Chi tiết tin tức

Đại đức Thích Mật Tôn bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ văn học

06:27:00 - 18/08/2017
(PGNĐ) -  Chiều ngày 15.8, tại Hội trường khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã diễn ra buổi bảo vệ luận văn Thạc sỹ - ngành Văn học dân gian của học viên Nguyễn Văn Thuân (Đại đức Thích Mật Tôn).

Tham dự buổi lễ bảo vệ đại diện Giáo hội có sự hiện diện của Thượng tọa Thích Tâm Vượng - Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định; về phía nhà trường có PGS.TS. Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng, TS. Bùi Thị Thiên Thai - Phản biện 1, TS. Đặng Thị Diệu Trang - Phản biện 2, TS. Nguyễn Việt Hương - Thư ký Hội đồng, Đặng Thị Xuân Hương - ủy viên Hội đồng, GS.TS. Lê Chí Quế - Giáo viên hướng dẫn khoa học. Cùng sự hiện diện đông đảo của chư tôn đức Tăng Ni, các đồng nghiệp, bạn bè cùng đến tham dự. 

Sau một thời gian làm việc, học viên trình bày tóm tắt luận văn, các thành viên trong Hội đồng đưa ra nhận xét và đặt câu hỏi phản biện, học viên trả lời các câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Luận văn đã được Hội đồng đánh giá rất cao, có cơ sở lý luận và ứng dụng thực tiễn, Hội đồng đã chấm luận văn với số điểm 9.5/10.

 

Đại đức Thích Mật Tôn trình bày luận văn

 

Nam Định nói chung, Trực Ninh nói riêng là vùng đất có bề dày hàng ngàn năm lịch sử, văn hiến, hội tụ, toả sáng ở bản sắc văn hoá. Trực Ninh còn là “cái nôi” của văn hoá, văn nghệ dân gian. Vùng đất này đầy ắp những huyền thoại, truyền thuyết, giai thoại, thơ ca, hò vè… phản ánh quan niệm về thiên nhiên, xã hội con người ở mọi góc độ như: lao động, đấu tranh, chinh phục thiên nhiên và tình yêu đôi lứa. Trực Ninh còn được sử sách, dân gian truyền tụng ca ngợi là “xứ sở” của đình, chùa, lễ hội. Song hành với lịch sử, những ngôi chùa nổi tiếng của Trực Ninh còn đó, là những di sản văn hóa vô giá. Tiêu biểu về giá trị kiến trúc nghệ thuật là chùa Cổ Lễ. Là bộ phận ngôn từ của folklore, văn học dân gian được nghiên cứu từ góc độ thể loại. 

Trong các thể loại của văn học dân gian, theo sự phân chia tương đối thống nhất của các nhà nghiên cứu (trong nước và trên thế giới), truyền thuyết là thể loại tự sự dân gian được nhận diện bởi sự liên quan đặc biệt đến lịch sử dân tộc. Truyền thuyết và lễ hội vốn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nhờ truyền thuyết, lễ hội bám chặt gốc rễ vào mảnh đất đời sống, trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của con người. Truyền thuyết là chiếc cầu nối giữa niềm tin, cảm xúc của cộng đồng với tín ngưỡng, phong tục, tập quán. Niềm tin trong truyền thuyết được hiện thực hóa trong lễ hội. Thiền sư Nguyễn Minh Không còn được gọi là Lý triều Quốc Sư, Đức Thánh Tổ, là một Thiền sư giỏi về Phật pháp, pháp thuật, có công chữa bệnh cho vua Lý... Dân gian còn tôn Ông là Ông Tổ nghề đúc đồng ở Việt Nam. Tên tuổi Thiền sư Nguyễn Minh Không gắn liền với bao truyền thuyết, lễ hội ở nhiều chùa ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đây là hiện tượng văn hóa rất đáng lưu ý. Trong cuộc đời tu luyện Phật học, cứu nhân độ thế, Quốc sư Nguyễn Minh Không có nhiều công lao trong việc xây dựng chùa, tháp, trong đó có ngôi chùa Cổ Lễ (Trực Ninh - Nam Định). Sau khi Ông mất, nhân dân Cổ Lễ phối thờ Ông tại ngôi chùa này để thể hiện lòng tôn kính đối với vị cao tăng, có công với dân, với nước. Lễ hội chùa Cổ Lễ (Trực Ninh - Nam Định) là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định, tưởng niệm Thiền sư Nguyễn Minh Không (ngày14 tháng 9 Âm lịch), một ngày trọng đại đi vào tiềm thức nhân dân trong vùng. Mặt khác, trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam hiện nay đang đổi thay từng ngày, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước tốc độ phát triển về mọi lĩnh vực cùng với hội nhập quốc tế, văn hóa truyền thống dễ bị mai một nếu như chúng ta không có ý thức gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ sau. Trong sự đa dạng, phong phú của văn hóa truyền thống dân tộc, chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của truyền thuyết, lễ hội ở địa phương, vùng, miền, góp phần tạo nên giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc. Cho đến nay, số lượng các công trình của các nhà khoa học nghiên cứu, sưu tầm về truyền thuyết gặt hái được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, mảng truyền thuyết và lễ hội ở địa phương nghiên cứu theo góc độ văn học dân gian vẫn còn ít được quan tâm. 

 

TT. Thích Tâm Vượng tặng hoa chúc mừng tân thạc sĩ Thích Mật Tôn

 

Trong xu thế chung ấy, truyền thuyết và lễ hội về Thiền sư Nguyễn Minh Không ở chùa Cổ Lễ (Trực Ninh - Nam Định) cũng thu hút sự chú ý của các nhà khoa học nghiên cứu. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu này chủ yếu nghiên cứu theo góc độ sử học, chứ không phải dưới góc độ văn học dân gian. Nhân vật Nguyễn Minh Không, các truyền thuyết về Ông vẫn còn nhiều điểm chưa được làm rõ. Vì vậy, đề tài luận văn Thạc sỹ, Ngành văn học dân gian “Truyền thuyết và lễ hội về Lý triều Quốc sư Nguyễn Minh Không ở chùa Cổ Lễ, Nam Định”,với mong muốn phần nào làm sáng tỏ thêm về nhân vật Nguyễn Minh Không, vị trí của Thiền sư Nguyễn Minh Không trong tâm thức cộng đồng cư dân Nam Định. Đồng thời, cũng qua nghiên cứu truyền thuyết và lễ hội về Thiền sư Nguyễn Minh Không ở chùa Cổ Lễ, Nam Định, giúp chúng ta thêm một lần nữa hiểu sâu về văn học dân gian nói chung, truyền thuyết nói riêng của dân tộc, vừa là một hiện tượng văn học, vừa là một hiện tượng văn hoá. Bằng sự ngưỡng mộ và thành kính của mình, nhân dân sáng tạo, lưu truyền những truyền thuyết dân gian về Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Qua truyền thuyết, nhân dân tái hiện, tạo dựng hình ảnh về Nhà Sư đắc đạo, được phong Quốc sư, một lương y tài giỏi, một nhà văn hóa lớn. Trong hệ thống truyền thuyết về Lý triều Quốc sư Nguyễn Minh Không, người nghe tìm thấy những hình ảnh kỳ vĩ của người anh hùng hiện thân của những giá trị văn hóa dân tộc. Từ một con người có nguồn gốc xuất thân như bao người nông dân khác nhưng nhờ có sự thành tâm mà đắc đạo, trở thành một con người có nhiều thuật pháp và khả năng phi thường.

Trên cơ sở khảo sát, hệ thống truyền thuyết về Lý triều Quốc sư Nguyễn Minh Không có thể nhận thấy các truyện kể về Ông thuộc kiểu truyền thuyết danh nhân, nhấn mạnh cái tài của nhân vật. Theo những đặc trưng của tiểu loại truyền thuyết này, những truyện kể về Ông, chắt lọc các chi tiết, khắc họa tài năng, công lao to lớn của Ông với nhân dân và đất nước. Riêng với khu vực Cổ Lễ, công lao đó được cụ thể hóa bằng việc Ông xây chùa, chống hạn, chống lụt. Bằng truyện kể này, Quốc sư Nguyễn Minh Không từ một vị Thiền sư, một nhà y thuật trở thành một vị phúc Thần trong tâm thức của dân gian. Truyện kể dân gian về Lý triều Quốc sư Nguyễn Minh Không chứa đựng những mô-tip đặc trưng của hai tiểu loại truyền thuyết danh nhân. Các mô-tip đặc trưng của hai tiểu loại truyền thuyết này tập trung khắc họa những nét phi thường trong tài năng của Thiền sư Nguyễn Minh Không. Điều này làm nên vầng hào quang lung linh bao quanh con người thực của Ngài. Người ta kính trọng tôn thờ, kể về Ông như là một vị Thần giáng thế, mang vẻ đẹp kỳ vĩ về một con người luôn hết lòng vì nhân dân và dân tộc. 

 

Đại đức Thích Giác Hưởng tặng hoa chúc mừng

 

Trong giai đoạn lịch sử Phật giáo trở thành tôn giáo phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng tới mọi phương diện đời sống dân tộc, những Nhà Sư là người tập trung văn hóa tinh hoa của dân tộc, hình tượng của Quốc sư Nguyễn Minh Không chính là điển hình cho vẻ đẹp nhân cách của thời đại. Cùng với hệ thống truyền thuyết về Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, lễ hội chùa Cổ Lễ góp phần tạo dựng hình ảnh riêng về vị Quốc sư để lại nhiều kỉ niệm gắn bó với nhân dân địa phương. Lễ hội chùa Cổ Lễ là một trong những lễ hội lớn, tiêu biểu của tỉnh Nam Định, có sức sống lâu bền, thu hút đông đảo người tham gia, bảo lưu được nhiều nét sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Lễ hội chùa Cổ Lễ sở dĩ có vị trí, có sức sống lâu bền như thế bởi tự thân hàm chứa nhiều giá trị. Tr¬ước hết, lễ hội có cội rễ lịch sử, văn hoá lâu đời. Nhân vật đ¬ược phụng thờ trong lễ hội là nhân vật vừa mang tính huyền thoại vừa mang tính lịch sử. Đó chính là Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Ông là một Thiền sư¬ đức độ cao cả, một lương y trứ danh, một Ông Tổ nghề, một vị Thần có nhiều pháp thuật thần thông giúp nước, cứu đời. Đức Thánh Tổ xuất thân bình dân, thưở sinh thời gắn bó với sông nước, ruộng đồng. Vì thế, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tổ có ảnh hưởng và lan rộng, đặc biệt với cư¬ dân ở các vùng sông nước cả một vùng rộng lớn: Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình... Những sinh hoạt văn hoá dân gian diễn ra trong lễ hội vừa phong phú, vừa đa dạng, đan xen nhau, phản ánh đời sống văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đặc biệt, những nghi thức, trò chơi dân gian như: rước kiệu, bơi chải, múa rối, tổ tôm thu hút nhiều người, trở thành những sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng, cộng cảm của nhân dân.

Tin và ảnh: Đại đức Thích Giác Hưởng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin