Chi tiết tin tức

Hiệp hội Phật giáo Hàn Quốc xuất bản cuốn sách về các bảo vật Phật giáo cấp quốc gia

20:38:00 - 07/04/2022
(PGNĐ) -  Hiệp hội Tăng-già Phật giáo Hàn Quốc mới đây đã thông báo về việc xuất bản quyển sách Những bảo vật Phật giáo cấp quốc gia của Hàn Quốc (Buddhist National Treasures of Korea).

Tác phẩm "Những bảo vật Phật giáo cấp quốc gia của Hàn Quốc" (Buddhist National Treasures of Korea)

Với độ dày 480 trang, tác phẩm đã liệt kê hầu như tất cả các danh mục di sản văn hóa và lịch sử gắn liền với các hiện vật Phật giáo đã được công nhận là bảo vật quốc gia của Hàn Quốc.

Số liệu cho thấy các hiện vật Phật giáo chiếm hơn một nửa trong tổng số bộ sưu tập bảo vật quốc gia do nhà nước chỉ định ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, công chúng và Phật tử thông thường chỉ có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu trực tiếp tại các cuộc triển lãm ở viện bảo tàng hoặc phải viếng thăm các ngôi chùa có chứa các bảo vật đó. Vì vậy, với sự ra đời của quyển sách quý giá này, Hiệp hội Tăng-già Hàn Quốc mong muốn sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết của công chúng về Phật giáo Hàn Quốc nói chung cũng như giá trị của các hiện vật cổ của Phật giáo nói riêng.

“Kể từ khi Phật giáo được truyền bá vào Hàn Quốc trong thời kỳ Tam Quốc (57 trước Tây lịch - 668 sau Tây lịch), triều đình cũng như dân chúng đã không ngừng xây dựng chùa chiền và đền tháp bằng đá, tạc tượng Phật, vẽ tranh và xuất bản kinh văn xoay quanh chủ đề về Phật giáo không những trong những giai đoạn vàng son của lịch sử mà ngay cả trong những thời kỳ tăm tối nhất của đất nước”, Hiệp hội Tăng-già Hàn Quốc chia sẻ.

Quyển sách Bảo vật Phật giáo cấp quốc gia của Hàn Quốc cung cấp và giải thích đầy đủ các đặc điểm cơ bản cũng như giá trị của chúng trong những bối cảnh lịch sử, nghệ thuật và văn hóa của Phật giáo Hàn Quốc bằng hai thứ tiếng: tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh. Hiệp hội cho biết họ sẽ in 2.000 bản và gửi tặng các đại sứ quán nước ngoài tại Hàn Quốc, các trung tâm văn hóa, chùa chiền Phật giáo, thư viện và các trường đại học trong cũng như ngoài nước.

Được thành lập vào năm 1967, Hiệp hội Tăng-già Phật giáo Hàn Quốc bao gồm 25 tông phái Phật giáo thành viên, trong đó có tông phái Tào Khê (Jogye) - truyền thống Phật giáo lớn nhất ở Hàn Quốc. Tổ chức này đã cho xuất bản hàng loạt tác phẩm nhằm giới thiệu và quảng bá lịch sử, di sản và văn hóa Phật giáo của Hàn Quốc cũng như những giáo lý và phương pháp thực hành do Đức Phật giảng dạy.

Từ Trung Quốc, Phật giáo được truyền bá vào Hàn Quốc lần đầu tiên vào thế kỷ thứ IV, trong thời kỳ Tam Quốc, vào khoảng 800 năm sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Sau đó, Phật giáo đã lan rộng khắp bán đảo, trở thành tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với nền văn hóa và tín ngưỡng trong thời đại Nam - Bắc quốc (698-926 CN), khi hai nước Silla và Balhae độc lập cùng tồn tại ở phía Bắc và phía Nam và trở thành Vương quốc Goryeo sau này (918-1392).

Tuy nhiên sau đó, cũng từ Trung Quốc, Nho giáo đã du nhập vào Hàn Quốc và được cải cách trong thời kỳ Goryeo. Vương triều Joseon (1392-1910) đã lấy Nho giáo làm quốc giáo và hệ tư tưởng chính của Hàn Quốc. Điều này dẫn đến việc Phật giáo bị đàn áp trong khoảng 500 năm tại quốc gia này. Số lượng chùa chiền và tu viện giảm dần trong thời đại Joseon, từ vài trăm xuống còn 36 ngôi chùa, và Tăng Ni bị cấm không được đặt chân vào các thành phố lớn.

Sau này, Phật giáo được chấn hưng nhờ vào các nhà sư chống lại sự xâm lược của Nhật Bản vào Hàn Quốc (1592-1598) và công lao của Đại sư Seosan Hyujeong (서산대사; 1520-1604) trong việc thống nhất nền giáo dục, triết thuyết và pháp môn thực hành của Phật giáo tại Hàn Quốc.

 

Thiện Quang tổng hợp

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin