Chi tiết tin tức Thiền sư Pomnyun: Đối mặt với thách thức giãn cách trong đại dịch 18:27:00 - 07/12/2021
(PGNĐ) - Thầy Pomnyun ( 법륜스님 ) là một vị Thiền sư nổi tiếng của Hàn Quốc, tác giả, nhà môi trường học, nhà hoạt động xã hội được đông đảo quần chúng kính trọng.
Thiền sư Pomnyun
Với tinh thần phụng sự không mệt mỏi, thầy đã thành lập nhiều tổ chức, sáng kiến và dự án hoạt động trên toàn thế giới. Trong số đó, “Jungdo Society” đặc biệt là một tổ chức tình nguyện, được sáng lập dựa trên cơ sở giáo lý Phật giáo, hướng đến sự bình đẳng, lối sống giản đơn và chú trọng việc giải quyết các vấn đề của xã hội đương đại như sự xuống cấp của môi trường, nạn đói kém và các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng. Với phong cách giảng dạy Phật pháp độc đáo, thâm thúy và dễ tiếp cận, thầy Pomnyun nhận được sự hoan nghênh của quần chúng tại Hàn Quốc và thế giới. Trong các buổi pháp thoại, theo hình thức hỏi - đáp gần gũi, những người tham gia được mời để nêu lên bất kỳ vấn đề nào mà họ quan tâm hay vướng mắc. Phần hỏi - đáp dưới đây được trích trong nội dung của một buổi thuyết giảng trực tuyến. Trong đó, thầy giải đáp về phương thức để vượt qua trở ngại giãn cách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tôi sống ở Sydney, Úc. Đã 10 - 12 tuần trôi qua nhưng chúng tôi vẫn còn phải thực hiện giãn cách xã hội vì Covid-19 và đôi lúc điều đó quả là khó khăn. Tôi bị căng thẳng đầu óc, nhạy cảm hơn với sự lộn xộn và tiếng ồn; nói chung là tôi cảm thấy lo lắng và bất an hơn. Thỉnh thoảng, tôi cũng ra ngoài để chạy bộ và tập thể dục, nhưng không mấy khả quan. Tôi sống với người bạn đời của mình trong một không gian nhỏ. Mặc dù không có bất kỳ nghi ngờ gì đối với tình cảm của chúng tôi, nhưng đôi lúc tôi vẫn cảm thấy hơi căng thẳng và không biết giải quyết chuyện này như thế nào. Vì vậy, câu hỏi của tôi là làm thế nào để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thời gian giãn cách? Chúng ta cảm thấy không thoải mái hay khó chịu cũng là chuyện bình thường, vì môi trường sống của chúng ta đã bị thay đổi kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cảm giác khó chịu đó dần dần sẽ trở thành sự căng thẳng. Nếu chúng ta trở lại cuộc sống giống như trước khi đại dịch xảy ra thì hầu hết những căng thẳng đó sẽ được giải quyết. Nhưng vấn đề đặt ra là: điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không thể trở lại cuộc sống bình thường giống như trước khi đại dịch bùng phát? Chúng ta sẽ phải sống với căng thẳng? Chúng ta có thể nào không bị căng thẳng mặc dù sống trong môi trường đã bị thay đổi hay không? Sống như thế nào tùy thuộc vào lựa chọn của chính bạn. Ví dụ, giả sử thức ăn hàng ngày của bạn là bánh mì. Nhưng bạn vừa mới chuyển đến Hàn Quốc, và bánh mì ở đây thì chẳng dễ gì mua được. Thay vào đó, bạn phải ăn cơm, nhưng bạn không thích cơm; bạn cảm thấy áp lực về thức ăn. Nếu như thế thì bạn phải làm thế nào? Bạn sẽ trở về nhà? Nhưng bạn đang ở trong hoàn cảnh bắt buộc phải sống ở Hàn Quốc. Vấn đề được đặt ra là liệu bạn có thể sống như vậy mà không bị căng thẳng và áp lực hay không? Tại sao chúng ta lại căng thẳng trong những tình huống như vậy? Hầu hết chúng ta nghĩ rằng nguyên nhân nằm ở thức ăn, nhưng thật sự không phải như thế. Cảm giác áp lực và căng thẳng đó bắt nguồn từ chính thói quen hàng ngày của chúng ta. Nếu thức ăn khiến người ta cảm thấy áp lực thì những người Hàn Quốc ăn cơm hàng ngày cũng sẽ cảm thấy căng thẳng. Nhưng thực ra, thói quen ăn bánh mì mỗi ngày đã chống lại tình huống buộc bạn phải ăn cơm, sự phản kháng này khiến bạn rơi vào căng thẳng. Trong những hoàn cảnh như vậy, có hai cách để lựa chọn: thứ nhất, bạn có thể tiếp tục thói quen của mình và mua bánh mì để ăn hàng ngày. Thứ hai, bạn có thể điều chỉnh khẩu vị của mình để quen dần với việc ăn cơm. Thay đổi nghiệp của một người là việc không dễ dàng gì. Tuy nhiên, những phương pháp tu tập và rèn luyện tâm thức sẽ giúp chúng ta chuyển hóa nghiệp lực và đạt đến tự tại, giải thoát. Đối với việc đeo khẩu trang cũng như thế. Nếu ai đó được đeo khẩu trang từ khi còn bé thì họ sẽ cảm thấy đó là một phần không thể thiếu của trang phục hàng ngày của họ. Ngược lại, vì không quen với việc đeo khẩu trang nên khi đeo, chúng ta bị ngột ngạt và khó chịu. Như vậy, chúng ta thấy rằng cảm giác khó chịu không phải do khẩu trang mà tại vì thói quen của chính chúng ta. Khi cảm thấy khó chịu, thay vì đổ lỗi cho môi trường và hoàn cảnh, bạn hãy nhận diện những gì khởi lên trong tâm và tự nhắc nhở mình rằng: “sự khó chịu này bắt nguồn từ thói quen của tôi.” Nhờ đó, bạn sẽ không còn bị căng thẳng, mặc dù những cảm giác khó chịu vẫn còn. Một người thực hành Pháp sẽ nhận ra rằng những cảm giác khó chịu đến từ việc phản kháng và chống lại nghiệp lực, chứ không phải do đại dịch. Vì vậy, đừng quá căng thẳng khi không thể đi ra ngoài. Trước đại dịch, chúng ta đã từng tham dự các khóa thiền tập tại các trung tâm thiền nhỏ hẹp trong vòng một tuần lễ đúng không? Vậy thì hiện tại, bạn hãy cố gắng thay đổi nhận thức của mình và nghĩ rằng “Mình đang ở trong một trung tâm thiền”. Thực ra, khi bạn cảm thấy căng thẳng và áp lực thì bạn đã thua cuộc trước con vi-rút này rồi. Hãy làm những việc có thể trong hoàn cảnh cho phép, chẳng hạn như: dọn dẹp nhà cửa, thực tập thiền và tìm kiếm bất cứ phương pháp nào có thể khiến bạn sống một cách tự tại trong mọi hoàn cảnh. Khi bạn rơi vào căng thẳng thì đó là thất bại của bạn. Chẳng ai khiến bạn căng thẳng cả. Chính phủ hạn chế việc di chuyển của người dân để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Vì vậy, mọi người phải chấp nhận những hạn chế này nhằm ngăn chặn những tổn thất to lớn hơn trong tương lai.
Phổ Tâm lược dịch
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |