Chi tiết tin tức Chuyển đổi số trong giáo dục Phật giáo đương đại 14:57:00 - 03/06/2023
(PGNĐ) - Kế thừa hàng nghìn năm truyền thống văn hóa của Phật giáo dân tộc và hơn bốn mươi năm phát triển, giáo dục Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện đã hoàn thiện thành một hệ thống có chiều sâu, hòa nhập vào hệ thống quy chuẩn của nền giáo dục quốc dân.
GIÁO DỤC PHẬT GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Thảo Dụ, Phật dạy: Ví dụ trong một trận mưa, nước mưa rơi xuống, thấm nhuần các chủng loại cỏ cây, cây lớn hút nước nhiều, cây nhỏ hút nước ít, song qua quá trình mưa xuống, tất cả đều hút nước và tươi tốt. Cũng vậy, trong buổi thuyết pháp của Đức Phật, có vô số chúng sanh nghe pháp, người trí nghe và hiểu pháp nhiều, người kém trí nghe và hiểu ít, song qua quá trình nghe pháp, mọi người đều nghe và lần lượt giải thoát”. (HT. Thích Trí Tịnh dịch, Nxb. Tôn giáo) Phật giáo là một tôn giáo lớn của nhân loại. Đức Phật là một nhà giáo dục tuyệt vời, Ngài vận dụng khéo léo nguyên tắc khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ để chữa cho người bệnh khổ, cho mọi chúng sanh, như Ngài từng nói: “Ta như vị lương y tùy bệnh cho thuốc”. Vì vậy, trong giáo dục Phật giáo, phương pháp được áp dụng từ kinh nghiệm thực tế của sự tu tập nơi chính bản thân. Tùy theo căn tánh, trình độ, hoàn cảnh… mà Đức Phật có phương pháp giảng dạy cho đối tượng. Ví dụ người nặng lòng sân thì Phật dạy tu quán từ bi, người nhiều tham dục Ngài dạy pháp quán bất tịnh. Đây là phương pháp giáo dục đối trị. Từ lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Giáo đoàn Nguyên thủy đã kết tập nên cốt lõi của Phật giáo là Kinh tạng và Luật tạng. Trải qua nhiều thế kỷ với bao biến đổi thăng trầm, một hệ thống Luận tạng phát triển vô cùng phong phú dựa trên Pháp và Luật do Đức Thế Tôn trao truyền. Kinh, Luật và Luận là Pháp bảo của Phật giáo và đó cũng là ngọc báu vô cùng quý giá trong kho tàng tri thức nhân loại. Từ Tam tạng thánh điển của Phật giáo, hậu thế có thể rút ra những nguyên tắc, bài học cho các hoạt động tu học cá nhân, đoàn thể và chung sống hòa hợp giữa người với người. Muốn đạt được điều ấy nhất thiết phải chú trọng giáo dục Phật giáo để trao truyền chất “Phật” từ thế hệ này sang thế hệ khác. Giáo dục Phật giáo là giảng dạy giáo lý từ cơ bản đến thậm thâm vi diệu của Đạo Phật cho người học. Người học gồm tứ chúng là Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di. Hiện nay có ba truyền thống giáo dục Phật giáo là Nam tông, Bắc tông và Mật tông. Mỗi truyền thống đều có nét đặc sắc riêng về Phật giáo nguyên bản. Mục tiêu của giáo dục Phật giáo không ngoài việc thúc đẩy người học tiếp thu đúng đắn giáo lý Đạo Phật, trở nên có chánh tư duy, chánh kiến, từ đó người học tin tưởng, thực hành, tinh tấn trên đạo lộ giải thoát. Nghĩa là giáo dục Phật giáo đào tạo Phật tử thụ đắc pháp học, pháp hành và nếm trải pháp vị, trở thành người có ích cho Tăng đoàn và xã hội. Học Phật để đối trị tâm mình, bởi vì Phật nói tất cả pháp để trị tất cả tâm; nếu không có tất cả tâm cần gì dùng đến tất cả pháp? (Phật thuyết nhất thiết Pháp, vi trị nhất thiết tâm; nhược vô nhất thiết tâm, hà dụng nhất thiết Pháp?). Giáo dục Phật giáo còn đảm trách thêm nhiệm vụ đào tạo Phật học như một ngành khoa học. Do đó, vai trò của người giảng dạy còn là người truyền trao phương pháp, kỹ năng nghiên cứu vấn đề. Còn người học phải có am hiểu và bản lĩnh tự mình tìm tòi, giải thích vấn đề Phật học một cách khoa học, lớp lang, bài bản. Từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, giáo dục Phật giáo đã luôn tồn tại trong lòng dân tộc. Từ những vị Tăng Ni đầu tiên ở trung tâm Phật giáo Luy Lâu, Phật giáo nước Việt đã bắt rễ trong lòng dân tộc. Từ thế kỷ V đến thế kỷ X, giáo dục Phật giáo đã dần lớn mạnh thông qua sự đào tạo truyền thừa của các thiền phái: thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền phái Vô Ngôn Thông và thiền phái Thảo Đường. Các vị Tỳ kheo được triều đình Ngô, Đinh và Tiền Lê kính trọng do tài năng, đức độ và vai trò cứu nhân độ thế, giúp vua, giúp nước. Đến thời kỳ nhà Lý-Trần, Phật giáo như một tôn giáo chủ lưu (Quốc giáo) trong đời sống dân tộc đã khuyến tấn hàng ngũ vua, quan thực hành những biện pháp trị vì gần gũi với lời Phật dạy. Trong suốt thời kỳ nhà Hậu Lê và thời Nguyễn, dù có nhiều gian truân, trắc trở, nhưng Phật giáo vẫn sống chan hòa trong nhân gian và hóa độ rất nhiều người từ bình dân đến quý tộc nhà Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Đến đầu thế kỷ XX, phong trào Chấn hưng Phật giáo xuất hiện. Báo chí chữ Quốc ngữ là diễn đàn giáo dục tinh thần yêu nước, lan tỏa giá trị Phật học đến mọi nhà. Các trường đào tạo Tăng tài mở ra ở nhiều nơi trải từ Hà Nội vào Huế, đến Nha Trang, Bình Định, Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đến giữa thế kỷ XX, hệ thống trường Bồ Đề do Phật giáo triển khai đã đào tạo được rất nhiều con em gia đình Phật tử. Năm 1964, Viện Đại học Vạn Hạnh ra đời giáo dục chuyên môn về Phật học, Văn học, Triết học… đã tạo được tiếng vang lớn và đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Kế thừa hàng nghìn năm truyền thống văn hóa của Phật giáo dân tộc và hơn bốn mươi năm phát triển, giáo dục Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện đã hoàn thiện thành một hệ thống có chiều sâu, hòa nhập vào hệ thống quy chuẩn của nền giáo dục quốc dân. Hệ thống giáo dục Phật giáo hiện tại bao gồm các bậc học sau: – Sơ cấp Phật học; – Trung cấp Phật học; – Cao đẳng Phật học; – Cử nhân Phật học; – Thạc sĩ Phật học; – Tiến sĩ Phật học. Hệ thống đào tạo chuyên ngành giảng sư: – Trung cấp giảng sư – Cao cấp giảng sư Cả nước có 4 Học viện Phật giáo Việt Nam: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP. Cần Thơ, có chức năng đào tạo chương trình Đại học Phật giáo (Cử nhân, Cao đẳng Phật học) và sau Đại học (Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học). Chương trình đào tạo Tăng Ni sinh đã liên kết với nhiều trường Đại học ở các nước trong khu vực, có hàng trăm Tăng Ni du học sinh đang theo học ở các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Hoa Kỳ… Bên cạnh hệ thống trường lớp, Giáo hội đã biên soạn và ấn hành bộ sách giáo khoa Trung cấp Phật học. Đây là bộ sách mang tính khoa học có hệ thống dành cho hệ Trung cấp Phật học, làm nền tảng cho hệ Cao đẳng, Cử nhân Phật học. Hiện nay đã ấn hành rộng rãi cho Tăng Ni sinh 19 đầu sách với số lượng 250.000 cuốn, phân phối cho 35 trường Trung cấp cả nước, trên tổng số 32 đầu sách đang nghiệm thu. Kế hoạch thực hiện sách giảng dạy cho Cao đẳng, Cử nhân Phật học đang được triển khai. Hệ thống thư viện Phật học đang được đầu tư phát triển. Các Học viện đều có thư viện trưởng, đầu tư ngân sách xây dựng tòa thư viện và sách nghiên cứu chuyên môn hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, thư viện của mỗi học viện đã có 30.000 quyển sách, 15.000 tựa sách. Ngoài ra còn có hệ thống sách đọc điện tử Phật học. Các trường Trung cấp cũng xây dựng phòng đọc sách cho Tăng Ni sinh với hàng nghìn đầu sách. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số chính là xu hướng của giáo dục nói chung và giáo dục Phật giáo nói riêng. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục Phật giáo gợi mở nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn và đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học. “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ xác định rằng: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học”. Như vậy, chuyển đổi số trong giáo dục chính là việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến giúp nâng cao trải nghiệm của người học; cải thiện những phương pháp giảng dạy cũng như tạo môi trường để học tập thuận tiện, hiệu quả nhất. Điều này cũng phù hợp với giáo dục Phật giáo bởi vì khách thể và chủ thể trong giáo dục Phật giáo không khác về chất so với giáo dục quốc dân. Ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục Phật giáo thông minh, từ đó giúp việc học tập của Phật tử trở nên thuận tiện hơn. Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền đạt kiến thức và phát triển khả năng tự học của người học mà không bị giới hạn về thời gian cũng như không gian, tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả học tập. Hiện tại, chuyển đổi số trong giáo dục được ứng dụng dưới hai hình thức chính là: ứng dụng công nghệ trong giảng dạy (lớp học thông minh) và ứng dụng công nghệ trong quản lý giáo dục. Chuyển đổi số trong đào tạo và giảng dạy Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Giáo hội đã ứng dụng thành công công nghệ hiện đại để mở các lớp đào tạo, giảng dạy, hội thảo trực tuyến. Đây là bước đi mới mẻ và rất cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Các cơ sở đào tạo nên đưa thông tin về chuyển đổi số vào trong chương trình giảng dạy, nhất là giúp người học sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong các lớp Trung cấp Phật học. Đồng thời, định hướng có nhân sự chuyên nghiệp về công nghệ thông tin trong tương lai. Việc học tập và giảng dạy không thể thiếu tài liệu, do đó trong chuyển đổi số rất cần thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy – học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học). Giáo hội có thể quan tâm hơn nữa trong việc hình thành kho học liệu số (không chỉ chứa Kinh, Luật, Luận tạng mà còn chứa sách vở, báo chí nghiên cứu Phật học và báo chí của Phật giáo). Kho học liệu số nên mang quy mô của một thư viện Phật giáo Việt Nam. Kho học liệu cũng cần liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời. Trên thế giới, từ lâu các tổ chức giáo dục, các trường Đại học đã mở những khóa đào tạo trực tuyến cấp chứng chỉ, thậm chí Văn bằng tốt nghiệp cho người học trên toàn cầu. Các khóa học ấy có thể tìm thấy trên website của Udemy, edX, Coursera, hay Open edX… uy tín của cơ sở đào tạo và người giảng dạy là bảo chứng cho chứng chỉ hoặc văn bằng cho khóa học ấy. Các khóa học có thể miễn phí hoàn toàn hoặc miễn phí đào tạo và tính phí nếu người học muốn được nhận chứng chỉ bản giấy (hoặc bản điện tử). Đây là một mô thức đào tạo trực tuyến rất hay mà chúng ta có thể tham khảo. Đơn cử, chúng ta hoàn toàn có thể thiết kế một số khóa đào tạo Phật học cơ bản ngắn hạn từ 6-8 tuần học với bài tập online, tài liệu được số hóa và giới thiệu đến những người muốn tìm hiểu Phật giáo căn bản mà chưa có điều kiện đến trường lớp. Người học sau khi tốt nghiệp khóa học có thể tra cứu mã số văn bằng, chứng chỉ trên website của trường đào tạo. Như vậy rất thuận tiện trong thời đại số. Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và đào tạo Công tác quản lý trong giáo dục Phật giáo đang từng bước được chuyển đổi số. Theo chúng tôi, có thể áp dụng bài học kinh nghiệm từ hệ thống giáo dục phổ thông của nước ta hiện nay: đó là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ sơ cấp lên đến sau đại học bao gồm các cấu phần cơ sở dữ liệu thành phần (gồm trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính,…). Đối với người học thì cần số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe, trú xứ… Đối với người giảng dạy thì số hóa hồ sơ nghiên cứu, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn. Các hồ sơ dữ liệu trên nên triển khai phân cấp đến các cấp Giáo hội được giao trách nhiệm quản lý. Việc tổ chức tuyển sinh nên ứng dụng sâu hơn nữa công nghệ số, cho phép người học đăng ký các khóa học ngắn hạn, khóa đào tạo trung và dài hạn qua website của Giáo hội hoặc cơ sở đào tạo. Để đáp ứng chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, nhất thiết phải xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ: hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ cần đổi mới, đặc biệt là khu vực có kết nối kém giúp thu hẹp được khoảng cách vùng miền. Với giải pháp này, có thể ưu tiên sử dụng hình thức thuê dịch vụ hay huy động nguồn lực xã hội. Tăng cường kết hợp công nghệ như Big data, Al, Blockchain… với cơ sở dữ liệu số chuyên ngành nhằm xây dựng các hệ thống thu thập thông tin đưa ra các dự báo, dự đoán và tạo ra các ứng dụng, dịch vụ phù hợp đến từng đối tượng người học. Theo chúng tôi, cập nhật tư duy quản lý là việc rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự thành tựu của chuyển đổi số trong giáo dục Phật giáo. Do đó, cần tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo cho nhân sự Thư ký Văn phòng, Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp và một số Ban, Viện khác để nhân sự đủ khả năng tham gia sớm vào công tác chuyển đổi số của Giáo hội. KẾT LUẬN Giáo dục Phật giáo có bề dày hàng nghìn năm, chứa đựng tinh túy của biết bao thế hệ chư Tôn đức Tổ sư. Ngày nay, trong vận hội chuyển đổi số, việc xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số giáo dục hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa quan trọng. Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nên được xem là giải pháp lâu dài mang tính chiến lược, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo, chứ không phải là giải pháp tình huống ứng phó với COVID-19. Trong chuyển đổi số thì quan trọng nhất không phải công nghệ, cũng không phải là đầu tư kinh phí mà chính là quyết tâm của toàn bộ mọi người, nhất là những người quản lý. Chúng tôi rất tin tưởng rằng bằng sự tinh anh và nhiệt tâm, công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục Phật giáo nước ta sẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ích nước, lợi đạo, mang pháp lạc của Đức Thế Tôn đến mọi miền.
TT.TS Thích Minh Nhẫn/TCVHPG409
* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |