Chi tiết tin tức

Nội quy Ban Hoằng pháp Trung ương nhiệm kỳ VII và quyết định ban hành của GHPGVN

17:17:59 - 24/07/2013

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

------------------------

 Số : 281/2013/QĐ.HĐTS

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 -------------------------------------

 

                     Tp. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 8 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Nội quy Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN

Nhiệm kỳ VII (2012 - 2017)

 

 

CHỦ TỊCH

HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

-Căn cứ điều 25, 26 chương V Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tu chỉnh lần thứ v);

-Căn cứ Nghị quyết số 210/NQ.HĐTS ngày 02/7/2013 Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

-Xét tờ trình ngày 05/8/2013 của Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành Nội quy hoạt động Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), gồm có 08 chương, 25 điều đã được Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông qua ngày 02/7/2013 (đính kèm Nội quy).

Điều 2: Các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, khi triển khai thực hiện các hoạt động Phật sự liên quan đến lĩnh vực Hoằng pháp, phải tuân thủ các quy định của Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Hoằng pháp Trung ương và pháp luật Nhà nước.

Điều 3: Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Trung ương, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, cấp huyện, Trưởng ban và các thành viên Ban Hoằng pháp Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nội quy này.

Điều 4: Nội quy này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2013.

 

Nơi nhận :

- Như Điều 3 "để thực hiện”

- Ban Thường trực HĐTS GHPGVN

- Ban Tôn giáo Chính phủ

- Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành

"để biết”

- Lưu VP1 - VP2.

TM. BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

CHỦ TỊCH

(đã ký) 

 Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH

 

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

-------------------------

 

BAN HOẰNG PHÁP TRUNG ƯƠNG

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 ------------------------------------

 NỘI QUY

BAN HOẰNG PHÁP TRUNG ƯƠNG

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 281/2013/QĐ.HĐTS ngày 08 tháng 8 năm 2013

của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam)

 

 

CHƯƠNG I

DANH XƯNG - MỤC ĐÍCH – VĂN PHÒNG

ĐIỀU 1: Chiếu theo điều 25 chương V Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hoằng pháp Trung ương là một bộ phận hoạt động chuyên ngành của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lấy tên "BAN HOẰNG PHÁP TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM” viết tắt "BHPTƯ GHPGVN”.

ĐIỀU 2: Ban Hoằng pháp Trung ương hoạt động nhằm mục đích: Hộ trì Chánh pháp, lợi lạc chúng hữu tình. Đồng thời hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử phát huy tư tưởng trong sáng, tích cực trong đa dạng của giáo lý Đạo Phật, làm cho ý nghĩa đích thực của Đạo Phật được thể hiện trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc an vui cho con người.

ĐIỀU 3: Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN có 02 Văn phòng làm việc tại Trụ sở Trung ương GHPGVN:

- Văn phòng 1: Chùa Quán Sứ, 73 Phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội.

- Văn phòng 2: Thiền viện Quảng Đức, 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh

CHƯƠNG II

THÀNH PHẦN NHÂN SỰ

ĐIỀU 3: Ban Hoằng pháp Trung ương trực thuộc Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành phần nhân sự gồm có:

-Trưởng ban

-03 Phó Trưởng ban Thường trực

-Các Phó Trưởng ban

-Chánh Thư ký

-Các Phó Chánh Thư ký

-Thủ quỹ

-Các Phó Thủ quỹ

-Ủy viên Thường trực

-Ủy viên.

ĐIỀU 4: Trưởng ban do Hội đồng Trị sự suy cử, các Phó Trưởng ban Thường trực, Phó ban và các Ủy viên do Trưởng ban đề cử, trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chuẩn y bằng một quyết định.

ĐIỀU 5: Để phụ trách một số công tác chuyên môn, Ban Hoằng Pháp Trung ương được thành lập các Phân ban, mỗi Phân ban không quá 15 vị như sau:

- Phân ban đặc trách kế hoạch, đào tạo Giảng sư.

- Phân ban đặc trách Giảng sư Đoàn.

- Phân ban đặc trách biên soạn tài liệu Giáo lý Hoằng pháp

- Phân ban đặc trách Hội thi Giáo lý

- Phân ban đặc trách tập huấn Hoằng pháp viên Phật tử

- Phân ban đặc trách tổ chức các sự kiện

- Phân ban đặc trách Phật giáo Nam Tông

- Phân ban đặc trách Phật giáo Khất sĩ

- Phân ban đặc trách Phật giáo người Hoa

- Phân ban đặc trách thanh thiếu niên Phật tử Hoằng pháp

- Phân ban đặc trách các khóa tu tập cho Phật tử

- Phân ban đặc trách truyền thông

- Phân ban đặc trách Hoằng pháp quốc tế

- Phân ban đặc trách đồng bào sắc tộc

- Phân ban đặc trách văn hóa văn nghệ

- Phân ban đặc trách công tác từ thiện xã hội

- Phân ban đặc trách các giới trong xã hội

- Phân ban đặc trách thanh thiếu niên Phật tử

- Phân ban đặc trách vận động tài chánh, bảo trợ.

 CHƯƠNG III

 TRÁCH NHIỆM - HỆ THỐNG LIÊN LẠC

ĐIỀU 6: Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương chịu trách nhiệm về các hoạt động trong phạm vi của Ban trước Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

ĐIỀU 7Văn phòng Ban Hoằng pháp Trung ương kết hợp với Văn phòng Trung ương Giáo hội triển khai các hoạt động của Ban, các quyết định hay nghị quyết của Hội đồng Trị sự GHPGVN có liên quan đến ngành Hoằng pháp.

ĐIỀU 8: Mọi liên lạc bằng văn thư thuộc Ban Hoằng pháp Trung ương với Ban Hoằng pháp Giáo hội các tỉnh, thành phải thông qua Văn phòng Trung ương Giáo hội để phổ biến.

CHƯƠNG IV

CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

ĐIỀU 9: Chức năng của Ban Hoằng pháp là tổ chức biên soạn những bài giảng cho các ngày lễ lớn; biên soạn chương trình học giáo lý cho Phật tử; tổ chức các khóa, lớp đào tạo giảng sư của Ban Hoằng pháp; mở khóa tập huấn Hoằng pháp cho giảng sư, Phật tử; điều phối, phân bổ giảng sư thuyết giảng Phật pháp trong phạm vi trong nước và nước ngoài.

ĐIỀU 10: Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN có nhiệm vụ:

a) Giới thiệu thành viên của Ban Hoằng pháp Trung ương cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự bổ nhiệm.

b) Chủ trì các công tác Phật sự của Ban và các Phân ban; chủ trì biên soạn các tài liệu hướng dẫn sinh hoạt cho giảng sư Trung ương và các tỉnh thành.

c) Cấp Chứng minh thư cho giảng sư cấp Trung ương.

ĐIỀU 11: Các Phó Trưởng ban Thường trực, Phó Trưởng ban chuyên trách:

a) Phó Trưởng ban Thường trực hỗ trợ Trưởng ban trong các công tác điều hành Phật sự của Ban và thay thế khi vị Trưởng ban vắng mặt.

b) Các Phó Trưởng ban chuyên trách, chịu trách nhiệm soạn thảo kế hoạch và chương trình hoạt động chuyên môn của Phân ban mình phụ trách, trình Trưởng ban và Ban thông qua, có phương án cụ thể để thực hiện.

c) Các Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương có trách nhiệm thực hiện những chủ trương, đường lối, sự phân công của Ban Hoằng pháp và các Phân ban chuyên trách trực tiếp đến Phật sự được giao.

ĐIỀU 12Các Ủy viên có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Ban Hoằng pháp Trung ương và Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội các tỉnh, thành để điều phối, giải quyết chương trình thuyết giảng tại địa phương và tùy theo khả năng chuyên ngành, được phân công biên soạn các bài giảng mẫu liên hệ.

ĐIỀU 13:

- Chánh Thư ký:

a) Điều hành Văn phòng Ban Hoằng pháp, quản lý về mặt hành chánh.

b) Xem xét sơ bộ các hồ sơ tài liệu và văn kiện để đệ trình lên Trưởng ban duyệt xét.

c) Lên kế hoạch chương trình các buổi họp và ghi biên bản các buổi sinh hoạt của Ban.

d) Lên kế hoạch các dự án, đề án, chương trình hội thảo, khóa tu, sinh hoạt cho Ban Hoằng pháp Trung ương.

- Các Phó Thư ký: Cùng Chánh Thư ký điều hành Văn phòng của Ban Hoằng Pháp Trung ương, giúp cho Ban và Chánh Thư ký điều hành các sinh hoạt của Văn phòng.

ĐIỀU 14: Ủy viên Thủ quỹ chịu trách nhiệm về các mặt thu chi của Ban Hoằng pháp Trung ương.

ĐIỀU 15: Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN cấp tỉnh, thành do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, thành suy cử và được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN chuẩn y. Trưởng ban Hoằng pháp các tỉnh, thành được thành lập một Ban Hoằng pháp không quá 37 thành viên và phải được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành chuẩn y bằng một quyết định.

ĐIỀU 16: Nhiệm vụ của Ban Hoằng pháp GHPGVN cấp tỉnh, thành là :

a) Điều hành giảng sư đoàn của Giáo hội tỉnh, thành; phân bổ giảng sư theo yêu cầu trong các ngày lễ lớn, các Đạo tràng tu học Phật pháp tại Giáo hội các tỉnh, thành.

b) Mở khóa huấn luyện bồi dưỡng cho giảng sư ở cấp tỉnh, thành.

c) Biên soạn chương trình giảng dạy giáo lý cho Phật tử ở tỉnh, thành.

d) Cấp chứng minh thư cho giảng sư cấp tỉnh, thành.

e) Thực hiện các chủ trương đường lối của Ban Hoằng Pháp Trung ương và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành chủ quản.

ĐIỀU 17Giảng sư đoàn gồm :

a) Giảng sư cấp Trung ương giảng dạy giáo lý trong cả nước.

b) Giảng sư cấp tỉnh, thành giảng dạy giáo lý trong tỉnh hay thành phố. Trường hợp đặc biệt, giảng sư cấp tỉnh, thành được các đạo tràng ngoài tỉnh mời, thỉnh giảng, phải được sự chấp thuận của Ban Hoằng pháp tỉnh đó chấp thuận, hoặc có ý kiến giới thiệu của Ban Hoằng pháp Trung ương.

c) Giảng sư cấp Trung ương phải có trình độ Đại học trở lên. Giảng sư cấp tỉnh, thành hội phải tốt nghiệp Trung cấp Phật học hoặc đã tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng Giảng sư của Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN.

ĐIỀU 18Danh xưng:

-Pháp sư: Các Giảng sư thâm niên.

-Giảng sư: Đã thuyết giảng từ 10 năm trở lên và được Ban Hoằng Pháp Trung ương trình HĐTS GHPGVN chuẩn y.

-Giảng viên: Đã tốt nghiệp các khóa đào tạo Hoằng pháp.

-Giảng sinh: Đang theo học các lớp đào tạo Giảng sư Hoằng pháp.

 

CHƯƠNG V

 KHEN THƯỞNG – KỶ LUẬT

ĐIỀU 19: Ban Hoằng Pháp Trung ương sẽ xem xét quá trình đóng góp của các thành viên mà có quyết định tuyên dương công đức hoặc đề nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN hoặc các cơ quan hữu quan khen thưởng.

ĐIỀU 20: Tùy theo chức năng và nhiệm vụ mà các thành viên thực, Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN sẽ tổ chức xét duyệt, đề nghị Trung ương Giáo hội và Ban khen thưởng trong những dịp lễ trọng và Hội nghị của Ban hoặc của Giáo hội.

ĐIỀU 21: Các thành viên không chấp hành Nội quy sinh hoạt của Ban, không thực thi các nhiệm vụ được phân công, không tham gia hội họp, sinh hoạt của Ban thì Ban Hoằng pháp Trung ương sẽ có những hình thức khuyến cáo hoặc nếu cần có thể cử nhân sự khác thay thế.

CHƯƠNG VI

 HỘI - HỌP

ĐIỀU 22: Ban Hoằng pháp Trung ương mỗi năm ít nhất họp 02 lần vào giữa và cuối năm trước kỳ họp 6 tháng đầu năm của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và Hội nghị tổng kết công tác cuối năm của Trung ương Giáo hội để kiểm điểm hoạt động trong năm và thông qua chương trình hoạt động của năm tới. Đặc biệt, khi có công tác Phật sự đột xuất, Trưởng ban Ban Hoằng Pháp Trung ương sẽ triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết các Phật sự có liên quan.

Ban Hoằng pháp Trung ương sẽ họp trước ngày Đại hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để kiểm điểm hoạt động của Ban Hoằng pháp Trung ương trong 5 năm qua, thảo luận và biểu quyết chương trình kế hoạch hoạt động của 5 năm tới.

CHƯƠNG VII

 KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

ĐIỀU 23: Ban Hoằng pháp Trung ương hoạt động dựa vào quỹ tài trợ của:

a) Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

b) Quỹ tự tạo.

c) Tăng Ni, Phật tử hiến cúng hợp pháp.

CHƯƠNG VIII

SỬA ĐỔI – THI HÀNH

Điều 24Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu xét thấy cần thiết sửa đổi Nội quy, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương sẽ có văn bản đề nghị việc sửa đổi lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN xem xét.

Điều 25Nội quy Ban Hoằng pháp Trung ương gồm 08 chương, 25 điều do Ban Hoằng pháp Trung ương soạn thảo và tu chỉnh, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua ngày 02 tháng 7 năm 2013 và có hiệu lực thực hiện kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ký quyết định ban hành.

BAN HOẰNG PHÁP TRUNG ƯƠNG

 GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM  

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin