Chi tiết tin tức Bạo lực ở giới trẻ - Nguyên nhân hình thành và phương pháp giải quyết 14:39:00 - 18/03/2015
(PGNĐ) - Tình thương trong Phật Giáo được hiểu là hạnh Từ Bi. “Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc. Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ” – từ là đem lại cho chúng sanh hết thảy niềm vui, bi là xoá nhoà cho chúng sanh hết thảy nổi buồn. Như vậy, chúng ta hiện diện trên cõi đời này là cho nhau và vì nhau.
Hiện nay, vấn đề bạo lực học đường dường như đang trở thành vấn đề tâm điểm, nóng lên từng giờ và nhức nhối từng ngày. Câu chuyện về nữ sinh bị đánh hội đồng do tội “không nghe lời” lớp trưởng chưa kịp lắng xuống thì sự kiện hỗn chiến giữa 20 học sinh nam lại được diễn ra. Không chỉ dừng lại ở đó, tình trạng tội phạm tuổi học đường ngày càng gia tăng về số lượng và gia tăng về độ ghê gớm trong hành động. Một học sinh lớp 11 nhẫn tâm đâm, siết cổ đến chết một giáo viên; rồi còn thiêu xác để tạo hiện trường giả thì quả thật là vô cùng nhẫn tâm. Vậy đâu là nguyên nhân của sự thoái hoá trong giới trẻ hiện tại. Và đâu là phương pháp giải quyết những vấn nạn đang hiện hữu? Trong khuôn khổ bài chia sẻ và dưới cái nhìn phiến diện của cá nhân, chúng tôi xin đưa ra vài ý kiến để cùng chia sẻ với độc giả.
I. NGUYÊN NHÂN BẠO LỰC. Xưa có câu: “Nhân chi sơ, tánh bản thiện”, như vậy, việc tâm hồn, đạo đức các em bị thoái hoá đó phải là một quá trình đã diễn ra lâu dài. Giờ đây, đó chỉ là những biểu hiện, những kết quả đầu tiên của cái quá trình thoái hoá đó. Và lẽ dĩ nhiên, nguyên nhân phải từ nhiều nguồn và trải qua trong cả một khoảng thời gian thích đáng. 1. Gia đình – cái nôi tình thương vững chắc Nguyên nhân đầu tiên chúng tôi dám khẳng định đó chính là từ gia đình của các em. Gia đình không chỉ là nền tảng mà nó còn là nguồn năng lượng định hướng cho đạo đức của các em phát triển. Gia đình ngày xưa, con cái lớn lên trong sự giáo dục của “nghiêm phụ” và “từ mẫu”. Người cha nghiêm khắc và người mẹ hiền lành. Lớn lên bằng lời khuyên nhủ ngọt ngào, thân thương của mẹ và cây roi nghiêm nghị của cha đã là một truyền thống tốt đẹp ăn sâu vào tâm thức của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung. Nhưng bây giờ, thì các em không còn được cái diễm phúc đó nữa rồi. Đa phần hiện tại, mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con. Cuộc sống lại càng ngày càng phát triển, kinh tế ổn định, tài chính dư dã,… Nên việc cha mẹ dồn sức để lo cho con cái cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc “lo cho con” và “chìu hư con” cũng chỉ là một đường kẻ ranh giới mỏng manh. Với tâm niệm: “đời mình khổ nhiều rồi, đời con mình phải được sung sướng” nhiều bậc phụ huynh đã vô tình làm cho đạo đức ở con cái mình bị suy thoái mà không hề hay biết. Con trai ngày xưa, còn nhỏ thì ra đồng phụ giúp việc cày cấy. Lớn lên đi học, xe đạp hư cũng biết tự sửa những việc giản đơn. Việc trong nhà, thay bóng đèn, sửa điện đuốc, đèn đóm được xem là chuyện vặc. Con gái, nhỏ thì phụ mẹ nhặt rau, quét nhà. Lớn biết trông em, rửa bát. Chuyện nội trợ đôi khi cũng được người con gái lớn đảm đương. Nhưng với cuộc sống ngày nay, điều này càng ngày càng trở nên hiếm hoi. Với cái lý do vừa chính đáng lại vừa chống chế “để thời gian cho con nó học hành” các em đã dần dần tự chiều chuộng cho việc biếng nhác của tự thân. Còn cha mẹ thì cố nhiên, cũng ủng hộ với lý do đó. Đó là đề cập đến khía cạnh các con, còn về phần cha mẹ thì như thế nào? Cũng từ chính cái quan điểm: “đời mình khổ nhiều rồi, đời con mình phải được sung sướng” nên nhiều bậc phụ huynh lao vào kiếm tiền nhằm tạo dựng một tương lai tươi sáng cho con của mình. Và cũng vô tình, khoảng cách giữa con cái và cha mẹ, hay nói đúng hơn là khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình ngày một xa nhau hơn. Nhiều bậc cha mẹ đi làm khi con chưa thức và trở về khi con đã đi ngủ rồi. Chuyện học tập thì có gia sư quản lý, chuyện đưa rước thì có xe ôm hay tài xế riêng, chuyện ăn uống thì có cô giúp việc. Cứ như thế, thời gian gia đình đoàn tụ dần thưa thớt theo từng ngày. Bữa cơm gia đình không còn được duy trì khi bố mẹ bận đối ngoại, gặp gỡ khách hàng; con cái thì tiệc tùng, vui chơi cùng bạn bè. Và hệ quả là sự suy thoái đạo đức là điều không tránh khỏi. 2. Môi trường sống – sự tưới tẩm hằng ngày Nếu hồi đó, các em được lớn lên với trời xanh, mây trắng, đồng lúa trĩu vàng, cánh cò trắng lượn,… thì ngày nay, các em lớn lên với thành phố ồn ào, đường xá đông đúc, xe cộ tấp nập, nhịp sống hối hả… Dĩ nhiên, đây là điều không tránh khỏi khi cuộc sống ngày một hiện đại. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là sự hiện đại đó lại kéo theo những hệ quả âm thầm ăn dần, ăn mòn vào tâm hồn của các em. Hằng ngày, nhan nhản trên tivi và các phương tiện truyền thông đều là những bộ phim súng đạn, chém giết, chết chóc… Các trò chơi điện tử cũng xoay quanh những chủ đề và nội dung như vậy. Chính những điều này đã ngày một, dần dần tẩm ướp vào hạt giống thánh thiện bên trong bản chất của các em những thứ vẫn đục. Sự hoen ố này không dễ dàng để nhận biết và cũng không dễ dàng để chuyển hoá. Nếu những trò chơi đó với mục đích “trưởng thiện, phạt ác” mà có cảnh chém giết thì cũng đã ít nhiều làm cho tâm hồn các em tiếp xúc dần, ảnh hưởng dần của giết chóc. Huống hồ là lấy sự chém giết để thoả mãn cho nhu cầu chiến thắng, nhu cầu chứng minh mình mạnh hơn người khác,… như trong các trò chơi điện tử hiện nay thì thật sự là nguy hại vô cùng. Chính từ điều này chúng ta mới thấy rằng, những sân chơi lành mạnh, những tổ chức giáo dục cho thanh thiếu đồng niên quả thật là vô cùng cần thiết. Những mô hình như trường Bồ Đề từ các cấp mầm non, tiểu học, trung học và lên đến đại học Vạn Hạnh quả là thành tựu vô cùng to lớn mà rất tiếc đến giờ phút này chúng ta đã đánh mất, khó lòng phục dựng. Những tổ chức như Gia Đình Phật Tử Việt Nam, Hướng Đạo Phật tử, Thanh niên Phật tử, Học sinh Phật tử,… cũng là những cái nôi ươm mầm cho đạo đức giới trẻ Việt Nam cần lắm được nuôi dưỡng, phát triển và lan rộng. 3. Đồng tiền – ma lực ghê gớm Như đã giới thiệu ở trên, các bậc phụ huynh do tâm nguyện muốn dựng xây một tương lai cho thế hệ con em, nên đã cố gắng lao động để kiếm thật nhiều giá trị vật chất. Để rồi từ đó, đánh mất thật nhiều giá trị tinh thần. Từ đó, mới thấy, giá trị đồng tiền có ma lực vô cùng ghê gớm. Không chỉ dừng lại ở đó, ma lực này còn chi phối với chính các em. Sáng thức dậy, sinh hoạt phí hằng ngày được ba mẹ để sẵn kế bên bữa ăn sáng. Có em thì được nhận theo từng tuần hoặc hằng tháng. Có em gia đình có điều kiện thì tài khoản ngân hàng luôn rủng rỉnh. Vậy là các từ tập dần việc xài tiền phát triển thành biết cách xài tiền và đi đến lấy tiền làm công cụ để đạt được các dục vọng tự thân. Thật sự, cần nhìn nhận, do thiếu sự quan tâm đúng mức của cha mẹ, nên các em chỉ còn một đường hướng duy nhất là lấy vật chất do cha mẹ chu cấp để lấp đi khoảng trống tình thương. Và rồi, đi từ sai lầm này đến vấp ngã khác. Các em như con thiêu thân lao vào các hoạt động giải trí thiếu lành mạnh: ăn uống, nhậu nhẹt, bar, cỏ, thuốc, ma tuý,… là những cám dỗ có chiều hướng tăng dần đều trong quá trình lấp đầy khoảng trống hạnh phúc đó. Và thứ đã cổ suý cho những hành động sai trái đó dĩ nhiên chính là đồng tiền. Từ dư tiền ăn chơi, đến đủ tiền ăn chới, rồi thiếu tiền ăn chơi, cuối cùng là mượn tiền ăn chơi. Đến mức độ này thì các em buột lòng thực hiện những hành động có thể gọi là “tán tận lương tâm” để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đang thôi thúc, đốt cháy tâm thức các em, đó cũng là điều dễ suy luận ra. Như vậy, đồng tiền có lỗi không? Nó chỉ là đồng phạm mà thôi. Thế còn thủ phạm? Chính là khoảng trống tình thương trong trái tim của các em mới là thủ phạm chính tạo thành một con người bị suy thoái đạo đức như các em. 4. Định hướng giáo dục – đạo đức và bằng cấp. Với xu hướng và định kiến càng ngày càng lệch lạc trong giáo dục cũng là nguyên nhân làm suy thoái đạo đức của giới trẻ. Nếu trước đây: “Tiên học lễ, hậu học văn” thì bây giờ có lẽ vế đầu tiên không còn được chú trọng nữa rồi. Mục tiêu các em đến trường là để học cho “giỏi”. Giỏi là đạt điểm tối đa ở những môn “cần thiết” như: toán, lý, hoá, anh văn – những môn học được cho là sẽ mang lại cho các em cơ hội thuận tiện hơn trong tương lai. Còn những môn học như: văn, sử, địa thì thuộc diện học tàm tạm là được rồi. Vì sau này, các em đi làm kinh tế, làm ngoại thương, làm kỹ sư, làm bác sĩ đâu cần những môn học ấy bổ trợ kiến thức. Một suy nghĩ sai lầm thay và lệch lạc thay. Đó là chưa nói đến những môn học như: đạo đức, giáo dục công dân dĩ nhiên là được liệt vào hàng ưu tiên hạng bét trong số các môn học của các em. Chương trình nặng nề, học thêm quá nhiều, bài tập quá khó, kiến thức mông lung thì làm sao các em đủ thời gian mà quan tâm đến các môn học “nhỏ bé” này. Trong khi, các môn học ấy lại có vai trò, giá trị to lớn để dựng xây, định hình, phát triển một tâm hồn thánh thiện và thuần thiện. Trong khía cạnh này, thầy cô giáo cũng có phần trách nhiệm. Chạy đua thành tích, áp lực từ cấp trên,… cũng làm cho thầy cô giáo vô tình gây nên những hoen ố trong tâm thức các em. Bên cạnh đó, cũng do đồng tiền, từ lúc bước chân ra cổng trường Sư Phạm với tâm huyết, nhiệt huyết cùng nền giáo dục; quý thầy cô, cũng dần bị cuốn trôi. Dạy trên lớp chỉ phần nào đó kiến thức để buộc các em phải đi học thêm. Đề kiểm tra ra khác những gì đã học, em nào học thêm thì sẽ được làm trước để đạt điểm số cao. Tất cả những điều này không lạ và không hiếm trong thời buổi này. Chỉ là chúng ta không dám nhìn nhận và công khai nhìn nhận vấn đề mà thôi. Quý thầy cô như vậy thì làm sao đủ tâm để đào tạo một thế hệ học sinh có tâm. Dĩ nhiên chúng tôi không có ý đánh đồng toàn bộ giáo viên trong quan điểm này. II. ĐÂU LÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT. Tất cả những nguyên nhân trên sẽ là vô nghĩa, nếu chúng ta không đưa ra được phương pháp giải quyết tích cực cho các tình trạng suy thoái hiện tại. Vậy đâu là phương pháp hiệu quả? 1. Vô ngã, vị tha. Chữ ngã nếu dịch cho dễ hiểu là cái tôi. Giới trẻ bây giờ vì cái tôi quá nhiều. Tiền bạc của tôi, danh vọng của tôi, địa vị của tôi, người yêu của tôi,… thậm chí là: lời nói của tôi, hành động của tôi, công lao của tôi,… Có hằng trăm, hàng ngàn cái tôi. Để rồi chính những cái tôi đó nuôi lớn dần thêm lên cái “vì cái tôi”. Từ trong Phật học gọi là ngã sở. Chính vì muốn bảo vệ cái tôi, và những cái của tôi mà cái “vì cái tôi” đó sẵng sàng làm mọi chuyện từ nhỏ bé, vi tế đến lớn lao, hung tợn. Vì thoả mãn sự hưởng thụ của tự thân nên sinh trộm cắp. Trộm cắp bị phát hiện cũng vì danh dự của cái tôi mà sinh ra giết người. Giết người xong lại đốt xác phi tan để cái tôi tránh bị liên luỵ. Vì lời nói của tôi không được đáp ứng mà đánh bạn đồng học. Vì muôn vàn cái tôi mà lao vào nhau hỗn chiến để chứng minh cái tôi ấy. Ông bà ta, cũng dạy cần dẹp bỏ cái tôi. Và thay vào tinh thần vị kỷ đó là tinh thần vị tha – mình vì mọi người. Ca dao, tục ngữ có câu: “lá lành đùm lá rách” cũng hàm ý ca ngợi tinh thần vị tha đó. Trong Phật Giáo, tinh thần vô ngã – vị tha luôn luôn được đề cao và khuyến khích. Thông qua giáo lý Duyên khởi, Tương tức, Tương nhập, Tương quan; chúng ta dễ dàng nhận thấy: mọi sự vật, sự việc, con người, động thực vật, hiện tượng thiên nhiên,… nói tổng lại là vạn pháp đều có sự liên hệ mật thiết với nhau và cùng nhau phát triển tốt đẹp. Do đó, tôi đồng hành cùng anh và anh cũng đồng hành cùng tôi để chúng ta cùng nhau phát triển. Bởi vì anh đau khổ thì tôi cũng đau khổ và ngược lại. Bầu khí quyển này ô nhiễm thì con người sinh ra nhiều bệnh tật. Thiên nhiên với con người đã như vậy thì huống hồ con người và con người. Do đó, tinh thần vô ngã vị tha phải được giới trẻ ghi nhận, học tập và phát triển trong đời sống hằng ngày. Muốn thực hiện trọn vẹn tinh thần vô ngã – vị tha đó, thì tình thương là nguồn động lực, là chất xúc tác, là nguyên liệu để phát triển tinh thần kia. 2. Tình thương – sự trị liệu tuyệt vời. Hồi nhỏ, bài học đầu tiên chúng tôi được học là về tình thương. Thương cha, thương mẹ, thương anh, thương chị, thương ông, thương bà. Rồi tình thương lớn dần lên, lan rộng ra thương tổ quốc, thương đồng bào, thương làng xóm, thương bạn bè, thương thầy cô, thương đồng loại, thương cây cỏ, thương con sâu cái kiến nhỏ bé,… Thương như vậy thì làm sao mà nỡ làm hại lẫn nhau. Ông bà ta có câu: “Thương người như thể thương thân” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “Bầu ơi, thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống như chung một giàn”. Còn nhiều lắm, rất nhiều những lời dạy của ông bà ta về tình thương một cách gần gũi, đơn sơ và lắng đọng như vậy. Càng ngày chúng tôi càng thấy thưa dần hơn hình ảnh các em ngồi ê a học thuộc lòng những câu ca dao thân thương đó. Vậy thì làm sao đạo đức các em không suy thoái. Tình thương trong Phật Giáo được hiểu là hạnh Từ Bi. “Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc. Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ” – từ là đem lại cho chúng sanh hết thảy niềm vui, bi là xoá nhoà cho chúng sanh hết thảy nổi buồn. Như vậy, chúng ta hiện diện trên cõi đời này là cho nhau và vì nhau. Nếu cha mẹ biết sự hiện diện của cha mẹ có vai trò to lớn và tầm giá trị quan trọng với con cái tức là cha mẹ có từ bi. Nếu thầy cô biết sự tận tuỵ không vụ lợi của thầy cô có sự ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn của các em tức là thầy cô có từ bi. Nếu các em biết sự đồng cảm, thương yêu của mình sẽ mang lại nguồn động lực mạnh mẽ đối với mọi người; tức là các em có từ bi. Nếu các em biết chăm chỉ học tập, vui chơi chừng mực, biết giới hạn trong mọi hành động đó chính là các em có từ bi. Và chúng tôi dám chắc chắn khẳng định rằng, khi từ bi hiện hữu thì không bao giờ có bạo lực, có hận thù và có sự suy thoái, hoen ố tâm hồn. III. ĐÔI DÒNG ĐÚC KẾT Tất cả những nguyên nhân trên, tất cả những phương pháp giải quyết trên sẽ mãi mãi là bút mực vô nghĩa nếu chúng ta không nhìn nhận, không tư duy, không thực hành, không áp dụng, không rút kinh nghiệm… Chúng tôi viết ra, để tự thân chúng tôi nhìn nhận, tư duy, thực hành, áp dụng trong đời sống của tự thân chúng tôi. Nhân tiện chia sẻ cùng đại chúng để như là lời tâm tình trong cuộc sống thường nhật. Các em học sinh đã lỡ lầm sai phạm. Dư luận kẻ đồng tình người phản đối về hình thức kỷ luật dành cho các em. Nhưng những hình thức kỷ luật đó chỉ giải quyết hậu quả các em đã tạo ra mà hoàn toàn vô nghĩa, bất lực trong việc cải đổi tâm hồn các em. Các em sai lầm do tâm thức tác động thì phải chuyển hoá tâm thức – đây mới là việc giáo dục chuẩn xác và tích cực. Như văn sám hối có đoạn: “Tội từ tâm khởi đem tâm sám Tâm được diệt rồi tội diệt theo Tội tiêu tâm diệt thảy đều không Thế mới thật là chân sám hối”. 17.03.2015 TUỆ QUÝ
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |