Chi tiết tin tức Giáo dục và Giáo hóa – Sự khác biệt tuyệt vời từ bậc toàn giác 21:24:00 - 06/04/2022
(PGNĐ) - Giáo dục có hai hình thức căn bản là “Tự giáo” và “Tha giáo”.
DẪN NHẬP Giáo dục là điều cần thiết cho tất cả chúng sanh, đặc biệt là đối với con người với phần “người” làm nên sự khác biệt nổi trội giữa muôn loài. Con người từ buổi sơ khai với những hiểu biết hạn chế về môi trường xung quanh và những hiện tượng của đất trời, dần dần hoàn thiện tri thức qua nhiều thế hệ nối tiếp. Cho đến ngày nay, con người đã văn minh hơn và nâng tầm hiểu biết của mình hơn rất nhiều so với buổi ban sơ ấy. Sự phát triển vượt bậc về mọi mặt nhận thức của con người như ngày nay chẳng phải tự nhiên một đứa trẻ mới sinh ra đời đã có thể sở hữu được; mà phải trải qua quá trình học hỏi, trau dồi, tích tụ qua từng ngày mới có thể tạo thành những con người uyên bác, kiệt xuất trong xã hội. Nhưng thử hỏi mà xem, từ khi mới sinh ra cho đến lúc chết đi, trong khoảng thời gian ta có thể ước chừng cho một con người tồn tại ở thế gian này là khoảng 100 năm, thì con người ấy, với việc tự tìm hiểu mà không có sự hỗ trợ và tiếp nối của kho tàng kiến thức do cha ông xưa để lại, thì liệu rằng, trong 100 năm ấy họ có thể tự khám phá hết cái nền kiến thức vĩ đại này chăng! Chính vì sự cần thiết này, nên giáo dục ra đời. Ý NIỆM VỀ GIÁO DỤC Từ ngữ “Giáo dục” (教育) theo như cách hiểu thông thường của chúng ta nghĩa là dạy dỗ, đào tạo. Trong tiếng Anh, từ “Giáo dục” (Education), còn được hiểu với một ý nghĩa rất hay là “dẫn con người vượt ra khỏi cái hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn ở tương lai”. Giáo dục có hai hình thức căn bản là “Tự giáo” và “Tha giáo”. Tự giáo là phương thức tự giáo dục chính mình nhờ sự tinh tấn, trách nhiệm của bản thân để tự trau dồi kiến thức, góp nhặt sự hiểu biết qua những hành động như: Tự đọc sách, tự trải nghiệm thực tế từ môi trường xung quanh, hay tự ngồi lại suy tư, chiêm nghiệm sâu vào những thông tin mình đã dung nạp hằng ngày; từ đó, tìm ra cái nghĩa lý thâm sâu trong các vấn đề thường gặp. Nói chung, tự giáo chính là phương thức tự mình làm tăng tiến cho bản thân mà không cần sự hỗ trợ của bất kỳ người nào khác. Còn tha giáo là phương thức giáo dục thông qua sự đào tạo từ người khác, tức học tập theo một hệ thống có trường lớp, có giáo viên, giảng viên và bạn bè cùng chung học tập, nghiên cứu, có những kiến thức nền tảng được thiết lập sẵn, phù hợp với xã hội đương thời được những người có đủ thẩm quyền lập định và số đông công nhận. Hoặc giả là cách học không thông qua trường lớp với lối “tầm Sư phỏng đạo” (tìm thầy hỏi đạo), học hỏi với những vị thầy mình có nhân duyên gặp gỡ và thấy được cái hay của vị ấy rồi theo học. Chung quy lại, tha giáo chính là nhờ người khác chỉ bày, đào tạo, truyền trao kiến thức cho mình, chứ chẳng phải do mình tự khám phá những kiến thức ấy. Hai phương thức giáo dục nêu trên, tuy khái niệm và cách thức khác biệt nhau; nhưng nó luôn đi đôi và bổ trợ cho nhau trong quá trình học tập của người học. Nếu chỉ học theo cách tự giáo thì người học sẽ phải tự thân học hỏi mà không có bất cứ ai hỗ trợ, chỉ dẫn, xác định cho. Cách học này đòi hỏi người học đều phải tự thân chứng biết mới thâu nhận được kết quả cho mình; vì thế, quá trình học hỏi sẽ khá khó khăn, mất nhiều thời gian mà lượng kiến thức nhận được lại ít ỏi hơn rất nhiều. Chưa kể đến việc người học có thể dung nạp những thông tin không hữu ích, những điều gây hại cho chính mình và người khác mà không tự biết, không tự nhận thức được điều đó đúng hay sai để chỉnh sửa và loại trừ thì thật là nguy hại lắm thay! Còn xét về phương diện tha giáo, nhờ có sự chỉ dẫn của người đi trước, có kinh nghiệm, có kiến thức uyên bác hơn nên việc tiếp nhận và xử lý thông tin đầu vào sẽ nhanh chóng và ổn định hơn rất nhiều; nhưng chỉ chờ người khác dạy mà không tự tìm tòi, nghiên cứu sâu rộng thêm về những vấn đề mình đã được học hay những đề tài khác xoay quanh chúng để bổ trợ cho sự hiểu biết của mình thì cũng là một sự thiếu sót lớn. Vì thế, tự giáo và tha giáo phải đi đôi, bổ trợ cho nhau mới tạo ra được lợi ích lớn trong quá trình học tập, trau dồi kiến thức. Nếu thế gian chú trọng việc giáo dục con người thiên về phần thể xác, hình thức mà xem nhẹ việc giáo dục về tâm lý, thì ngược lại, Phật giáo đi sâu vào trọng tâm giáo dục con người thiên về phần tâm thức hơn, làm phát triển mạnh mẽ năng lực tâm linh vô hạn bên trong mỗi con người, khai thác những yếu tố tiềm ẩn mà con người chưa thể tìm thấy và khai phá được; tạo nên một đời sống lý tưởng được làm chủ bởi tâm thức, vượt khỏi cái thế giới quá nhiều hạn định với thân xác vô thường biến hoại này. Sự xuất hiện vĩ đại của Đức Phật giữa cõi đời tăm tối đầy uế trược như ánh dương chói lọi sau chuỗi đêm dài u tối, khai mở cho chúng sanh con đường thoát khỏi khổ đau luân hồi, tránh xa những khổ thú, đọa xứ đang chực chờ sẵn để dẫn chúng sanh vào cảnh đọa đày thảm khốc. Với những giáo lý nền tảng đặc trưng như: Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Tứ đế, Bát chánh đạo…, Đức Phật đã vạch ra cho chúng sanh con đường giữa (Trung đạo) vượt thoát khỏi hai cực đoan chấp thường – chấp đoạn (nhị nguyên) của nền tư tưởng triết học tại xã hội đương thời. Con đường giữa này vi diệu và thù thắng ở chỗ, nó không phải là sự chấp thuận chung giữa nhị nguyên mà chính là con đường vượt thoát khỏi nhị nguyên đối đãi. Đức Phật chính là một nhân chứng cho con đường mà Ngài là người dẫn lối. Chính sự không thỏa mãn về hai cực đoan thường hằng và đoạn diệt của nền triết học sở tại, Đức Phật đã tự ra đi tìm con đường mới, rốt ráo hơn để giải thoát hoàn toàn cho tự thân và chúng sanh khỏi những trói buộc của vô minh vọng tưởng. Với sự thành đạo của Thái tử Siddhattha đã hình thành nên một Đạo Phật giữa hệ thống đa Thần giáo phức tạp tại xứ Ấn Độ thuở ấy, sáng ngời giữa các học thuyết thời bấy giờ với giáo nghĩa giải thoát của Đức Gotama tự thân chứng ngộ và tuyên thuyết. Sự kiện chuyển Pháp luân của Đức Phật, khai giảng chánh pháp đã làm thay đổi sự nhận thức, cũng như tăng trưởng sức mạnh tâm linh của xã hội Ấn Độ đương thời nói riêng và đưa nền triết lý của toàn thế giới nói chung lên một tầm cao mới, tầm cao của sự vượt thoát khỏi sanh tử luân hồi. Tuy nhiên, Đức Phật không phủ nhận sự hiện diện của thân thể vật lý này mà chỉ không công nhận thân này là một sản phẩm của tự ngã như con người thường hay nhận định. Đức Phật phủ nhận hoàn toàn một tự ngã cũng như những gì liên quan đến tự ngã (ngã sở thuộc); Ngài cũng không công nhận có một đấng toàn năng sáng thế, mà Đức Phật chỉ công nhận thân này với sự duyên sinh giả hợp của các thành phần như: Tứ đại, kết hợp từ cha mẹ… mà hình thành, rồi chúng sẽ đến hồi phải hoại diệt, tan rã theo sự đoạn diệt của các duyên cấu thành chúng, trở về “không” như trước khi chúng từng có mặt. Như vậy, cái tự ngã mà con người cho là tồn tại, thật có ngã hay không! Nếu có ngã, thì ngã ấy phải duy trì được cho thân này không bị thương tổn và hoại diệt chứ! Nếu có ngã, thì ngã ấy phải chi phối được hoàn toàn tất cả những gì thuộc về thân này chứ…! Cái ngã mà chúng sanh gán ghép vào thân thể này thật sự không thể chi phối hoàn toàn cái thân xác mà đáng lẽ ra nó làm chủ, cũng không thể giữ cho nó mãi mãi ở trạng thái bất hoại mà đành lòng đứng nhìn nó phải chịu đựng sự hủy hoại tàn khốc của thời gian. Nhận định này đã làm chấn động các tư tưởng, học thuyết, triết thuyết thời bấy giờ hướng về cái “Ngã”. Đức Phật không chỉ đơn giản là một nhà truyền giáo, một vị Đạo Sư với những triết thuyết của mình… mà Ngài là vị Thầy mang trong mình một tư tưởng giáo dục con người toàn diện. GIÁO HOÁ CỦA PHẬT GIÁO Nếu ở thế gian có danh từ “Sự giáo dục” thì trong Đạo Phật là “Sự giáo hóa”. Vậy, giáo dục của thế gian và giáo hóa của Đạo Phật khác nhau chăng! Giáo dục dạy cho con người những kiến thức được nghiên cứu qua nhiều thế hệ và rập khuôn lại theo một sự thống nhất chung. Còn phương thức giáo hóa của Đức Phật là cách Ngài vạch ra con đường cho chúng sanh vượt thoát khỏi mọi giới hạn chật hẹp của kiếp người nhỏ bé. Đức Phật không bắt buộc chúng sanh phải theo những gì Ngài đã chỉ dẫn, mà những ai, nếu muốn được lợi ích như thế nào thì hãy tự thực hành theo phương pháp như thế ấy. “Nếu ngươi theo đường này Ngươi hãy nhiệt tình làm Trong Kinh điển nói, Đức Phật chỉ dạy cho chúng sanh có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, nghe thì thật là nhiều! Nhưng đó là tùy theo căn cơ sâu cạn, cao thấp khác biệt muôn trùng của chúng sanh mà Ngài phương tiện chỉ bày ra vậy. Chứ thật, nếu chúng ta thấy căn cơ của mình phù hợp với pháp môn nào thì chuyên lòng thực hành pháp môn ấy đến chỗ rốt ráo tất sẽ đoạn diệt được một trong nhiều phiền não. Như vậy, phải tu tập hết tất cả pháp môn sao! Theo nguyên lý Duyên khởi “một cái diệt tức muôn trùng cái diệt”. Giả dụ như, nếu chúng ta diệt được tham, thì liệu chất dẫn để đưa đến sự sinh khởi của sân và si còn chăng! Vì thế, thành tựu rốt ráo một pháp môn sẽ diệt trừ được hoàn toàn một phiền não; một mắt xích đã bị đứt lìa thì liệu vòng tròn mắt xích luân hồi tồn tại được ư! GIÁO HOÁ PHẬT GIÁO LÀ CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN ĐOẠN TẬN KHỔ ĐAU Thế gian đã sẵn có sự phân biệt giữa cái thiện và cái ác, với phần đông con người đều ưa chuộng cái thiện mà tránh xa cái ác, luôn mong muốn những điều thiện lành đến với bản thân và những người mình thương yêu. Nhưng, không phải ai cũng xác định được việc làm nào là thiện, hành động nào là ác; đặc biệt là khi xét đến kết quả sau cùng của việc làm ấy. Vì thế, có người vô tình, có người cố ý đã gây tạo những việc ác, tổn hại cho mình và cho cả những người xung quanh mà đôi lúc họ còn không tự nhận biết được. Cho nên, vì thương tưởng đến hàng đệ tử và tất cả chúng sanh, Đức Phật đã chỉ ra rằng: “Này các Tỳ kheo, có ba căn bản bất thiện này. Thế nào là ba? Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là căn bản bất thiện. Cái gì là tham, này các Tỳ kheo, cái ấy bất thiện. Ai với lòng tham có làm về thân, về lợi, về ý, cái ấy bất thiện. Với ai có lòng tham, bị lòng tham chinh phục, tâm không được tự chủ, vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: “Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh”. Cái ấy là bất thiện. Như vậy, rất nhiều ác bất thiện pháp này sanh từ tham, duyên khởi từ tham, tập khởi từ tham, khởi lên nơi người ấy” [2]; đối với sân và si cũng lại như vậy. Tham, sân, si chính là ba căn bản phiền não, là gốc rễ làm phát sinh, trưởng dưỡng các bất thiện pháp gây nên đau khổ, nhiễu hại cho chúng sanh. Nếu bị ba độc tham, sân, si này nhiếp phục thì tâm chúng ta sẽ bị mất tự chủ, chúng ta sẽ sống trong đau khổ với sự tổn não, ưu não, nhiệt não ngay trong đời sống hiện tại và sau khi thân hoại mạng chung, cái chờ đợi chúng ta chỉ có thể là ác thú, đọa xứ mà thôi. Nếu đã nói về bất thiện pháp, lẽ đương nhiên, Đức Phật cũng nói về những thiện pháp như sau: “Có ba căn bản của thiện, này các Tỳ kheo. Thế nào là ba? Không tham là căn bản của thiện, không sân là căn bản của thiện, không si là căn bản của thiện. Cái gì là không tham, này các Tỳ kheo, cái ấy thiện. Ai với lòng không tham có làm gì về thân, về lợi, về ý, cái ấy thiện. Ai không có lòng tham, không bị lòng tham chinh phục, tâm được tự chủ, không vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: “Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh”. Cái ấy là thiện. Như vậy, rất nhiều thiện pháp này sanh từ không tham, duyên khởi từ không tham, tập khởi từ không tham, khởi lên nơi người ấy” [3]; vô sân, vô si cũng như vậy. Khi một người thay thế ba căn bản bất thiện tham, sân, si trong mình bằng ba căn bản của thiện là vô tham, vô sân và vô si thì người ấy đoạn tận được các bất thiện pháp do tam độc sanh, làm cho chúng không còn hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai, làm chủ được tâm, sống đời an lạc, không còn tổn não, ưu não, nhiệt não ngay trong đời sống hiện tại, sau khi thân hoại mạng chung được sanh về cảnh giới Niết bàn của chư Phật. Trong một cảnh duyên khác, Đức Phật cũng đã chỉ dạy cho người dân Kalama về việc xác định niềm tin và phân biệt thiện – bất thiện như sau: “Như vậy, này các Kalama, điều Ta vừa nói với các Ông: ‘Chớ vội tin vì nghe theo truyền thuyết; chớ vội tin vì nghe theo truyền thống; chớ vội tin vì nghe người ta nói; chớ vội tin vì được Kinh tạng truyền tụng; chớ vội tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ vội tin vì đúng theo một lập trường; chớ vội tin vì sự đánh giá hời hợt từ những dữ kiện; chớ vội tin vì phù hợp với định kiến; chớ vội tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ vội tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình’. Nhưng này các Kalama, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí quở trách; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến bất hạnh, đau khổ”, thời này các Kalama, hãy từ bỏ chúng!… Nhưng này các Kalama, khi nào tự mình biết như sau: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này không bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc’, thời này các Kalama, hãy đạt đến và an trú!” [4]. Nhờ những lời này của Đức Phật mà người dân Kalama phân biệt được rõ ràng, thoát khỏi mối nghi ngờ, phân vân về những quan điểm được nêu lên bởi các Sa-môn, Bà-la-môn. Phân biệt được cái nào là thiện, cái nào là bất thiện và tránh được những bất hạnh, khổ đau do các bất thiện pháp gây ra, tận hưởng sự an lạc trong những thiện pháp được sanh khởi, trưởng dưỡng. Qua hai ví dụ vừa nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng sự giảng dạy của Đức Phật với cách thức rất đỗi bình thường nhưng giáo nghĩa được truyền tải bên trong lại siêu việt khác thường. Ngài đã tự thân tìm ra, tự thân thực chứng để rồi truyền trao lại tất cả những điều mà Ngài đã giác ngộ cho chúng sanh “vì lợi ích cho số đông, vì lợi ích cho chư Thiên và loài người”, chứ chẳng phải là những lý thuyết suông được đề ra nhằm chiêu dụ đồ chúng. Trong giáo lý của Ngài, lấy chúng sanh làm cái nhân chính yếu, vì lợi ích cho chúng sanh mà tuyên thuyết chứ chẳng phải vì một điều gì khác. Vì thế, giáo lý Ngài dạy luôn hướng đến việc hướng dẫn chúng sanh tự nhận ra vấn đề mình đang gặp phải, chứ không ai khác có thể thay mình làm việc ấy. Chính việc tự nhận thức được vấn đề này, mà chúng sanh có thể tự thấy rõ được đâu là thiện pháp, đâu là bất thiện pháp; để rồi tự mình thấy được cái ác, cái nguy hiểm tiềm tàng bên trong những pháp bất thiện để diệt trừ và những lợi ích lớn lao từ những thiện pháp để làm tăng trưởng thêm, đem đến lợi lạc cho tự thân và cho mọi người. Không phải tự nhiên mà người đời xưng tụng Đức Phật là một nhà Giáo dục vĩ đại và toàn diện; mà qua cách Ngài chỉ ra vấn đề, nguyên nhân của vấn đề, sự giải quyết vấn đề và phương pháp Ngài áp dụng để đi đến sự giải quyết vấn đề (Tứ đế), chúng ta thấy được sự toàn diện và vô cùng thực tế ở trong đó. Sự giáo hóa của Đức Phật không chỉ đơn thuần là sự dạy dỗ, mà nó là cả một công trình nghệ thuật về cách hướng dẫn chúng sanh tự chuyển hóa chính mình. Chuyển hóa từ thấp hèn thành cao thượng; từ bất thiện thành thuần thiện; từ bị trói buộc, ô nhiễm, khổ đau thành giải thoát, tịnh lạc; từ vô minh thành sáng suốt; từ phàm phu thành bậc Thánh; từ chúng sanh trở thành Phật. Trong những lời kinh, tiếng kệ, trong những câu chuyện Phật pháp kể cho nhau nghe; chúng ta ai cũng đã ít nhiều bắt gặp những mảnh đời như Angulimala, một người lầm đường lạc lối, một tướng cướp khét tiếng hung bạo, hễ ai nghe đến tên thôi cũng đủ kinh hồn khiếp vía; khi chẳng may gặp phải hắn thì chân lạnh, tay run, miệng chẳng thể thốt thành lời, sợ hãi như đang đối diện với Thần chết. Nhưng nhờ năng lực giáo hóa của pháp Phật diệu thay mà ông được trở về từ cõi ác, thoát khỏi màng bọc của vô minh và như được sống lại trong chánh pháp; trở thành bậc “Vô nhiễm”, “Bất hại” đệ tử Đức Như Lai. Hay Ưu-ba-ly, một người nghèo làm nghề cắt tóc, hội đủ duyên lành được Đức Phật giáo hóa mà trở thành bậc “Tướng quân chánh pháp”, vị Đại đệ tử “Đệ nhất trì luật” trong hàng ngũ Tăng đoàn của Đức Phật. Đó là chưa kể đến những vị Đại Luận sư vang danh Ấn Độ thời bấy giờ, tự tin với những triết thuyết cao siêu của mình và được nhiều người theo học; nhưng một khi lời Phật đã được rót vào tai thì liền từ bỏ cả đạo, dẫn dắt đồ chúng của mình mà theo gót “chân lý” của Như Lai. Thế mới thấy được sự giáo hóa của Đức Phật thật tuyệt vời khôn tả. KẾT LUẬN Từ cái nôi Ấn Độ xưa, năng lượng chuyển hóa mạnh mẽ này đã lan rộng khắp năm châu bốn bể, đem đến lợi lạc cho không biết bao nhiêu con người khốn khổ, ươm mầm phước thiện cho toàn cõi nhân sinh. Vì thế, mỗi chúng ta, những người “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai” [5], tự xưng mình là người con của Phật, phải truyền tải được cái năng lượng chuyển hóa quý giá của Đức Phật đến tất cả chúng sanh, chứ chẳng phải chỉ phô bày sự rẻ mạt của con chữ đến cạn cả bút mực thế gian hầu làm thỏa mãn chính mình thì thật là vô nghĩa. Hãy lấy “con chữ” làm phương tiện truyền tải cho sự chuyển hóa; chứ đừng lấy sự chuyển hóa làm cái cớ cho “con chữ” lên ngôi! Chúng ta, những người “tác Như lai sứ, hành Như Lai sự” hãy thường tư niệm về điều này để đừng nhầm lẫn và lãng quên trọng trách của chính mình đang gánh vác.
Hạc Lâm Điểm Tuyết/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 386
Chú thích và tài liệu tham khảo: *Đại đức Thích Tấn Nguyện, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |