Chi tiết tin tức

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

20:01:00 - 20/06/2015
(PGNĐ) -  Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), Giác Ngộ có bài viết Phát ngôn của Giáo hội - từ văn bản đến thực tế, nhận được sự quan tâm của bạn đọc. Để bạn đọc nắm bắt thêm, Giác Ngộ online đăng tải Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của GHPGVN. Mời bạn đọc quan tâm xem toàn văn ở bên dưới.

-------------------------

QUY CHẾ
PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ
CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 001/QĐ-HĐTS ngày 5-1-2014 của HĐTS GHPGVN)

 ***

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

Quy chế này quy định về Người giữ quyền phát ngôn, Người phát ngôn, chế độ phát ngôn, chế độ cung cấp thông tin cho báo chí của các Ban, Viện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), của các Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh phù hợp với Giáo pháp, Giới luật và pháp luật về báo chí hiện hành.

Điều 2: Giá trị pháp lý của thông tin được phát ngôn, được cung cấp

Những phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí từ Người giữ quyền phát ngôn, Người phát ngôn của GHPGVN là phát ngôn và thông tin chính thức của GHPGVN.

Điều 3: Trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

1. Ban Thông tin truyền thông (Ban TTTT) GHPGVN nghiên cứu thành lập một Hội đồng cố vấn trong việc phát ngôn để hỗ trợ cho Người phát ngôn trong việc phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí. Thành phần Hội đồng cố vấn do Ban TTTT GHPGVN quyết định.

2. Các Ban, Viện Trung ương GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN các cấp, Ban TTTT GHPGVN các cấp và các cá nhân thuộc GHPGVN có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn các nội dung thông tin phục vụ việc phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí theo đề nghị của Người phát ngôn.

3. Ban TTTT chủ trì việc liên lạc với các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức họp báo (khi cần thiết) để Người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động của GHPGVN, định kỳ 6 tháng báo cáo Hội đồng Trị sự (HĐTS) về các nhiệm vụ đã thực hiện theo Quy chế này.

 

 

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ PHÁT NGÔN

Điều 4: Người giữ quyền phát ngôn, Người phát ngôn

1. Người giữ quyền phát ngôn của GHPGVN gồm:

a) Chủ tịch HĐTS;

b) Phó Chủ tịch thường trực HĐTS;

c) Trưởng ban TTTT.

2. Người phát ngôn của GHPGVN là Phó Trưởng ban Thường trực Ban TTTT GHPGVN được Trưởng ban TTTT giao nhiệm vụ bằng văn bản.

Người giữ quyền phát ngôn có thể ủy quyền lại bằng văn bản cho người phát ngôn nhưng Người phát ngôn không được ủy quyền lại nhiệm vụ của mình cho bất kỳ người nào.

Ban TTTT GHPGVN có trách nhiệm công bố tên và chức vụ của Người phát ngôn, cách thức và quy trình, địa chỉ liên hệ bằng văn bản khi cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.

3. Các thành viên của GHPGVN không được giao nhiệm vụ phát ngôn thì không được nhân danh GHPGVN để phát ngôn.

Bất kỳ cá nhân nào có trực thuộc hay không trực thuộc GHPGVN đều được quyền trả lời báo chí, đưa ra các quan điểm, nhận xét nhưng việc phát ngôn của những người này không được coi là thông tin chính thống của GHPGVN và chỉ được xem là ý kiến cá nhân. Trong trường hợp thông tin, ý kiến mà cá nhân đó đưa ra gây ảnh hưởng đến thanh danh và đường lối hoạt động của GHPGVN thì cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước GHPGVN và trước pháp luật về hành vi của mình.

Điều 5: Tiêu chuẩn của Người phát ngôn

1. Là người có đạo đức tốt, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo và am hiểu pháp luật của Nhà nước.

2. Có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin báo chí. Có khả năng giao tiếp với các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.

Điều 6: Hình thức phát ngôn

1. Họp báo thường kỳ và họp báo đột xuất của Người phát ngôn.

2. Họp báo của HĐTS do Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực chủ trì.

3. Họp báo do Ban Thường trực HĐTS phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác đồng tổ chức.

4. Thông cáo báo chí của Hội đồng Trị sự, của Ban TTTT.

5. Trả lời phỏng vấn của Người giữ quyền phát ngôn, Người phát ngôn.

 

 

Điều 7: Nội dung phát ngôn

1. Quan điểm, lập trường chính thức của GHPGVN về đạo Phật, về GHPGVN và những vấn đề thuộc phạm vi hoặc liên quan tới hoạt động và tổ chức của GHPGVN.

2. Tình hình và kết quả trong công tác Phật sự của GHPGVN.

3. Các vấn đề khác do Người giữ quyền phát ngôn giao nhiệm vụ.

Điều 8: Tổ chức phát ngôn trong trường hợp đột xuất, bất thường

Người phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường sau đây:

1. Khi thấy cần thiết phải thể hiện quan điểm chính thức của GHPGVN về sự kiện, vấn đề gây ảnh hưởng tới GHPGVN hoặc thuộc phạm vi hoạt động và tổ chức của GHPGVN hoặc có liên quan tới GHPGVN.

2. Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn về các sự kiện, vấn đề thuộc phạm vi hoạt động và tổ chức của GHPGVN;

3. Khi có căn cứ cho rằng cơ quan thông tấn, cơ quan báo chí đăng tải thông tin sai sự thật thuộc phạm vi hoạt động và tổ chức của GHPGVN, Người phát ngôn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật (đối với các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật) và của Hiến chương GHPGVN.

4. Khi nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí thì Người phát ngôn có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn quy định tại Điều 3 của Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26-4-2002 quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí.

Điều 9: Quyền và trách nhiệm của Người phát ngôn

1. Người phát ngôn được nhân danh, đại diện cho GHPGVN thực hiện phát ngôn.

2. Người phát ngôn có quyền yêu cầu các đơn vị thuộc GHPGVN, cá nhân là thành viên GHPGVN cung cấp thông tin, tập hợp thông tin để phát ngôn cho báo chí một cách chính xác.

3. Đối với những vấn đề lớn, phức tạp, Người phát ngôn có trách nhiệm báo cáo Người giữ quyền phát ngôn và nếu cần thiết bàn bạc, thống nhất với Ban Thường trực HĐTS về nội dung phát ngôn trước khi phát ngôn.

4. Người phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn cho báo chí trong các trường hợp sau đây:

a) Những vấn đề không thuộc phạm vi hoạt động và tổ chức của GHPGVN; những vấn đề mang tính nguyên tắc thuộc giới luật riêng của nhà Phật không được thông báo mang tính chất truyền thông; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn;

 b) Các vấn đề, vụ việc liên quan đến GHPGVN hoặc thành viên của GHPGVN có tính chất hình sự, đang được các cơ quan quản lý Nhà nước điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp phát ngôn cho chính các cơ quan đang điều tra, xét xử để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật;

c) Những văn bản, các chính sách, đề án, dự thảo… đang trong quá trình soạn thảo, chưa được thông qua mà được HĐTS hoặc cơ quan đề nghị soạn thảo xác định là loại tài liệu bảo mật.

5. Người phát ngôn chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và trước pháp luật về nội dung phát ngôn.

 

Chương III
QUY ĐỊNH VỀ CUNG CẤP THÔNG TIN

Điều 10: Thẩm quyền cung cấp thông tin

1. Các cá nhân sau đây có quyền cung cấp thông tin cho báo chí:

a) Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐTS,

b) Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Ban, Viện Trung ương GHPGVN,

c) Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh,

2. Thông tin do các cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin cho báo chí không phải là thông tin chính thức cũng như không phải là phát ngôn của GHPGVN trừ những cá nhân đồng thời là Người giữ quyền phát ngôn, Người phát ngôn.

3. Các thành viên khác của GHPGVN không được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí thì không được nhân danh GHPGVN để cung cấp thông tin cho báo chí.

Bất kỳ cá nhân nào có trực thuộc hay không trực thuộc GHPGVN đều được quyền trả lời báo chí, đưa ra các quan điểm, nhận xét nhưng việc cung cấp thông tin cho báo chí của những người này không được coi là thông tin chính thống của GHPGVN và chỉ được xem là ý kiến cá nhân. Trong trường hợp thông tin, ý kiến mà cá nhân đó đưa ra gây ảnh hưởng đến thanh danh và đường lối hoạt động của GHPGVN thì cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước GHPGVN và trước pháp luật về hành vi của mình.

Điều 11: Hình thức cung cấp thông tin

1. Họp báo do HĐTS, Ban Thường trực HĐTS, các Ban, Viện Trung ương GHPGVN; Ban trị sự GHPGVN cấp tỉnh tổ chức.

2. Thông tin bằng văn bản do Người giữ quyền phát ngôn, Người phát ngôn hoặc các Ban, Viện Trung ương GHPGVN; Ban trị sự GHPGVN cấp tỉnh ký, đóng dấu và cung cấp

3. Thông tin trên trang thông tin điện tử của các Ban, Viện Trung ương GHPGVN; Ban trị sự GHPGVN cấp tỉnh.

Điều 12: Nội dung thông tin cung cấp cho báo chí

1. HĐTS, Ban Thường trực HĐTS cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động và tổ chức của GHPGVN.

2. Các Ban, Viện Trung ương GHPGVN cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động và tổ chức của Ban, Viện mình. Trường hợp các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động và tổ chức của Ban, Viện Trung ương của GHPGVN nhưng có liên quan đến nhiều Ban, Viện Trung ương khác nhau hoặc liên quan đến Trung ương GHPGVN thì từng Ban, Viện Trung ương GHPGVN có trách nhiệm trao đổi trước với Người giữ quyền phát ngôn hoặc Người phát ngôn của GHPGVN.

3. Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động và tổ chức của Ban Trị sự cấp tỉnh. Trường hợp các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động và tổ chức của Ban Trị sự cấp tỉnh nhưng liên quan đến Trung ương Giáo hội thì Ban Trị sự cấp tỉnh phải trao đổi trước với Người giữ quyền phát ngôn hoặc Người phát ngôn của GHPGVN.

Điều 13: Cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường

Cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường sau đây:

1. Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về sự kiện, vấn đề gây ảnh hưởng tới Trung ương GHPGVN; các Ban, Viện Trung ương của GHPGVN hoặc Ban trị sự GHPGVN cấp tỉnh.

2. Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí có yêu cầu cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề thuộc phạm vi hoạt động và tổ chức của GHPGVN các cấp;

3. Khi có căn cứ cho rằng cơ quan thông tấn, cơ quan báo chí đăng tải thông tin sai sự thật thuộc phạm vi hoạt động và tổ chức của GHPGVN các cấp, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin có trách nhiệm yêu cầu cơ quan đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật (đối với các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật) và của Hiến chương GHPGVN.

Điều 14: Quyền và trách nhiệm của cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin cho báo chí

1. Các cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 10 Quy chế này phải chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp cho báo chí.

2. Cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin có quyền từ chối, không cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây:

a) Những vấn đề không thuộc phạm vi hoạt động và tổ chức của GHPGVN; những vấn đề mang tính nguyên tắc thuộc giới luật riêng của nhà Phật không được thông báo mang tính chất truyền thông;

b) Các vấn đề, vụ việc liên quan đến GHPGVN hoặc thành viên của GHPGVN có tính chất hình sự, đang được các cơ quan quản lý Nhà nước điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cung cấp thông tin cho chính các cơ quan đang điều tra, xét xử để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật;

c) Những văn bản, các chính sách, đề án, dự thảo… đang trong quá trình soạn thảo, chưa được thông qua mà được HĐTS hoặc cơ quan đề nghị soạn thảo xác định là loại tài liệu bảo mật;

d) Những vấn đề thuộc phạm vi, quyền và trách nhiệm của Người giữ quyền phát ngôn, Người phát ngôn.

Chương IV
XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15: Xử lý vi phạm

1. Thành viên của GHPGVN vi phạm Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ phải chịu các chế tài theo quy định của Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự và các quy định khác liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân bao gồm cả thành viên của GHPGVN có hành vi phát ngôn, cung cấp thông tin sai sự thật làm tổn thương thanh danh và đường lối hoạt động của GHPGVN sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16: Tổ chức thực hiện

1. Trưởng các Ban, Viện Trung ương GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Quy chế này tới Tăng, Ni, cư sĩ; kịp thời phản ánh về Ban TTTT GHPGVN những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

2. Ban TTTT có trách nhiệm đăng tải đầy đủ, chính xác nội dung phát ngôn với báo chí của Người giữ quyền phát ngôn, Người phát ngôn, các thông tin do HĐTS, Ban Thường trực HĐTS, Ban TTTT cung cấp cho báo chí trên trang thông tin điện tử của Ban TTTT tại địa chỉ http://www.phatgiao.org.vn.

BAN THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG T.Ư GHPGVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin