Chi tiết tin tức

Thupten Jinpa – Người Phiên Dịch Với Trái Tim Dũng Cảm

17:02:00 - 14/07/2016
(PGNĐ) -  Thupten Jinpa là một tu sĩ đã hoàn tục, một nhà văn và trong suốt 30 năm qua là phiên dịch tiếng Anh chính cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Dalai Lama Visits Seattle To Start US Tour

Thupten Jinpa và Đức Đạt Lai Lạt Ma. (Nguồn: onbeing.org)

Với tư cách một học giả Phật giáo, Jinpa đã khai mở một khóa học tại Trường Y khoa Stanford với tên gọi “Đào tạo tu dưỡng tính thiện” (CCT) nhằm dạy mọi người một loạt các kỹ thuật thiền định được thiết kế để giúp đỡ con người xây dựng từ bi. Cuốn sách của ông có tên gọi “Trái tim dũng cảm: Làm thế nào sự can đảm là từ bi có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta” đưa ra những hướng dẫn dựa trên nghiên cứu khoa học và truyền thống Phật giáo để lý giải làm cách nào thực hành từ bi có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.

“Lợi ích đầu tiên của từ bi dành cho chính bản thân bạn”, Jinpa nói với biên tập viên Dan Harris trong cuộc phỏng vấn cho chuyên mục “Hạnh phúc hơn 10%” của ABC News.

“Từ bi là phản ứng tự nhiên mà bạn trải nghiệm trên gương mặt của một người nào đó đang trải qua khổ đau, nơi mà bạn có thể nối kết với những trải nghiệm của người đó và mong muốn làm điều gì đó với trải nghiệm này”, Jinpa lý giải. “Nếu bạn có thể rèn luyện trí nghĩ của bản thân thì bạn có đầy đủ nhiệt tình để cảm thông, để rồi biến thành từ bi, và những lưu tâm của bạn sẽ có nhiều giải pháp hơn là bị mắc kẹt trong đau khổ”.

Jinpa ngồi cùng biên tập Harris để nói về hoàn cảnh của bản thân, công việc của ông cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma, giảng dạy và nghiên cứu về từ bi cũng như nói về mối quan hệ giữa từ bi và cạnh tranh. Jinpa biện luận rằng từ bi đối với mọi người, dù có cảm tính như thế nào chăng nữa, thì vẫn là những lợi ích của chính chúng ta.

“Nếu bạn có thể đưa từ bi vào cuộc sống của mình, bạn sẽ hưởng lợi, bởi lẽ bạn sẽ trở nên hạnh phúc hơn”, Jinpa nói.

Jinpa đã làm việc với Đức Đạt Lai Lạt Ma hơn ba thập kỉ. Ông nói đùa rằng, thậm chí cả Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng có lúc muộn phiền.

“Tất nhiên, Ngài cũng chỉ là một con người”, Jinpa nói. “Đối với tôi, một cách thành thật, thỉnh thoảng tôi thấy Ngài mất kiềm chế và mắng tôi, tôi thực sự cảm thấy tôn trọng Ngài hơn, bởi vì Ngài không cố gắng để che giấu điều đó. Ngài rất chân thành và thành thực. Những gì bạn thấy chính là điều bạn biết về Ngài. Tất nhiên Ngài sở hữu sự tinh thông của trí nghĩ, đó là điều cực kì ấn tượng, tuy vậy, khi một ngày đi qua, Ngài cũng chỉ là một con người mà thôi”.

Thời thơ ấu của Jinpa chất chứa đầy biến loạn. Năm 1959, khi cuộc nổi dậy của người Tây Tạng chống lại Trung Quốc xảy ra, Jinpa chỉ mới khoảng 1 tuổi, gia đình ông chạy trốn khỏi Tây Tạng và định cư ở Ấn Độ. Khi Jinpa lên 9 tuổi, mẹ ông qua đời và người cha rời bỏ ông để vào chùa. Bản thân Jinpa trở thành một chú tiểu vào năm 11 tuổi khi cậu bé Jinpa vẫn đang còn ở trong một ngôi trường nội trú.

“Lí do tôi chọn trở thành tu sĩ là vì tôi nhớ rất rõ ràng một nhóm các nhà sư đến và lưu lại vài tuần ở trường của chúng tôi. Mỗi nhà sư được phân công ở cùng một lớp”, Jinpa chia sẻ. “Những câu chuyện các tu sĩ kể về Ấn Độ cổ đại và Phật giáo cũng như cuộc đời Đức Phật thực sự rất cuốn hút. Và tất nhiên, một đứa trẻ 8 – 9 tuổi như tôi thực sự chỉ muốn như họ”.

Jinpa cho hay, năm 1985 ông trở thành thông dịch viên Anh ngữ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma một cách “ngẫu nhiên thuần túy”. Jinpa cho biết lúc bấy giờ ông đang đến thăm anh chị em của mình ở Dharamsala, Ấn Độ khi Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đang viếng thăm khu vực này để truyền giảng giáo lý. Khi ngày đầu tiên của khóa học diễn ra, thông dịch viên ban đầu của Đức Đạt Lai đã không thể làm việc.

“Họ tìm kiếm người nào đó có thể thay thế viên thông dịch nọ”, Jinpa nói. “Sau đó họ truyền đi thông tin rằng vị sư trẻ nào sử dụng tốt tiếng Anh có thể đảm nhận được công việc này. Cứ thế thông tin lan ra và tôi đã nắm lấy chỗ ngồi của mình và đặt bản thân vào vị trí thông dịch viên cho Đức Đạt Lai Lạt Ma”.

Jinpa kể, vài ngày sau đó, ông nhận được một cuộc điện thoại của Đức Đạt Lai đề nghị ông trở thành người phiên dịch chính thức của Ngài.

“Tôi đã khóc”, Jinpa nói. “Bạn biết đó, đối với một người Tây Tạng, ở bất kì độ tuổi nào, với chúng tôi, Đức Đạt Lai Lạt Ma là một người cực kì vĩ đại, là nguồn gốc ý nghĩa của chúng tôi, là nguồn gốc mục đích của chúng tôi, sự tồn tại của chúng tôi trong cộng đồng. Vì vậy tôi, lẽ tất nhiên, đã vô cùng xúc động”.

Cuối cùng thì Jinpa cũng đã rời khỏi tu viện vì ông muốn lập gia đình.

“Một trong những điều mà tôi luôn đấu tranh trong con người tu sĩ đó là khát vọng về một mái ấm gia đình”, ông nói. “Có thể là vì tôi đã bị mất cuộc sống gia đình từ rất, rất sớm”.

“Tôi không bao giờ có một gia đình thực sự của niềm ấm áp, của sự thương yêu, của kí ức”, Jinpa tiếp lời. “Vì vậy tôi nghĩ tồn tại một khát vọng về gia đình và khát vọng đó chưa bao giờ thực sự mất đi”.

Jinpa đã kết hôn và hiện nay vợ ông và hai cô con gái đang sống ở Montreal (Canada). Ngoài làm việc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, Jinpa còn giữ vai trò chủ tịch của Viện Trí tuệ và Cuộc sống – một cơ quan phi lợi nhuận tiến hành các nghiên cứu khoa học về tác động của những kỹ thuật chánh niệm đối với não bộ.

“Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy bạn từ bi hơn, bạn càng có thể mang lại lợi ích cho hạnh phúc của người khác như một phần của sự cân bằng, và bạn sẽ cảm thấy bớt lo lắng hơn”, Jinpa nói. “Bằng cách khai mở chính bản thân mình, đem lại không gian cho người khác bạn sẽ loại trừ, thuyên giảm sự lo âu và đau khổ của chính chúng ta”.

Dân Nguyễn

Dịch từ (ABC News)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin