Chi tiết tin tức

Hải Phòng: Tưởng niệm Cố Hòa thượng Saddhāloka tân viên tịch

08:48:00 - 17/12/2013
(PGNĐ) -  Đúng 14 giờ, sau thời khắc niệm Phật cầu gia bị, tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự lễ tưởng niệm, đại diện chư Tôn đức đã cung tuyên tóm tắt tiểu sử, văn tưởng niệm cố Hòa thượng tân viên tịch....
Sáng ngày 13/11 năm Quý Tỵ, nhằm ngày 15/12/2013, tại chùa Hồng Phúc, phường Bắc Sơn, quận Kiến An – Hải Phòng, gần 1.000 Tăng Ni, Đại biểu, đồng bào Phật tử đã tổ chức và tham gia lễ Tưởng niệm Cố Hòa thượng Saddhāloka – bậc Thầy tôn kính, người cha tinh thần của những người (tỵ nạn) Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng tại Hồng-kông trong hơn 30 năm qua.
Do tuổi cao, sức yếu, mãn duyên hóa độ chúng sinh, Hòa thượng Saddhāloka đã viên tịch hồi 05h00 ngày 9 tháng 12 năm 2013, nhằm ngày 7/11/ Quý Tỵ tại Hồng-kông, trụ thế 76 năm với 47 tuổi Đạo.
Tham dự Lễ tưởng niệm có HT Thích Quảng Tùng – P. Chủ tịch HĐTS TWGHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN Tp. Hải Phòng; Đại đức Thích Tục Khang – P. Trưởng Ban trị sự, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN Tp. Hải Phòng cùng đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni trong BTS Phật giáo thành phố, các quận huyện, trường Trung cấp Phật học Hải Phòng.
Về phía thế quyền có các ông bà đại diện Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo, MTTQVN, các Sở, Ban ngành, CA thành phố.
Được biết, ngoài các Phật tử đang làm ăn tại Hải Phòng còn có hàng trăm Phật tử là đệ tử của cố Hoà thượng hiện đang ở Hồng-kông và nhiều nơi khác trong và ngoài nước  cũng về chịu tang và dự lễ tưởng niệm.
Đúng 14 giờ, sau thời khắc niệm Phật cầu gia bị, tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự lễ tưởng niệm, đại diện chư Tôn đức đã cung tuyên tóm tắt tiểu sử, văn tưởng niệm cố Hòa thượng tân viên tịch; đại diện đệ tử của cố Hòa thượng dâng lời cảm niệm; HT Thích Quảng Tùng có đôi lời tán thán công đức.
Sau đó, trong không khí thành kính, cảm động, chư Tăng và đại diện đại biểu đã hành lễ dâng hương, tụng kinhtưởng niệm cố Hòa thượng tân viên tịch.
ĐƯỢC BIẾT:
“Cố Hòa thượng Saddhāloka sinh năm 1938 tại miền Đông Cộng hòa Liên bang Đức. Khi Ngài mới được 2 tuổi thì Mẹ Ngài tạ thế, Ngài sống trong tình yêu thương của cha và ông bà nội.
Ngay từ bé Ngài đã rất yêu thiên nhiên, trân trọng sự sống của mỗi lá cây, ngọn cỏ, trải tâm từ với muôn vật.
Có tính hiếu học nên từ niên thiếu, Ngài đã tham khảo rất nhiều sách, trong đó Ngài thích đọc giáo lý Phật Đà nhất.
Đến năm 18 tuổi, mặc dù ông bà, và cha của Ngài theo Thiên Chúa giáo đã phản đối rất gay gắt, song Ngài đã nhất quyết chọn cho mình con đường về với đạo Phật.
Năm 1964, Cố Hòa thượng chính thức thọ giới Sa di tại Anh Quốc. Thầy tế độ là Hòa thượng Saddhātissa, người Sri Lanka.
Ngài đã theo học ở Anh Quốc hai năm, sau đó được sự thỉnh mời của trường Buddhist Centre Canada, Ngài tới tu học tại đó một năm, rồi sang Thái Lan theo học hai năm và đã thọ giới Tỷ Khiêu tại Thái Lan vào năm 1967.
Đến năm 1969, Cố Hòa thượng có ý muốn sang Trung Quốc để tiếp tục theo đuổi việc học, nhưng vì lý chính trị, Ngài đã ở lại Hồng-kông. Trong thời gian cư trú tại Hồng-kông, Ngài vừa giảng dạy Phật pháp vừa làm thuốc chữa bệnh miễn phí cho nhân dân theo phương pháp Trung y.
Đến năm 1982, vì thương sót những thuyền nhân Việt Nam đang sống trong các trại tỵ nạn với hoàn cảnh khốn khó đủ bề, cố Hòa thượng Saddhāloka đã không quản đường xá xa xôi, ngày nào cũng dậy từ ba giờ sáng để chuẩn bị đồ ăn, thức uống, thuốc men, sách vở ... mang vào các trại tỵ nạn phân phát.
Đầu trần chân đất, trời nắng cũng như mưa, cố Hòa thượng vẫn mang vác đều đặn mỗi ngày, thân xác thì có một nhưng gồng gánh không biết là bao nhiêu đồ đạc. Giữa trưa hè nóng nực, mồ hôi ướt đẫm tấm áo nâu sồng, nhưng miệng Hòa thượng vẫn luôn nở nụ cười. Cứ vậy suốt 16 năm trời, Ngài không chỉ lo lắng đồ ăn thức uống mà còn biết bao nhiêu kinh sách, hy vọng hướng những người tỵ nạn thấu hiểu về giáo lý Phật Đà và trau giồi văn hoá Việt.
Đến năm 1998, trại tỵ nạn không còn, cố Hòa thượng đã thuê một ngôi chùa nhỏ tại Yuen Long – Hồng-kông để làm nơi tập hợp những người con Việt. Một lần nữa Hòa thượng lại tiếp tục dìu dắt những người tỵ nạn Việt Nam định cư ở Hồng-kông.
Vì ngôn ngữ bất đồng nên sự chỉ dạy có nhiều sự không được thông suốt, nhưng không vì thế mà Hòa thượng nản lòng, những buổi học Thiền, những ngày học Kinh Pháp Cú, cố Hòa thượng vẫn miệt mài chỉ dẫn tận tâm tận lực.
Không dừng lại ở đó, mà mọi hành động cử chỉ sinh hoạt của Hòa thượng, từ cách ăn không quá no, ngủ không dùng nệm ấm, bốn mùa chỉ một tấm bìa trải xuống đất làm đệm, lấy tấm y làm chăn… đến những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày Hòa thượng đã gieo vào ý thức của chúng đệ tử để họ ý thức được giá trị của vạn vật xung quanh, từ mẫu giấy bỏ đi cho đến những miếng nhựa nhỏ…
Những năm gần đây cố Hòa thượng tuổi đã cao, tấm thân tứ đại đã yếu gầy lại phải một mình chống chọi với các cơn đau của bệnh tật, cái đau đã làm cho Ngài nhiều khi tím tái, vã mồ hôi… Chúng đệ tử thì rơi nước mắt, nhưng Ngài vẫn kiên trì chịu đựng, không chịu dùng thuốc giảm đau.
Vẫn biết vạn vật là vô thường, được gần gũi Hòa thượng bấy nhiêu năm nay, mặc dầu thấu hiểu sự chịu đựng phi thường nơi Hòa thượng, nhưng chúng đệ tử vẫn không kìm ném được sự xúc động. Ngài đã dùng chính xác thân của mình để làm phương tiện hóa độ chúng sinh, bởi vì đường đời muôn nẻo khổ, cái vốn cần phải có là sức chịu đựng kham nhẫn; hiểu được ý Hòa thượng mà lòng chúng đệ tử càng quặn đau.
Là một sứ giả của Như Lai, Cố Hòa thượng đã học và hành theo hạnh từ bi thương yêu mọi loài của Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Với tinh thần và tâm nguyện hoằng khai Phật đạo, phả độ chúng sinh, Hòa thượng thật sự là người Thầy tôn kính, người cha tinh thần của những người tỵ nạn Việt Nam tại Hong Kong nói riêng và của chúng sinh nói chung.
Mấy năm trước, đáp ứng nguyện vọng của các Phật tử, Ngài đã vài lần quang lâm Hải Phòng trong sự cảm kích sâu sắc của Tăng  Ni Phật tử. Mấy tháng trước đây, Tăng Ni Phật tử Hải Phòng cũng đã sang Hồng-kông vấn an Ngài.
Đã gần 1 năm nay, sức khỏe của Cố Hòa thượng có phần suy giảm, các đệ tử của Ngài đã mời nhiều thầy thuốc đến thăm khám, điều trị.
Tưởng rằng Ngài sẽ được trụ lâu hơn nữa để cho đại chúng và các đệ tử có nơi quy ngưỡng, nương tựa. Song quy luật vô thường vốn có, Cố Hòa thượng đã an nhiên thu thần thị tịch vào hồi 05h ngày 9 Tháng 12 năm 2013 (nhằm ngày 7 Tháng 11 năm Quý Tỵ) tại Hồng-kông, trụ thế 76 năm với 47 tuổi đạo.
Ngài viên tịch đã để lại cho môn đồ tứ chúng niềm tiếc thương vô hạn. Ngài mãi mãi là tấm gương sáng về tình thần phụng sự Đạo pháp, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh mà chư Phật đã tuyên thuyết”.
 
Xin giới thiệu chùm ảnh buổi lễ Tưởng niệm Cố Hòa thượng Saddhāloka tại Hải Phòng ngày 15/12/2013.













































































 

Huệ Minh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin