Chi tiết tin tức

Chùa Hoàng Pháp - Những ấn tượng khó quên

23:34:00 - 15/09/2014
(PGNĐ) -  Hoằng Pháp là ngôi chùa đầu tiên tổ chức khóa tu Phật thất kéo dài trong 7 ngày. Khóa Phật thất đầu tiên tổ chức từ ngày 2-5 đến ngày 9-5-1999 (17-3 đến 24-3 Kỷ Mão) với số lượng 68 Phật tử tham dự. Đến thời điểm này đã là khóa thứ 77 (17-8-2014 đến 24-8- 2014 nhằm ngày 22-7 đến 29 tháng 7 Giáp Ngọ) với số lượng gần 3000 người.

Chúng tôi có được may mắn dự Phật thất khóa 77 và được cùng với gần 1000 thiện nam tín nữ thực tập oai nghi người Phật tử để cùng thực hiện VCD “Oai nghi của người Phật tử” do chùa Hoằng Pháp thực hiện từ ngày 11-9 đến ngày 13-9-2014 (nhằm ngày 18-8 đến 20-8 Giáp Ngọ)

 

 

Nhằm mục đích giúp cho những Phật tử tại gia có điều kiện thuận lợi cắt bớt trần duyên, đến chùa tu tập hầu thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, nhất tâm niệm Phật, chứng nghiệm sự an lạc trong giáo pháp của Phật nên BTC đưa ra nội quy rất nghiêm ngặt. Tất cả Phật tử đều phải giữ oai nghi, tịnh khẩu, không được sử dụng điện thoại di động, ngay cả máy ảnh cũng phải gửi lại cho BTC cất giữ đến cuối khóa mới được nhận.

Riêng lần này là thực tập oai nghi nên nội quy tương đối dễ dàng. Chúng tôi xin phép tác nghiệp và được quý thầy trong BTC hoan hỷ chấp thuận.

Từ ngoài sân chùa đến tận nhà bếp, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp những lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng bằng lời thơ do thượng tọa trụ trì sáng tác kèm hình ảnh minh họa.

 

 

Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp cho biết thầy đã viết sách “Khóa tu Phật thất” gồm các nội dung: Ý nghĩa, mục đích, nội quy, oai nghi và nghi thức tụng niệm nhưng các Phật tử lớn tuổi sau khi đọc lại không nhớ hết được, thầy cũng đã cho thực hiện VCD “Oai nghi của người tu Phật thất” vào năm 2005 nhưng đến nay đĩa cũng đã cũ, chất lượng máy móc thời đó và kinh nghiệm quay của quý thầy cũng chưa nhiều. Do những nhân duyên đó BTC quyết định mời những Phật tử trong độ tuổi từ 60 trở xuống tham gia thực tập oai nghi.

Qua 3 ngày cùng tham gia với ê-kíp làm phim gồm quý thầy Thích Tâm Đạo, Thích Tâm Hậu, Thích Tâm Bổn, Thích Tâm Lộc, Thích Tâm Đại và hai Phật tử là chú Thanh và chú Tưởng chúng tôi thật sự ngỡ ngàng về tính chuyên nghiệp của quý thầy. Những cảnh  trong giảng đường chính có đến 5 máy quay cùng hoạt động, cảnh ngoài trời có thầy phải leo lên tận mái hiên trên tầng lầu giảng đường chính để có những hình ảnh đẹp.

Dựa trên kịch bản đã chuẩn bị sẵn, sau khi chiếu VCD “Oai nghi của người tu Phật thất” vào tối 16 và sáng 17-8 cho các Phật tử xem lại trước khi vào buổi quay chính thức, thầy Thích Tâm Hậu và Thích Tâm Đại đã hướng dẫn các Phật tử từ cách chắp tay, xá chào, lễ lạy, kinh hành, nghi thức cúng quá đường…Mỗi động tác phải thực tập rất nhiều lần, ngoài  ê-kíp làm phim, còn nhiều thầy khác đi sửa lại những động tác chưa chuẩn của Phật tử.

 

 

Có những buổi quay kéo dài từ 7 giờ sáng đến hơn 11 giờ trưa, buổi chiều có lúc đến hơn 5 giờ, quý thầy và Phật tử đều mệt nhoài nhưng ai cũng rất hoan hỷ. Phật tử Diệu Giới, 79 tuổi nhưng cũng rất nhiệt tình tham gia, cụ nói: Bà ao ước được đóng phim để giúp chùa làm đĩa, biết đâu con cháu bà xem đĩa  nó sẽ quay về với chùa.

Với những gì BTC cùng các Phật tử thực hiện trong thời gian quay VCD oai nghi, chắc chắn sẽ giúp cho Phật tử cả nước có chuẩn mực cơ bản nhất khi đến chùa, biết giữ chánh niệm để không phải mắc những lỗi nhỏ nhặt đáng tiếc.

Vừa kết thúc 3 ngày quay VCD oai nghi lại tiếp đến khóa tu sinh viên hướng về Phật pháp vào chủ nhật 14-9 (21-8 Giáp Ngọ), rồi lại chương trình Tô tượng cho các bé thiếu nhi vào lúc 8 giờ sáng chủ nhật  hàng tuần, chùa lại còn là nơi đăng cai cho Hội chữ thập đỏ xã Tân Hiệp, quận Hóc Môn tổ chức hiến máu nhân đạo cũng trong ngày chủ nhật này.

 

 

Không hiểu sức lực ở đâu mà quý thầy có thể điều hành số lượng các hoạt động hoằng pháp liên tục như thế. Các bạn trẻ đến  chùa để hướng về Phật pháp, người trung niên tạm gác việc làm ăn 3 ngày để hộ trì Tam bảo, các cụ cao niên không kể tuổi cao sức yếu cũng chung tay vì ngôi chùa hoằng Pháp. Có lẽ chỉ có tấm lòng từ bi vô lượng vô biên của thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp – một bậc minh sư – đã  có sức lan tỏa đến tăng chúng bổn tự. Nhìn thấy thầy Tổng giám luật Thích Tâm Thuận đã hơn 70 tuổi đang bưng bê và rửa chén ở khu nhà bếp, tôi xúc động rơi nước mắt, nhưng lúc đó đang thực tập cảnh thọ trai nên không kịp ghi hình,  rồi đến quý cô, quý bác tham gia công quả, lo từng bữa ăn cho đại chúng, các anh chị bảo vệ ngoài nhiệm vụ chính của mình còn tranh thủ xếp lại những đôi dép của Phật tử cho thật ngay ngắn…còn nhiều, nhiều nữa những việc làm thầm lặng không thể kể ra hết được đã làm cho tất cả Phật tử chúng tôi dành trọn tấm lòng của mình để đến với chùa.

 

 

Những chiếc cúp được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao tặng như: “Ngôi chùa tổ chức nhiều khóa tu Phật thất có số lượng Phật tử tham dự đông nhất” (07-11-2006); “Chùa Hoằng Pháp Lễ Hội Hoa Đăng vía Đức Phật A Di Đà lớn nhất Việt Nam” (26-12-2007); “Chùa Hoằng Pháp Chân đèn lớn nhất Việt Nam” (15-5-2008) không phải ngẫu nhiên mà có được.

Tất cả các hoạt động của chùa Hoằng Pháp dù chỉ trong 3 ngày nhưng đối với chúng tôi, điều ấy thật có ý nghĩa vô cùng, đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Tinh thần vô ngã vị tha của chư tôn đức chùa Hoằng Pháp là bài những bài pháp tuyệt vời, chính thân giáo của quý thầy đã nói lên tất cả.

 

 

 

Quảng Ấn-chùa Đức Hòa

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin