Chi tiết tin tức

Nam Định: Chùa Ngô Xá, nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia

07:51:00 - 30/01/2014
(PGNĐ) -      Chùa Ngô Xá (Phi Lai) tọa lạc tại Chương Sơn, một ngọn núi đã gắn liền với lịch sử và sự phát triển của ngôi chùa giữa nơi vùng quê yên ấm và thanh bình. Từ thành phố Nam Định theo đường 12 hướng về Thị trấn Lâm khoảng 18 km, đến ngã ba Vàng (thuộc địa phận xã Yên Bình), rẽ phải vào theo đường 64A khoảng 6 km đến trụ sở UBND xã Yên Lợi, rẽ trái khoảng 300 mét là tới chùa. Nếu đi từ Thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục của tỉnh Hà Nam thì rẽ qua đường sắt hướng về Ý Yên khoảng 11 km và rẽ phải 300 mét là tới nơi. Ngoài ra còn rất nhiều đường đi khác nữa cũng rất thuận tiện.

 

Từ xa, chúng ta có thể nhìn thấy một ngôi cổ tự nhỏ nằm im lìm dưới những rặng cây xanh tốt, màu rêu phong đang thi gan cùng tuế nguyệt cho dù tường đã nứt, ngói đã viên vỡ viên xô, vữa rơi ra đôi mảng… nhưng vẫn làm ấm lòng của bao phật tử, bao du khách vẫn thường thường tới tụng kinh và chiêm bái.

 

Chùa Ngô Xá (Phi Lai), nơi lưu giữ tượng A Di Đà thời Lý

 

Chính điện

 

Nhà Tổ

 

Ban thờ Tổ

 

Nhà Mẫu

 

Ban thờ Mẫu

Ngược dòng thời gian cách đây hơn 900 năm, dưới thời vua Lý Nhân Tông, trên đỉnh núi Chương Sơn này là một Bảo tháp lừng lững giữa mây trời, một biểu tượng văn hóa của dân tộc ta thời bấy giờ, được xây dựng trong 9 năm (1108-1117). Theo Việt sử lược và Đại Việt Sử ký Toàn thư, các vua thời Lý đã xây dựng nhiều rất nhiều tháp Phật. Lý Thánh Tông (1023-1072) xây dựng 3 tháp; Lý Nhân Tông (1066-1127) xây dựng 9 tháp, trong đó có Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện tức tháp Chương Sơn (Ngô Xá)[1]. Chuyện xây tháp ở Chương Sơn, được Việt Sử Lược chéo, cũng được Đại Việt Sử ký Toàn thư còn ghi lại: “Hội Tường Đại Khánh năm thứ 8, vua Lý Nhân Tông ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện.”[2]

“Cổ tự Phi Lai truyền thắng tích

Long Sơn Thịnh Đại bá phương danh.”

 

Lối lên Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện

 

Di vật còn sót lại của Bảo tháp

 

Chân móng Bảo tháp

Theo sử sách như trên đã ghi lại nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện như: vua ngự chơi Chương Sơn năm 1107 [3], 3 lần rồng hiện lên ở Chương Sơn vào những năm 1107, 1114 và 1117[4]. Xem lại các đoạn sử trên, chúng ta thấy chưa bao giờ dưới một triều đại nào nhà Lý mà một nơi lại được nhà vua quan tâm chú trọng và “điềm lành” giáng xuống nhiều như vậy.

Nhưng rồi do biến cố của lịch sử, thăng trầm của thời đại và phong hóa của thời tiết, nhất là trong thời kỳ quân Minh xâm lược và đô hộ nước ta (1407-1427), chúng đã thi hành chính sách đồng hóa hòng làm cho người Việt mất hẳn tinh thần tự chủ theo một đường lối chủ trương của Minh Thành Tổ đến các quan quân đi xâm lược. Chúng đã đến nơi này và đã phá hủy tan tành, bằng địa Bảo tháp Chương Sơn. Nhìn những phiến đá, đống gạch, ngói vỡ nát không còn hình thù phủ lên toàn bộ di tích, nhìn các vết tích còn lại của những bộ phận trên hiện trường, chúng ta mới thấy được tính hủy diệt trong sự phá hoại của quân xâm lược nhà Minh. Có lẽ, do Bảo tháp Chương Sơn sừng sững trên núi cao với khí thế vươn lên của một dân tộc Đại Việt, quả là một cái đinh trong mắt bọn xâm lược. Với dã tâm nham hiểm tiêu diệt mọi biểu hiện văn hóa của dân tộc ta nên Bảo tháp Chương Sơn là mục tiêu quan trọng cần phải phá hủy, và chúng đã phá hủy Bảo tháp Chương Sơn như văn bia đã ghi lại. Giờ đây Bảo tháp chỉ còn là phế tích hoang tàn. Trên đỉnh núi ngày nay vẫn còn nền móng bằng đá vuông 19 mét của Bảo tháp và rất nhiều những di vật còn sót lại như là chứng tích một thời của ngôi Bảo tháp này vậy. Tương truyền trước kia ở phía trước Bảo tháp còn có ngôi chùa 100 gian bằng gỗ chạm chổ rất rất đẹp. Nhưng rồi trong cùng thời kỳ, quân xâm lược nhà Minh đã phá hủy hoàn toàn.

Những phiến đá xây dựng Bảo tháp còn sót lại

 

Những tháp bằng đất nung tìm thấy ở chân Bảo tháp trên núi

 

Những mảnh gạch trạm trổ công phu còn sót của Bảo tháp

Theo cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, Viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội, trong tuyển tập nhan đề “Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm” cũng viết: “Cướp được nước ta, trong 20 năm trời bên nền đô hộ hà khắc về chính trị, vơ vét tham tàn về kinh tế, giặc Minh đã thi hành một chính sách hủy diệt độc ác về văn hoá, giặc Minh đã quyết tâm đập cho tan nát những cơ cấu văn hoá dân tộc xây dựng suốt hơn 400 năm, chủ yếu dưới thời Lý - Trần. Vua Minh đã trực tiếp ra mật lệnh cho bọn tướng xâm lăng khi tiến quân vào nước ta, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá nào đều phải thiêu hủy, đập phá hết. Tên tướng Trương Phụ lượm lặt hết các sách vở cổ kim của ta, đóng thùng chở về Kim Lăng. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418 ), nhà Minh còn sai tiến sĩ Hạ Thì và hành nhân Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết. Năm 1419, nhà Minh lại cho người đem sách Khổng giáo, Đạo và Phật giáo của Trung Quốc sang thay thế cho những sách trước kia chúng lấy đi. Chính sách hủy diệt văn hoá thâm độc đó đã phá hoại gia tài văn hoá, tinh thần của dân tộc ta không phải là ít. Nếu không, cái gia tài văn hoá, văn học tư tưởng thời Lý Trần để lại sẽ phong phú biết chừng nào!”[5]

Giờ đây, cả khu di tích chỉ còn lại một ngôi chùa nhỏ, cổ kính được hai chị em bà Lương Thị Ngọc Vinh và Lương Thị Ngọc Phú thời Chúa Trịnh, đóng góp tiền của xây dựng lại ngôi chùa này. Tương truyền khi xây dựng xong chùa, hai bà còn đặt vào mỗi họng cột một nén bạc. Vì vậy nhân dân địa phương truyền tụng câu ca rằng:

“Đổ chùa thì lại làm chùa

Một trăm nén bạc đầu chùa trên kia.”

 

Các tấm bia hiện còn lưu giữ tại chùa

Theo nội dung văn bia niên đại Cảnh Trị thứ 8 (1670), hiện dựng tại chùa Ngô Xá, nội dung ghi lại việc tạo dựng cảnh chùa Chương Sơn như sau: “Ở thôn Thịnh Phúc, xã Ngô Xá, từ thuở khai thiên lập địa đã có dấu tích đá, gọi là “tam phi Chương Sơn”. Trước kia tại đây có ngôi Bảo tháp gọi là “Hồng Nghiêm Phúc Thánh”, nằm giữa đỉnh núi. Đến đầu triều Lý có ba bà Hoàng hậu xây chùa thờ Phật, xung quanh có 8 tòa nằm ở trên đỉnh núi. Trung tuần tháng 2 năm Đinh Hợi (1107) nhà vua ngự tới thăm chùa này. Đến năm Đại Khánh thứ 2 (1111), ngày 26 tháng 7 xây nhà bia ở phía đông bắc để truyền lại. Khi quân Ngô (Minh) đem quân xâm phạm cảnh này, chúng sinh lòng gian ác phá hủy các tượng Phật bằng đá, chỉ còn có tượng Phật bằng đá ở tầng thứ hai giữa đỉnh núi  mà thôi”. Cũng theo văn bia niên đại Cảnh Trị thứ 8 cho biết: “Tại xã Yên Hòa, huyện Ý Yên, phủ Nghĩa Hưng có Vương phủ Thị nội Cung tần tỷ khiêu ni Lương Thị Ngọc Vinh, hiệu là Thái Chân Tịnh Huệ Tiên cung Khánh Quang Bồ Tát. Năm lên 9 tuổi, bà được tiến vào cung. Ngọc Vinh rất sùng đạo Phật, đã cùng chị là Hùng uy phủ, Thị nội cung tỷ khiêu ni Lương Thị Ngọc Phú hiệu Vương Chân Quý Thắng Tiên cung Trung Đức Bồ tát, tầm sư học đạo. Sau khi hai bà đã thấm nhuần Phật pháp, Ngọc Vinh đã bỏ tiền của để xây dựng một ngồi chùa tại thôn Thịnh Phúc, xã Ngô Xá, huyện Ý Yên. Ngôi chùa gồm các hạng mục công trình: thượng điện, Thiêu huong và Bái đường. Các hạng mục đều được làm bằng gổ lim, mái lợp ngói nam, chạm trổ rất lộng lẫy tinh xảo. Công trình được khởi công từ ngày 1 tháng 7 năm Đinh Mùi (1667), đến năm Kỷ Dậu (1669) thì hoàn thành.”[6]

Theo văn bia “Tu hậu Phật thạch bi ký” niên đại Cảnh Hưng thứ 20 (1759) ghi lại việc sửa chùa thờ Phật hiện lưu giữ tại di tích như sau: “Tại xã Thiêm Lộc, huyện Ý Yên, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam, nước Đại Việt có ông Trần Thiết Cần và vợ là bà Ngô Thị Dậu đã đóng góp công sức tu sửa chùa và 100 quan tiền và 100 quan tiền để tu sửa lại đình Sơn Trương. Đến năm Đinh Sửu (1757), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16, ông bà đã công đức cho dân làng 100 quan tiền mua gỗ tu sửa lại 6 gian trong chùa.”[7]

Văn bia ghi lại việc tu sửa đình miếu và to son thếp vàng lại tượng pháp niên hiệu Gia Long thứ 4 (1805) như sau: “Nay có một vị thiền tăng húy là Vân, tên chữ là Khoan, xuất gia tu Phật. Một ngày thiền sư đến chùa Trương Sơn là một ngôi chùa cổ đã được liệt vào hàng danh lam, thuộc thôn Thịnh Phúc, xã Ngô Xá, huyện Ý Yên, phủ Nghĩa Hưng. Thiền tăng đã cho tu sửa lại Tiền đường, Hậu điện và mời thợ về to son thếp vàng lại tượng pháp.”[8]

Như vậy, qua các tư liệu hiện còn lưu giữ tại di tích chúng ta biết rằng quần  thể di tích Đình - chùa Ngô Xá (Phi Lai) và phế tích tháp Chương Sơn (Vạn Phong Thành Thiện) đã được xây dựng từ thời Lý Nhân Tông và trải qua các thời kỳ lịch sử di tích đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Đến thời Nguyễn, chùa Ngô Xá được thiền sư tên là Thiềm Quang, quê ở xã Thiêm Lộc (nay là khu vực xã Yên Tân, yên Chính), huyện Ý Yên về tu hành. Thiền sư đã tiến hành di chuyển ngôi chùa từ trên đỉnh núi xuống và cho dựng lại ở sườn phía nam như hiện nay. Theo dòng chữ Hán được khắc trên thượng lương tòa Bái đường chùa Ngô Xá thì chùa được dựng vào năm Duy tân thứ 3 (1909).

 

Chân bia đá thời Lý

 

Nét trạm trổ cầu kỳ của chân bia

Hiện nay trong chùa Ngô Xá chỉ còn lưu giữ được một số ít bảo vật thời Lý, đặc biệt là pho tượng A Di Đà bằng đá cao 2,16 mét với nét chạm trổ tinh tế thấm đượm tinh thần dân tộc. Đây là một trong những tượng Phật bằng đá có niên đại sớm nhất, thời Lý, hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ. Đó là 5 tượng A Di Đà trong các ngôi chùa: chùa Một Mái (trên núi Sài Sơn, còn gọi là núi Chùa Thầy); chùa Huỳnh Cung (Hà Nội); chùa La Khê (Hà Nội); chùa Ngô Xá (Nam Định), chùa Phật Tích (Bắc Ninh) và 2 pho Kim Cương - một  ở chùa Phật Tích (hiện bảo tồn ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) và một ở chùa Long Đọi (Hà Nam). Theo các nhà khảo cổ học, chỉ có pho tượng của chùa Ngô Xá đủ tư cách đại diện cho điêu khắc nhân dạng Phật giáo thời Lý, vì duy nhất pho tượng này còn nguyên vẹn so với các pho tượng khác cùng thời. Các pho tượng Phật khác thời Lý đều không còn nguyên vẹn, như pho tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích cũng chỉ còn phần thân và đế là nguyên gốc thời Lý, phần đầu tượng là sản phẩm của thế kỷ 17.

Bảo vật Quốc gia, tượng Phật A Di Đà thời Lý

 

Một di tích có bề dày lịch sử như vậy, nhưng kể từ khi Sư tổ của chùa tham gia hoạt động cách mạng, và bị giặc Pháp đánh bị trọng thương rồi sau đó viên tịch tại đây vào năm 1948 thì chùa không có nhà sư nào tiếp quản trụ trì. Dân làng phải cắt cử người ra trông coi chùa. Đến ngày 10/8/2005, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định (nay là Ban trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định) đã công cử đại đức Thích Giác Vũ, Phó trụ trì chùa Vọng Cung, thành phố Nam Định về đây trụ trì và phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân.

 

Lễ đón nhận Bằng Di tích cấp Quốc gia

 

Đại đức Trụ trì đón nhận Bằng xấp hạng Di tích cấp Quốc gia

Tiếp bước tiền nhân, năm 2005, đại đức trụ trì cùng dân làng đã xây dựng Tổ đường; năm 2006, xây tháp Tổ và tượng Quan Âm Bồ tát; năm 2007, xây nhà khách; 2008, xây cổng Tam quan; năm 2010, xây dựng nhà Mẫu; năm 2012, tu bổ chùa chính, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ…

Ngày 06/9/2007, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ký Quyết định số 2038/QĐ-UBND, xếp hạng Di tích cấp tỉnh quần thể di tích Đình - chùa Ngô Xá và phế tích tháp Chương Sơn. Tiếp theo ngày 06/6/2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 2136/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng Di tích Quốc gia Đình - chùa Ngô Xá và phế tích tháp Chương Sơn. Đặc biệt, ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra Quyết định số 2599/QĐ-TTg, về việc công nhận 37 bảo vật Quốc gia, trong đó có pho tượng A Di Đà thời Lý hiện đang lưu giữ tại chùa Ngô Xá.

 

Ngày nay, nhờ sự đổi mới của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong sự phát triển đi lên của xã hội, các di tích lịch sử đang dần dần được khôi phục. Hòa chung vào xu thế đó, với một mong muốn và khát khao cháy bỏng của đại đức trụ trì và nhân dân địa phương nơi đây là dần dần từng bước khôi phục lại những gì mà hơn 900 năm về trước, ông cha ta đã dầy công xây dựng lên, một biểu tượng văn hóa lẫy lừng, một niềm tự hào kiêu hãnh của dân tộc ta lúc bấy giờ. Xứng đáng với tầm vóc, quy mô và vai trò của ngôi chùa Ngô Xá trong lịch sử của dân tộc ta.

 

Sách tham khảo

  1. Theo Việt sử lượcĐại Việt sử ký toàn thư: Các vua thời Lý đã xây dựng nhiều tháp. Lý Thánh Tông xây 3 tháp (tháp Đại Thắng Tự Thiên tức tháp Báo Thiên, tháp Tường Long và tháp Phật Tich); Lý Nhân Tông xây 9 tháp (tháp Cảnh Long Đồng Khánh, 2 tháp sứ trắng ở chùa Diên Hựu, 3 tháp tháp đá ở chùa Lãm Sơn, tháp Vạn Phong Thành Thiện tức tháp Chương Sơn, tháp Thất Bảo, tháp Sùng Thiện Diên Linh).
  2. Cao Huy Gia dịch, Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Hà Nội, 1967. Tập 1, trang 247
  3. Trần Quốc Vượng dịch, Việt sử lược, Nhà xuất bản Hà Nội, 1960. Trang 122
  4. Việt sử lược - sách đã dẫn. Trang 125, 127. Đại Việt sử ký toàn thư - sách đã dẫn. Trang 247
  5. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội,
  6. Tái tạo Trương Sơn tự bi ký, Bia niên đại Cảnh Trị thứ 8 (1670)
  7. Tu hậu Phật thạch bi ký, Bia niên đại Cảnh Hưng thứ 20 (1759)
  8. Hậu Phật bi ký, Bia niên đại Cảnh Hưng thứ 31 (1770)

                                                                                             

                                     

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin