Chi tiết tin tức

Làn sóng Covid-19 mới tràn vào Đông Nam Á

22:45:00 - 25/05/2021
(PGNĐ) -  Hôm 25/4, hãng tin Bloomberg đã xếp hạng Singapore là quốc gia chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới, một phần vì hầu như không có ca nhiễm nào bị phát hiện ngoài cộng đồng ở đảo quốc này.

Nhưng chỉ 2 ngày sau, kể từ thời điểm một y tá 46 tuổi tại bệnh viện Tan Tock Seng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, hàng chục ca nhiễm ngoài cộng đồng khác đã xuất hiện. Chỉ trong vòng 1 tuần, Singapore đã phát hiện thêm nhiều ổ dịch mới, cả ở sân bay lẫn các bến cảng. 

Lawrence Wong, một quan chức thuộc đội đặc nhiệm phòng chống Covid-19 của Singapore, hôm 11/5 cảnh báo: “Chúng ta đang đứng trên lưỡi dao. Số ca nhiễm ngoài cộng đồng của chúng ta có thể đi theo một trong hai chiều hướng trong vài tuần tới".

Không chỉ riêng Singapore, mà phần lớn các nước Đông Nam Á cũng đang phải chịu hoàn cảnh tương tự. Trên toàn khu vực, nhiều ổ dịch Covid-19 đã bị phát hiện ở những nơi có khả năng phòng ngừa yếu nhất: bệnh viện, cơ sở kiểm dịch và cửa khẩu biên giới. Sự chậm trễ trong việc kiểm soát nguồn lây ở những nơi này đã cho phép dịch bệnh lây lan rộng rãi. 

Số ca nhiễm Covid-19 mới đang có chiều hướng gia tăng ở khu vực vốn ít bị dịch bệnh tác động như Đông Nam Á. Ảnh: Panos

Trong 3 ngày vừa qua, trung bình Thái Lan ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày. Tình hình dịch bệnh khó lường khi nhà giới chức y tế nước này phát hiện thêm 2 ổ dịch lớn, trong đó có thủ đô Bangkok. Số ca dương tính tại mỗi ổ dịch này lên tới hơn 1.000.

Bộ Y tế Philippines cũng ghi nhận 141 ca tử vong và hơn 6.200 ca nhiễm Covid-19 mới chỉ trong ngày 21/5. Tổng số ca nhiễm tại Philippines đã lên hơn 1,1 triệu người. Số ca tử vong cũng tăng đáng báo động. Lượng bệnh nhân tăng vọt khiến các bệnh viện đứng trước nguy cơ quá tải.

Bà Rosette Liquete, lãnh đạo một bệnh viện ở thủ đô Manila, Philippines, cho biết: "Tất cả các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công, đang rất khó khăn, giường bệnh đều đã hết. Trong khi đó, số nhân viên y tế dương tính với virus corona cũng đang tăng lên mỗi ngày".

Còn tại Malaysia, giới chức y tế đã ghi nhận thêm 50 người tử vong trong ngày 21/5. Trung bình 3 ngày gần nhất, nước này có tới 6.400 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đường cong dịch bệnh dốc đứng, làn sóng thứ hai trầm trọng hơn, số ca nhiễm mới đang mức cao nhất mà Malaysia từng ghi nhận.

Phát biểu trước đó vài ngày, một quan chức Bộ Y tế Malaysia nhấn mạnh, hệ thống chăm sóc sức khỏe đã chạy hết công suất. Malaysia cần cân nhắc phong tỏa toàn diện để chống dịch triệt để.

Tổng số ca nhiễm, tử vong và bình phục bởi Covid-19 ở ĐNA tính đến hôm 22/5. Nguồn: The ASEAN Post

Lý do mỗi quốc gia đưa ra cho sự mất kiểm soát tình hình dịch bệnh của mình là khác nhau, song hầu hết được cho là đến từ các du khách và những kỳ nghỉ lễ. 

Phần lớn người theo đạo Hồi ở Malaysia trong tháng qua đã tham dự tuần lễ Ramadan, thời điểm nhiều người tụ tập cầu nguyện và giao lưu với nhau vào buổi tối. Một loạt ca nhiễm đã bị phát hiện bên trong các hộp đêm ở Bangkok, Thái Lan sau kỳ nghỉ lễ Songkran hồi giữa tháng 4. Các lễ hội cũng đã dẫn đến nhiều ca nhiễm mới ở Lào. 

Đến giữa tháng 5, đợt bùng phát mới tại Campuchia đã lây nhiễm virus corona cho hàng nghìn người và khiến hơn 100 người tử vong. Laurence Baril, Giám đốc Viện Pasteur tại Phnom Penh, cho biết ngoại trừ các trường hợp mới được nhập cảnh, “toàn bộ số ca nhiễm biến chủng B.1.1.7 từ Anh” ở Campuchia được cho là đều có cùng một nguồn lây từ 2 gái mại dâm đã trốn kiểm dịch khi nhập cảnh vào nước này.

Sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mới khiến nhiều quốc gia phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh. 

Việt Nam và Singapore đã nâng thời hạn cách ly đối với người nhập cảnh từ 2 tuần lên thành 3 tuần, đồng thời đóng cửa một số cơ sở giải trí. Malaysia đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài trong 4 tuần, có hiệu lực từ ngày 10/5. Lào gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc từ 21/5 đến hết 4/6. Trong khi Campuchia gia hạn lệnh giới nghiêm ở thủ đô Phnom Penh thêm 1 tuần.

Dù vậy, khoảng 40% người Đông Nam Á cho biết họ đã thích nghi với các lệnh hạn chế, đồng thời tự tạo thói quen mới trong các hoàn cảnh "bình thường" mới.

Theo cơ quan nghiên cứu thị trường Ipsos, người dân Việt Nam và Singapore nằm trong nhóm hài lòng về phản ứng của chính phủ đối với dịch Covid-19. Việt Nam có tỷ lệ tín nhiệm cao nhất, với 91% dân số cho rằng Chính phủ đang xử lý tốt dịch bệnh. Con số này tại Singapore là 88%, Malaysia là 72% và Indonesia là 69%.

Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin Covid-19 ở những nước châu Á tính đến hôm 21/5. Nguồn: Our World in Data

Bên cạnh đó, việc tiêm vắc-xin Covid-19 cũng đang được đẩy mạnh ở nhiều nước Đông Nam Á. Các chuyên gia nhận định vắc-xin sẽ đóng vai trò quan trọng giúp khu vực sớm thoát khỏi dịch bệnh. 

Theo kho dữ liệu Our World in Data của Phòng thí nghiệm Dữ liệu Thay đổi Toàn cầu, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin Covid-19 ở Việt Nam đứng cuối trên tổng 11 nước trong khu vực, khi chỉ đạt 1,01%. Singapore đang dẫn đầu với hơn 33,61% dân số được tiêm ít nhất 2 liều vắc-xin. Tiếp theo là Campuchia với 13,32%, Lào với 6,53% và Malaysia là 5,37%, tính đến ngày 21/5.

Dù độ tin tưởng của người dân Đông Nam Á vào vắc-xin Covid-19 khá cao, song hiện tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về tiêm chủng. Một số người vẫn hoài nghi đối với các chiến dịch tiêm chủng, số khác nói lợi ích của vắc-xin vẫn nhiều hơn rủi ro. Một số muốn có thêm nhiều loại vắc-xin để lựa chọn, trong khi có những người không ngần ngại muốn đi tiêm phòng ngay lập tức.

Theo công ty phân tích dữ liệu YouGov, tỷ lệ dân số Đông Nam Á sẵn lòng tiêm vắc-xin dao động từ 50% (tại Philippines) đến 85% (tại Việt Nam). Thái độ người dân các nước nhìn chung không thay đổi nhiều kể từ tháng 12/2020 cho đến nay. Trong khi, mức độ tin tưởng của người dân một số nước, như Thái Lan, đã giảm từ hơn 80% vào tháng 1 xuống còn 60% trong tháng 4.

 

Liều lượng vắc-xin COVID-19 hàng ngày được tiêm trên 100 người ở 11 nước Đông Nam Á tính đến ngày 21/5. Nguồn: Our World in Data

Hầu hết các nước Đông Nam Á đều sử dụng nguồn cung vắc-xin từ cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đa số chính phủ các nước trong khu vực đều đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng cho 50% đến 70% dân số trưởng thành từ giờ đến hết năm 2021 hoặc 2022.

 

Việt Anh/vietnamnet.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin