Chi tiết tin tức Quảng Nam: Lễ tưởng niệm HT.Thích Giác Tánh 07:13:00 - 23/02/2015
(PGNĐ) - Sáng ngày 22/2/2015 (4/1/Ất Mùi), tại chùa Đạo Nguyên (TP.Tam Kỳ) lễ tưởng niệm ngày viên tịch cố Hòa thượng Thích Giác Tánh.
Quang lâm niêm hương bạch Phật có TT.Thích Phước Minh, UV HĐTS, Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh; cùng chư tôn đức Tăng Ni và đông đảo phật tử tại TP.Tam Kỳ, các huyện thành phố trong tỉnh và môn đồ Pháp quyến Tăng chúng chùa Đạo Nguyên.
TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC TÁNH (1911 - 1987) Hòa thượng thế danh là Võ Phi Long, pháp danh Nguyên Lưu, pháp tự Chí Ý, pháp hiệu Giác Tánh. Thuộc đời thứ 44 dòng thiền Lâm Tế, phái Liễu Quán. Ngài sinh ngày 2 tháng 3 năm Tân Hợi (1911), tại làng Vĩnh Lộc, xã Bình Hòa, quận Bình Khê (Tây Sơn), tỉnh Bình Định trong một gia đình nhiều đời có truyền thống Phật giáo. Thân phụ Ngài là cụ Võ văn Trí và thân mẫu là cụ Hà Thị Tước. Khi Ngài vừa tám tuổi thì thân phụ qua đời.
Năm Quí Hợi (1923), do túc duyên từ nhiều đời, thân mẫu chấp thuận và trực tiếp đưa Ngài đến chùa Hưng Long, thuộc thôn Dương Lăng, xã Nhơn An, quận An Nhơn, tỉnh Bình Định, cầu xin xuất gia với Hòa thượng Huệ Chiếu. Năm ấy Ngài được mười ba tuổi. Năm Đinh Mão 1927, khi vừa đúng tuổi mười bảy, Ngài được thọ giới Sa Di tại trường Hương chùa Long Khánh (Quy Nhơn), do Hòa thượng Chánh Nhơn làm đàn đầu. Năm Tân Mùi (1931), 20 tuổi Ngài thọ Tỳ Kheo Bồ Tát giới tại Đại giới đàn Gia Khánh tỉnh Bình Định, do Hòa thượng Huyền Ngộ làm đàn đầu. Năm 1934, 23 tuổi Ngài đến chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) tham học với Hòa thượng Diệu Trang, Tăng cang Tổ đình Thiên Ấn. Năm 1935, 24 tuổi Ngài về Tổ đình Thập Tháp (Bình Định) tham học với Quốc sư Phước Huệ. Năm 1936, 25 tuổi khi Quốc sư Phước Huệ được triều đình cung thỉnh ra giảng pháp nơi hoàng cung và cho Tăng Ni ở Huế, Ngài được theo Quốc sư trực tiếp tham học để bổ sung kiến thức Phật học.
Trong thời gian lưu trú ở Huế, Ngài học tại Phật học đường chùa Tây Thiên do Quốc sư Phước Huệ giảng dạy. Các Pháp hữu đồng học cùng Ngài lúc bấy giờ gồm các vị: Mật Nguyện, Hành Trụ, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Huyền Tân, Bình Chánh, Trí Nghiêm... Sau khi ra trường Ngài là một trong những cổ động viên của Đoàn Thanh Niên Tăng Lữ tại Phật học đường Báo Quốc (Huế). Năm 1942, Ngài được Đà Thành Phật Học Hội cung thỉnh làm giảng sư ở Phật học đường chùa Phổ Hiền, Đà Nẵng. Năm 1943, Ngài trở về chùa Hưng Long (Bình Định) thành lập Phật học đường để giảng dạy cho Tăng Ni tại tỉnh và một bộ phận chúng Tăng của Phật học đường Phổ Hiền đưa vào. Cũng thời gian này, Đoàn Thanh Niên Tăng Lữ Huế được Ngài đổi thành Đoàn Thanh niên Tăng sĩ Bình Định.
Năm 1945, nhiều biến động lịch sử xảy ra trên thế giới lẫn ở Việt Nam. Hoạt động của Phật học đường cũng bị ảnh hưởng nên phải đình chỉ tất cả. Một số Tăng sinh trở về trú xứ hoặc tham gia trực tiếp vào các hoạt động xã hội khác. Các bậc cao minh túc trí lãnh đạo Phật giáo Bình Định nhận định rằng không thể để tình trạng đó kéo dài, làm ảnh hưởng đến việc đào tạo những thế hệ kế thừa hoằng truyền chánh pháp. Do đó, đối với tình hình đất nước, việc trước mắt là thành lập HỘI PHẬT GIÁO CỨU QUỐC do các Ngài Tâm Hoàn, Bình Chánh, Huyền Quang, Kế Châu và Ngài khởi xướng hoạt động, góp phần đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng thời quy tụ và củng cố lại nội bộ Tăng Già. Kết quả đa số quần chúng Phật tử và các giới đồng thanh ủng hộ tham gia. Do những việc làm tích cực đó nên Ngài được bầu vào Hội đồng Nhân dân xã Nhơn An và huyện An Nhơn trong những năm 1945-1952. Và cũng trong giai đoạn này, Ngài cùng các Hòa thượng kể trên sáng lập Chúng Lục Hòa Phật Giáo Liên khu 5.
Năm 1946, Ngài cùng các Hòa thượng sáng lập đã tổ chức Hội nghị để đổi tên Hội Phật Giáo Cứu Quốc thành Phật giáo Việt Nam. Ngài được giữ chức Kinh Tài của Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định. Từ năm 1948 đến 1958, trong thập niên này, Ngài lần lượt đảm nhận các chức vụ Phó Giám đốc các Phật học đường Thiên Đức, Nhạn Sơn và Thập Tháp. Năm 1952, Ngài cùng các Hòa thượng trong tỉnh đứng ra tổ chức Trường Kỳ ở chùa Thiên Bình (Bình Định) để truyền trao giới pháp cho chúng Tăng. Năm 1954, Ngài được công cử ra Huế liên lạc với Phật giáo Trung phần. Sau khi trở về, Ngài cùng chư tôn túc thực hiện sứ mạng cải tổ hai tổ chức Phật giáo hoạt động song song với nhau đó là thành lập Giáo Hội Tăng Già và Tổng Hội Phật Giáo. Năm 1956, Ngài đảm nhận chức vụ Phó Trưởng ban Kiến thiết trùng tu Tổ đình Thập Tháp, Bình Định. Năm 1958, Ngài cùng Hòa thượng Tâm Hoàn trùng tu ngôi Tổ đình Long Khánh, Qui Nhơn. Cũng trong năm này Ngài được Hòa thượng Thích Trí Thủ Giám đốc Phật học viện Trung phần (Hải Đức, Nha Trang) thỉnh cử vào hàng chức sự truyền giới. Năm 1959, Ngài trùng tu Tổ đình Hưng Long và làm trưởng Ban Quản trị Tu Viện Nguyên Thiều. Năm 1961, Giáo Hội Tăng Già Trung phần công cử Ngài làm Phó Ban Trị sự, đồng thời mở Đại giới đàn tại chùa Linh Quang và cung thỉnh Ngài vào hàng Thập sư truyền giới. Năm 1963, Ngài được suy cử làm Tổng Thư ký cho hai tổ chức Giáo Hội Tăng Già và Tổng Hội Phật Giáo để lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo của Tăng tín đồ Phật Giáo tỉnh Bình Định. Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, Ngài được Viện Hóa Đạo công cử làm Chánh đại diện miền Liễu Quán và là thành viên của Hội đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống. Cùng năm này, Ngài cùng chư huynh đệ trùng tu lại ngôi Tổ Đình Thiên Đức.
Năm 1968, miền Liễu Quán tổ chức Đại giới đàn Hải Đức tại Nha Trang, cung thỉnh Ngài vào hàng Thập sư truyền giới và Đại giới đàn chùa Long Khánh Quy Nhơn đã cung thỉnh Ngài làm Giáo thọ A Xà Lê. Năm 1969, Giáo Hội cải tổ và hệ thống hóa tổ chức hành chánh các Phật học viện toàn quốc, Ngài lần lượt được suy cử các chức vụ như: Cố vấn, Giám luật, Giáo thọ trưởng... ở nhiều Phật học viện nhất là ở hai Phật học viện Nguyên Thiều và Phước Huệ. Năm 1971, miền Vạn Hạnh tổ chức Đại giới đàn Vĩnh Gia tại Phật học viện Phổ Đà, Đà Nẵng, Ngài được cung thỉnh vào hàng Thập sư truyền giới. Năm 1973, miền Liễu Quán tổ chức Đại giới đàn Phước Huệ tại Phật học viện Trung phần Nha Trang, Ngài được cung thỉnh làm Yết Ma A Xà Lê truyền giới. Ngài luôn xem nhiệm vụ nhiếp hóa đồ chúng bằng “Trực tâm thị đạo tràng”. Vì vậy những đóng góp tích cực của Ngài cho đạo pháp và dân tộc là tiếng nói chung cho Tăng Ni Phật tử noi theo. Sau năm 1975, Ngài được mời giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghĩa Bình. Năm 1979, Ngài được mời vào Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Trí Thủ làm Trưởng ban. Năm 1981, tại Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo toàn quốc họp tại Hà Nội, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập, Ngài được suy cử vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Năm 1986, Ngài đã góp phần vận động thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Nghĩa Bình khóa 1. Và Cố vấn cho Ban Trị sự Phật giáo tỉnh trong khóa 2. Từ năm 1982 đến 1985, tại Tổ đình Long Khánh (Quy Nhơn), Ngài liên tục được cung thỉnh làm Thiền chủ trong các mùa An cư kiết hạ. Ngày 17 tháng 11 năm Bính Dần (1986), Ngài bắt đầu nhuốm bệnh và đã nhận thấy trước cơ duyên viên mãn. Theo nguyện vọng của Ngài và Sơn môn, Ngài được đưa về chùa Thiên Đức ngày 30.01.1987 để tịnh dưỡng. Trong thời gian này Ngài đã ân cần dạy bảo Tăng chúng, Phật tử những điều thiết yếu để có thể sống hữu ích cho đạo, cho đời. Bốn giờ sáng, ngày mùng 4 tháng giêng năm Đinh Mão (1.2.1987) tại chùa Thiên Đức - Bình Định, Ngài đã an nhiên thị tịch, hưởng thọ 77 tuổi đời, 57 hạ lạp, sau bao năm sống vì hạnh nguyện độ sanh.
Quang Thanh Ban TTTT PG Quảng Nam
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |