Chi tiết tin tức Ngày Giỗ Tổ Khai sơn về thăm chùa cổ Đông Phước 06:27:00 - 23/07/2015
(PGNĐ) - Ngày mùng 8 tháng 6 năm Ất Mùi, ngày Giỗ Tổ Khai sơn về thăm chùa cổ Đông Phước, ngôi chùa đã đồng hành cùng dân làng Phước Hải, (Phước Long) ở vùng quê miền biển Nha Trang trên 125 năm.
Theo minh lục của cố Đại lão HT.Thích Huệ Quang, đệ tứ trú trì chùa Đông Phước, ngày trước, có một vị Tỳ kheo Ni, tên đời là Bùi Thị Lê, pháp danh Xương Thắng, tự Thiện Hành. (Chữ Xương thuộc dòng Tào Động, Bắc Sơn lập phái kệ: “Nguyên Đạo Hoằng Truyền Nhất. Tấn Quang Phổ Chiếu Thông. Tổ Sư Long Pháp Ấn. Vĩnh Lạc Thọ Xương Tôn.”) Bà quê quán ở xã Gò Bon, Gia Định, vì chiến tranh nên bà lánh cư ở làng Trường Đông, huyện Vĩnh Xương, Khánh Hoà. Bà đã phát tâm bồ đề xả bỏ sự nghiệp, xuất gia vào tu ở am tranh tại gò Quéo, Đồng Bò (nay là Xã Phước Đồng). Bà thọ ký với Bổn sư danh gọi bấy giờ là Thầy Bưởi. Được hơn 3 năm, Thầy về quê rồi viên tịch. Bà còn lại một mình không thể ở nơi thâm sơn cùng cốc, nhất ni, nhất tự, nên phải trở về làng Trường Đông. Vào năm Thành Thái thứ hai (1889), bà đã tạo dựng ngôi chùa thỉnh Đại lão Hoà thượng huý Trừng Đạt, hiệu Minh Quang, Chứng minh Khai sơn. Chùa lập hoàn thành, được đặt hiệu là Đông Sơn tự, toạ lạc tại đầu núi Trường Đông, gần tỉnh lộ nơi đầu xóm (đó là tiền thân của chùa Đông Phước). Đến năm Thành Thái thứ 18 (1906), chùa được trùng tu lần thứ Nhất, từ đó cho đến lúc Hoà Thượng, Tổ Khai sơn thị tịch, tiếp đến vị Lão Tỳ kheo Ni cũng viên tịch. Chùa chiền hiu quạnh, ít người lui tới, cùng đất đai khô cằn, thiếu nước sinh hoạt, cho nên chùa không thể trụ trên núi Trường Đông, phải di chuyển đến địa phận xã Phước Hải.
Lần thứ Nhất: Do Đại đức huý Như Trị hiệu Từ Thân đảm nhận trách nhiệm đem về phần đất tục danh Giếng Bà Giá của Ông, bà Nguyễn Hý cúng dường. Làm nền chùa xong, sắp dựng cột, thì bị con, cháu Ông, bà Hý tranh cản, nên xây dựng không thành. Lần thứ Hai: chùa dời về phần đất thuộc khóm Phước Thái, xã Phước Hải (là nơi chùa tọa lạc hiện nay tại số 20/7 đường chùa Đông Phước, Phường Phước Long, thành phố Nha Trang, Khánh Hoà). Lần này, do Đại đức húy thượng Như hạ Trị cung thỉnh Hoà thượng huý Như Đạt hiệu Hoằng Thâm, Chứng minh khai sơn vào năm Quý Sửu (1913). Chữ Như thuộc dòng Lâm tế Gia Phổ: Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên, Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên…). Lập chùa xong đặt hiệu chùa là Đông Phước tự (Đông Phước lấy tên hai xã làm hiệu chùa, Đông là Trường Đông, Phước là Phước Hải.) Đại đức Như Trị - Từ Thân, quê ở miền Nam , dòng Lâm tế Gia Phổ, là vị trú trì đầu tiên tại chùa Đông Phước. Lúc bấy giờ cảnh trí nơi đây toàn là rừng và cát, Đại đức đã ra công khai khẩn đất hoang quanh chùa thành thổ, được 3 sào để làm đất vườn chùa, cho đến năm Kỷ Mão (1939) Đại đức Từ Thân viên tịch. Bổn tự cung thỉnh Đại đức huý Chơn Du hiệu Nhơn Thiện quê ở Ninh Hoà, Khánh Hoà về kế thừa Đệ nhị trú trì, cho đến năm Ất Dậu (1945), là năm cách mạng khởi nghĩa, vùng quanh chùa là rừng mai, bộ đội lập mặt trận tại đây, đến một chiều mùa thu năm 1945, giao tranh ác liệt xảy ra, chùa bị thiêu huỷ. Cho đến năm Mậu Tý (1948) tại làng Trường Đông có tín nữ là Bà Lê Thị Tỵ (Bà Thông) pháp danh Tâm Lộc, phát tâm cúng dường vật liệu, đạo hữu Nguyễn Trung Can cúng dường công quả thi công tu bổ. Cảm động công đức của hai vị thí chủ này, chùa tu bổ hoàn thành ngôi chánh điện (thờ Phật), Tây đường (thờ Tổ và thờ Linh). Năm Kỷ Sửu (1949) bổn tự cung thỉnh Đại Đức huý Chơn Gia hiệu Minh Huệ về Đệ tam trú trì. Ngài Minh Huệ xây cất thêm ngôi Đông Lan để làm chỗ tiếp độ tăng chúng tu học. Đến năm Đinh Dậu (1957), Ngài Chơn Gia - Minh Huệ viên tịch. Năm Canh Tý (1960) Bổn tự, bổn đạo cung thỉnh Hòa thượng húy thượng Không hạ Hành, tự Từ Tâm, hiệu Huệ Quang về Trụ trì đời thứ tư chùa Đông Phước. Nhờ ơn lớn Tam bảo hộ trì, cùng chư sơn và bổn đạo trợ giúp, chùa Đông Phước qua nhiều lần trùng tu, đặc biệt là lần đại trùng tu gần đây nhất vào năm 2007 (Đinh Hợi) do cố Đại lão HT.Thích Huệ Quang khới xướng lần đại trùng tu đến năm 2009 (Kỷ Sửu) hoàn thành, toàn cảnh chùa trang nghiêm, hoành tráng như hiện nay. Kiến trúc chùa Đông Phước theo hình chũ “khẩu” chia thành 4 khu vực: Chánh điện, Đông lang, Tây lang và Tăng xá. Các dãy nhà được nối liền nhau tạo thành một khoảng sân trống ở giữa. Chùa quay mặt về hướng Tây Nam, phía trước là dãy núi sông Lô, sau lưng là biển nên quanh năm lộng gió. Phía Đông có dãy núi Cảnh Long (Thanh long hí thủy), một trong bốn tứ linh của Tp.Nha Trang. Chánh điện chùa cao 3 tầng, có cổ lầu hai bên là lầu chuông, lầu trống. Góc mái cong có tứ giao long uốn lượn. Trên nóc có lưởng long chầu nguyệt, đỉnh nóc chùa là bánh xe pháp. Tổ đường, Nhà khách, Đông lang, Tây lang, Phương trượng Viện chủ được bố trí hợp lý và thoáng mát. Bên phải sân chùa là Bảo tháp Xá lợi, bên trên tôn trí Ngọc Xá lợi Phật, bên dưới tôn trí tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đá Non Nước nguyên khối, cao trên 4m, Bồ Tát đang cầm bình tịnh thuỷ và nhành dương liễu, với gương mặt hiền hoà, bao dung phóng tầm mắt xa xăm dõi theo mọi nổi khổ của ngư dân Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên như nguyện đem lại sự an bình cho mọi người, cho ngư dân mỗi lần ra biển. Bên trái sân chùa là Tháp Chuông, trên tháp Đại hồng chung nặng 1.530kg do thợ đúc đồng phường đúc (Huế) đúc tại chùa vào năm 2001. Ở giữa sân chùa tôn trí tượng Phật Di Lặc bằng đá Non Nước. Tượng có dáng ngồi, với nụ cười hoan hỹ, vị tha như luôn nhắc với Phật tử hãy diệt trừ lục tặc, vui vẻ, rộng lượng với mọi người. Phía trước chùa là Cổng Tam quan sừng sửng, uy nghi, đỉnh đạt, như khẳng định nhắc nhở với mọi người: “Đi đến cửa chùa đem lòng hỹ xã, Bước vào cảnh Phật giữ dạ Từ bi”
Bên trong cổng chùa là tương Phật A Di Đà lộ thiên phóng quang, nguyện tiếp độ chúng sinh về miền Cực Lạc. Phía sau chùa là vườn tháp Tổ, nơi ghi đấu vết của các bậc Tổ sư tiền bối, như nhắc nhở kẻ hậu lai “Uống nước nhớ nguồn”, tất cả là một bức tranh thiền môn thanh tịnh. Sau khi trùng tu hoàn chỉnh ngôi phạm vũ Đông Phước huy hoàng, trang nghiêm, tú lệ, vào một ngày tiết trời lập thu năm Kỹ Sửu (2009) cố Đại lão HT.Thích Huệ Quang- thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Viện chủ Đông Phước cổ tự đã an nhiên thâu thần viên tịch. Trước khi quãy dép quy Tây Ngài đã viết chúc thư phó chúc cho đệ tử là TT. Thích Hành Tri, hiệu Tâm Thông kế thừa trú trì đời thứ 5 (vị trú trì hiện nay) và Đại đức Thích Như Từ hiệu Tâm Bình làm Phó trụ trì. Kể từ khi thành lập cho đến nay, chùa Đông Phước đã có gần 130 tuổi, trải qua nhiều lần trùng tu. Tuy kiến trúc mang dáng hiện đại nhưng chùa Đông Phước vẫn giữ được vẻ cổ kính, thâm nghiêm, thanh tịnh. Ngoài những kiến trúc chính, chùa có khoảng sân rộng, trồng nhiều cây xanh, kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc ngôi chùa. Có lẻ vì thế mà chùa Đông Phước không những là nơi Phật tử sớm tối đi về tu học mà còn là một trong những trung tâm sinh hoạt Phật giáo lớn ở thành phố Nha Trang, và là điểm giao lưu văn hóa của bà con Phật tử thuộc 3 phường: Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên… Thật đúng là: “Rồng quyện xứ Trầm Hương cảnh gợi tình thơ chào Đông Phước. Mây bay trời Phước Hải tâm nhuần ý đạo viếng chùa xưa.”
Trí Bửu: Khể thủ đảnh lễ Tưởng niệm Húy kỵ lần thứ 76 Tổ Khai sơn Đông Phước cổ tự.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |