Chi tiết tin tức Cà Mau: TT. Chân Quang giảng về ''chuyện luân hồi hiện đại'' 20:19:00 - 21/03/2015
(PGNĐ) - Sáng ngày 14/03/2015 (nhằm ngày 24/01/năm Ất Mùi), nhận lời mời của ĐĐ. Thích Thiện Phước – Trụ trì chùa Thiện Phước (Cà Mau), TT.Thích Chân Quang - Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã về thăm chùa và có buổi thuyết giảng cho các phật tử về chủ đề “CHUYỆN LUÂN HỒI HIỆN ĐẠI”.
Bài Pháp khẳng định rằng luân hồi, tái sinh là chuyện có thật và nó chịu ảnh hưởng rất lớn vào Luật Nhân Quả. Hiểu được Luật Nhân Quả, tức ta nắm giữ được chìa khóa mở cửa tự do trong đời ta, và giúp ta định hướng làm chủ lấy cuộc đời mình. Sẽ thật may mắn nếu ai đó được một lần đặt chân đến vùng đất Cà Mau, một tỉnh cực Nam của Tổ quốc, để thưởng thức nét đẹp hoang sơ và quyến rũ của một vùng đất mới, để tận hưởng những cơn gió biển nồng nàn như tấm lòng người dân Cà Mau. Nơi ấy đất và người phương Nam được đi vào văn, thơ, nhạc, họa… với nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, rất riêng mà không nơi nào có được, đã làm say mê bao thế hệ người Việt suốt chiều dài lịch sử. Bên cạnh đó, Phật giáo Cà Mau cũng là nơi được hình thành khá muộn trong khu vực 6 tỉnh miền Tây, lại nữa nhân sự trong tỉnh còn khá ít, nên sự phát triển của Phật giáo nhìn chung còn hạn chế và chưa đồng bộ. Tuy nhiên theo thời gian, với sự tận tâm, nhiệt huyết của Chư tôn túc Lãnh đạo BTS THPG Cà Mau, nên Phật giáo Cà Mau cũng có một số thành tựu nhất định từ hoạt động Phật sự của các Ban ngành, trong đó nổi bật là vấn đề hoằng pháp và từ thiện xã hội. Tương tự, TT Thích Chân Quang cũng tận tụy hết mình sống vì đạo pháp và chúng sanh nên không ngại đường xá xa xôi, nhận lời thỉnh cầu của đôi vợ chồng phật tử, đó là phật tử Tịnh Giác (quốc tịch Mỹ) và phật tử Liên Hương mà về tận ngôi chùa thuộc vùng sâu vùng xa để có đôi lời sách tấn các phật tử trong sự tu hành. Tấm lòng của Thượng tọa khiến cho Đại đức Trụ trì và đồng bào phật tử nơi đây thật cảm động. Vì vậy, ĐĐ Thích Thiện Phước đã thay mặt cho phật tử địa phương và các vùng lân cận có đôi lời cảm ơn chân thành gửi đến TT.Thích Chân Quang, Đại đức chia sẻ: Thật là vui mừng khôn tả, khi hôm nay bà con phật tử địa phương được diện kiến Thượng tọa Giảng sư bằng xương bằng thịt – một vị Thầy mà lâu nay họ chỉ gián tiếp gặp Thầy thông qua rất nhiều bài thuyết Pháp dưới dạng đĩa CD, VCD hoặc MP3. Nên nổi khao khát, mong chờ Thầy về quê hương mình giảng đạo là điều đúng đắn. Hôm ấy, sự hiện diện của Thượng tọa nơi Pháp tòa chùa Thiện Phước đã khiến cho bao phật tử vô cùng ấm áp và thỏa lòng mong ước. Đi vào nội dung bài Pháp thoại, để làm rõ ý nghĩa của đề tài, TT Thích Chân Quang đã tản mạn, kể về những chuyện luân hồi hiện đại có thật trên thế giới, và cả ở Việt Nam rải rác từ rất nhiều thế kỷ qua. Chẳng hạn như lát đát từ Nam chí Bắc có trường hợp những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp của nó, rồi kể lại, và dẫn cha mẹ đến tận quê xưa, đồng thời nhớ từng kỷ niệm với những người yêu mến. Người nhà thấy lạ, đi điều tra thì là đúng hết. Vậy bí ẩn nầy bằng chứng thấy chưa? Hoặc có những trường hợp ly kỳ là hiện tượng người đã chết rồi tự nhiên sống lại; hoặc hiện tượng thần đồng – là người thể hiện khả năng thiên bẩm khi còn ở độ tuổi rất nhỏ với nhiều thành tựu xuất sắc. Ví dụ ở Việt Nam có em bé 11 tuổi, không học tiếng Anh cả ở nhà, ở trường nhưng dịch được thư của chị từ Mỹ gửi về. Rồi có người nhờ dịch những tài liệu tiếng Anh thì em cũng dịch được hết. Càng lạ thường hơn là em này có thể nghe, hiểu và dịch được cả những chương trình phim truyện bằng tiếng Anh. Khi được hỏi: “Vì sao em dịch được?”, thì em trả lời: “Cháu chẳng hiểu tại sao”. Trường hợp này cũng giống như trường hợp cô Natasa ở Nga, sau một cơn ốm cô bỗng biết được nhiều ngôn ngữ. Hay gần đây có “Thần đồng” 3 tuổi ở Cà Mau. Cậu bé ấy tên là Bùi Chí Đá (tên khai sinh: Lâm Chí Hiếu), sinh ngày 27/03/2002, lúc đó tính ra chỉ mới hơn 32 tháng tuổi, nhưng gia đình cậu và bà con hàng xóm sửng sốt khi phát hiện cậu bé vừa mới bập bẹ nói đã biết đọc các loại sách báo, tạp chí, những con chữ trên tivi… dù chưa đi học một ngày nào. Như vậy, thần đồng quá trẻ ở đâu ra? Hoặc chúng ta vẫn hay nghe kể về những câu chuyện người nhớ tiền kiếp, hay thỉnh thoảng chúng ta vẫn nằm mơ thấy những giấc mơ kỳ lạ mà bình thường chúng ta chưa hề gặp, hoặc không nghĩ đó là tiền kiếp của mình. Nhất là người có tu tập đôi khi não mở ra trạng thái gì đó, khiến cho họ có một giấc mơ, nhớ lại tiền kiếp nào đó, v.v…Thì khi nghe có những hiện tượng lạ như vậy, các nhà nghiên cứu, nhất là các nhà Khoa học ở thế kỷ XX, phần lớn họ là những Nhà vật lý, những Giáo sư, những Bác sĩ, thậm chí nhà báo đã đổ xô vào nghiên cứu, mong tìm được lời giải đáp cho các hiện tượng tâm linh siêu hình trên. Dù chưa giải thích được rõ ràng về các trường hợp này nhưng họ phải công nhận rằng luân hồi là chuyện có thật. Việc tin Luân hồi có thật là một bước tiến lớn trong tâm linh của con người. Tuy nhiên, nói đến Luân hồi tái sinh, có rất nhiều người không tin có kiếp trước kiếp sau, mà chỉ xem như là vấn đề của một số thuyết tôn giáo, nhưng thật ra nó vô cùng mật thiết với đời sống thăng trầm của kiếp người mà chẳng mấy ai lưu tâm. Và Thượng tọa chứng minh cho thấy Luân hồi luôn có sự đổi qua đổi lại, đầy sự ngang trái, éo le, kỳ lạ mà chúng ta chưa lý giải được vì nó thuộc về nhân quả. Dưới góc nhìn của nhà tu hành, Thượng tọa trách Khoa học không công bằng, Khoa học mà thiếu tinh thần khoa học, bởi vì Khoa học thiên vị, không nghiên cứu sâu về những hiện tượng, những trường hợp Luân hồi để làm phát triển thêm đời sống tâm linh cho con người. Mọi nghiên cứu đều bị bỏ dở với kết luận “Không giải thích được”. Trong khi chỉ một trái táo rớt xuống, Isaac Newton đã đi tìm ra lực hút của trái đất, mở ra một chân trời khoa học lớn lao cho vũ trụ này. Từ cái nguyên lý của Newton đó mà ta chế kính thiên văn nhìn vào vũ trụ trời đất, phát hiện ra sao chổi, các thiên hà, các ngân hà và tính toán được đường bay. Ví dụ, một tên lửa bay lên thì như thế nào? Máy bay bay lên thì cần bao nhiêu lực đẩy, phi thuyền bay ra khỏi vũ trụ thì bay như thế nào? Muốn bay lên mặt trăng phải cần bao nhiêu lực đẩy…thì tất cả tính toán được hết cũng nhờ vào sự phát hiện của ông Newton. Khoa học tiến bộ lên nhờ trái táo rớt lên trên đầu ông và ông chấp nhận một điều “Lực hút là có thật” và điều này cả thế giới biết nhưng có một điều đến nay Khoa học vẫn chưa biết, cả thế giới cũng chưa biết là “Tại sao có lực hút”; “Tại sao các vật thể hút nhau” “Why everything attract in other” ( Do trong Pháp hội có một phật tử là người nước ngoài, nên thỉnh thoảng Thượng tọa phải nói bằng tiếng Anh cho ông hiểu điều Người muốn nói). Tuy chưa biết nhưng mà Khoa học vẫn nghiên cứu, vẫn ứng dụng, vẫn bắn phi thuyền lên trên không gian. Hoặc chỉ từ lực hút của nam châm, các nhà kỹ thuật nghiên cứu đã chế ra thành dòng điện. Thế là ta có quạt máy, bóng đèn, máy thu thanh (rađiô), máy thu hình (tivi), máy lạnh, điện thoại và nhiều thiết bị điện khác tạo cho cuộc sống chúng ta tốt đẹp hơn. Như vậy, cái việc mà nam châm hút nhau là có thật, ứng dụng được trên thế giới này, nhưng tại sao nó có lực hút thì đến nay Khoa học chưa giải thích được. Cái “Trách” rất thâm thúy của Thượng tọa đối với Khoa học là ở chổ “Có những điều không giải thích được rồi bỏ mặc”, ví dụ như chuyện Luân hồi. Trong khi, việc trái táo rớt xuống, anh mở ra một chân trời khoa học, vật lý, vũ trụ mới cho thế giới này. Việc nam châm hít sắt, anh mở ra cả một nền văn minh cho thế giới này có điện sáng, tàu chạy, xe chạy, máy bay bay, v.v… mà anh không biết được bản chất của nó là gì, nhưng anh vẫn ứng dụng tạo nên một nền văn minh như ngày hôm nay. Còn đứa bé nhớ lại kiếp trước của nó, anh kiểm tra dữ liệu (nó ở đâu, cha mẹ nó thế nào, kiếp trước nó chết vì lý do gì), anh công nhận nó đúng hết, nhưng lại bỏ qua, gạch ngang luôn, không nghiên cứu nữa, chỉ vì lý do “Không giải thích được”. Đây là cái dở của Khoa học, của những nhà Khoa học, của những người làm công tác Khoa học. Các anh không công bằng đối với những hiện tượng tâm linh và còn nhiều hiện tượng khác nữa, chẳn hạn như hiện tượng khí công, hiện tượng bóng đè, trực giác, UFO (vật thể bay). Nói về khí công, chúng ta thấy hiện tượng một người người vận nội công dùng bát úp vào bụng treo người trên không hoặc hít bát vào bụng kéo ô tô trong khoảng thời gian hơn 1 phút, hoặc chạy một lúc ba, bốn người trên chiếc chiếu mỏng trải trên mặt nước hơn 100m mà không chìm. Thì những hiện tượng như vậy, cũng bị các nhà Khoa học không quan tâm, nói không giải thích được là bỏ luôn. Thật tiếc, khi những thành tựu của khí công không được nghiên cứu, giải thích, công nhận một cách thỏa đáng, khiến cho thế giới mất hẳn cả một nền văn minh mà con người được sống khỏe mạnh, không bệnh tật. Còn như biết đó là có thật, họ quyết tâm nghiên cứu thì sẽ mở ra một nền văn minh mới cho thế giới. Loài người bước hẳn lên một nền văn minh khác, không còn phải như thế này nữa. Theo Thượng tọa, có vô số điều mà Khoa học chưa giải thích được nhưng vẫn đem ứng dụng, tạo ra một nền văn minh cho thế giới. Vậy nên, nếu lấy lý do “Không giải thích được” để bỏ bê những hiện tượng Luân hồi, những thành tựu của khí công là một việc làm hết sức tàn nhẫn, khiến chúng ta bị thiệt thòi. Còn như chuyện Luân hồi được nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng thì Khoa học đã mở ra cho thế giới một nền văn minh mới, khiến con người tin có luân hồi, có tái sinh, có nhân quả nghiệp báo và có tội phước. Khi con người tin rằng họ gieo nhân gì thì gặt quả nấy, đạo đức của thế giới sẽ thay đổi theo. Cuộc sống của chúng ta vì thế mà trở nên thánh thiện, hạnh phúc hơn. Việc tin tưởng Nhân quả - Luân hồi – Nghiệp báo là hướng đi đến chân – thiện – mỹ. Ngược lại, những ai không tin điều này thì tự mình sẽ rơi vào hố sâu, vực thẳm, đau khổ triền miên. Thực tế, ngày nay có các quốc gia bất hạnh, cầm đầu bởi những người không tin tưởng Luân hồi – Nhân quả - Nghiệp báo, nên đã gây ra bao tội lỗi, đưa dân tộc tộc đến chổ tối tăm, thoái hóa, đau khổ, ta rã. Ngoài ra, Thượng tọa còn nhấn mạnh thêm rằng: Việc nghiên cứu về linh hồn cũng cần được quan tâm vì linh hồn là có thật. Nhiều nơi trên thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện của hồn ma thông qua những chiếc camera. Tuy nhiên, Khoa học thêm một lần nữa cũng lờ đi vì “Không giải thích được” dù đã có những trường hợp “chết đi, sống lại”. Nếu các nhà Khoa học có thái độ ngược lại, cứ bám vào những hiện tượng đó để nghiên cứu, tìm ra bản chất của vấn đề thì chúng ta sẽ biết thêm được nhiều điều hấp dẫn nữa, nền văn minh của thế giới sẽ được đưa lên tột đỉnh, con người sống đạo đức, trí tuệ, hiền lành hơn rất nhiều. Thượng tọa khẳng định: Đây là mơ ước của chúng sinh. Tuy nhiên, khi chúng ta chưa đạt được điều đó thì chúng ta vẫn còn rất nhiều điều phải lo. Đó là lo con người thông minh quá, chế tạo ra nhiều loại vũ khí hiểm độc, nhiều game hấp dẫn, nhiều máy móc tiện nghi, nhiều dạng người máy (Robot) thông minh hơn mà đạo đức vẫn đứng im một chỗ, chưa bắt kịp với cái khôn. Trong khi Khoa học ngày càng tiến bộ nhưng đạo đức con người vẫn không có sự phát triển gì so với mấy nghìn năm trước. Con người sẽ lợi dụng cái kỹ thuật đó để hại nhau, thế giới vì thế mà đứng trước nguy cơ đổ vỡ, diệt vong. Chỉ có sự cân bằng giữa đạo đức và sự phát triển khoa học, mới có thể cứu được thế giới khỏi mối lo này. Việc Chư Tăng tích cực đi giảng Pháp là muốn đạo đức của con người được tăng trưởng. Nhưng dù quý Thầy có tích cực đến mấy cũng không tranh được với sự phát triển, lây lan nhanh chóng của khoa học. Chỉ khi nào Khoa học vào cuộc, nghiên cứu, giải thích, tìm ra nguyên lý của tái sinh, luân hồi, khẳng định Luật Nhân Quả và xem đó là một điều Khoa học bắt buộc phải đưa vào giáo dục tại các trường học thì thế giới mới thay đổi, đạo đức con người mới bắt kịp được sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Thượng tọa cho rằng đây cũng chính là trách nhiệm của Khoa học. Cho nên, Người rất hy vọng các nhà Khoa học đừng thiên vị để thế giới không bị nghiêng lệch, không bị thiệt thòi. Thượng tọa nhận định: Nếu các nhà Khoa học có quyết tâm nỗ lực nghiên cứu thì mọi hiện tượng đều được sáng tỏ dần dần, Luật Nhân Quả sẽ được công nhận dù mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, chúng ta thà chấp nhận việc công nhận có Luật Nhân Quả muộn, còn hơn là con người mãi mãi không tin vào Luật Nhân Quả. Dù mất 40 hay 50 năm nữa để chúng ta có được điều đó, vẫn là cái giá rất rẻ, rẻ hơn rất nhiều so với việc thế giới này bị chìm trong tăm tối, trong tội ác. Chúng ta may mắn vì ngay từ buổi đầu đã tin vào Đức Phật, tin Ngài có khả năng nhìn được vô lượng kiếp của mình và chúng sinh khắp chốn, nên ta mới nói về Nhân quả một cách rành mạch, đồng thời tin và ứng dụng nó vào cuộc sống hàng ngày, dùc Khoa học chưa nghiên cứu hay đưa ra bất kỳ một kết luận nào. Tin vào Nhân quả, nên chúng ta luôn cẩn thận trong từng hành động, lời nói và suy nghĩ của mình để không bị quả báo xấu. Vậy nên, chừng nào Khoa học còn chưa nghiên cứu về Nhân quả thì chừng đó con người còn chịu thiệt thòi. Chỉ trừ những người đệ tử Phật tin và sống theo định luật Nhân quả Luân hồi, mới thật sự hạnh phúc trong cuộc đời này. Người đệ tử Phật khi tin có Luân hồi thì sẽ biết lo cho kiếp sau của mình. Đặc biệt, để thoát khỏi sinh tử luân hồi, họ biết hướng đến đời sống xuất gia làm mục tiêu tu tập. Để các phật tử có thể xây dựng kiếp sau của mình được tốt đẹp hơn, Thượng tọa khuyến tấn mọi người phải siêng đi chùa sám hối, lễ Phật, học hỏi đạo lí, phụng sự Tam bảo. Sau đó quay lại cuộc đời, chúng ta biết yêu thương và phụng sự chúng sinh, sống tốt với nhau, biết giúp đỡ nhau cùng tu hành. Hơn thế nữa, sống một cuộc đời từng giờ từng phút chỉ có làm phước mà thôi. Đó là người đệ tử Phật cao cấp. Những ai đã là cư sĩ thì phải kính Phật, trọng Tăng. Riêng Tăng Ni thì phải hết sức mô phạm để chúng sinh có niềm tin mà nương tựa vào đạo Pháp. Tóm lại, bằng cách trích dẫn những câu chuyện có thật, “Mắt thấy, tai nghe” ở khắp nơi và trên thế giới, cộng với những lí luận đầy logic, Thượng tọa đã xây dựng được những ý tưởng đặc sắc cho bài Pháp thoại có tựa đề CHUYỆN LUÂN HỒI HIỆN ĐẠI. Qua đó, thuyết phục được mọi người tin tưởng rất tự nhiên rằng Luân hồi, tái sinh là có thật. Thượng tọa cũng chỉ ra sự ảnh hưởng của Luật Nhân Quả đến việc tái sinh của con người, giúp mọi người biết cân nhắc phải trái trong mỗi hành động của mình. Nhờ đó, con người sống tốt đẹp, đạo đức, hiền lành hơn, thế giới vì thế mà yên bình, hạnh phúc hơn. Ngoài ra, thông qua bài Pháp thoại, Thượng tọa rất mong muốn các nhà Khoa học nên quan tâm hơn đến việc nghiên cứu các hiện tượng Luân hồi, tái sinh để bằng phương pháp khoa học thực nghiệm, làm cho vấn đề Luân hồi trở nên sáng tỏ. Những kết luận Khoa học đó sẽ giúp con người có thêm nhiều kiến thức mới, đưa thế giới bước sang một nền văn minh cao hơn mà ở đó, trí tuệ và đạo đức con người luôn song hành với nhau; con người biết sống yêu thương, biết coi trọng sự sống của nhau, biết hòa hợp trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời, Người cũng hy vọng các nhà Lãnh đạo cũng như mọi công dân hãy quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà Khoa học yên tâm nghiên cứu, để có những kết luận chính xác, thuyết phục, khám phá thêm nhiều điều mới mẻ, phong phú trong lĩnh vực đời sống tâm linh con người. Sau cùng, cô phật tử Liên Hương – đại diện cho phật tử địa phương đã dâng lên Thượng tọa Giảng sư những lời tác bạch, biểu lộ sự tôn kính, lòng biết ơn đối với những lời dạy bảo ân cần của Người, một cách nhẹ nhàng nhưng đậm đà, sâu lắng. Khi còn tại thế, Ðức Phật đã nói: " Lòng dạ ngu si không biết phân định chánh tà là tăm tối nhất. Không tin Nhân quả, Luân hồi, Nghiệp báo là nguồn gốc sanh ra tội lỗi nhất". Cho nên, hơn bao điều mong ước, một lần nữa, chúng ta hy vọng, một ngày nào đó, khoa học có thể chứng minh một cách đầy đủ nhất bản chất của các hiện tượng tâm linh, từ đó truyền cảm hứng để giúp xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn gấp nghìn lần bây giờ cho toàn thể nhân loại./.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |