Hội, Pháp hội trang nghiêm đã thu hút hơn 3 nghìn người đến tham dự lễ.

 

Hòa thượng Wonhak (원학스님), Phương trượng Trụ trì Tổ đình Bongeunsa (Phụng Ân Tự) Khai thị Ý nghĩa và tập tục truyền thống trong ngày Baekjung (Bách Trung-백중) của người Hàn Quốc và ý nghĩa  Vu Lan Thắng Hội rằng:

 

 “Quý Phật tử và Thiện hữu tri thức quý mến ! Hôm nay nhân ngày Bách Trung và Vu Lan Thắng Hội, tôi xin chia sẻ cùng quý vị đề tài này.

 

Theo Hán tự, chữ gạo đọc là “米-Mễ”, được ghép bằng chữ “十-Thập” và hai chữ “八-Bát” ở phần trên và dưới của chữ Thập. Điều này muốn nói rằng để có được hạt gạo người nông dân phải thực hiện tới 80 công đoạn. Trong quá trình làm ra hạt gạo, công đoạn dọn cỏ dại mà tiếng Hàn Quốc gọi là Gimmari (김말이) việc làm hết sức vất vả nhất. Dọn cỏ Gimmaegi là nhổ và cào sạch cỏ dại mọc giữa những khóm lúa cây hoa màu. Khổ nhất là trong những ngày nắng hè nóng oi bức, phải phơi lưng giữa trời nắng nóng và rát da nám mặt, đổ mồ hôi mặn rát mắt. Khó chịu nhất là những lúc bị đỉa đeo, muỗi đốt và bù mắc cắn. Vất vả đã vậy nhưng người nông dân còn phải dọn cỏ Gimmaegi tận ba lần mỗi năm. Thế nên người Hàn Quốc mới xem kết thúc việc làm cỏ là nhà nông xong việc đồng áng một năm. Làng xóm hò nhau làm cỗ ăn mừng và nghỉ xả hơi. Thời điểm này rơi vào quãng rằm tháng 07 âm lịch. Người Hàn Quốc gọi ngày này là ngày Baekjung (백중) tức Bách Trung.

Người Hàn Quốc còn gọi ngày Baekjung (Bách Trung-백중) là Homisitsi hay Homigeori tức là ngày rửa cào cỏ hay ngày treo cào cỏ. Người Hàn Quốc gọi cái cào cỏ dùng để làm cỏ Gimmaegi là Homi. Tập tục rửa sạch và treo cái cào cỏ lên chỗ cao ráo mang hàm ý là việc làm cỏ năm nay đã kết thúc và chuẩn bị cho công việc của năm tới. Xưa kia ở Hàn Quốc, hàng năm khi lần làm cỏ Gimmaegi thứ ba kết thúc, các làng xã có tập tục bầu chọn trạng nguyên nhà nông, linh đình không kém gì các kỳ khoa cử trạng nguyên của triều đình. Người trở thành trạng nguyên được người làng sắm sửa mũ áo và rước trên lưng trâu dạo quanh làng cùng đoàn người khua gõ nông nhạc theo sau. Thời bấy giờ họ gọi đoàn người chơi nông nhạc này là Gilggonaengi hay Gilgunak. Ngày Bách Trung còn được coi là ngày của những người đầy tớ đi làm thuê làm mướn cho nhà chủ. Vào ngày này, chủ nhà thường may quần áo mới cho người làm và còn cho thêm tiền đi trảy hội, bày tỏ sự cảm ơn vì họ đã vất vả cho công to việc lớn của nhà mình trong suốt một năm trời. Chủ nhà cho người làm nghỉ xả hơi một hôm, đi chơi chợ Baekjungjang, xem đấu vật tại phiên chợ, ăn uống no nê và mua bán những đồ dùng cần thiết.

 

Ngày Bách Trung (백중) còn có tên gọi là ngày Vu Lan Báo Ân (우란보은). Đây là một ngày Phật đại hoan hỷ, ngày Tăng tự tứ. Chuyện kể rằng, ngày xưa một trong thập đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Tôn giả đệ nhất thần thông Mục Kiền Liên, sau khi đắc quả Ngài đã vận dụng thần thông để quán chiếu, và  biết tin là người mẹ quá cố của mình bị đày làm ngạ quỷ đói khổ vô cùng, bởi vì bà đã gây nhiều nghiệp ác khi còn tại thế. Mặc dù thần thông quảng đại nhưng Tôn giả Mục Kiền Liên vẫn không cứu được mẹ mình.

 

Thấy vậy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng: “Dù ông thần lực nhiệm mầu, cá nhân không thể hóa giải nghiệp chướng khổ đau của mẹ ngươi, muốn cứu được bà phải nhờ thần lực của Tăng đoàn mười phương. Phải sắm sinh lễ vật tinh tinh khiết, trăm món thức ăn, đồ uống, hương đăng, hoa trà quả phẩm, tứ sự thiết trai đàn cúng dường mười phương Tăng chúng vào ngày Phật đại hoan hỷ, Tăng tự tứ, sau khi an cư kiết hạ.

 

Do tâm thành tất linh, hữu cầu tất ứng, linh nghiệm thay bởi phúc đức trí tuệ của mười phương Hiền Thánh Tăng và hiện tiền Tăng, trong định ý hành thiền mà cảm hóa được mẫu thân của Tôn giả Mục Kiền Liên, bà thoát chốn mê đồ siêu sinh lạc cảnh”.

 

Kể từ đó tập tục này đã trở thành Lễ Vu Lan, một ngày lễ ghi nhớ công ơn và báo hiếu cha mẹ. Người Hàn Quốc có tập tục tổ chức Lễ Vu Lan từ thời Silla cách đây khoảng hai nghìn năm và hiện nay vẫn được duy trì như Quốc Lễ.

 

Kết thúc nghi thức trong ngày Lễ Vu Lan, người Hàn Quốc thường hát ca khúc Hwajeong hoặc ca khúc Hoesimgok (Hối tâm khúc)

 

* Giai điệu Baekjungnal (ngày Bách Trung-백종날)/ Lee Ja-ram video

* Khúc ca Gilgunak (Nhạc diễu hành-길군악)/ nhóm cư dân vùng Jindo Video

* Khúc ca Hoesimgok (Hối tâm khúc-회심곡)/ nhà sư Ileung (Nhất Ưng) Video

 

Sau thời pháp thoại là nghi thức Cúng Ngọ và thụ trai.

 

Sau giờ Ngọ, 14 giờ thụ trì kinh Vu Lan Báo hiếu.

 

18 giờ thắp nến, nhiễu đàn cầu nguyện Phật pháp trường minh, Quốc thái Dân an, thế giới hòa bình, cầu siêu quá khứ phụ mẫu, lục thân quyến thuộc quá vãng siêu sinh Lạc quốc, lục thân quyến thuộc và phụ mẫu hiện tiền tăng long phúc thọ.

 

Thích Vân Phong

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thích Vân Phong

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin