Chi tiết tin tức

Nhân ngày Phật đản: Vatican gửi thông điệp kêu gọi hợp tác thúc đẩy bất bạo động

16:41:00 - 26/04/2017
(PGNĐ) -  Thành phố Vatican, ngày 22/04/2017, nhân ngày Đại lễ kính mừng Phật đản PL.2561, Hội đồng Giáo hoàng về đối thoại Liên tôn đã gửi một thông điệp với chủ đề “Kitô hữu và Phật giáo đồ: Cùng đồng hành trên lộ trình bất bạo động”.

Thông điệp được ký bởi ngài Jean-Louis Tauran, Hồng y nhiếp chính tại Roma kiêm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về đối thoại Liên tôn và ngài Giám mục Miguel Ángel Ayuso Guixot.

 

Thông điệp nhắc lại con lộ trình bất bạo động của đức Chúa Giê-su đã đi trọn con đường, bước lên thập giá và kêu gọi những môn đệ của Ngài hôm nay thấm nhuần lời giáo huấn bất bạo động của đức Chúa Giêsu. Giáo lý của Phật giáo đã gửi thông điệp từ bi, trí tuệ, khuyến khích tất cả hãy vượt qua tính nóng giận bằng đức nhẫn nhịn; vượt qua sự độc ác bằng đức tính từ bi, vượt qua tính bỏn xẻn (hà tiện, keo kiệt quá đáng) bằng sự bố thí; vượt qua sự dối trá bằng tính trung thực.
 

Thông điệp kêu gọi sự hợp tác chung, tìm hiểu những nguyên nhân của bạo lực, lên án bạo lực và cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cùng đồng hành trên lộ trình bất bạo động.

 

Dưới đây là toàn văn bản của thông điệp:

 

Thông điệp Đại lễ Phật đản PL.2561 - DL.2017

 

Quý đạo hữu phật tử thân mến,

 

1. Thay mặt Hội đồng Giáo hoàng về đối thoại Liên Tôn, chúng tôi gửi lời chúc nồng nhiệt nhất và những lời chúc phúc cát tường nguyện cầu của chúng tôi nhân dịp lễ Phật đản. Dịp lễ này mang lại niềm vui và bình an cho tất cả quý đạo hữu phật tử, cho gia đình quý vị, cho các cộng đồng và các quốc gia.

 

2. Chúng tôi muốn suy tư năm nay về sự khẩn thiết để cổ vũ một nền văn hóa hoà bình và bất bạo động. Tôn giáo đang ngày càng ở trận tuyến trong thế giới ngày nay, mặc dù đôi khi bằng những cách đối nghịch. Mặc dù nhiều người có niềm tin tôn giáo đang dấn thân cho việc cổ vũ hoà bình, thì cũng có những người đang khai thác tôn giáo để biện minh cho những hành động bạo lực và hận thù của họ. Chúng ta thấy việc chữa lành và hoà giải được các nạn nhân của tình trạng bạo lực mang lại, nhưng cũng là những nỗ lực để xoá bỏ mọi dấu vết và ký ức của “phía bên kia”; có một sự xuất hiện của sự hợp tác tôn giáo toàn cầu, nhưng cũng có sự chính trị hoá tôn giáo; và, có một sự nhận biết về một nạn dịch nghèo và nạn đói thế giới, rồi cuộc chạy đua vũ trang khủng khiếp vẫn đang tiếp diễn. Tình hình này đỏi hỏi một lời mời gọi đến với sự bất bạo động, một sự khước từ bạo lực trong tất cả mọi hình thức của nó.

 

3. Đức Chúa Giêsu Kitô và đức Phật là hai nhà cổ võ lòng từ bi, bác ái, sự bất bạo động là những nhà kiến tạo hòa bình. Như đức Giáo hoàng Phanxicô viết, “Chính đức Chúa Giêsu đã sống trong thời kỳ bạo lực. Nhưng, Ngài dạy rằng mặt trận thật sự, nơi mà bạo lực và hoà bình gặp nhau, là tâm hồn con người: vì ‘từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu’ (Mc 7:21)” (Thông điệp ngày thế giới hoà bình 2017: Bất bạo động: Một phong cách chính trị vì hoà bình, số 3). Ngài nhấn mạnh hơn nữa rằng “Đức Chúa Giêsu đã vạch ra con đường của bất bạo động. Ngài bước đi trên con đường ấy cho đến cùng, đến thập giá, nơi mà từ đó Ngài trở thành hoà bình của chúng ta và đặt dấu chấm hết cho tình trạng thù nghịch (x. Ep 2:14-16)” (ibid.). Theo đó, “để trở thành những người môn đệ thật sự của Chúa Giêsu ngày nay cũng bao gồm việc đón nhận giáo huấn của Ngài về bất bạo động” (ibid.).

 

4. Quý đạo hữu phật tử thân mến, nhà sáng lập của quý vị, đức Phật cũng rao giảng một thông điệp từ bi, sự bất bạo động và hòa bình. Ngài khích lệ tất cả mọi người “hãy vượt thắng sự giận dữ bằng việc không giận dữ; vượt thắng sự hèn mạt bằng sự tốt lành; vượt thắng sự bần tiện bằng sự đại lượng; vượt thắng sự giả dối bằng sự thật” (Dhammpapada, số XVII, 3). Ngài dạy thêm nữa rằng “chiến thắng sinh ra lòng hận thù; sự thất bại ngự trị trong nỗi đau. Hãy sống đời sống hoà bình cách vui tươi, loại bỏ đi sự chiến thắng và chiến bại” (ibid. XV, 5). Do đó, Ngài nhấn mạnh rằng việc tự chiến thắng bản thân thì lớn hơn là sự chiến thắng người khác: “Mặc dù người ta có thể chiến thắng một ngàn lần một ngàn con người trong một trận chiến, nhưng người ấy sẽ là người chiến thắng cao cả nhất khi người ấy chiến thắng chính bản thân mình” (ibid, VIII, 4).

 

5. Ngoài những giáo huấn cao quý này, nhiều người trong xã hội của chúng ta đang vật lộn với sự ảnh hưởng của những vết thương quá khứ và hiện tại được tạo ra bởi tình trạng bạo lực và mâu thuẫn. Hiện tượng này gồm bạo hành gia đình, cũng như bạo lực kinh tế, xã hội, văn hóa và tâm lý, và bạo lực đối với môi trường, với ngôi nhà chung của chúng ta. Sự chọn lựa bất bạo động là một phong cách sống đang ngày càng đòi hỏi trong việc thực thi trách nhiệm ở mọi cấp độ [...]” (Diễn văn của đức Thánh cha Phanxicô nhân dịp trình bày thư bổ nhiệm, 15/12/2016).

 

6. Mặc dù chúng ta nhìn nhận sự độc nhất của hai tôn giáo của chúng ta, điều mà chúng ta vẫn đang cam kết, thì chúng ta đồng thuận rằng bạo lực xuất phát từ tâm hồn con người, và rằng những sự dữ cá nhân dẫn đến những sự dữ tổ chức. Do đó chúng ta được mời gọi để đồng hành với nhau: để nghiên cứu những nguyên nhân của bạo lực: để dạy cho những người tín đồ của chúng ta biết chiến đấu với sự dữ ngay trong tâm hồn họ; giải thoát cả nạn nhân và người gây hại về bạo lực khỏi sự dữ; đưa sự dữ ra ánh sáng và thách đố những người đang khuấy động bạo lực; đào luyện tâm hồn và tư tưởng của tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, biết yêu thương và sống trong hòa bình với mọi người và với môi trường; dạy rằng không có hoà bình mà lại không có công lý, và không có công lý thật nếu không có sự tha thứ; mời gọi tất cả mọi người hãy hợp tác với nhau trong việc ngăn chặn mâu thuẫn và tái thiết lại xã hội đã bị đổ vỡ; kêu gọi giới truyền thông hãy tránh và chống lại những lối nói gây hận thù, và việc đưa tin bài mang tính lấn loát và khiêu khích; khích lệ những cuộc cải tổ giáo dục để ngăn chặn việc làm méo mó và hiểu sai về những văn kiện mang tính lịch sử và sách thánh; cầu nguyện cho nền hoà bình thế giới trong khi bước đi cùng nhau trên con đường của bất bạo động.

 

7. Quý đạo hữu phật tử thân mến, chớ gì chúng ta hãy tích cực dấn thân cho việc cổ võ bên trong gia đình của chúng ta, các tổ chức xã hội, chính trị, dân sự và tôn giáo của chúng ta một phong cách sống mới mà ở đó tình trạng bạo lực bị loại bỏ và con người nhân loại được tôn trọng. Chính trong tinh thần này mà chúng tôi một lần nữa cầu chúc quý đạo hữu phật tử thân mến một Đại lễ Phật đản bình an và đầy niềm vui!

 

Làm tại Vatican,

 

Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, Nhiếp chính tại Roma kiêm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn.

Đức Giám mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn

 

Vân Tuyền (Nguồn: World Catholic News)

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin