Chi tiết tin tức Bài giảng Đường Về Cực Lạc của HT Thích Trí Tịnh 17:17:19 - 24/07/2013
(PGNĐ) - (PTVN) - Vĩnh Gia Thiền sư nói: Người tu phước sanh lên các cõi trời sẽ chiêu vời quả khổ ở tương lai, như bắn mũi tên lên hư không, khi sức đã mãn tên lại rơi xuống đất....
Thời gian qua, tôi từng tự nghĩ: Ta cùng thập phương chư Phật đồng một bản chơn giác tánh, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật há chẳng từng dạy rằng: “Tất cả chúng sanh đều đầy đủ Như Lai trí huệ đức tướng” đó ư! Từ khi sơ thỉ có thân, không phải là ta sau chư Phật. Tại sao chư Phật, các Ngài đã giải thoát tự tại, đủ vô lượng trí huệ công đức thần thông, mà ta hiện vẫn bị buộc ràng trong vòng sanh tử, đầy vô biên phiền não tội nghiệp khốn khổ? Phải chăng là do vì chư Phật sớm chứng ngộbản chơn, còn ta mải mê say trần dục! Thật là đáng hổ thẹn! Thật là đáng thống trách! Tôi lại tự nghĩ: Đã tự biết rồi, giờ đây ta phải kíp lo sao cho được giải thoát, và phải giải thoát nơi đời hiện tại này. Nếu trong đời hiện tại này mà chưa được giải thoát, đời sau quyết khó bảo đảm, và có thể vẫn loanh quanh mãi trong vòng luân hồi như những đời quá khứ thôi! Vì sao vậy? Có nhiều điều rất chướng ngại con đường giải thoát của ta ở đời sau: 1.- Do phước lực tu hành hiện đời mà ta sẽ sanh lên các cõi trời ư? Trong Kinh có lời: Chư Thiên cõi Dục, vì cảnh ngũ dục quá thắng diệu dồi dào làm cho say mê, lại không có sự thống khổ làm cho thức tỉnh, nên khó phát tâm chịu nhọc chịu khổ mà tu hành đạo hạnh. Hưởng phước vui mãi mà không tu, tất có ngày hết phước mà phải sa đọa. Còn chư Thiên trong cõi Sắc và Vô Sắc lại vì mãi an trụ trong cảnh giới thiền định, khó tấn tu đạo giải thoát, lúc sức thiền định đã mãn vẫn y nhiên làm kẻ luân hồi. Vĩnh Gia Thiền sư nói: Người tu phước sanh lên các cõi trời sẽ chiêu vời quả khổ ở tương lai, như bắn mũi tên lên hư không, khi sức đã mãn tên lại rơi xuống đất. Đó là sanh lên cõi trời thời không bảo đảm giải thoát. 2.- Ta sẽ được thân làm người nữa ư? Đui, điếc, câm, ngọng trên mặt địa cầu rất lắm kẻ; Mán, Mọi, dã man cùng nhiều người; biết bao xứ không Phật, Pháp, Tăng; nơi nơi đầy ngoại đạo tà giáo. Được thân người mà có một trong các điều trên đây tất khó mong tu hành chánh đạo, tất sẽ lạc vào tà ngoại. Ngoài ra nếu ta có phước mà sẽ làm vua, làm quan, làm nhà triệu phú: “Sang giàu học đạo là khó” lời Phật rành rành trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương. Hoặc giả đời trước có tu thiền quán mà được thông minh: “Thế trí biện thông” là một trong bát nạn. Đó là chưa kể đến không biết bao nhiêu người lợi dụng sự sang giàu tài trí để gây tạo những tội ác tày trời, mà ta thường nghe thường thấy trong đời… Dầu cho thân người đời sau của ta do căn lành mà ở ngoài những chướng nạn ấy, nhưng theo lời Phật, Pháp càng ngày càng đi sâu vào thời mạt, bậc minh sư thiện hữu chân chính tu hành có đạo lực rất là khó có khó gặp. Thầy bạn giải thoát đã không, ai là người dẫn đường cho ta đắc đạo. Lại đương nhằm kiếp giảm, tuổi thọ con người càng lúc càng bớt lần, đời sau tu hành chưa được gì rồi kế chết, đời thứ ba thứ tư sẽ ra thế nào? Ta sẽ đi vào đâu? Thế là dầu được sanh làm người trở lại, cũng không thể bảo đảm là sẽ giải thoát. 3.- Phật nói: “Chúng sanh được thân người như đất dính móng tay, còn sa vào ác đạo như đất toàn cõi đại địa”. Sau khi bỏ thân này, ta dám cả quyết là không đi xuống ư? Kinh nói: “Phạm một tội nhỏ (kiết-la) phải đọa địa ngục bằng tuổi thọ của Tứ Thiên Vương”. Huống là nghiệp chướng từ vô lượng đời đến nay khó có thể lường. E rằng “Cường giả tiên khiên”, một bước trật chân chắc chắn là lăn xuống đến đáy hố sâu. Đây là điều lo sợ cho đời sau mãi mãi trầm luân. Ôi! Thân người khó đặng, Phật pháp khó được nghe. Nay ta do túc thế thiện căn nên được hưởng ít chút dư âm của Như Lai, võ vẽ biết đôi đường giải thoát, thật là đại hạnh! Thật là hy hữu! Ta còn chờ gì mà không thẳng bước tấn tu? Ta còn đợi chi mà chẳng kíp đoạn dòng sanh tử? Và cả nhơn loại kia, cả mọi loài kia cũng đang nổi chìm trong biển khổ không bờ, ta phải sớm thẳng đến Phật quả, để rồi vận thuyền từ bi nguyện lực cứu vớt quần sanh, không thể dần dà được. Rồi tôi tự gẫm: Y cứ nơi Thánh giáo: Dứt sạch tam giới kiến tư hoặc mới siêu thoát luân hồi. Nếu phiền não còn mảy may, cội gốc sanh tử vẫn chưa đoạn. Đây là thông luận của Tiểu thừa và Đại thừa. Riêng phần Đại thừa, được bảo đảm trên con đường giải thoát thành Phật, tất phải vào bậc tín tâm bất thoái làm đầu. Chứng bậc này, theo Khởi Tín Luận, phải là người đủ năng lực thiện căn huân tập, thâm tín nhơn quả, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, phát Bồ-đề tâm, đặng gặp chư Phật gần gũi cúng dường, tu Bồ Tát hạnh. Tu tập như vậy mãi đến đủ một vạn đại kiếp tín tâm mới thành tựu. Ôi! Như thế thời thế nào? Ta là chúng sanh thời mạt pháp, tự thấy mình phước mỏng nghiệp dày, chướng sâu huệ cạn. Chí nguyện được giải thoát nội hiện đời của ta, chí nguyện đi thẳng đến viên mãn Phật quả của ta, có thể thành cảnh mộng ư? Nhưng tôi tự an ủi: Đức Phật Như Lai có dạy một phương tiện siêu thắng để bảo đảm sự giải thoát mà cũng để bảo đảm vững chắc đường thành Phật cho tất cả chúng sanh: Pháp môn Tịnh độ, Niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thế giới! Theo lời Phật, dầu là hạng cực ác mà chịu hồi tâm tu theo pháp môn này trong một thời gian rất ngắn (10 niệm) cũng được vãng sanh; đã được vãng sanh thời là siêu phàm nhập Thánh, thoát hẳn sanh tử, bất thoái Vô thượng Bồ-đề. Nương pháp môn này, ắt là ta sẽ được toại bổn nguyện: giải thoát, thành Phật, độ sanh. Người cực ác tu còn thành tựu thay, huống ta chưa phải là kẻ ác! Từ ngày ấy, tôi lập chí kiên quyết nơi Tịnh độ và cố gắng thực hành. Tôi giao phó pháp thân huệ mạng mình cho Đức Từ Phụ Dầu rằng sau khi thành Phật, sự độ sanh mới hoàn mãn cứu cánh, nhưng lòng lợi tha thúc giục, nên cũng tùy phần, đương lúc cố lo tự độ, đồng thời khuyến tấn người hữu duyên. Muốn tất cả chúng sanh đều được giải thoát như mình, mong mọi người tấn hóa trước mình, đó là thân tâm của bần tăng này. Vì thế nên tôi không quản vụng về quê dốt gom góp những chỗ những nơi chỉ dạy về “Pháp môn Tịnh độ” của Phật, Bồ Tát và Cổ đức, trong các Kinh các Luận chính thức, cùng diễn thuật các sự tích của Tăng, tục, tứ chúng vãng sanh ở những bộ sách chánh truyền, mà tổ hợp thành bộ “Đường về Cực Lạc” này. “Đường về Cực Lạc” là con đường pháp dẫn ta và tất cả chúng sanh từ xứ ác trược Ta Bà về đến thế giới thanh tịnh Cực Lạc. Cũng chính là “Pháp môn Tịnh độ” nói bằng một cách khác đấy thôi. Bộ này chỉ là công trình sưu tập. Vì muốn thủ tín và để giới thiệu các Kinh sách Tịnh độ với mọi người, nên mỗi bài, mỗi đoạn tôi đều chua rõ trích ở bộ Kinh nào, bộ Luận nào, hay bộ sách nào. Trong đây dầu cũng có những chỗ phải sửa đổi đôi chút để chỉnh đốn cho liền đoạn hay đổi lời cho xuôi câu, nhưng tuyệt hẳn không đổi ý. Có thể tín nhiệm rằng: bộ sách này là lời của Phật, của chư Bồ Tát, của Cổ đức, mà hoàn toàn không phải là ý riêng của bần tăng này. Tôi còn muốn đặt gì thêm cho thành thừa, một khi mà lời Phật ý Tổ đã quá đầy đủ trong muôn kinh vạn luận, vả lại kiến thức của hạng phàm đâu sánh được với trí huệ của bậc Thánh! Gian hoặc có chỗ tôi chua thêm, như những đoạn “lời phụ” chẳng hạn, bần tăng chỉ diễn thuật lại lời của bài trước cho rõ nghĩa, nhấn mạnh điểm quan trọng, ghi nhắc điều khẩn yếu, hay khuyến khích sách tấn, hầu giúp đôi phần lợi ích cho mọi người trong lúc xem lúc đọc mà thôi. Về phần lược sử của các nhà tu Tịnh độ được vãng sanh, tôi chọn lấy những truyện tích có ghi rõ công hạnh tấn tu, hay lời chỉ dạy xác đáng, để có thể làm quy giám cho những người phát tâm tu hành, cùng giúp thêm hạnh giải cho người đọc. Đọc kỹ toàn bộ sách này, ngoài sự lợi ích lớn là được hiểu rõ Tịnh độ và Pháp môn Tịnh độ; được phát khởi tín, hạnh, nguyện nếu ta đã phát; thành tựu tín, hạnh, nguyện nếu đã tăng trưởng và viên mãn nếu đã thành tựu, ta lại có thể dùng đây làm ông bạn tốt chỉ chỗ phải, răn điều quấy trong khi ta hành đạo, vì những căn trí, tâm tánh, những trường hợp, cảnh duyên, những sự thuận trơn hay những điều thắc mắc của mỗi người trong chúng ta, không nhiều thời ít, quyết định là có trúng vào các truyện tích trong bộ này. Tôi chí thành cầu nguyện bộ sách này sẽ đem kết quả tối thắng lại cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng sanh đúng như tên của nó: “Vãng sanh Cực Lạc, trụ bậc bất thoái Vô thượng Bồ-đề”.
HT Thích Trí Tịnh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |