Chi tiết tin tức

BRVT: Hàng chục ngàn người dự lễ Vu Lan tại chùa Phật Quang

16:00:00 - 03/09/2015
(PGNĐ) -  Hòa trong không khí hân hoan của mùa Vu Lan Báo Hiếu, vào 2 ngày 14 & 15/07/năm Ất Mùi (nhằm ngày 27 – 28/08/2015), tại Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã diễn ra ĐẠI LỄ VU LAN PL.2559 – DL.2015.

Theo đó, với chủ đề HÒA BÌNH THẾ GIỚI thật trang nghiêm, nhằm phát huy truyền thống báo hiếu tứ ân của người con Phật và cũng không quên nhắc nhở đến tinh thần nhập thế của đạo Phật. Trong khía cạnh nhập thế đó, đạo Phật đã mở ngõ đầu tiên bằng lòng hiếu đạo, tức là một người đệ tử Phật càng hướng về sự giải thoát, càng tu dưỡng đạo đức vô ngã thì lòng hiếu kính cha mẹ là điều không được quên.

Được biết, trong hai ngày diễn ra đại lễ với một chương trình Vu Lan bao gồm nhiều hoạt động, nhằm giúp cho phật tử gần xa về dự lễ càng tăng trưởng thêm niềm tín tâm đối với Phật pháp.

Đến chứng minh và tham dự có sự quang lâm của: Chư tôn đức Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh BRVT cũng như PG huyện Tân Thành; cùng Chư tôn đức tăng, ni trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, còn có trên 2,5 vạn lượt người là tín đồ Phật giáo và các phật tử trực thuộc Tổng Đạo Tràng Phật Quang trong cả nước, cùng với 1700 em sinh viên đến từ các trường Đại học tại TP.HCM về chùa công quả phục vụ cho đại lễ Vu Lan đồng tham dự.

Vào đêm 14/07, số lượng phật tử về tham dự Lễ Khai Mạc lên đến đỉnh điểm là 28 ngàn người. Tuy nhiên, do phật tử có nhu cầu hành hương thập tự và đi làm việc nên số lượng ở lại chùa dự lễ vào sáng ngày 15/07(al) chỉ còn 25 ngàn người.

Mở đầu chương trình, vào lúc 8h00’ sáng ngày 14/07, tại ngôi Chánh điện đã diễn ra khóa lễ Cầu siêu, cầu nguyện cho hương linh người thân trong gia đình, các chiến sĩ trận vong, các oan hồn uổng tử chưa siêu thoát sẽ được siêu sanh về cảnh giới an lành; đồng thời cầu cho quốc thái dân an, thế giới được hòa bình và ông bà cha mẹ còn hiện tiền được tăng phước tăng thọ.

Kế đến, Chư tôn đức tăng tại Bổn tự thay mặt Thượng tọa Trụ trì tác lễ, thực hiện nghi thức Quy y Tam Bảo cho gần 1000 phật từ mới trong 3 ngày liên tiếp từ 13 – 15/07/năm Ất Mùi.

Theo thông lệ, cứ mỗi dịp Lễ lớn của Phật giáo, Thiền Tôn Phật Quang đều tổ chức buổi giao lưu nói chuyện của các nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng cho các phật tử được dịp học hỏi, mở mang kiến thức xã hội, kiến thức Phật học. Đặc biệt là giới sinh viên có cơ hội chiêm nghiệm những tấm gương của những người đi trước có lý tưởng sống cao đẹp, sống để phụng sự mọi người.

Vì vậy, vào lúc 14h00’, tại Lễ đài đã diễn ra chương trình giao lưu với vị khách mời là NSƯT – Đạo diễn Nguyễn Văn Lượng - Kỷ lục gia châu Á (năm 2013) và Kỷ lục gia thế giới (năm 2015) với kỷ lục đạo diễn thực hiện nhiều bộ phim về đề tài đất nước - con người miền biển đảo nhiều nhất. Hiện Ông là Giám đốc Xưởng phim Truyền hình Hải Phòng và là Tổng đạo diễn của bộ phim 45 tập mang tên CON ĐƯỜNG THIÊN LÝ.

Tại Lễ đài, lời đầu tiên ông Nguyễn Văn Lượng thay mặt Đoàn làm phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã bày tỏ sự thành kính biết ơn đối với Thượng tọa Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang – Người đã chỉ cho Ông một lối rẽ đi vào việc góp phần chấn hưng nền điện ảnh cổ trang của nước Việt Nam chúng ta. 

Ông cho biết, khoảng 40 năm trước ông đã có niềm đam mê là tự viết câu chuyện, làm bộ phim về những con người tinh hoa, con người giỏi giang và có công với đất nước ở tất cả các thời kỳ lịch sử.

Vì vậy trong suốt quá trình vào đời và làm nghề, Ông đã làm rất nhiều bộ phim với nhiều thể loại khác nhau, từ phim tài liệu, phim phóng sự ngắn, phóng sự dài, phim truyền hình một tập; nhiều tập. Và cho đến giờ đang chính thức triển khai một dự án, đó là dự án phim "Tinh hoa Đất Việt”. Mà bộ phim đầu tiên là phim truyện cổ trang về Người Việt Nam đẹp nhất - Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Bộ phim này dự kiến 45 tập, đã hoàn thành giai đoạn đầu về kịch bản. Bộ phim triển khai từ tháng 9/2011, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2016. Đạo diễn - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Lượng và các đồng sự của Xưởng phim truyền hình Hải Phòng (HFS) đã bắt đầu triển khai tiền kỳ sản xuất bộ phim truyền hình sử thi 45 tập Phật Hoàng Trần Nhân Tông, với ước nguyện chỉ mong sao thể hiện được vẻ đẹp và bản sắc của văn hóa và con người Việt kết thành tinh hoa trong phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Nói về ý tưởng cũng như triển khai dự án thì cách đây 4 - 5 năm trước, ông đã đi dọc đất nước hành hương để đi tìm về chân linh, lý tưởng, con người mà góp phần làm rạng danh non sông; đồng thời cũng tạo nên một nền đạo Phật của Việt Nam. Vì thế trong suốt hành trình đi từ Bắc vào Nam, và đi khắp mọi vùng miền để mong được đàm đạo, được thỉnh giảng, được phỏng vấn, được trao đổi với tất cả từ các vị Cao tăng cho đến Giáo sư, Tiến sĩ (những người đã nghiên cứu nhiều về Đức Phật) và nghiên cứu về văn hóa cũng như về phần dân gian của Việt Nam.

Và trong suốt quá trình triển khai đó, ông đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Đặc biệt, cách nay 4 năm, như một nhân duyên, sau buổi gặp gở trao đổi với TT Thích Chân Quang, ông quyết định nghe theo lời khuyên của Người đã chuyển bộ phim tài liệu về Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông sang làm phim truyện để cho gần hơn và dễ tiếp thu hơn (vì nhân dân chúng ta thông qua hiện tượng nhân vật bằng phim truyện sẽ thu hút và dễ dàng hơn). Nhân đây, Thượng tọa đưa ra hai lời khuyên với ông:

- Thứ nhất, nên thay đổi câu chuyện từ phim tài liệu 15 tập sang cách làm phim truyện.

- Thứ hai, để có được một bộ phim truyện tốt thì phải làm được một kịch bản tốt, mặc dù năng lực của ta còn có nhiều hạn chế, nhưng chúng ta cố gắng đẩy lên. Lại nữa, đừng bao giờ cho một người viết kịch bản, kịch bản phải là một nhóm, rồi chắt lọc lại. Kịch bản hay là hết phân nửa phần trăm thành công. Và đó là trí tuệ của Đoàn thể chứ không phải trí tuệ của một cá nhân.

Ngoài ra, điều cần thiết nữa là diễn viên - người đóng vai Thiền sư phải tu tập thiền; người đóng vai quan tướng phải giỏi võ thật sự và những diễn viên tái hiện lại tư cách của các vị quan tướng phải là người tu dưỡng đạo đức, tu dưỡng nội tâm để ta có thần thái thật sự của một ông Vua hay của một vị tướng.

Từ lời khuyên đó, tiến độ làm phim của Đoàn Phật Hoàng Trần Nhân Tông có thể được xem là một trong những bộ phim được chuẩn bị một cách dài nhất, rất bài bản. Ngay khi bắt tay triển khai Dự án phim "Phật Hoàng Trần Nhân Tông", Việt Nam Tinh Hoa - Công ty sản xuất phim các đơn vị phối hợp, các Viện, Hội nghiên cứu văn hóa, lịch sử đã tổ chức tọa đàm "Hướng tới bộ phim về Phật Hoàng Trần Nhân Tông" tại Khu di tích - danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh). Cuộc tọa đàm không chỉ ghi nhận các ý kiến đóng góp về bộ phim mà còn hé lộ nhiều nghiên cứu mới về Trần Nhân Tông dưới góc độ của một vị Vua, một triết gia và một thi nhân.

Không chỉ vậy, dự án còn triển khai tại các thành phố lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, thông qua những buổi giao lưu với mục đích cho mọi người góp ý và phản biện. Đồng thời, trong quá trình triển khai, ông cho vẽ lại toàn bộ trang phục của người Việt xưa và trang phục của người Việt thời Đại Việt (đã đăng ký bản quyền không dưới 1000 mẫu). Đây được xem là công trình vừa nghiên cứu, vừa sáng tác nhằm thể hiện tấm lòng của mình với tổ tiên sau bao năm giữ nước dựng nước.

Kế nữa, dựng lại đồ gốm, đồ vật và các loại đồ vật cung đình, quần áo, bối cảnh, v.v… với mục đích vinh danh tổ tiên.

Và sau quá trình tiếp nhận ý kiến góp ý về kịch bản của các vị Chức sắc trong tôn giáo, cũng như các vị Chân tu, cùng những người nghiên cứu về Thiền, nghiên cứu về văn hóa, kết lại Ông đã xây dựng bộ phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông hoàn thành 45 tập, trong đó Ông được 14 Giáo sư Tiến sĩ của Việt Nam nằm trong Ban Cố Vấn. Và dư luận đang tiếp tục theo dõi hành trình của Đạo diễn Nguyễn Văn Lượng trên sản xuất phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông, với cách triển khai được nhiều người uy tín trong giới điện ảnh, báo chí, lịch sử, văn hóa,… đánh giá là cẩn trọng nhưng đột phá, táo bạo.

Trên tinh thần giao lưu, thầy Khải Thành (Tăng chúng TTPQ) và đạo diễn Nguyễn Văn Lượng đã mang đến cho các thính giả một cuộc trò chuyện thân tình, thú vị, sâu sắc. Buổi nói chuyện đã tạo dấu ấn, đầy cảm xúc đối với người xem, thông qua đó mọi người biết được những nổi niềm, cảm xúc đi cùng với khó khăn để đến được với thành công là điều không dễ dàng.

Để kết thúc chương trình giao lưu, TT.Thích Chân Quang thay mặt nhà chùa tặng hoa, kèm với những lời động viên, tiếp thêm sức mạnh cho Đoàn làm phim trên con đường phụng sự Phật pháp, làm đẹp cuộc đời.

Một đặc biệt khác nữa, trước chương trình giao lưu diễn ra, quý thầy và phật tử tại Thiền Tôn Phật Quang đã biểu diễn võ thuật, giới thiệu khí công dưỡng sinh Phật Quang thật đặc sắc. Mọi người đã bị cuốn hút vào những lối đánh: đơn giản, nhanh nhẹn, chắc chắn của quý thầy. Đây là dịp để các phật tử được nghe, thấy và thực hành theo một vài thế khí công căn bản rất hữu ích cho sức khỏe và rèn luyện tinh thần của họ.

Thể theo chương trình, đúng 18h30’, ĐĐ.Thích Tánh Khoan hướng dẫn nghi thức Lễ tưởng niệm những vị quá cố trong Bổn tự - đó là Sư chú Thích Thông Thái, sư cô TN.Liễu Nghiêm, sư cô TN.Viên Hạnh – Các vị là những tấm gương tu hành vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Đại chúng và phật tử Thiền Tôn Phật Quang.

Tiếp theo, tại sân Chánh điện, toàn thể hội chúng tọa thiền 30 phút dưới sự hướng dẫn của ĐĐ.Thích Tánh Khoan. Và TT.Thích Chân Quang mở đầu đêm khai mạc đại lễ bằng bài Pháp thoại có tựa đề: VŨ LỰC, tức sức mạnh cơ bản của con người.

Trong tình hình hiện nay đang xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng bạo lực: Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực đường phố, bạo lực tình dục, bạo lực băng nhóm… xãy ra dưới mọi hình thức, và đây đó nguy cơ chiến tranh khắp nơi, khiến cuộc sống có những hiểm nguy luôn rình rập, chỉ vì người ta thiếu đạo đức. Chắc rằng: Một khi có vũ lực mà không có đạo đức thì nó lập tức biến thành bạo lực. Và khi vũ lực đạt ở đỉnh cao mà đạo đức ở dưới thấp thì đó là mối nguy của nhân loại.

Cho nên, trong mùa Vu Lan năm nay, Thượng tọa đã xoáy mạnh vào đề tài này. Qua đó phân tích ý nghĩa của vũ lực là gì, tại sao ta phải rèn luyện vũ lực, tại sao cả hai người đều dùng vũ lực, nhưng với một người dùng vũ lực, ta gọi họ là anh hùng; còn một người dùng vũ lực, ta lại đánh giá họ là kẻ ác độc, thất đức, bạo tàn. hại đời, v.v.... Như vậy, việc sử dụng vũ lực mà đúng là dựa trên nền tảng gì và làm sao để diệt cái ác trong tâm hồn mỗi con người theo sự xúc chạm cuộc sống đã được Thượng tọa giải thích cặn kẻ.

Với cái nhìn của Thượng tọa, tự vũ lực không có lỗi, mà cái lỗi ở chỗ ta dùng nó vì mục đích gì. Và Người khuyên tất cả xã hội chúng ta đều phải góp phần diệt trừ cái bạo lực trong tâm hồn con người bằng đạo lý Phật dạy. Nhân đây, Thượng tọa cũng gửi lời yêu cầu tất cả các quốc gia trên thế giới, nếu dạy những người làm nhiệm vụ đặc nhiệm gì thì phải dạy đạo đức lên đến đỉnh cao cho kịp với cái năng lực vũ lực của họ, còn không, nếu đụng chuyện, họ là kẻ giết người không sao kềm chế được.

Tương tự, các Võ đường cũng vậy, càng dạy võ chừng nào thì càng phải dạy cái sự tĩnh lặng của Thiền chừng nấy. Hễ học võ thì phải học Thiền, chứ đừng có học võ mà không biết Thiền cũng là một mối nguy cho cộng đồng xã hội. Thậm chí chùa dạy đạo cũng phải dạy thể lực, võ thuật để Chư tăng ni có thể tự bảo vệ cho mình trước nếu như có xãy ra biến cố gì trong chùa.

Thiết nghĩ, vũ lực nếu dùng sai thì đó là thú tính, nhưng ngược lại vũ lực dùng đúng thì lại là anh hùng vì bảo vệ được đạo pháp. Mà ta có đạo đức thì ta sẽ sử dụng vũ lực rất thích hợp, không bao giờ mình dùng vũ lực biến thành bạo lực thú tính. Cho nên, ai bảo vệ Phật pháp cũng là anh hùng như các anh hùng bảo vệ đất nước vậy.

Tuy mục tiêu của vũ lực là chiến đấu và chiến thắng, nhưng cái chiến đấu, chiến thắng bên ngoài đó, coi vậy không khó bằng cái chiến đấu, chiến thắng với kẻ thù lớn nhất đời mình là “Chính mình”. Và chiến thắng chính mình không có nghĩa là chúng ta tự hủy diệt bản thân, mà là làm cách nào để không còn bị phiền não tham - sân - si chi phối, trong khi đó vẫn sống và làm việc như mọi người.

Sau bài Pháp thoại, BTC nhường sân khấu lại cho MC Minh Ngọc và Thảo Nguyên điều khiển chương trình Văn nghệ thật hoành tráng, mang đậm màu sắc văn hóa của nơi diễn ra Lễ hội và đem đến cho người thưởng thức nhiều cảm xúc theo từng cung bậc khác nhau khi nhớ về ân cha nghĩa mẹ, về tình yêu thương giữa con người với nhau.

Sáng hôm sau (15/07), buổi lễ Vu Lan chính thức bắt đầu lúc 8h00’.

Mở đầu là nghi thức Niệm hương, bạch Phật. Kế đến, TT Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài: LÀM GÌ ĐỂ CÓ HÒA BÌNH – VÀ CÓ HÒA BÌNH RỒI ĐỂ LÀM GÌ.

Tuy là hiện tại, chúng ta đang sống trong hòa bình, trong an vui, trong hào quang của Phật pháp, nhưng nơi góc trời nào đó trên thế giới này súng vẫn đang nổ, con người vẫn đang giết hại lẫn nhau. Mà một cái biến động của quốc gia này đều nhanh chóng ảnh hưởng lan xa các quốc gia khác. Cho nên trong trái tim của con người, nỗi đau của một đất nước này cũng là niềm xót xa của cả nhân loại.

Chúng ta cũng đã đi qua thời gian dài đăng đẵng của chiến tranh thù hận, vì vậy người Việt Nam ta hơn bao giờ luôn yêu quý hòa bình cho con người, cho nhân loại. Và chúng ta từng bước kết nối dựng xây, đoàn kết với tất cả mọi quốc gia để đóng góp cho hòa bình thế giới. Đồng thời, hơn ai hết người phật tử với đạo lý từ bi Phật dạy lại càng khát khao đi tìm cái tình yêu thương cho tất cả nhân loại này, mong cả hành tinh được sống trong hòa bình, yên vui, hạnh phúc.

Tuy nhiên, thật sự con người vẫn chưa bao giờ tìm thấy được hòa bình. Hòa bình chỉ là tạm thời, rồi chiến tranh lại xuất hiện. Cho nên, trong cái không khí thiêng liêng đầm ấm của lễ Vu Lan này, Thượng tọa đã chia sẻ cái đạo lý về nền hòa bình vĩnh cửu, làm sao để con người mãi mãi có hòa bình mà không bị chiến tranh cuốn trở lại.

Theo Thượng tọa, hòa bình chỉ là tạm thời, rồi chiến tranh cứ luẩn quẩn tới lui, tức điều tốt đẹp không bao giờ tồn tại lâu chỉ bởi vì hai điều: Một là nghiệp chưa dứt nên điều tốt đẹp rồi sẽ phải ra đi; và hai là do con người ỷ lại nên con người sẽ mất đi điều tốt đẹp mà mình đang có. Đây là quy luật. Và Thượng tọa đã minh chứng cho quan điểm này bằng nhiều ví dụ xác thực chung quanh cuộc sống chúng ta.

Sự thật, thế giới có hòa bình nhưng mà ta hãy nhớ rằng nếu ta không biết cách giữ gìn, không biết gây nhân lành thì hòa bình cũng không tồn tại lâu. Cho nên, với đề tài LÀM GÌ ĐỂ CÓ HÒA BÌNH – VÀ CÓ HÒA BÌNH RỒI ĐỂ LÀM GÌ, sẽ đem đến cho chúng ta cái hiểu chính xác, biết mình không nên làm gì và cần làm gì, nhằm góp phần đem lại lợi ích cho bản thân, cho nhân quần xã hội và trên hết mang lại cho thế giới điều kỳ diệu nhất, trong đó Thượng tọa nhấn mạnh đến giá trị của tâm linh, đạo đức và cái phước của toàn dân tộc trong việc xây dựng hạnh phúc cho con người và hòa bình cho thế giới.

Thượng tọa cho rằng: Nếu từng người có thể sống vì mọi người được thì cả đất nước, sẽ có lúc ta sẽ sống vì cả thế giới này được. Và hòa bình có rồi thì cũng chưa phải là mục đích cuối cùng, ta phải dựng xây, yêu thương, giúp đỡ nhau đó mới chính là mục đích. Đây là lời nhắc nhở của Thượng tọa trước khi kết bài nói chuyện.

Tiếp theo, toàn thể hội chúng tụng bài SÁM VU LAN để gửi một lời ước nguyện cao quý thiêng liêng vào đất trời mà nguyện cầu cho hòa bình thế giới.

Sau đó, Chư tôn đức Tăng Ni cài lên áo mỗi phật tử một biểu tượng có hình ảnh hoa sen đặt trên quả địa cầu rất đẹp, thầm nhắc nhở người con Phật luôn nguyện cầu cho hòa bình thế giới. Nhân ngày biết ân cuộc đời, Thiền Tôn Phật Quang không cài hoa hồng để nhắc riêng về MẸ mà cài các biểu tượng thay đổi từng năm để nhắc đến từng ý nghĩa khác nhau như vậy.

Đến đây, lễ hội Vu Lan đã khép lại, nhưng dư âm của nó chưa thể phai nhòa trong tâm thức của những người mang trái tim mình đến với Phật. Cảm xúc chắc là không ai giống ai, nhưng biết đâu tất cả những người con Phật nhân mùa Vu Lan đều hòa chung một niềm vui, một hạnh phúc lớn, đó là mong làm cái gì có ý nghĩa để dâng cho cuộc đời ./.

Chùm ảnh: Đêm văn nghệ mừng Vu Lan tại chùa Phật Quang

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin