Chi tiết tin tức

Giáo dục luôn là vấn đề cấp bách

19:37:00 - 21/09/2015
(PGNĐ) -  Giáo dục luôn là vấn đề trung tâm của đời sống xã hội vì nó quyết định tương lai của mỗi người và của cả xã hội. Do vậy, nó luôn được xem là vấn đề cần thiết và cấp bách. Giáo dục Phật giáo cũng không ngoài lẽ đó.

Năm 1980, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nhận thấy sự nghiệp giáo dục Phật giáo bị gián đoạn khá lâu, trong tinh thần Đại hội Đại biểu Phật giáo lần đầu tiên (1981) được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội đã cấp thiết đề ra phương hướng cho việc triển khai các Học viện Phật giáo tại ba miền Bắc, Trung, Nam cũng như các Trường Cơ bản Phật học cho các tỉnh, thành.

 


Thực hiện tinh thần Đại hội, đồng thời tiếp nối tinh thần giáo dục của Phật học viện Hải Đức, chư Tôn giáo phẩm Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh hòa đã tin tưởng và giao phó cho chúng tôi trọng trách trong việc mở Trường Cơ bản Phật học. Xét thấy, đây là công việc cấp bách và vô cùng cần thiết để hàng xuất gia hậu tấn có nơi nương tựa học Phật sau những năm dài thiếu vắng môi trường giáo dục Phật giáo. Chính vì vậy, không nệ đức mọn tài hèn, chúng tôi nhận lãnh trách nhiệm với vai trò Hiệu trưởng từ khóa I. Đặc biệt, lúc bấy giờ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa Thượng Thích Chí Tín, Hòa thượng Thích Đỗng Minh, Hòa thượng Thích Thiện Bình, Hòa thượng Thích Như Ý là những người luôn cổ động tinh thần ủng hộ cho chúng tôi trong việc sớm có ngôi trường Phật học.

 


Ước mơ hoài bão đã trở thành hiện thực, được sự chấp thuận của Thường trực HĐTS và Ủy Ban Nhân dân tỉnh Khánh hòa, năm 1990, tại chánh điện chùa Long Sơn, khóa đầu tiên được khai giảng vô cùng trang nghiêm dưới sự chứng minh của chư Tôn đức Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Ban Trị sự Phật giáo Khánh hòa cùng các cấp Chính quyền.


Lúc bấy giờ vì do điều kiện thiếu thốn, chưa có giảng đường nên khóa học đầu tiên, lớp Tăng  được giảng dạy tại giảng đường chùa Tổ đình Nghĩa Phương, lớp Ni tại Ni Viện Diệu Quang.


Mặc dù cơ sở vật chất chật hẹp, phương tiện giảng dạy, đời sống còn khó khăn thiếu thốn, nhưng với quyết tâm của Ban giám hiệu và sự cần cầu học tập của Tăng Ni sinh nên khóa học đầu tiên đã kết thúc viên mãn trong sự hân hoan của chư Tôn đức và cả Tăng Ni sinh.

 


Thời gian dần trôi, các khóa học tiếp tục khai giảng và tốt nghiệp trong sự đùm bọc sẻ chia của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, và của sự hỗ trợ của Tăng Ni Phật tử khắp nơi. Các Tăng Ni sinh tốt nghiệp đã tiếp tục chắp cánh lên các cấp học cao hơn ở trong nước cũng như nước ngoài. Có người trở về lại phục vụ cho Trường, hoặc cho thầy Tổ. Tất cả những ước mơ và hoài bão đó ít nhiều đã tô thắm cho nền trời Phật pháp nước nhà.


Năm tháng đi qua, ngôi trường Phật học nay đã khang trang hơn nhiều, những kỷ niệm vui buồn của các khóa học vẫn in hằng trong ký ức chúng tôi. Bên cạnh đó, một số các bậc kỳ túc trưởng lão Phật giáo tỉnh nhà quảy dép về Tây. Riêng chúng tôi, nhận thấy sức khỏe không còn cho phép, được sự chấp thuận của Ban trị sự Phật giáo tỉnh, sang khóa VI, chúng tôi đã chuyển giao cho Hòa thượng Thích Minh Thông tiếp tục đảm đương trọng trách.


Trong kinh Du Hành - thuộc kinh Trường A Hàm, đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ kheo, hãy ra đi mỗi người một ngả để truyền bá chánh pháp, vì lợi ích cho quần sinh, vì an lạc cho chư thiên và loài người”.
Chúng tôi rất mong ngôi trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa dù trong điều kiện hoàn cảnh nào cũng luôn đứng vững mãi với thời gian, tiếp tục đào tạo Tăng Ni tài đức, đó là chúng ta tiếp tục sự nghiệp của chư Phật, liệt vị Tổ sư và nguyện vọng của chư Tôn trưởng lão Phật giáo tỉnh nhà, thắp sáng mãi ngọn đuốc giới định tuệ từ đỉnh Linh sơn, chiếu tỏa mái trường Phật học tỉnh nhà.


Chúng tôi rất mong các Tăng Ni đã tốt nghiệp tại bổn trường cũng như các thế hệ Tăng Ni tiếp nối hãy luôn giữ gìn phạm hạnh, để làm tươi xanh mãi vườn hoa Phật pháp tại Tỉnh nhà nói riêng và Phật pháp nói chung.
Chúng tôi cũng rất mong chư Tôn đức Tăng Ni hãy xem ngôi trường Trung cấp Phật học Khánh hòa là ngôi nhà chung của mình. Vì đây chính là chiếc nôi nuôi dưỡng những mầm xanh Phật pháp của Phật giáo tỉnh nhà.
Chúng ta hãy xem giáo dục luôn là vấn đề cấp bách.

 

Hòa thượng Thích Trí Tâm

Nguyên Hiệu trưởng trường TCPH Khánh Hòa từ khóa I đến khóa V

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin