Chi tiết tin tức

Tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc, “Hộ quốc An dân” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới

20:19:00 - 08/07/2022
(PGNĐ) -  Bài tham luận: Tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc, “Hộ quốc an dân” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới của TS. Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại Hội thảo Phát huy vai trò của Tăng, Ni GHPGVN trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), tổ chức vào tháng 01/2022.

DẪN NHẬP

Đạo Phật được du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu công nguyên. Do sự tương đồng giữa giáo lý “Từ bi – Hỷ xả”, “Cứu khổ cứu nạn” của Đức Như Lai với tư tưởng, tình cảm và truyền thống nhân văn của người Việt nên đạo Phật đã luôn gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam ta đã ghi nhận những đóng góp to lớn của đạo Phật với dân tộc. Ngay từ buổi đầu mới được truyền vào nước ta, Phật giáo đã được các bậc Tổ sư tiền bối tiếp thu một cách có chọn lọc, dựa trên các điều kiện cụ thể của nước nhà để hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh và tạo nên một đạo Phật rất Việt Nam, gắn bó mật thiết không thể phân ly trong lòng dân tộc.

PHẬT GIÁO ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC QUA BAO THỜI ĐẠI LỊCH SỬ

Đinh Tiên Hoàng – vị Hoàng đế đầu tiên của nước Đại Cồ Việt độc lập tự chủ đã mời Thiền sư Ngô Chân Lưu làm cố vấn trong công việc trị quốc. Để tỏ niềm tôn kính và đánh giá đúng công lao, vua đã ban hiệu “Khuông Việt Đại Sư” cho Ngài. Hình ảnh Thiền sư Đỗ Pháp Thuận cải dạng thành người lái đò để tiếp sứ thần nhà Tống thật khó phai mờ trong lòng người hậu thế – một hình ảnh đẹp, một sự hy sinh lớn, một minh chứng cho tấm lòng vì nước vì dân. Thời Lý cũng đã có biết bao vị cao Tăng đứng ra cùng vua chung lo gánh vác việc nước như: Thiền sư Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Thông Biện, Viên Thông, Khuông Lộ… Đặc biệt, mỗi lần lật lại trang sử vẻ vang của thời Trần, chúng ta thật cảm động và khâm phục các vua Trần đã đoàn kết toàn dân, vua tôi hoà hợp, quyết tâm bảo vệ giang sơn cẩm tú, ba lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược. Một Trần Thái Tông anh minh và đức hạnh, hành xử viên dung cả đời lẫn đạo; một Tuệ Trung Thượng sĩ với tâm hồn siêu thoát đã hòa mình trong cuộc đời và đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, một anh hùng dân tộc, nhà văn hoá lớn, đồng thời là người khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang đậm bản sắc Phật giáo Việt Nam. Với sự gắn bó mật thiết giữa Phật giáo và dân tộc nên từ vua quan đến nhân dân, ai ai cũng tôn trọng Tam bảo và lấy giáo lý đạo Phật làm phương cách hành xử trong cuộc sống. Vì thế, sau luỹ tre làng luôn ẩn hiện những ngôi chùa vừa uy nghiêm vừa gần gũi, một hiện hữu không thể thiếu trong cộng đồng làng xã Việt Nam. Trong một thời gian dài, ngôi chùa không chỉ là chỗ dựa tâm linh cho con người, nơi giáo dục về đạo đức và văn hoá mà còn là nơi đào tạo nhân tài phục vụ đất nước và đoàn kết lòng dân. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo đã gắn bó, hòa quyện và hun đúc, làm giàu, đồng thời tăng cường thêm sức mạnh cho văn hóa dân tộc.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Nhiều quý vị Tăng Ni, Phật tử đã trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, như: Hòa thượng Thiện Chiếu, Hoà thượng Thích Minh Nguyệt, Hoà thượng Thích Thiện Hào… Trong lúc đất nước lâm nguy, Hòa thượng Thích Thế Long ở chùa Cổ Lễ (Nam Định) đã từng làm lễ “Cởi áo cà sa khoác chiến bào” cho 27 vị tu sĩ Phật giáo trở thành những chiến sĩ cách mạng. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu phản đối Mỹ – Diệm để nêu cao hạnh nguyện đại hùng, đại lực của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, phụng sự đất nước, phục vụ chúng sinh… Hình ảnh các vị cao Tăng thạc đức đáp ứng tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, sát cánh cùng toàn dân đánh giặc cứu nước đã tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc trong ngày thống nhất, độc lập và hoà bình. Trong lao động sản xuất, thực hiện nếp sống đạo đức văn hoá, nhiều quý vị Tăng Ni, Phật tử đã trở thành những người tiêu biểu, gương mẫu, làm chỗ dựa đáng tin cậy trong khối đại đoàn kết toàn dân… Đó là những minh chứng cho tinh thần yêu nước chân chính của Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

PHẬT GIÁO HÒA MÌNH VÀO CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Đất nước độc lập thống nhất, giang sơn thu về một mối, đó lại là điều kiện thuận lợi để 09 tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước tự nguyện thống nhất thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoàn thành hoài bão cao cả của các bậc tiền nhân. Từ khi thành lập đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cùng toàn thể Tăng Ni, Phật tử khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, thực hiện tinh thần “Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật” và kiên trì phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội tiếp tục đóng góp tích cực và xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thành tựu quan trọng và nổi bật nhất là công tác hoằng dương chánh pháp, củng cố và trang nghiêm Giáo hội làm ngôi nhà chung tiêu biểu cho Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam cả trong và ngoài nước. Số lượng Tăng Ni, Phật tử ngày càng phát triển, đến nay cả nước có tới 54.169 vị Tăng Ni, gồm: 40.095 Bắc tông; 7.028 Nam tông Khmer, 08 tu nữ; 1.754 Nam tông Kinh (1.100 chư Tăng, 654 tu nữ); 5.284 Tăng Ni thuộc hệ phái Khất sĩ; có hàng chục triệu tín đồ và những người có niềm tin yêu mến đạo Phật.

Với sự quan tâm thường xuyên của Giáo hội và xã hội, đến nay, cả nước đã có trên 18.544 chùa (tự viện), gồm: 15.871 chùa Bắc tông; 462 chùa Nam tông Khmer, 45 Salate; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 tịnh xá, 467 tịnh thất, 998 niệm Phật đường, 54 tự viện Phật giáo người Hoa với hàng trăm tu sĩ.

Nhiều Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố cùng Tăng Ni, Phật tử và nhân dân trùng tu, tôn tạo và xây mới hàng nghìn ngôi chùa khang trang, to đẹp. Trong 40 năm qua, đã có hàng nghìn đầu kinh sách, văn hóa phẩm Phật giáo với hàng trăm triệu ấn phẩm được in ấn, phát hành trong toàn quốc với nhiều thể loại. Nhiều tờ báo, tạp chí, website, kênh truyền thông Phật giáo của Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố, các tổ đình lớn đã ra đời và đi vào hoạt động thiết thực, góp phần phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức nhân bản của Phật giáo và bản sắc văn hoá dân tộc trong đời sống xã hội. Bốn học viện Phật giáo, 09 lớp Cao đẳng, 35 trường Trung cấp và hàng chục lớp Sơ cấp Phật học đã giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng hàng chục ngàn Tăng, Ni sinh theo học có kết quả. Hàng trăm Tăng, Ni sinh được Giáo hội cử đi đào tạo Cao học, Tiến sĩ Phật học ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Công tác phổ truyền các giá trị văn hoá, đạo đức Phật giáo được chú ý phát huy với nhiều hội thi: Nhiếp ảnh, hội thi sáng tác thơ, văn, truyện, ký, triển lãm văn hóa Phật giáo tổ chức ở trong và ngoài nước, góp phần xây dựng nếp sống lành mạnh, hướng thiện và bài trừ mê tín hủ tục. Trên tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật gắn với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, các tỉnh thành hội Phật giáo trong cả nước đã hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tổ chức Đại lễ Vu Lan báo ân, báo hiếu trang nghiêm, long trọng gắn với các hoạt động cụ thể như: Thăm và tặng quà các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo, giúp đỡ gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh liệt sĩ, thăm người nghèo khó, tàn tật, trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão, trại tâm thần, trại phong… Đặc biệt, từ năm 2011, tròn 30 năm thành lập, Giáo hội đã có Thông bạch hướng dẫn các cơ sở Phật giáo trong toàn quốc đồng loạt gióng lên 09 hồi chuông lớn vào 6h00 sáng ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) hàng năm để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của những người con Phật đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.

Hoạt động từ thiện nhân đạo của Giáo hội từ khi thành lập đến nay đã được quan tâm phát triển và được lan tỏa rộng khắp trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Giáo hội đã động viên Tăng Ni, Phật tử trong cả nước và bà con Phật tử ở nước ngoài hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước sống “Tốt đời, đẹp đạo”, đặc biệt là tham gia các cuộc vận động lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” trước đây và nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cuộc vận động “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến”, “Xây dựng chùa văn hóa” ở nhiều nơi, góp phần cùng Nhà nước, Mặt trận chăm lo cho người nghèo, người có công với nước, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; phát triển hệ thống Tuệ Tĩnh đường và các phòng khám từ thiện miễn phí; cứu trợ và giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ; chăm sóc, giúp đỡ những người bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS… với số tiền hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Quan hệ quốc tế của Giáo hội tiếp tục được mở rộng với hàng trăm hoạt động thăm viếng, Hội thảo khoa học, giao lưu trao đổi về Phật sự và văn hoá, từ thiện xã hội… với các nước trong khu vực và trên thế giới… Đặc biệt, với sự đăng cai của Chính phủ, Giáo hội đã phối hợp với Ủy ban Tổ chức quốc tế (IOC) lần đầu tiên tổ chức thành công rực rỡ Đại lễ Vesak năm 2008 tại Việt Nam. Năm 2014, Giáo hội đã đăng cai tổ chức thành công tốt đẹp Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại chùa Bái Đính và ra Tuyên bố chung Ninh Bình; năm 2019 lần thứ ba, Giáo hội tiếp tục đăng cai và tổ chức thành công rực rỡ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Khu du lịch chùa Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam với nhiều kỷ lục Phật giáo thế giáo được ghi nhận trong tổ chức đại lễ và ra Tuyên bố chung Hà Nam; Giáo hội đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Ni giới thế giới tại Việt Nam; tham gia tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo Phật giáo 3 nước Lào – Việt Nam – Campuchia… Các hoạt động đó đã góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Với tinh thần “Cứu khổ cứu nạn”, “Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật”, Giáo hội và Tăng Ni cả nước luôn quan tâm và tích cực tham gia các hoạt động an sinh, từ thiện xã hội với giá trị mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Riêng giá trị quy tiền tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội toàn Giáo hội thực hiện năm 2020 là 2.439.151.177.000đ. Bên cạnh đó, năm 2020, do dịch bệnh COVID-19, hạn hán, xâm nhập mặn làm thiếu nước sinh hoạt trầm trọng ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ; các tỉnh miền Trung liên tiếp xảy ra thiên tai bão lũ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của đồng bào vùng bị thiên tai. Thực hiện Thông bạch cứu trợ của Trung ương Giáo hội, hưởng ứng vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các ban, viện Trung ương, Ban Trị sự, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo, Tăng Ni, Phật tử các tự viện đã thực hiện nhiều chương trình cứu trợ có ý nghĩa nhân đạo và nhân văn.

Nổi bật nhất là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN kêu gọi ủng hộ nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tăng Ni, Phật tử các chùa đã tích cực tham gia ủng hộ tiền, hàng, trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn, thiết bị y tế cho ngành y tế, cho các bệnh nhân, những người bị nghi lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung, các y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng tình nguyện nơi tuyến đầu phòng chống dịch… với trị giá khoảng trên 300 tỷ đồng. Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, Tăng Ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện còn vận động quyên góp, ủng hộ cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai như: Tặng nhu yếu phẩm, nước ngọt, các bình chứa nước loại lớn, các cây nước, giếng nước, máy lọc nước…; tổ chức phát gạo, mì, nhu yếu phẩm, các cây ATM gạo, ATM nước nghĩa tình, các siêu thị hạnh phúc – 0 đồng… đã giúp cho người nghèo vượt qua được những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch và thiên tai. Đặc biệt, tại chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng ký trao tặng 100 tỷ đồng ủng hộ chương trình an sinh xã hội nhân dịp Tết cổ truyền Tân Sửu năm 2021 và ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho Quỹ vì người nghèo ở Trung ương và các địa phương.

Hiện nay, cả nước đã có hàng trăm Tuệ Tĩnh đường với hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, khám và phát thuốc Nam, thuốc Bắc; có hơn 1.000 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật… với trên 20.000 em, hơn 20 cơ sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng hơn 1.000 cụ già không nơi nương tựa.

Với ý thức trách nhiệm công dân sâu sắc, trong hơn 40 năm qua đã có hàng triệu lượt Tăng Ni, Phật tử tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc; hàng nghìn vị chức sắc, Tăng Ni của Phật giáo Việt Nam tham gia Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở các cấp. Từ khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, tính đến nay đã có 41 vị chức sắc Phật giáo tham gia làm Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khóa XIV. Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập (1981) đến nay đã có 25 vị chức sắc Phật giáo tham gia làm Đại biểu Quốc hội, trong đó Hòa thượng Thích Thế Long được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII (1981-1987), Hoà thượng Thích Thiện Hào được tín nhiệm bầu vào Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá VI, khoá VII. Nhiều vị Hoà thượng, Thượng toạ, Ni trưởng, Ni sư và các Tăng Ni, Phật tử đã tham gia học tập, tiếp thu các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, chương trình hành động của Mặt trận. Giáo hội đã triển khai và thực hiện tốt pháp lệnh và luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành pháp lệnh, luật… làm cho mọi người ngày càng tin tưởng, đóng góp vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và phấn khởi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mình, góp phần củng cố, nâng cao uy tín và vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các ngày lễ lớn của Phật giáo như: lễ Phật đản, lễ Vu Lan, lễ Đức Phật Thích Ca thành đạo, Lễ tưởng niệm Bồ tát và các ngày lễ lớn khác đều được Giáo hội tổ chức trọng thể; được các cấp lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm, giúp đỡ và tham dự động viên, chúc mừng, nên Tăng Ni, Phật tử cả nước cũng như Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, mọi người đều vui vẻ, phấn khởi.

Sau khi thành lập, nhất là trong nhiệm kỳ II và nhiệm kỳ III, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động kịp thời đấu tranh với những âm mưu chia rẽ Phật giáo, chia rẽ Giáo hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch; đấu tranh với các hành vi sai trái lập tổ chức bất hợp pháp của một số cá nhân bảo thủ, lạc hậu và cố chấp trong giới Phật giáo. Qua đó, khẳng định vị thế và nâng cao uy tín của Giáo hội đối với đất nước và nhân dân, làm sáng tỏ chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta với các nước trên thế giới và điều đó đã thúc đẩy Bộ Ngoại giao Mỹ phải đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC)… Những thành tựu Phật sự và thế sự đó của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã minh chứng sâu sắc cho ý nghĩa của sự hoà hợp, thống nhất Phật giáo trong cả nước, tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết hoà hợp, đóng góp thiết thực vào những thành tựu chung của đất nước, thể hiện sự tiếp tục phát huy truyền thống nhập thế, gắn bó đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới và làm sáng tỏ giáo lý Đức Phật trong cuộc sống nhân gian.

Bước sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước và chủ động tích cực hội nhập quốc tế vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phật giáo Việt Nam lại có cơ duyên thuận lợi là có một tổ chức Giáo hội thống nhất về tổ chức và lãnh đạo, thống nhất về tư tưởng và hành động mà chưa có Phật giáo nước nào trên thế giới có được. Qua đó, tạo thành sức mạnh nội lực để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiều công việc Phật sự cao cả như mong ước của các bậc tiền nhân; đồng thời cũng giúp cho Giáo hội có thêm cơ duyên bảo tồn và phát huy được những nét tinh túy của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.

PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG VẬN HỘI MỚI

Với thế mạnh về tổ chức và lãnh đạo, cũng như sự thống nhất độc đáo trong đa dạng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đang có nhiều điều kiện thuận lợi và trợ duyên để tiếp tục phát huy được vai trò, tiềm năng to lớn và những điểm đặc sắc, tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam như: Bề dày lịch sử trên 2.000 năm, trước cả Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Nhật Bản; luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc; có đủ các tông phái Bắc truyền, Nam truyền và các tông phái riêng của Việt Nam; đã hội nhập sâu rộng trong đời sống tâm linh và xã hội của người Việt, hoà hợp nhuần nhuyễn với đạo thờ cúng Tổ tiên và văn hoá Việt Nam; có khả năng giao lưu với thế giới và thích nghi với thời đại… từ đó từng bước đưa Phật giáo Việt Nam vươn lên trở thành một trong những trung tâm lớn của Phật giáo khu vực và thế giới.

Trên tinh thần đó, các chương trình hoạt động Phật sự và thế sự của Giáo hội cần luôn hướng tới mục tiêu tôn vinh các giá trị giáo huấn của đức Phật như: từ bi và trí tuệ; khoan dung và hoà hợp; tôn trọng bảo vệ con người, sự sống và môi trường sinh thái; tự chủ, không ngừng tiến bộ và giải thoát; thực hành dân chủ và công bằng xã hội; chống bá quyền, bạo lực, tội ác, chiến tranh, khủng bố và các tệ nạn xã hội…; đồng thời, xiển dương và phát triển rộng rãi được những giá trị đặc sắc, tiêu biểu của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hệ phái Khất sĩ và các tông phái đặc trưng riêng của Việt Nam nhằm xây dựng con người và cộng đồng xã hội an lạc, phát triển hài hoà bền vững trong hoà bình hữu nghị và hợp tác thân thiện… Qua đó, góp phần tích cực vào việc củng cố, tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam ở trong khu vực cũng như trên thế giới.

Để đáp ứng với những vấn đề mang tính thời đại của đất nước và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các công tác Phật sự, từ công tác Tăng sự, hoằng pháp, giáo dục Tăng Ni, hướng dẫn Phật tử, hoạt động nghi lễ, văn hoá, kinh tế, từ thiện xã hội, đối ngoại nhân dân, nghiên cứu Phật học, truyền thông, kiến trúc… đều đòi hỏi Giáo hội phải tiếp thu kịp thời và vận dụng linh hoạt các thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ sinh học… để hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sinh. Yêu cầu đó đòi hỏi Giáo hội cần gấp rút có kế hoạch và lộ trình đào tạo năng lực, bồi dưỡng Tăng tài cho các thế hệ Tăng Ni, cư sĩ trẻ có đủ đạo hạnh, tri thức Phật học và thế học cũng như tinh thần dấn thân, phục vụ, không quản khó khăn, gian khổ, đủ sức gánh vác nhiệm vụ mà thời đại và đất nước đặt ra cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong đào tạo Tăng tài, các cơ sở đào tạo không chỉ đổi mới, hoàn thiện nội dung giáo trình, phương pháp tiếp cận, mà còn đòi hỏi phải trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng các ngoại ngữ thông dụng (Anh, Pháp, Nga, Nhật, Trung…) và ngôn ngữ của các dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam như: Hmông, Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na, Mnông, Chăm… cho một đội ngũ nguồn các Tăng Ni, cư sĩ có điều kiện và tâm huyết, để dần dần hình thành nền giáo dục Phật giáo Việt Nam thực sự vừa mang tính dân tộc, tính hiện đại và tính quốc tế, lấy tu chứng, nhập thế và quá trình thực nghiệm làm căn bản, phát huy được những tinh tuý, bản sắc của các hệ phái Phật giáo Việt Nam (Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ), đồng thời tiếp thu được các giá trị đặc sắc, tinh hoa của Phật giáo thế giới để các thế hệ Tăng Ni Việt Nam dù được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều nước khác nhau vẫn luôn tâm niệm lấy việc dấn thân theo tinh thần nhập thế, đồng hành cùng dân tộc, phục vụ cho Giáo hội, cho đất nước, con người Việt Nam và nhân loại.

Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo Tăng tài, phải có kế hoạch sử dụng hợp lý đội ngũ Tăng Ni có đạo hạnh, năng lực vào các công việc khác nhau của Giáo hội. Đồng thời, tăng cường việc luân chuyển đội ngũ chức sắc, Tăng Ni giữa các vùng miền, các khu vực, các địa phương để tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi và phát huy những thế mạnh sở trường của Tăng Ni mỗi khu vực trong việc phục vụ Giáo hội, phục vụ xã hội và Phật tử, khắc phục tình trạng thiếu Tăng Ni trụ trì ở nhiều cơ sở tự viện, nhất là ở các tỉnh miền Bắc, đồng thời tránh sự thụ động, cố hữu, trì trệ trong tu học và phát huy được tinh thần dấn thân phục vụ chúng sinh của Tăng Ni ở khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Bên cạnh đó, Giáo hội cần phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam, kết hợp văn hóa Phật giáo với văn hoá dân tộc, văn hóa các vùng miền và văn hoá của các dân tộc thiểu số anh em trong đại gia đình Việt Nam để làm giàu bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng, làm giàu nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó, chủ động phòng ngừa, khắc phục các hiện tượng, trào lưu văn hoá lai căng, tiêu cực, vong bản đã và đang xâm hại đến các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc và Phật giáo Việt Nam, nhất là trong điều kiện đất nước ta mở cửa, đổi mới và hội nhập quốc tế; khắc phục tình trạng mê tín hủ tục, buôn thần bán thánh, lợi dụng Phật giáo vì những động cơ cá nhân, vụ lợi và mục tiêu không trong sáng trong một số ít Tăng, Ni ở một số tự viện, đưa Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới, vừa hoằng dương chính pháp vừa khế hợp Phật giáo với thời đại để “Hộ quốc an dân”.

Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngoài việc chăm lo công tác Phật sự, đào tạo Tăng tài, Giáo hội cần tiếp tục động viên đông đảo Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước dấn thân trong tinh thần từ bi hỷ xả, cứu khổ cứu nạn, chủ động và hăng hái tham gia các công việc chung của đất nước thông qua các phong trào ích nước lợi dân, thiện tâm công đức như: Phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín hủ tục… nhằm cứu khổ, ban vui cho mọi người. Gắn việc thực hiện nhiệm vụ hoằng dương chính pháp với việc xây dựng nếp sống văn hóa ngay từ các cơ sở tự viện, xây dựng niềm tin chân chính và nếp sống đạo hạnh trong sáng, lành mạnh cho Tăng Ni, Phật tử thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh” và chương trình “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động, theo lộ trình và thời gian cần chú ý bổ sung thêm các nội dung mới mà cuộc sống đòi hỏi, sao cho mỗi cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mỗi Tăng, Ni là một điểm sáng về văn hóa, về tinh thần dấn thân phục vụ chúng sinh một cách vô vị lợi. Các chùa, cơ sở Phật giáo đa dạng hóa các mô hình, hình thức câu lạc bộ sinh hoạt để hướng dẫn, hỗ trợ cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và người dân ở cộng đồng giao lưu, trao đổi về tri thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, sản xuất, kinh doanh… và giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là vào các dịp lễ tết của dân tộc và những ngày lễ trọng của Phật giáo.

Bên cạnh, Giáo hội cần thường xuyên quan tâm việc tăng cường đoàn kết hoà hợp, củng cố, mở rộng và trang nghiêm Giáo hội; thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên, các hệ phái, các thế hệ; có chương trình và kế hoạch cụ thể hỗ trợ để xiển dương các giá trị của Phật giáo Nam tông Khmer, Nam tông Kinh, Phật giáo Khất sĩ và thiền phái Trúc lâm Yên Tử; thực hiện tốt các chương trình phật sự, thế sự của Giáo hội phù hợp với yêu cầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và chủ động tích cực hội nhập quốc tế trong thời đại mới; mở rộng và tăng cường mối quan hệ đồng đạo, tình đoàn kết thân ái giữa Phật giáo với các tôn giáo ở Việt Nam. Đồng thời, có chương trình hỗ trợ cho công tác Phật sự của Phật giáo các tỉnh miền núi, khu vực biên giới, hải đảo và của Tăng Ni, đồng bào Phật tử Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài, góp phần cùng Nhà nước và Mặt trận phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở xa Tổ quốc luôn hướng về cội nguồn, về quê hương đất nước, góp sức cùng nhân dân trong nước thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, nhưng vẫn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá Phật giáo Việt Nam, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hợp tác thân thiện giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.

KẾT LUẬN

Trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thế kỷ XXI, việc tiếp tục phát huy truyền thống nhập thế, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, “Hộ quốc an dân”, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đồng thời thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của một tổ chức thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ là nhân tố quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của Giáo hội và phát huy vai trò của Tăng, Ni Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại mới… Qua đó, tiếp tục phát huy truyền thống và những thành quả hoạt động “Phụng sự đạo pháp và dân tộc” từ khi thành lập đến nay của Giáo hội và chư Tôn đức giáo phẩm cùng Tăng Ni, cư sĩ, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tiếp tục phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

 

 

Chú thích:

* Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh – Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban Tôn giáo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin