Chi tiết tin tức

Doanh nghiệp Việt thích nghi và vượt khó trong bối cảnh COVID-19

21:32:00 - 07/10/2021
(PGNĐ) -  Sự tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt, trong đợt bùng phát lần thứ 4, đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp đã dần chủ động thích nghi, ứng phó và chung tay với cộng đồng chống lại dịch COVID-19.

LAO ĐAO VÌ ĐẠI DỊCH 

Theo kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới, trên 87% doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng. Các lĩnh vực như: Dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch,… chịu tác động nhiều nhất.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, có 70.200 doanh nghiệp trên cả nước phải tạm dừng kinh doanh có thời hạn, dừng hoạt động để chờ thực hiện thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng [1]. Đặc biệt, doanh thu của doanh nghiệp ở các mảng: Du lịch, dịch vụ, ăn uống, nghỉ dưỡng trong 7 tháng đầu năm nay giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu Du lịch lữ hành 7 tháng đầu năm ước tính cũng giảm sâu tới 55,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, dịch bệnh đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hơn 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phải cầm cự, thậm chí tê liệt do gặp khó khăn trong bố trí sản xuất, cũng như phải đối mặt với chi phí hàng hóa gia tăng. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể, đa số đều giảm 50-90% doanh thu so với thời điểm trước dịch.

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai) khiến các doanh nghiệp đau đầu khi giải bài toán “sống chung với dịch”, vừa đảm bảo an toàn cho con người vừa phát triển được kinh tế, mang lại được các “đơn hàng”. Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp đã phải chủ động tìm hướng đi mới để tự “cứu mình”.

THÍCH NGHI VÀ TÌM KIẾM CƠ HỘI TRONG THÁCH THỨC

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, nhưng vẫn có những yếu tố tích cực để doanh nghiệp Việt Nam cải thiện năng lực. Giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 là cơ hội để các doanh nghiệp kiểm chứng lại sức chịu đựng và khả năng thích nghi với tình hình mới; tự đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh, điểm mạnh, điểm yếu và lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở đó cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả và bền vững.

Ảnh hưởng của dịch bệnh còn tạo ra thay đổi về nhu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ; đem lại cơ hội gia nhập các thị trường ngoài thị trường truyền thống cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng. Bên cạnh đó, các chính sách hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành chuỗi giá trị mới, đặc biệt cần tận dụng những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.

Theo TS. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, các ngành dịch vụ hiện phải chấp nhận, chung tay phòng, chống dịch vì cộng đồng. “Mặc dù chúng ta đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, song cần thận trọng. Việc giao hàng tận nơi cần được đẩy mạnh, kết hợp với hình thức truyền thống trong thời điểm hiện tại, tránh tụ tập đông người”, ông Thắng nhận định. [2]

200 máy thở oxy đã được Tập đoàn Hưng Thịnh trao tặng trực tiếp đến các bệnh viện. (Ảnh: Internet)

Còn theo TS. Nguyễn Hoàng Bảo – Trưởng bộ môn Kinh tế đầu tư, kế hoạch và phát triển của trường Đại học Kinh tế TP HCM, do dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp dần chuyển đổi sang xu thế bán hàng trực tuyến. “Nhưng khi bán hàng online trở nên phổ biến hơn, cạnh tranh hơn. Một miếng bánh bị xâu xé, đương nhiên khách sẽ vắng”, TS. Bảo chia sẻ. Ngoài ra, trong đại dịch, người dân không chỉ cắt giảm chi tiêu khi thu nhập giảm mà cả khi thu nhập kỳ vọng cho tương lai không được đảm bảo. Có thể thời gian tới, công việc không ổn định, người tiêu dùng cần các khoản dự phòng và phải thắt lưng buộc bụng. Các yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khi người dân không sẵn sàng mở hầu bao chi tiêu.
Nhiều chuyên gia nhận định, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các start-up cùng doanh nghiệp vừa và cần chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt và đầu tư phát triển các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực. Trong đó, chuyển đổi số chính là chìa khóa để doanh nghiệp khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu. Câu chuyện về chuyển đổi số đã được nhắc đến trong vài năm gần đây, với bài học thành công từ những tập đoàn lớn như: FPT, Viettel,… nhưng nó sẽ trở nên cấp bách và quen thuộc hơn khi chúng ta bước vào quá trình “bình thường mới”.

Điển hình như Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã tiến hành chuyển đổi số bắt đầu từ tự động hóa các dây chuyền sản xuất ở các nhà máy, rồi từng bước thay đổi quy trình, công nghệ, quản trị và đạt được những thành công đáng kể. Hiện nay, Thaco vẫn đang trong lộ trình chuyển đổi số ở cả 5 lĩnh vực đầu tư gồm: Ô tô, nông nghiệp, xây dựng, logistics và thương mại dịch vụ.

Ông Shawn W.Tan, chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam cho biết: Sự chuyển dịch sang công nghệ số, hoạt động trên nền tảng số của các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã tăng nhanh trong năm 2020. Đỉnh cao là mức tăng 48% vào tháng 6/2020, sau đó giảm, chỉ còn tăng 11% vào tháng 10/2020. Hiện có 12% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy, đã đầu tư vào chuyển đổi số, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp cỡ vừa và cỡ lớn. Nhiều điều chỉnh về nền tảng số được các doanh nghiệp thực hiện như tiếp xúc trực tuyến, bán hàng trực tuyến… nhưng ở những công đoạn sau của hoạt động sản xuất kinh doanh phức tạp hơn thì vẫn chưa áp dụng… [3]

Để chuẩn bị cho “bình thường mới”, thay vì tập trung về số lượng thì giờ đây các doanh nghiệp cần chú trọng hơn vào chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, do giảm doanh thu nên các mô hình kinh doanh cần thay đổi về cấu trúc chi phí, như cắt giảm chi phí thuê văn phòng hay thuê mặt bằng khi không hiệu quả. Các xáo trộn cũng là cơ hội để tìm kiếm thị trường, khách hàng mới nếu doanh nghiệp có các lợi thế về chi phí, sản phẩm, chất lượng và kênh phân phối đa dạng, đặc biệt là biết cách tận dụng lợi thế internet.

Nhiều doanh nghiệp còn tận dụng cơ sở vật chất hiện có để chuyển đổi công năng. Vietnam Airlines đã tháo ghế, chuyển đổi một số máy bay chở khách để vận chuyển hàng hoá. Một số doanh nghiệp từ sản xuất hàng hóa về may mặc, chuyển sang may khẩu trang, đồ bảo hộ…

Ngoài ra, đứng trước khó khăn do đại dịch gây ra, nhiều doanh nghiệp không chỉ tái cấu trúc các hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh, mà còn giúp người lao động thích nghi bằng tư tưởng sống tích cực. Thực tế, cuộc chiến với đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài. Với tình hình dịch bệnh lan rộng, các doanh nghiệp hầu như không thể dự báo hết những tác động đến đời sống sản xuất kinh doanh, nhưng phải hứng chịu tác động trực tiếp của nó. Trước bối cảnh ấy, chỉ có tinh thần vững vàng, thái độ tích cực và chính sách phù hợp mới giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn. Đặc biệt, Phật giáo với hệ thống giáo lý, tư tưởng, triết lý riêng đã và đang đem lại cho những người tin theo có thái độ, năng lượng sống tích cực. Những lời dạy của Đức Phật sẽ giúp ta nhìn nhận được những khía cạnh tích cực khi đối mặt với những hoàn cảnh nguy hiểm.

Theo Thượng toạ Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ trong buổi Tọa đàm do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, thấu hiểu giáo lý của Đức Phật không chỉ giúp mỗi người hiểu được cách chấp nhận sự việc và hoàn cảnh một cách tích cực hơn, mà còn buông bỏ những muộn phiền, áp lực cuộc sống một cách tự nhiên hơn. Từ đó, có cái nhìn tích cực, lạc quan, đa chiều với mọi vật mọi việc trong cuộc sống. Đồng thời, năng lượng tích cực cũng góp phần tạo động lực và truyền cảm hứng tới những người xung quanh để cùng “đồng lòng” chống dịch và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, trước bối cảnh dịch bệnh COVID, tinh thần vô ngã, vô thường của Phật giáo sẽ giúp con người cảm thấy mạnh mẽ hơn khi đối diện, tinh thần duyên sinh, cộng sinh để cùng nhau tương trợ lẫn nhau, phải nhập thế dấn thân, chia sẻ chung tay góp sức cùng xã hội.

CHUNG TAY CÙNG CỘNG ĐỒNG VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH 

Trận chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của tất cả người dân, trong đó chia sẻ gánh nặng với Chính phủ chính là sứ mệnh quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp không chỉ tự cứu mình mà còn sẵn sàng đồng lòng cùng Chính phủ, nhân dân trong việc đối phó với đại dịch. Từ các tập đoàn lớn cho đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên nhiều lĩnh vực đã có nhiều hoạt động đóng góp cả về kinh phí lẫn vật tư y tế hỗ trợ tuyến đầu.

Mới đây, đầu tháng 9/2021, Tập đoàn Sovico đã hỗ trợ TP HCM xét nghiệm 2 triệu mẫu và tặng 1 triệu kit xét nghiệm nhanh phòng chống dịch COVID-19, trị giá tương đương 200 tỉ đồng. Hoạt động này nhằm tiếp sức và ủng hộ chương trình xét nghiệm thần tốc của thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh [4].

Với mong muốn “San sẻ yêu thương – Chung tay cùng vượt qua đại dịch”, Tập đoàn Hoa Sen đã trao tặng hơn 21 tấn gạo, 10 tấn rau, củ, quả, 11 tấn mì và các gia vị thiết yếu đến 7 điểm bếp ăn thiện nguyện, công suất hơn 30.000 suất ăn miễn phí/ngày và 8 điểm phát quà đến bà con có hoàn cảnh khó khăn tại TP HCM. Đây là số lượng quà và nhu yếu phẩm trong đợt 1 của chương trình. Danh sách 7 bếp thiện nguyện bao gồm: Bếp thiện nguyện Trung tâm công tác xã hội thanh niên; Bếp thiện nguyện Mãn Tự Vegan – Chùa Vĩnh Nghiêm; Bếp thiện nguyện Chùa Giác Ngộ; Bếp thiện nguyện Sư cô Tuệ Phước; Bệnh viện Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Bếp thiện nguyện Chùa Tường Nguyên và Bếp thiện nguyện Suối Mát Từ Tâm [5].

Nhằm hỗ trợ TP HCM trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố đã trao tặng 10.000 túi thuốc hỗ trợ các bệnh nhân này, dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn của Sở Y tế TP. Cụ thể, 10.000 túi thuốc này gồm 6 loại thuốc, khẩu trang y tế, nước muối sinh lý NaCl 0,9%, được thiết kế trên cơ sở hướng dẫn của ngành y tế. Trong đó, các túi thuốc được đóng gói theo tiêu chuẩn: Túi thuốc A (dành cho bệnh nhân chưa có triệu chứng) và túi thuốc B (dành cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ), kèm theo hướng dẫn và chỉ dẫn cụ thể.

Đại diện Tập đoàn Hoa Sen trao tặng phần quà cho Bếp thiện nguyện chùa Giác Ngộ. (Ảnh: internet)

Thời gian qua, Tập đoàn Hưng Thịnh đã hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống dịch bệnh của TP HCM, như: Trao tặng 200 máy thở oxy, 50.000 bộ kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, 75 máy theo dõi bệnh nhân (monitor 5 thông số) cho 9 bệnh viện tuyến đầu điều trị COVID-19, 5.000 chiếc giường xếp cho bệnh viện dã chiến thu dung. Song song với chuỗi hành động thiết thực tại TP HCM, Hưng Thịnh cũng đã triển khai hàng loạt công tác sẻ chia tại nhiều tỉnh thành khác, với tổng mức tài trợ từ đầu năm đến nay lên đến hơn 130 tỷ đồng (theo Forbes Vietnam).

Có thể nói, dịch COVID -19 đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới, cả trong tư duy và phương thức quản lý, sản xuất, phân phối, tiêu dùng các nguồn lực và của cải xã hội, cả vĩ mô và vi mô, cả quản trị doanh nghiệp, cũng như quản lý nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Việc nhanh chóng thích nghi và thay đổi là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp Việt sớm có thể “sống chung” và “sống khỏe” trong đại dịch. Đồng hành cùng Chính phủ và hỗ trợ người dân trong cuộc chiến chống lại COVID-19 cũng là cơ sở để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

 

Lam Phương/PHẬT GIÁO & THỜI ĐẠIVĂN HÓA PHẬT GIÁO 375

 

Chú thích:

[1] Báo Chính phủ, http://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/Ung-pho-voi-dai-dich-COVID19-Doanh-nghiep-phan-anh-bo-nganh-go-kho/441542.vgp.
[2] Đại học Kinh tế TP HCM, https://www.ueh.edu.vn/khoa-hoc/chu-dong-thay-doi-mo-hinh-kinh-doanh-thich-nghi-voi-tinh-hinh-dich-benh-57190.
[3] Báo điện tử Đảng CSVN, https://dangcongsan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-bien-thach-thuc-thanh-co-hoi-trong-dai-dich-584696.html.
[4] Theo Tuổi Trẻ Online, https://tuoitre.vn/tap-doan-sovico-ho-tro-tphcm-xet-nghiem-2-trieu-mau-va-tang-1-trieu-kit-xet-nghiem-20210925101023508.htm.
[5] Theo VTV, https://vtv.vn/xa-hoi/ton-hoa-sen-chung-tay-cung-tp-ho-chi-minh-ho-tro-nhung-hoan-canh-kho-khan-trong-dai-dich-covid-19-20210717174721902.htm.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin