Chi tiết tin tức Cuộc sống số 21:59:00 - 14/01/2014
(PGNĐ) - Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 144 &145 | MAI XUÂN HIỆP | Chừng dăm năm trở lại đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trên toàn cầu, cuộc sống số đã len lỏi vào đời sống của hàng triệu triệu người trên trái đất.
Ở các nước tiên tiến người ta áp dụng kỹ thuật số vào cuộc sống con người rất tài tình, mọi thông tin về cá nhân đều được lưu trọn trong một “file”, người ta chỉ cần nhấp chuột để “enter” là ra ngay các dữ kiện về một con người, từ ngày tháng năm sinh, cha mẹ, quê hương bản quán cho đến nhóm máu, màu da, nhận dạng, số tài khoản và số lượng tiền hiện có. Để tiện ích, họ nén thông tin đó trong sổ hộ chiếu hoặc trên một chiếc thẻ để rồi ở bất ...
Thấy người nghĩ đến mình. Mỗi lần có các kỳ Quốc hội họp là không biết bao nhiêu ý kiến đòi đổi mới “giấy chứng nhận” về một con người lại được dư luận tung lên mạng và báo chí. Có người biện dẫn nguồn gốc chuyện hộ khẩu có từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, cái thời cổ đại xa xưa lắm rồi, nên loại bỏ trong đời sống hiện đại ngày nay. Có người cho rằng “cách quản lý như hiện nay, với sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân (CMND), làm hạn chế sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời cũng không phù hợp với những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định”. Nhiều đề nghị thay sổ hộ khẩu bằng thẻ xanh, thẻ hồng, thẻ an sinh, thẻ cá nhân… như những nước khác. Nhưng sau những đợt “phong trào” ý kiến rầm rộ như vậy, khi Nhà nước chưa có hình thức nào thay đổi, thì cuốn sổ hộ khẩu và CMND vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống mỗi con người Việt Nam. Theo trào lưu phát triển chung, có lẽ rồi đây những công cụ quản lý này sẽ được thay thế bằng các hình thức khác. … Một thời gian chưa xác định được, cuộc sống số ngự trị toàn xã hội. Mỗi con người đều được mã hóa bằng một con số in trên một tấm giấy người ta gọi là “thẻ”, với những “mã vạch” đen, trắng, dài, ngắn khác nhau; lưu trữ đầy đủ các thông tin của một con người như mong muốn của người sản sinh và sử dụng nó. Ngay sau khi chào đời, con người được hệ thống điện toán của bệnh viện cập nhật thông tin vào hệ thống lưu trữ của Nhà nước, bao gồm ngành Tư pháp và An ninh – Cảnh sát, mọi dữ kiện về: chủng tộc, mẫu ADN, vân tay, màu da, màu mắt, màu tóc, nhóm máu, chiều cao, cân nặng, cha mẹ, quê quán v.v. và v.v., nói chung là tuốt tuồn tuột những gì liên quan đến sinh linh bé nhỏ đó vào một “file” cá nhân, đồng thời lưu vào một chiếc thẻ từ. Và điều quan trọng là cũng ngay từ đó, sinh linh nhỏ bé ấy có một chìa khóa là “mã số” mà theo công nghệ thông tin gọi là password. Nếu không có cái password đó thì chẳng ai có thể khai thác và sử dụng được cái thẻ đó. Rồi ngày tháng trôi qua, đứa bé lớn lên, đi học. Mọi dữ kiện về bé đều được người lớn cập nhật thường xuyên. Như bệnh án thì: đã mắc bệnh gì, do bác sĩ nào điều trị, điều trị bằng thuốc và phương pháp gì, kết quả ra sao. Rồi lúc nào thì đến trường và quá trình học tập ở các trường như thế nào. Lớn hơn nữa thì kết hôn với ai, có đặc điểm chủng tộc, mẫu ADN, vân tay, màu da, nhóm máu, chiều cao, cha mẹ, quê quán… và quan trọng nhất là phải biết password của nhau để sử dụng khi cấp bách nếu vợ chồng có độ tin tưởng nhau tuyệt đối. Công danh, sự nghiệp cũng là những thông tin được đưa vào đây. Quá trình học tập, công tác, các bằng cấp, khen thưởng kỷ luật đều được mã hóa nạp vào thẻ. Nhất là lý lịch nghề nghiệp thì rất tiện lợi, nó sẽ lưu giữ bằng thông tin, hình ảnh những thành quả cống hiến của con người ấy cho xã hội, nhất là các công trình khoa học, văn hóa nghệ thuật… Khi cần thiết, người sử dụng chỉ cần đưa thẻ vào máy tính và mở khóa là có thể xem và công bố cho những người xung quanh biết về mình. Về mặt Nhà nước, để quản lý tài chính, chống tiêu cực, tham nhũng… tài khoản cá nhân cũng được mã hóa để các cơ quan hoặc các công ty trả lương hàng tháng, người sử dụng cũng dùng thẻ này để mua sắm cho bản thân họ. Việc sử dụng tiền trong tài khoản cũng rất tiện ích, thuận lợi nhất là bảo vệ được an toàn tài sản của mình, vì thẻ có vào tay người khác mà không có password thì cũng “bó tay”. Sau mỗi lần chi xài, hệ thống máy tính cũng hiện lên trong màn hình hoặc in ra giấy cho mình biết số tiền còn – hết trong tài khoản. Loại thẻ này gọn nhẹ, rất tiện dụng trong di chuyển, nhất là khi ra khỏi biên giới quốc gia. Khi qua cửa khẩu, người ta chỉ cần “quét” thẻ vào máy quét là hàng rào an ninh mở ra. Các thương gia và những người thường đi nước ngoài rất yêu thích cái thẻ này. Khi ốm đau, bệnh tật hoặc tai nạn phải vào bệnh viện, cơ quan điều trị đọc nhanh các thông tin về bệnh sử của người mang thẻ để có thể đưa ra các phương thức điều trị phù hợp nhất, tránh được phản ứng phụ khi bệnh nhân có các tiền sử bệnh trái ngược với căn bệnh hiện trạng. Tấm thẻ còn được sử dụng như một chiếc khóa từ để bảo vệ ngôi nhà của người mang thẻ. Khi ra vào căn nhà thân thương của mình, người ta chỉ cần “quét” thẻ qua khe hở của lỗ khóa, cửa sẽ tự động cho người mang thẻ vào nhà và khóa lại chắc chắn. Mọi người đều yên tâm ăn no, ngủ say mà không sợ kẻ nào đột nhập vì đã có hệ thống điện toán với các phương án phòng thủ, tấn công bảo vệ an toàn cho căn nhà của mình. Các hình thức thẻ được thế giới loài người triệt để sử dụng vì những tiện ích của nó. Người sử dụng cảm thấy rất thoải mái và thích thú, vì tuy nhỏ nhắn nhưng nó chứa đựng an toàn nhiều thông tin của mình, nhất là những điều thầm kín muốn giấu giếm. Ngày qua ngày, toàn thế giới hội nhập, các nước nghèo chậm phát triển cũng phấn đấu đầu tư phát triển phong cách quản lý này theo các nước giàu. Người ta có thể đi khắp thế giới mà không phải mang theo nhiều loại giấy tờ phiền phức, cũng như có thể dùng tiền khác mệnh giá mà không phải đổi khi muốn sử dụng. Chỉ cần “quẹt” thẻ vào máy tính là giải quyết được mọi vấn đề. Công nghệ quản lý thẻ thật là ưu việt. Nó phát triển nhanh như vũ bão và giữ quyền thống soái trên tất cả mọi loại giấy tờ. Cũng từ khi công nghệ thẻ phát triển, ngành công nghiệp sản xuất giấy in, giấy viết dần suy thoái cùng với ngành công nghiệp sản xuất bút viết các loại. Bởi vì con người chỉ dùng máy tính, kể cả việc ký tên trên các loại văn bản. Tài nguyên thiên nhiên được bảo tồn; cây rừng xanh tươi vì không còn ngành sản xuất giấy phá rừng lấy gỗ làm bột giấy. Xã hội loài người hãnh diện về nền kinh tế công nghệ thẻ của mình. Các loại giấy tờ như hộ khẩu, CMND, giấy khai sinh đã trở thành quá khứ, nằm trong bảo tàng để thế hệ mai sau biết có một thời chúng đã được nâng niu, giữ gìn cẩn trọng. Tuy nhiên, thời “hoàng kim” của thẻ cũng chỉ duy trì trong một thời gian nhất định. Trong đời sống con người, chiếc thẻ dần dần bộc lộ nhiều yếu điểm, vì là “vật ngoài thân” nên cũng có lúc bị rơi mất hoặc hư hỏng khi gặp những điều bất trắc, mà việc phục hồi lại mất thời gian và phức tạp. Cả xã hội lại một lần nữa lên tiếng đòi phải cải cách, cho rằng thẻ không còn phù hợp nữa, phải có sự thay đổi phương thức để quản lý một con người khác hơn, hữu hiệu hơn. Thế rồi các nhà khoa học, các nhà cải cách lại thi nhau nghiên cứu các phương án, cuối cùng thì cũng cho ra đời một loại vật dụng mới tiện dụng gấp nhiều lần thẻ, đó là con “chíp” điện tử có thể gắn được trên cơ thể con người. Để áp dụng biện pháp này, người ta tạo ra những con “chíp” tí hon với những mã số, mã vạch để lưu mọi thông tin như chiếc thẻ từ đã có. Chỉ khác là con “chíp” này bé hơn chiếc thẻ kia nhiều, được người ta rạch da rồi gắn nó vào. Người ta có thể gắn nó bất kỳ chỗ nào trên cơ thể tùy theo ý thích của người sử dụng. Với con “chíp” này người sử dụng thấy sung sướng và thoải mái hơn nhiều so với dùng thẻ, vì nó là “vật trong thân” không rơi rớt, mất mát, và vì con “chíp” này tiến bộ hơn, nó có thể hiểu và thực hiện các yêu cầu theo giọng nói của con người. Muốn sử dụng vào việc gì, người ta chỉ cần hướng vào nơi có gắn con “chíp” rồi ra lệnh là máy tính tự đọc và điều khiển các dụng cụ thi hành các mệnh lệnh một cách nhanh chóng, chính xác. Cả thế giới loài người thỏa mãn nhu cầu khi có công nghệ “chíp”; các kỳ họp quốc hội, làm luật… không thấy ai còn đòi cải cách nữa. Đại biểu quốc hội, đại biểu các hội nghị của các nhà nước khi biểu quyết vấn đề gì chỉ cần hướng con “chíp” vào máy quét dạng scan là xong. Con “chíp” trở thành công cụ quản lý hữu hiệu nhất trên đời. Mọi người tung hô tán thưởng và không còn phàn nàn gì nữa. Ngày tháng tiếp tục trôi nhanh, những trục trặc trong cuộc sống của “chíp” bắt đầu xuất hiện xuất phát từ những chuyện cỏn con. Chuyện rằng, sau khi bù khú với bạn bè, người đàn ông đó ra mở cửa xe hơi để về nhà. Nhưng do quá chén, toàn thân thấm đẫm rượu bia. Khi hướng con “chíp” vào ổ khóa và ra lệnh “Vừng ơi! mở ra” thì cánh cửa xe hơi đã không thực hiện theo mệnh lệnh của ông ta vì lời nói thì lè nhè, còn mã khóa làn da và máu đã bị oxy hóa bởi rượu, không còn đúng theo chương trình đã cài đặt nữa. Vậy là anh ta phải vẫy taxi nhờ chở về. Nhưng trước khi xe taxi chạy anh phải đưa con “chíp” vào máy tính của xe để ghi nhận nơi xuất phát và tính tiền khi anh xuống xe. Máy tính cũng không đọc được nên anh ta đành phải xuống xe đi bộ. Thất thểu trên quãng đường dài, mệt quá anh ngồi xuống và ngủ bên vỉa hè. Đội tuần tra phát hiện và đưa anh về bót cảnh sát. Tại đây khi đưa “chíp” gắn trên người vào máy đọc thì máy tính không chấp nhận do dữ liệu bị nhiễu. Đồn cảnh sát tạm giữ anh ta cho tới khi tỉnh rượu. Khi anh ta tỉnh dậy, phải tắm rửa sạch hết mùi rượu và thật tỉnh táo thì con “chíp” của anh mới bắt đầu làm việc và anh mới được tha về. Trường hợp khác cũng đáng thương, một chị phụ nữ do sơ suất bị thương ở cổ tay nơi gắn con “chíp” đã không tài nào mở được cửa nhà, không dùng được điện thoại gọi cho người thân nên đành phải ngồi ngoài cả buổi, tới tối người thân về đưa đến trung tâm điện toán để chạy lại chương trình. Đặc biệt hơn, con “chíp” hiện đại này còn được cài đặt rất chặt chẽ về thông số của vợ hoặc chồng, để đảm bảo thực hiện chế độ hôn nhân “một vợ – một chồng”. Nên một mặt xã hội đã bớt đi nhiều vụ xì-căng- đan “ông ăn chả – bà ăn nem” do “chíp” không chấp nhận người lạ, nên chủ nhân nó “đẩy nhau” vì phải cho “chíp” đọc và chấp nhận thông số trước khi “làm việc”. Nhưng mặt khác cũng nhiều đôi vợ chồng phải chia ly do “chíp” không đọc được thông điệp của họ khi có nhu cầu ân ái… vì những trục trặc kỹ thuật. … Rồi một ngày kia hệ thống máy tính toàn cầu do một lỗi rất nhỏ mà không khôi phục được, làm hàng tỷ người người ngơ ngác không biết mình là ai, ở đâu, đi đâu, về đâu. Mọi thông tin về một con người đã bị xóa sạch trong tích tắc, chẳng có gì có thể “hóa thạch” để mà tìm kiếm. Cả thế giới loạn lạc. Tôi giật mình thức dậy, nhớ lại giấc mơ của mình, mới thấy càng trân trọng nâng niu tấm giấy khai sinh, tờ CMND và cuốn hộ khẩu giản đơn của mình. Mặc dù đi theo nó là những thủ tục lích kích, nhưng thà như thế còn hơn sống trong cảnh “mất thông tin” – vô gia cư. Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 144 &145 | MAI XUÂN HIỆP vanhoaphatgiaoblog.com
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |