Chi tiết tin tức New York Times: 'Phi công Anh là biểu tượng chống Covid-19 ở Việt Nam' 21:12:00 - 12/07/2020
(PGNĐ) - Tờ New York Times ca ngợi cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam, cho rằng bệnh nhân phi công người Anh là biểu tượng cho nỗ lực toàn diện của cả nước đối với đại dịch.
Bài viết đăng tải ngày 12/7, thông tin phi công Stephen Cameron, 43 tuổi, đã lên đường trở về Anh sau thời gian điều trị Covid-19 kéo dài hơn hai tháng. Tác giả viết: "Ông Cameron bị choáng ngợp bởi sự hào phóng của người Việt Nam, sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sĩ". New York Times trích lời bệnh nhân trong một video do Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp, thể hiện sự tôn trọng của ông đối với đội ngũ y tế Việt nam. Bệnh nhân nói: "Tôi chỉ có thể cảm ơn những con người nơi đây vì những gì họ đã làm". Nhật báo uy tín của nước Mỹ đánh giá Việt Nam là một trong những đất nước thành công nhất trong việc khống chế và khắc phục hậu quả đại dịch. Bài viết chỉ rõ Việt Nam không ghi nhận bất cứ ca tử vong nào do Covid-19, sạch các ca lây nhiễm cộng đồng kể từ giữa tháng 4 đến nay. Với 97 triệu dân, Việt Nam chỉ ghi nhận 369 ca dương tính (tính tới ngày 12/7). Reuters cũng theo sát tình hình bệnh nhân phi công tại Việt Nam. Hãng tin này nhận định, trong suốt hai tháng qua, Việt Nam đã nỗ lực hết mình để cứu chữa cho ca Covid-19 nặng nhất. "Khi phần lớn bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục, để tránh khỏi ca tử vong đầu tiên, Việt Nam đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cứu sống bệnh nhân người Anh. Hàng chục người đã đăng ký hiến phổi cho anh ta", tờ báo viết. Cùng ngày, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã gửi thư chúc mừng tới Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, kèm đường dẫn bài báo đăng trên New York Times. Trong thư, đại diện CDC Mỹ chia sẻ: "Chúng tôi xin chúc mừng Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị thành công cho "bệnh nhân 91", phi công nhiễm nCoV vào tháng 2. Giữa rất nhiều tin tức không vui về tình hình đại dịch, thật tuyệt vời khi thấy Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được sự chú ý tích cực của báo chí quốc tế như vậy". Khi về nước, viên phi công được hai bác sĩ đi kèm trong suốt các chặng bay dài tổng cộng 32 giờ. Các bác sĩ còn mang theo 6 bình oxy dự trữ và thiết bị y tế, sẽ theo sát tình hình sức khỏe bệnh nhân để kịp thời xử trí cấp cứu trong các tình huống có thể xảy ra khi máy bay đang ở trên cao. Các chuyên gia chia hành trình 32 giờ bay đến London, Anh, thành 7 giai đoạn di chuyển có thể ảnh hưởng sức khỏe, tình huống xấu nhất sẽ hạ cánh khẩn cấp. Phi công người Anh, nhiễm nCoV, "bệnh nhân 91", được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ngày 18/3. Sức khỏe anh ta nhanh chóng chuyển xấu, mắc hội chứng bão cytokine - hệ miễn dịch phản ứng quá mức chống lại cơ thể, phổi đông đặc 90%, rối loạn đông máu, lọc máu liên tục, hôn mê, sống phụ thuộc ECMO - hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể... có những lúc tưởng chừng tuyệt vọng. Các chuyên gia y tế Việt Nam tập trung mọi nỗ lực cứu bệnh nhân. Bộ Y tế tính đến phương án ghép phổi cho bệnh nhân. Sau hơn 60 ngày điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, bệnh nhân sạch nCoV, ngày 22/5 chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị nội khoa. Từ đây bệnh nhân từng bước hồi phục một cách thần kỳ, xuất viện hôm 11/7 và đáp chuyến bay về Anh tối cùng ngày. Thục Linh (Theo NY Times, Reuters)/Vnexpress.net
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |